Vì Sao Miền Bắc Chiến Thắng? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
23 tháng 1, 2014

Vì Sao Miền Bắc Chiến Thắng?

Hà Nội đã chủ động đẩy tiến hành cuộc chiến tới cùng
Vũ Tường - Phó Giáo sư, Đại học Oregon, BBC: 37 năm sau khi chiến tranh kết thúc ở Việt Nam, cuối cùng chúng ta mới có trên tay một công trình nghiên cứu coi trọng vai trò của các lãnh tụ Bắc Việt trong cuộc chiến đó.

Họ là người đã phát động cuộc chiến và đã chiến thắng. Theo nghĩa này tác phẩm 'Cuộc chiến tranh của Hà Nội' (nguyên bản - Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam) của tiến sĩ Nguyễn Liên Hằng, phó giáo sư, khoa Lịch sử, ĐH Kentucky, thực sự có giá trị mở đường.

Mặc dù phần lớn quyển sách tâp trung vào giai đoạn từ 1968 đến 1972, ba chương đầu dành riêng cho chuyện chính trị nội bộ miền Bắc.

Nội dung của ba chương này thuật lại chuyện Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng Lao Động Việt Nam (sau này đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam), lên nắm quyền vào cuối thập niên 1950, và sau đó củng cố quyền lực với sự hỗ trợ của Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, và Trần Quốc Hoàn. Phe của Duẩn không chỉ độc chiếm quyền lực của Đảng bằng cách vô hiệu hóa những lãnh tụ khác như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.

Lê Duẩn và phe nhóm của ông ta còn dựng lên một nhà nước công an trị để bức hại văn nghệ sĩ và giam cầm những ai chỉ trích chính sách hiếu chiến của họ.

'Con bạc khát nước'

Dưới ngòi bút của TS Hằng, những lãnh tụ của miền Bắc hiện ra như những con bạc khát nước.

Họ thường xuyên đánh giá quá thấp kẻ thù và thua hết trận này đến trận khác. Cuối cùng họ thắng cuộc chủ yếu không phải nhờ thiên tài quân sự hay vì họ giành được con tim khối óc của người miền Nam, nhưng một phần nhờ vào bộ máy công an giữ nhân dân miền Bắc trong khuôn khổ kỷ luật, và một phần nhờ vào việc vận động thành công sự giúp đỡ của phe cộng sản và sự ủng hộ của dư luận thế giới.

Quyển sách này cho thấy Hà Nội kiểm soát rất chặt Mặt trận Giải phóng, qua chi tiết này đóng góp thêm một tiếng nói loại bỏ huyền thoại về một cuộc cách mạng tự phát ở miền Nam.

Bà Hằng có lẽ là tác giả đầu tiên lập luận rằng không phải Tổng thống Mỹ Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara mà chính là chiến lược đánh bạc sát ván của Lê Duẩn dẫn đến việc quân Mỹ vào Việt Nam năm 1965.

Tương tự, không chỉ Tổng thống Mỹ Nixon và Cố vấn Kissinger muốn kéo dài chiến tranh vào năm 1968, mà cả hai chính quyền Sài gòn và Hà nội vì những lý do riêng không muốn đàm phán cho hòa bình.

TS Hằng cũng là học giả đầu tiên viết về những lãnh tụ có vai trò thực sự quyết định ở miền Bắc, đó là phe Duẩn-Thọ. Giới học giả Tây phương cho đến nay đã bị ám ảnh bởi những lãnh tụ bề ngoài có vẻ nổi trội như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp nhưng thực chất những nhân vật này không phải là người quyết định chủ yếu trong cuộc chiến tranh.

Lẽ ra TS Hằng có thể đi sâu hơn vào những toan tính của Lê Duẩn trên cơ sở những tài liệu đã được bạch hóa. Xin mời đọc đoạn trích sau đây từ bài nói của ông ta ở Hội nghị Trung ương 14 và tháng Giêng năm 1968 ngay trước Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân:

“Tôi nghe anh em miền Nam nói tinh thần [quân đội Mỹ ngụy] bạc nhược lắm, nó sợ vô cùng. Sư đoàn 25 của nó cũng yếu đi rồi. Ở Huế ta đánh mạnh là nó tan rã. Mỹ đấy. Còn về quân ngụy, nó yếu vô cùng, nghe anh em nói khi ta đánh nó khóc lóc, bạc nhược vô cùng.”

Dựa vào cách đánh giá kẻ địch như trên, Duẩn tin rằng cuộc Tổng tiến công sẽ chẳng đem lại rủi ro nào: “Ở Hà Nội, lúc đầu một trung đoàn Thủ đô đánh hai tháng ra có việc gì đâu, huống chi bây giờ ta làm chủ, ta vào Sài gòn đánh vài ba tháng ta ra cũng được, không có chuyện gì…”

Chúng ta đều biết các lực lượng cộng sản bị thiệt hại nặng nề trong Tết Mậu thân. Nhưng ít ai biết những toan tính của các lãnh tụ miền Bắc khi họ ném hàng chục ngàn bộ đội vào một chiến dịch mà phần lớn sẽ bị tàn sát.

'Nhà nước công an trị'

Những lời nói từ chính miệng của Lê Duẩn không chỉ cho thấy những tính toán sai lầm lớn của ông ta mà còn cho thấy ông là một người chỉ huy quân sự liều mạng đến mức điên rồ: đánh giá thấp địch quân một cách quá đáng và tổ chức trận đánh mà không cần tính đến đường rút nếu thất bại.

Việc ông ta kiên trì theo đuổi cùng một chiến lược cho đến năm 1975 cho thấy ông ta cuồng tín đến mức nào. Công bằng mà nói, Lê Duẩn đã “đoán trúng” tinh thần bạc nhược của một bộ phận kẻ địch.

Nạn nhân của chế độ công an trị bao gồm cả cựu đồng chí của ông Hồ

Nhưng không phải lính “Mỹ ngụy” bạc nhược như ông ta đoán, mà Johnson và McNamara bạc nhược và xuống thang chiến tranh mặc dù chỉ có rất ít người dân Sài Gòn nổi dậy đón mừng quân giải phóng.

Vì một canh bạc rủi ro cao như thế nên chúng ta không ngạc nhiên khi Duẩn và phe cánh của ông ta tung toàn bộ bộ máy Nhà nước công an trị vào cuộc để bắt giữ những người có thể trong quá khứ hay tương lai sẽ chỉ trích chính sách phiêu lưu của họ.

Chi tiết trong sách của TS Hằng về bộ máy khủng bố của công an miền Bắc là một trong những đóng góp quan trọng nhất của công trình này.

Sự tồn tại của một nhà nước công an trị ở miền Bắc Việt Nam có thể ủng hộ lập luận của những người tin rằng Hoa Kỳ đã đúng khi can thiệp để giúp miền Nam thoát khỏi số phận hẩm hiu của miền Bắc.

Sau chiến thắng của Hà Nội, hàng chục ngàn viên chức, trí thức, văn nghệ sĩ, và các lãnh tụ tôn giáo đúng là đã bị cầm tù trong các trại “cải tạo”, nhiều người trong hơn một thập niên, cũng chung số phận với Hoàng Minh Chính và Vũ Đình Huỳnh, những đảng viên cộng sản cao cấp, đồng chí cũ của Lê Duẩn và Hồ Chí Minh bị buộc tội và cầm tù vì theo “chủ nghĩa xét lại”.

Tuy nhiên, quyển sách này không đem đến một kết luận chắc chắn về việc Hoa Kỳ và đồng minh miền Nam có thể chiến thắng hay không.

Đây là một câu hỏi đã gây rất nhiều tranh luận. Trên một bình diện thì câu chuyện về đấu đá phe cánh chính trị ở miền Bắc cho thấy cuộc chiến không phải được tất cả người miền Bắc ủng hộ như nhiều người nghĩ.

Nhiều người dân hay lãnh đạo Đảng miền Bắc chắc chắn không ủng hộ chiến thắng với bất cứ giá nào kiểu Lê Duẩn. Những sai lầm chiến lược của Lê Duẩn trong Tết Mậu thân chỉ ra chỗ yếu của ông ta mà nếu được khai thác đúng mức có thể giúp cho nỗ lực chiến tranh của Sài gòn và Washington.

Một cuộc phản công mạnh mẽ hơn (thay vì xuống thang chiến tranh) sau Tết Mậu thân có thể đã buộc Lê Duẩn phải mất chức.

'Duẩn-Thọ lấn lướt'

Tuy nhiên, một sự thực khác là phe Duẩn-Thọ trước đó đã rất thành công trong việc bóp nghẹt những chỉ trích kế hoạch Tết Mậu thân của họ. Trước sự lấn lướt của Duẩn-Thọ, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp đều tỏ ra hèn nhát không dám bảo vệ những người cộng sự và tay chân thân tín của mình bị họ bắt giam vì tội “xét lại”.

Những việc này làm cho chúng ta khó tưởng tượng được ai sẽ là người có thể loại được Duẩn-Thọ ra khỏi quyền lực.

Mà nếu Duẩn-Thọ vẫn còn đó, sự bướng bỉnh của họ cộng với bộ máy an ninh đầy quyền lực do họ chỉ đạo có nghĩa là miền Bắc sẽ tiếp tục chiến đấu đến người cuối cùng nếu cần.

Phe của ông Duẩn được cho là lấn lướt cả ông Hồ Chí Minh

Mặc dù TS Hằng sử dụng những tài liệu có giá trị nhất hiện có, sách của bà không chứa đựng nhiều chi tiết về vai trò của các nhân vật khác trong Bộ Chính trị trong việc đưa ra những quyết định quan trọng, ví dụ như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh và Lê Thanh Nghị.

Có phải những nhân vật này chỉ đơn thuần cam chịu chấp nhận đường lối quân sự hiếu chiến của phe Duẩn-Thọ, hay là họ tích cực ủng hộ đường lối đó? Cũng tương tự như vậy, còn nhiều chi tiết về bộ máy an ninh chưa được biết rõ và cần được nghiên cứu thêm.

Công trình này của TS Hằng cũng cho thấy sự cần thiết nghiên cứu về cách mạng Việt Nam trong đó cuộc chiến tranh chỉ là một giai đoạn. TS Hằng đúng khi cho rằng Lê Duẩn coi cuộc chiến là ưu tiên số một.

Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội cũng quan trọng với Duẩn và tất cả các đồng chí của ông ta, dù họ có hay không xem cuộc chiến là ưu tiên số một. Trong tác phẩm “Đường lối cách mạng miền Nam” viết năm 1956, Duẩn xem cuộc chiến ở miền Nam không chỉ để thống nhất đất nước mà còn để lật đổ ách thống trị của “chủ nghĩa thực dân mới Mỹ” và “chế độ độc tài phong kiến” Ngô Đình Diệm.

Ông ta tin chắc rằng, “Thắng lợi thuộc về sự nghiệp vinh quang thống nhất, độc lập dân tộc của dân tộc ta, thuộc về cộng sản chủ nghĩa vĩ đại của chúng ta.”

Lê Duẩn kêu gọi tiến hành cách mạng ở miền Nam nhưng đồng thời tán thành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Việc xây dựng này cũng được định nghĩa như một cuộc đấu tranh giai cấp chống lại “những giai cấp phản cách mạng” và giai cấp nông dân với nền kinh tế “tiểu nông, lạc hậu.” Duẩn là người đi đầu ủng hộ chính sách hợp tác hóa nông nghiệp vào cuối thập niên 1950 cũng như chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng ở miền Bắc vào đầu thập niên 1960.

Tóm lại, công trình của TS Hằng đã đặt người Việt Nam (chủ yếu là người miền Bắc) vào vị thế trung tâm trong cuộc chiến. Đó là vị trí xứng đáng của họ. TS Hằng giúp chúng ta hiểu thêm miền Bắc đã chỉ đạo và chiến thắng ra sao.

Nhưng công trình của TS Hằng còn có một đóng góp quan trọng khác. Các học giả ngành Việt Nam Học và những nhà nghiên cứu chiến tranh Việt Nam thường không quan tâm đến nghiên cứu của nhau. TS Hằng đã dũng cảm đem hai nhóm đến gần nhau và buộc họ phải trả lời những câu hỏi khó.

Bài do tác giả Vũ Tường tự dịch. Nguyên bản bằng tiếng Anh có thể truy cập tại địa chỉ: www.h-net.org/~diplo/roundtables/PDF/Roundtable-XV-9.pdf.

Cuộc chiến tranh của Hà Nội là tác phẩm của TS Nguyễn Thị Liên Hằng, phó giáo sư, khoa Lịch sử, ĐH Kentucky. Nguyên bản tiếng Anh: Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 2012).
Vì Sao Miền Bắc Chiến Thắng? Reviewed by Unknown on 1/23/2014 Rating: 5 Hà Nội đã chủ động đẩy tiến hành cuộc chiến tới cùng Vũ Tường - Phó Giáo sư, Đại học Oregon, BBC: 37 năm sau khi chiến tranh kết thúc ...

Không có nhận xét nào: