Nhịp Cầu Hoàng Sa - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
8 tháng 1, 2014

Nhịp Cầu Hoàng Sa

Huy Đức: Sau 40 năm, trận hải chiến chống lại quân Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa (diễn ra ngày 19-1-1974) đã được viết lại đầy đủ và sống động trên báo Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, theo nhiều bạn đọc, bên cạnh việc làm cần thiết là ghi lại những tấm gương giữ nước quả cảm, chúng ta cần làm điều gì đó thiết thực hơn cho thân nhân những người lính đã hy sinh ở Hoàng Sa và cho những người lính từ Hoàng Sa trở về sống âm thầm suốt 40 năm qua.

Đây không chỉ là vấn đề vật chất mà còn là thái độ của người Việt Nam hôm nay trước anh linh của những thế hệ cha anh “vệ quốc vong thân”.

Chắc chắn, ở đâu trên Tổ quốc này cũng còn rất nhiều những sự hy sinh cần được nhìn nhận, những số phận cần được chia sẻ. Mỗi người Việt Nam sẽ chọn cho mình một cách riêng để bày tỏ nghĩa cử của mình. Chúng tôi chọn Hoàng Sa như một nhịp cầu để nối những nghĩa cử ấy và mong trên nhịp cầu này sẽ bắt đầu những bước đi chung của người Việt Nam từ muôn phương.

Cho đến nay, chúng tôi mới chỉ có địa chỉ liên lạc gia đình của ba người lính đã hy sinh ở Hoàng Sa: Bà quả phụ trung tá Ngụy Văn Thà, nhũ danh Huỳnh Thị Sinh sinh 1948, cư ngụ tại Sài Gòn; Bà quả phụ Nguyễn Thành Trí, nhũ danh Ngô Thị Kim Thanh sinh năm 1946, cư ngụ tại Sài Gòn; Ông Vương Lăng, em ruột tử sĩ Vương Thương, cư ngụ tại Huế.

Chúng tôi cũng liên lạc được với một số cựu binh tham gia trận hải chiến Hoàng Sa 1974: Trung úy Phạm Ngọc Roa, tàu HQ 4, cư ngụ tại Đức Trọng, Lâm Đồng; Trung sĩ Vũ Văn Chu, tàu HQ 4, cư ngụ tại Quận 06, Sài Gòn (từ năm2011, ông Chu bị tai biến liệt nửa người, cuộc sống hiện đang chật vật); ÔngLữ Công Bảy, giám lộ trên tàu HQ 4, cư ngụ tại Quận Thủ Đức, Sài Gòn; Thượngsĩ nhất Trần Dục, tàu HQ 4, cư ngụ tại Phú Vang, Thừa Thiên Huế; Ông Trần VănHà, thợ máy trên tàu HQ 10, cư ngụ tại Giá Rai, Bạc Liêu; Trung sĩ điện tử Đỗ Văn Thọ, tàu HQ 4, cư ngụ tại Hóc Môn, Sài Gòn; Trung úy Nguyễn Đình Long, tàu HQ 4, cư ngụ tại Đà Lạt; Trung úy Ngô Thế Long, cư ngụ tại Cam Lâm, Khánh Hòa; Trung sĩ cơ khí Vũ Đình Thung, tàu HQ-4, cư ngụ tại Tuy Phong, Bình Thuận.

Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm thân nhân những người đã bỏ mình ở Hoàng Sa, những người đã tham chiến ở Hoàng Sa, đặc biệt là những người đang cần sự giúp đỡ.

Chúng tôi – gồm: Kỹ sư Đỗ Thái Bình, chi hội trưởng Hoàng Sa – Trường Sa, Hội KHKT Biển Việt Nam; cựu binh Lữ Công Bảy, giám lộ trên tàu HQ 4, tham chiến trận hải chiến Hoàng Sa 1974; nhà báo Huy Đức; nhà báo Vũ Kim Hạnh, cựu Tổng biên tập Tuổi Trẻ; nhà báo Thế Thanh, cựu Tổng biên tập báo Phụ Nữ TPHCM – cùng đứng ra vận động sự đóng góp của người Việt Nam đang sinh sống ở khắp nơi cho chương trình “Nhịp Cầu Hoàng Sa”.

Những khoản đóng góp này sẽ được dùng để góp phần giúp bà quả phụ Ngụy Văn Thà mua một căn hộ chung cư; giúp thân nhân và những cựu binh Hoàng Sa đang thực sự khó khăn.

Kính mong những người Việt Nam đang sinh sống ở trong và ngoài nước, những người đang trăn trở cho một Việt Nam thống nhất lòng người, cùng với chúng tôi tham gia nhịp cầu này, nhịp cầu Hoàng Sa.

Tiền Việt Nam và ngoại tệ, ghi là góp cho chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa, xin gửi về: Đỗ Thanh Triều – số TK : 1000343796 (ngân hàng Citibank Việt Nam – 115 Nguyễn Huệ, tầng trệt tòa nhà Sunwah, Quận 1, TP.HCM) – Swift code: CITIVNVX


Nhịp Cầu Hoàng Sa Reviewed by Unknown on 1/08/2014 Rating: 5 Huy Đức: Sau 40 năm, trận hải chiến chống lại quân Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa (diễn ra ngày 19-1-1974) đã được viết lại đầy đủ và sống ...

Không có nhận xét nào: