Sự Hèn Hạ Của Chính Sách Đối Ngoại Phụ Thuộc Và Luồn Cúi - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
14 tháng 2, 2014

Sự Hèn Hạ Của Chính Sách Đối Ngoại Phụ Thuộc Và Luồn Cúi

Kami, RFA Blog: Chỉ còn vài ba ngày nữa là tới ngày 17.2. Ngày này cách đây đúng 35 năm, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã nố súng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía bắc để tấn công Việt nam. Hậu quả là giết hại, làm bị thương khoảng hơn 60,000 binh lính và dân thường Việt Nam. Cuộc chiến này nằm trong một âm mưu từng bước thôn tính Việt nam.

Ngày 17.2.1979 cũng chính thức là điểm mốc đánh dấu sự thất bại của quan hệ giữa hai quốc gia cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, sau chỉ 4 năm cuộc chiến Việt nam kết thúc với sự thất bại của người Mỹ và chế độ Việt nam Cộng hòa. Quan hệ giữa hai nước đã đi từ cái quan hệ mật thiết như môi với răng, chuyển sang quan hệ kẻ thù và Việt Nam đã chính thức gọi Trung Quốc lúc đó như là kẻ thù trực tiếp nguy hiểm nhất. Quan hệ ngoại giao hai nước đã bị phá vỡ từ 1979 cho đến tận năm 1991, tức là hơn một thập kỷ quan hệ căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.Tuy cuộc chiến biên giới kéo dài chỉ trong một tháng trời đã để lại những tổn thất nặng nề cho người dân Việt Nam về người và của. Đáng chú ý cuộc chiến tranh khốc liệt này đã bị cắt bỏ khỏi sách lịch sử và chương trình những lễ kỷ niệm hàng năm ở Việt Nam cho đến tận năm nay. Cho dù những hình ảnh lưu trữ trên báo của đảng những ngày ấy cũng cho thấy tầm quan trọng và sự khốc liệt của cuộc chiến tranh giữa hai người đồng chí trong quá khứ.

Trang nhất báo Nhân dân nói về cuộc chiến tranh Biên giới tháng 2.1979

Vậy mà đến nay, ngay cả những chứng tích lịch sử về cuộc chiến được coi là chiến công hiển hách ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc cũng đã bị xóa bỏ. Kể cả trong các viện bảo tàng chiến tranh, người ta cũng không thể tìm thấy một trưng bày nào về cuộc chiến này với Trung Quốc. Không chỉ các dòng chữ chống quân Trung quốc trong các di tích bị đục bỏ, mà các nhân vật anh hùng khác trong cuộc chiến này như liệt sĩ Lê Đình Chinh, Hoàng Thị Hồng Chiêm... cũng bị chính quyền cố tình hắt hủi bằng cách đổi tên các trường học mang tên họ. Cũng vì Đảng CSVN và chính quyền của họ coi cuộc chiến này là một điều hết sức nhạy cảm và cấm kỵ, sợ làm ảnh hưởng tới mối quan hệ 4 tốt và 16 chữ vàng trong quan hệ Việt - Trung trong thời kỳ mới. Nhưng với một số đông người dân Việt Nam đã từng đổ máu hay đã nằm xuống, hoặc những thân nhân, người thân trong cuộc chiến thì cuộc chiến này luôn và mãi mãi tồn tại trong ký ức của mình.

Xin hãy đọc dòng tâm sự của blogger Ngô Nhật Đăng, một cựu chiến binh chống Tàu trên Biên giới phía Bắc, viết về ký ức những tháng năm chiến đấu và những kỷ niệm không thể nào quên không chỉ riêng của ông, mà còn là tâm tưởng chung của những người chúng ta. Những người từng là chiến sĩ như blogger Ngô Nhật Đăng:

"Bọn mình cũng huấn luyện tại Sư đoàn 346, sau 3 tháng tân binh, một số được đưa đến các đơn vị trong đó có các cô gái được nhắc đến trong bài viết của Mai Thanh Hải. Bọn mình lớn tuổi hơn và phần lớn là sinh viên nên được chuyển đến trường Hạ sỹ quan.Khi xảy ra sự kiện 17/2/79, sau 2 ngày bọn mình lên xe và đến Cao Bằng.Bọn mình tập trung ở đèo Cao Bắc (cách thị xã Cao Bằng 16km) trước khi nhận nhiệm vụ luồn vào sau lưng địch được gọi là : "Tiểu đoàn luồn sâu, phá hoại".Trong vài ngày đó có được gặp một số nữ chiến sỹ của tiểu đoàn gồm thông tin, quân y, tải đạn...luồn rừng thoát được về tuyến sau. Quần áo tơi tả, mặt mũi đen nhẻm thất thần, có người còn không thể nói nổi điều gì đã xảy ra chỉ ngồi khóc.Thương lắm.Mấy thằng ở tiểu đoàn đặc công phối thuộc kể : " Bọn em nằm trên đỉnh đồi nhìn xuống thấy bọn Khựa bắt chị em cởi hết quần áo rồi dùng lưỡi lê và cuốc xẻng đâm chết, sôi gan, ứa máu mà súng hết đạn, thằng nào cũng khóc ròng".

Vậy mà ngày Thứ Tư 12 tháng 2 năm 2014, trên mạng internet xuất hiện một tin khá giật gân của truyền thông lề trái, thực hư chưa biết với tựa đề "Trung Quốc ép Việt Nam không được tưởng niệm Chiến tranh biên giới 1979?". Theo đó tin cho biết: "...vào ngày 16/1/2014, các tổng biên tập, giám đốc các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình đã bất ngờ được Ban Tuyên giáo triệu tập đến trụ sở của cơ quan này tại 2 Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội.

Họ được gọi lên để nhận tận tay một chỉ thị mật liên quan đến việc tuyên truyền về Hoàng Sa 1974 và Chiến tranh biên giới 1979. Theo một cựu lãnh đạo báo chí thì việc gọi các Tổng biên tập đến để trao tận tay một văn bản chỉ đạo mật là điều ít khi xảy ra. Thông thường các vụ việc thế này Ban Tuyên giáo chỉ cho người gọi điện/gửi tin nhắn hoặc qua đường công văn. Nội dung chính của chỉ đạo mật này đó là theo yêu cầu trực tiếp từ Bộ Chính trị, các cơ quan báo chí phải tuân thủ nghiêm “kỷ luật thông tin” trong tuyên truyền về Hoàng Sa, Trường Sa và chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo đã ra lệnh cho các báo không được đưa tin về các hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm các sự kiện nêu trên nếu chưa có sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo TƯ. Các báo, đài nào đã đăng thì được yêu cầu phải “dừng ngay” và “tuyệt đối không được đăng tiếp”.


Chỉ thị mật này cũng nêu rõ khi cần báo, đài nào lên tiếng, Ban Tuyên giáo TƯ sẽ có sự chỉ đạo cụ thể. Đồng thời chỉ thị này cũng răn đe, dọa dẫm, yêu cầu một cách khá gay gắt rằng các cơ quan báo chí “không được tự tiện, manh động”. Bên cạnh đó chỉ thị đồng thời cũng yêu cầu “thông tin, tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn giữ mức độ, nội dung, cách thức tuyên truyền như lâu nay” (?!) và không đẩy việc tuyên truyền lên mức cao hơn". Đặc biệt, chỉ thị mật này yêu cầu báo chí “tuyệt đối không đưa thông tin kích động, gây tâm lý dân tộc cực đoan, làm nóng dư luận, gây bất lợi về đối nội, đối ngoại” và phải chú ý đến các nội dung liên quan đến “đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tác đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước tạo chia rẽ, tạo mâu thuẫn trong quan hệ Việt Nam- Trung Quốc”. Trong chỉ thị này Ban Tuyên giáo TW cũng cho biết họ cùng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thành lập một “Tổ công tác đặc biệt” để chỉ đạo, theo dõi việc thực thi chỉ thị và các các báo, đài vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc."

Đọc tin này xong không ít người không kìm được phẫn nộ. Có người còn nghi ngờ đó là tin thất thiệt của các thế lực thù địch nhằm bôi nhọ nhà nước Việt nam, chẳng lẽ năm 2014 là năm kỷ niệm lần thứ 35 cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc mà chính quyền nhu nhược thậm chí đê hèn đến thế. Song chỉ ít giờ sau, nghi ngờ này được giải tỏa khi trang Một thế giới, một trang báo điện tử mới ra đời và có uy tín cho đăng loạt bài phóng sự dài 3 kỳ "Hoa Đào viễn biên" gồm ba phần có tựa đề "Biên giới, hồi ức 35 năm", "Đồng chí với nhau, ai nghĩ sẽ đánh nhau" và "Bia trấn ải - nơi tổ quốc được tô màu đỏ" và bài "Phút bi tráng ở Pò Hèn, 17.2.1979" của Ngọc Uyên. Các bài viết là kết quả của việc đi thực tế các tỉnh biên giới của các phóng viên, cùng với các nhân chứng lịch sử nói vè cuộc chiền tranh ngắn ngủi nhưng tàn khốc này. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, các bài viết này đã bị gỡ bỏ và nay khi truy cập, người đọc chỉ thấy dòng chữ báo lỗi "Lỗi 404: Không tìm thấy trang. Bài viết mà bạn đang tìm có thể đã bị xóa, bị đổi tên, hoặc hiện thời không tồn tại. Xin bạn vui lòng dùng chức năng tìm kiếm bên dưới để tìm bài viết mà bạn muốn:".

Tác giả - nhà báo Đào Tuấn đã không dấu được vẻ bức xúc của mình và viết các suy nghĩ như sau: "Một ngày đầy cảm xúc. Buổi sáng, như thằng mất hồn khi nhận được cái tin nhắn “Not OK”. Thôi. Thế là bao nhiêu thời gian, tâm huyết đổ cả xuống sông xuống biển. Buồn. Chán. Thất vọng. Buồn bực. Đến độ rằng quên khuấy mình đã ăn gì. Đứng dậy quên trả tiền. Bực đến độ lôi ngay em Tưng ra chém gió cho báo nhà. (Lạ thế, cứ mông với zú thì giờ chả bố con thằng nào bảo sao) Buổi chiều thấp tha thấp thỏm, hồi hộp như anh trai tơ thấy lấp ló… Và buổi tối thì gọi điện cho ông Thầy, alo cho các đại ca, các ông anh, các thằng bạn, nhắn tin cho mấy đứa em và cười ha hả khi nghe những cuộc điện thoại giữa chừng đầy màu sắc GATO của thằng bẹn cũng mò mẫm, cũng lọ mọ cả tháng đi biên giới cùng mình. Tội nghiệp, hóa ra y chỉ là lên biên giới đái bãi rồi về. Còn đêm. Cười như ma làm khi nhìn thấy cái lỗi 404. Sao thấy yêu cái số 404 mà một thằng bẹn Một Đồng Chí Tuyen gọi là "Tứ bất tử" thế cơ chứ. Ầy za, lâu lắm rồi mới lại thấp thỏm với một bài báo, dù đó chỉ là 50% sự thật, dù đó chỉ là 40% những gì mình muốn viết. Giờ thì bắt đầu lo lo là."

Nhà báo Mạnh Quân cũng bày tỏ sự thất vọng trước sự việc này, cũng trên trang Facebook cá nhân của mình, nhà báo Mạnh Quân viết "He he, vậy là MOTTHEGIOI.VN đã có một vài tiếng huy hoàng rồi chợt...gỡ nhỉ ? Nhưng không sao, ngon rồi. Giờ ai muốn đọc mấy bài đó, cứ vô trang của bọ Lập, Viet-Studies...có đầy đủ. ->Sau này có viết quyển: Lịch sử báo chí cổ đại Việt Nam (giai đoạn hiện đại là trước năm 1975 rồi), mình sẽ viết kỹ về những vụ gỡ bài thế này. Những nội tình vì sao lọt lưới, đăng được mà lại phải rút xuống lúc nửa đêm - Không phải người ngoài mà tư cách của một người trong cuộc ->Trong quyển sách đó, sau này, có những cái tên sẽ được nhắc tới để tôn vinh như Đào Tuấn nhưng có những cái tên sẽ bị đạp xuống bùn đen, thậm chí phải dựng tượng cho họ-nhưng với tư thế quỳ gối, liếm gót người Phương Bắc :)))"

Tuy nhiên trả lời BBC, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó ban Tuyên giáo Trung ương, lại nói: "Tôi nói rất thực là tôi không biết về việc này. Việc họ đưa lên hay đưa xuống thì chắc chắn là việc của họ. Còn tôi không có tác động bất cứ gì vào chuyện ấy." Ông Kỷ cũng khẳng định: "Tôi xin nói là Việt Nam có luật báo chí, thì các cơ quan báo chí, đặc biệt là các ông tổng biên tập hoạt động theo luật báo chí. Và họ có quyền đăng cái gì, không đăng cái gì theo luật". "Cơ quan truyền thông tự cân nhắc lấy, xem việc đó có lợi hay không, với sự bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, với trách nhiệm với đất nước.".

Song chỉ ít lâu sau ý kiến phát biểu nói trên của ông Phó ban Tuyên giáo Trung ương, sáng ngày 14.2.2014 bạn đọc được an ủi bằng sự xuất hiện trên báo điện tử VnExpress, bài đăng có tựa đề "35 cuộc chiến biên giới phía Bắc". Và cộng với tin "Truyền thông Trung Quốc cũng tỏ ra im ắng trước đợt kỷ niệm 35 năm cuộc chiến biên giới với Việt Nam, mà Bắc Kinh gọi là "chiến tranh tự vệ"", điều này phần nào chứng tỏ sự đồng thuận của hai nhà nước trong vấn đề này. Và phần nào nó cũng phản ảnh lập trường và các suy nghĩ bất đồng trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Việt nam, mà trước đây không lâu, ý tưởng đưa các cuộc đụng độ với Trung Quốc vào sách giáo khoa lịch sử đã được chính Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng đề cập trong buổi làm việc với các sử gia hàng đầu Việt Nam hôm 30/12/2013. Và cũng lúc đó, trước kỳ kỷ niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa, các báo trong nước đã đăng khá nhiều bài về trận hải chiến không cân sức này này của hải quân Việt Nam Cộng hòa cho đến khi đột ngột ngừng một ngày trước đó. Điều đó thể hiện ảnh hưởng của thế lực thân Trung quốc tuy còn đang chiếm ưu thế trong nội bộ ban lãnh đạo, song vẫn phập phù như đèn dầu trước gió.

Sự hy sinh của hàng vạn chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống trên dải biên cương phía Bắc của tổ quốc, nhằm giữ gìn sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia trước họa xâm lăng của giặc ngoại xâm phương Bắc không thể bị lãng quên vì bất kỳ lý do nào. Mọi sự im lặng không tri ân họ của chính quyền trong các lễ kỷ niệm hàng năm là vô trách nhiệm. Việc kỷ niệm cần phải có để thể hiện sự trân trọng đối với những người con đất Việt ngã xuống vì sự nghiệp giữ nước và đây là một việc làm không chỉ dành cho những người đã nằm xuống mà còn là cần thiết đối với các thế hệ con cháu của họ tới mãi mãi sau này. Dẫu rằng sự bất trắc trong quan hệ Việt - Trung sẽ là tử huyệt của chế độ hiện nay, nhưng cũng không cho phép đảng CSVN và chính quyền có một chính sách đối ngoại hèn hạ, phụ thuộc và luồn cúi của một dân tộc nhược tiểu trước thế lực bành trướng Đại Hán. Một hành động ích kỷ và mang tính chất phản bội, vô ơn đối với máu của các chiến sĩ anh hùng.

Xin đừng quên lời Hịch từ ngàn xưa còn vọng lại trong tâm can của mỗi người dân nước Nam, mà kể cả ngàn năm Bắc thuộc người Nam chúng ta vẫn cứ thoát Hán:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.


Để kết thúc bài viết, xin mượn câu của blogger Hoàng Dũng CĐVN có viết trên trang facebook của mình, để gửi tới ban lãnh đạo đảng CSVN để họ biết và cũng thay lời tri ân cho những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc: "Xin đừng trách họ im thin thít, không vinh danh, không tưởng niệm. Bởi đơn giản họ cảm thấy mình không còn đủ tư cách và chính danh để cúi đầu trước những chiến sĩ đã ngã xuống nơi biên cương, hải đảo."

Ngày 14 tháng 02 năm 2014

© Kami
Sự Hèn Hạ Của Chính Sách Đối Ngoại Phụ Thuộc Và Luồn Cúi Reviewed by Unknown on 2/14/2014 Rating: 5 Kami, RFA Blog: Chỉ còn vài ba ngày nữa là tới ngày 17.2. Ngày này cách đây đúng 35 năm, ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã nố súng tấn công ...

Không có nhận xét nào: