Trả Lời Câu Hỏi Của Những Người Vô Thần - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
4 tháng 5, 2014

Trả Lời Câu Hỏi Của Những Người Vô Thần

Quý Vị đã từng đọc những cuốn nhu BÓNG THÁNH GIÁ TRÊN LÀN SÓNG ĐỎ của thập niên 1960s,hẳn rùng mình ghê sợ trước những hành động bỉ ổi của cộng sản, qua những việc làm của đám cai tù đối với các Kitô hữu trung thành với Đức Tin, đặc biệt đối với Mục Sư Wurmbrand, Rumani, kẻ chúng tìm trăm phương ngàn cách hành hạ về thể xác và tinh thần, mà vẫn không thể lay chuyển.

Chẳng hạn: chúng lấy phân người và nước tiểu bắt Ông “truyền phép”, sau đó buộc Ông và các Kitô hữu trung kiên phải… ăn, uống!

Bao năm suy gẫm, Mục sư đưa ra những câu trả lời đích đáng, chính xác và đầy sức thuyết phục.

XIN KÍNH GỬI VÀ XIN GIÚP PHỔ BIẾN TỚI CÁC BẠN TRẺ.

Đa tạ.

TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA NHỮNG NGƯỜI VÔ THẦN

 
Trong xã hội toàn cầu hoá nầy, thuyết tương đối đạo đức và luân lý (relativisme moral et ethique) đang làm cho nhiều người nghi ngờ đức tin của chính mình. Đó là điều mà những người theo chủ nghĩa vô thần mong đợi. Qua sách báo, phim ảnh và các phương tiện truyền thông, họ phổ biến những đề tài trong đó đề cao tự do của con người, đồng thời nêu ra rào cản mà Kitô-giáo, nhất là Hội Thánh Công giáo, “dựng lên” để áp đặt mọi người phải quy phục. Rất khó có bình đẳng (và cân sức) trong cuộc chiến nầy, khi trong tay Hội Thánh không có những dụng cụ, phương tiện tương ứng. Chủ nghĩa vô thần, vì thế, không còn là mối đe dọa nữa, mà là thế lực xâm chiếm và thách thức Giáo Lý Kitô-giáo. TRẢ LỜI CÂU HỎI của những người vô thần không phải là chuyện to tát, nhưng để cho ý nghĩa của những câu trả lời nầy đến được với nhiều người, thì quả là một thách đố không hề nhỏ. Xin giới thiệu những suy tư của mục sư Richard Wurmbrand (24.03.1909 – 17.02.2001) về vấn đề nầy. Mục sư Wurmbrand là người đã chịu bao đau đớn hành hạ về cả mặt thể xác và tinh thần do chế đổ cộng sản ở Rumani. Kinh nghiệm của Ngài hết sức phong phú và các tư duy của Ngài hết sức sâu xa sắc bén, đặc biệt về vấn đề chủ nghĩa vô thần.

TIỂU SỬ TÁC GIẢ

Richard Wurmbrand, tác giả cuốn Trả Lời Câu Hỏi Của Người Vô Thần là một mục sư Tin Lành thuộc giáo phái Lu-ther. Tại quê hương ông là Lỗ Ma Ni, ông đã bị 14 năm ngục hình cộng sản. Ông là một trong số các văn sĩ Lỗ Ma Ni nổi tiếng nhất thế giới. Và tại quê hương cũng như trên toàn thế giới, ông rất được các tín hữu của Chúa Cứu Thế Giê-su kính trọng.

Năm 1945, cộng sản xâm chiếm Lỗ Ma Ni và lợi dụng Giáo Hội cho những mưu đồ riêng của mình. Richard Wurmbrand liền đứng lên cổ võ thành lập một giáo hội độc lập, hành đạo trong “hầm mộ” để chẳng những phục vụ dân tộc mình nhưng cũng phục vụ các anh em binh sĩ Nga Sô đang chiếm đóng. Năm 1948 Wurmbrand và vợ bị giam. Vợ ông bị kết án ba năm tù khổ sai, còn ông bị ba năm cấm cố. Ông bị giam cô lập, không được phép tiếp xúc với một người nào trừ ra những người đang hành hạ ông. Sau ba năm người ta giam ông chung với các tù nhân khác thêm năm năm nữa.

Vì là một vị lãnh đạo Cơ Đốc giáo quan trọng, ông có rất nhiều uy tín trên quốc tế. Các nhà ngoại giao thường lưu tâm đến tình trạng của ông. Nhưng người cộng sản cho tin ông đã trốn khỏi Lỗ Ma Ni. Các tên công an chìm giả làm bạn tù đến kể cho vợ ông rằng họ có dự lễ an táng ông trong nghĩa trang tù nhân. Người ta báo cho gia đình và thân nhân của ông biết rằng họ không cần phải tìm kiếm ông nữa vì ông đã chết rồi.

Sau tám năm Wurmbrand được trả tự do. Ngay tức khắc ông bắt tay phục vụ Chúa trong Hội Thánh “Hầm mộ.” Hai năm sau ông lại bị bắt và bị kết án hai mươi lăm năm tù. Ông được phóng thích nhân dịp đại xá năm 1964. Một lần nữa Wurmbrand lại hăng hái dấn thân phục vụ trong hội thánh “hầm mộ.” Vì biết rằng ông sẽ gặp nguy hiểm nếu bị bắt lại lần thứ ba, nên hội thánh tại Na Uy đã thương lượng với chính phủ cộng sản để ông được phép rời khỏi Lỗ Ma Ni. Lúc đó nhà cầm quyền cộng sản bắt đầu “bán” các tù nhân. “Giá căn bản” là 10,000 quan mỗi đầu người (1969). Ông phải trả tới 30,000 quan.

Tháng năm năm 1966, với tư cách là một người chứng, Wurmbrand đã cởi áo đến thắt lưng để chỉ cho toàn thể thế giới thấy những vết thương đã ăn sâu và loang lỗ trên khắp thân thể của ông – những vết thương do những cuộc tra khảo của cộng sản gây ra. Báo chí khắp nơi trên thế giới ở Âu châu, Mỹ Châu và Á Châu đã đăng tải câu chuyện của ông.

Tháng chín năm 1966 có tin đảng cộng sản Lỗ Ma Ni quyết định ám sát Wurmbrand. Nhưng lời đe dọa đó đã không làm ông nhụt chí. Richard Wurmbrand, với danh hiệu “Tiếng nói của hội thánh hầm mộ” tiếp tục hăng say nói lên những đau khổ của mình và của những người anh em tử đạo của mình, đã tố cáo những thủ đoạn dã man hung ác của người cộng sản đã và đang còn áp dụng để đàn áp tinh thần và thể xác của con người.

Richard Wurmbrand luôn luôn nói đến tình yêu của mình và của các anh em tử đạo đối với người cộng sản. Dầu đã từng chịu 14 năm ngục tù, ông cũng như các anh em tử đạo khác không hề oán hận người cộng sản, trái lại quyết đem “yêu thương vào nơi oán thù, đem tha thứ vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”

GIỚI THIỆU

Richard Wurmbrand

Con người có sách “Thánh” từ khi con người biết viết. Người cộng sản cũng có “thánh-kinh” riêng của họ: quyển Chỉ Nam Vô Thần. Quyển sách nầy do hàn lâm viện khoa học (nhà xuất bản chính trị của nước Nga Xô Viết cũ) xuất bản lần đầu tiên vào năm 1961 và là thành quả do sự hợp tác của rất nhiều học giả, trong đó có sử gia Beliaiev, và Belinova, và các triết gia Tchanishev, Elshina và Emeliah. Người chịu trách nhiệm xuất bản là giáo sư đại học S. Kovalev. Từ đó đến nay quyển sách nầy được tái bản nhiều lần. Quyển sách nầy – một tóm lược những chủ trương của người vô thần – đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, và phổ biến trong các nước xã hội chủ nghĩa. Những suy luận trong tác phẩm nầy được giảng dạy trong các trường cao đẳng và đại học, trên các đài truyền thanh và truyền hình, trong các phim ảnh và các cuộc hội họp. Khi một người vô thần chết, để phù hợp với những “giáo điều” trong “thánh-kinh cộng sản,” người vô thần nhắc nhở tang gia trong bài phúng điếu rằng người chết sẽ chết mãi và không có ai có thể an ủi tang gia được, rằng chết là vĩnh biệt, rằng không có Thượng -Đế và không có sự sống vĩnh cửu.

Mục đích của quyển “Chỉ nam Vô Thần” là phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế.

Nhưng chúng ta thử hỏi một cách giản dị: Nếu không có Thượng Đế tại sao có con cừu?

Câu hỏi này đã được ra trong một cuộc mít-tinh tại Nga. Diễn giả là một nhà vô thần tuyên bố rằng sự sống tự nhiên mà có và phát triển bằng cách “tuyển chọn” tự nhiên. Trong cuộc chiến đấu sinh tồn, những thú vật nhanh và mạnh sẽ thắng, còn những thú vật yếu hơn sẽ bị tiêu diệt.

Một tín hữu của Chúa Cứu Thế Jesus đã nêu lên câu hỏi nầy: “Vậy thì tại sao những con chiên, con cừu lại sống còn? Tại sao chúng nó không bị chó sói diệt chủng? Vì chó sói có thể sinh một lúc năm, sáu sói con, trong khi chiên cừu chỉ có thể sanh từng con một. Như vậy tỉ số là 5/1. Sói lại có răng nhọn, móng vuốt, có sức mạnh và sự nhanh nhẹn. Còn chiên cừu thì không có gì hết để tự vệ. Vậy tại sao chúng vẫn sống còn? Như lời diễn giả đã quả quyết rằng thú vật có trước con người, nếu thời đó loài người không hiện diện thì làm sao bảo vệ và săn sóc những con cừu đó, như ngày hôm nay chúng ta thấy là loài chiên, loài cừu được loài người bảo vệ và săn sóc. Vậy thì xin hỏi: Ai đã bảo vệ những con cừu yếu ớt nầy? Con người có thể giải thích nhiều sự kiện mà không cần giả thiết sự hiện hữu của Thượng Đế, nhưng loài cừu không thể sống còn nếu không có Thượng Đế, thì những con chiên đáng thương của Chúa Cứu Thế Jesus lại càng khó sống hơn nữa kể từ khi Hội Thánh của Chúa được thành lập trên trần gian nầy và bị ngược đãi tàn bạo.

Câu trả lời mà người tín hữu can đảm nầy nhận được là vài năm tù!

Một lần kia, trong một cuộc họp của một số các nhà trí thức Xô-Viết, người ta thảo luận về nhà thơ người Anh tên Shakespear. Trong một tác phẩm của nhà thơ nầy có đoạn kể bà MacBeth ám sát vua Duncan. Sau khi ám sát vua, bà nhìn bàn tay đẫm máu của mình và thét lên “Cút đi! Vết nhơ khốn nạn nầy, hãy cút đi!”. Một tín hữu của Chúa Cứu Thế Jesus hỏi: “Làm thế nào để bà Macbeth được tha tội?” Một người cộng sản trả lời: “Con người là một sinh vật có lý trí. Một nền giáo dục tốt và một lời khuyên đúng lúc có thể giúp con người tránh khỏi những hành động xấu xa.” Câu trả lời không thể giải quyết được vấn đề vì bà MacBeth đã phạm tội sát nhân, giáo dục và triết lý không thể giúp ích bà được nữa! Vì thế một người cộng sản khác nói: “Theo ý tôi, sát nhân phải bị kết án tử hình.” Đề nghị nầy cũng vô nghĩa vì tử tội sẽ chết với mặc cảm tội lỗi của mình. Một người cộng sản khác cho rằng một xã hội cộng sản sẽ không còn vua chúa, những tham muốn vị kỷ sẽ không được thoả mãn và nhu cầu phạm tội sẽ không còn nữa. Nhưng một xã hội cộng sản như thế là một chuyện hoang tưởng viễn vong, không bao giờ có cả!

Cuối cùng người tín đồ phát biểu: “Lời giải đáp của Kinh Thánh là lời giải đáp duy nhất có giá trị: Huyết của Chúa Cứu Thế Jesus rửa sạch tất cả tội lỗi chúng ta.”Nhưng trả lời giản dị như vậy vẫn chưa đủ. Các nhà trí thức vô thần cho rằng tôn giáo, nhất là Cơ Đốc Giáo hoàn toàn sai lạc. Chúng tôi xin phép tìm hiểu quí vị và cố gắng trả lời tất cả những điểm mà quí vị nêu ra. Chúng tôi chấp nhận nhiệm vụ nầy vì lịch sự và vì tình yêu.

Theo chủ nghĩa vô thần, con người chỉ là bụi và bóng, hoàn toàn vật chất. Vậy vật chất có sức mạnh để tiêu diệt tôn giáo không?”Một hòn đe tốt không sợ bị búa đập.” Ở Paris có một đài tưởng niệm các tín hữu Huguenot bị ngược đãi. Đài tưởng niệm có một hòn đe và nhiều cái búa bị bể nát, có tạc chữ: “Quân thù ơi, những búa đập ơi, hãy cút đi! Búa đập của bây bị bể nát, nhưng hòn đe của Thượng Đế vẫn hằng còn.”

Chính chúng tôi cũng kiểm điểm những suy nghĩ của chúng tôi, một cách cẩn thận, vì chúng tôi cho rằng phê bình rất có ích lợi. Chủ nghĩa cộng sản đã tự hại mình vì chủ nghĩa nầy đã thành lập các chế độ độc tài trong các nước cộng sản. Nếu không chấp nhận sự phê bình của người khác thì làm sao biết mình đúng được?

Ở các nước phương tây, chủ nghĩa vô thần được phép tuyên truyền tự do. Cơ Đốc giáo không sợ tuyên truyền của Cộng sản. Trong các cuộc thảo luận tự do, Cơ Đốc giáo luôn luôn thắng lý. Vì như hai căn phòng sát nhau, ngăn cách bằng một tấm màn dầy. Một phòng thì tối đen, còn phòng kia thì thắp đèn sáng trưng! Nếu ta kéo màn che qua một bên thì bóng tối không thể chế ngự ánh sáng được, vì bóng tối không có năng lực. Bóng tối là sự thiếu ánh sáng. Nhờ đèn thắp sáng, căn phòng đen biến thành một căn phòng sáng đẹp.

Tín hữu của Chúa Cứu Thế Jesus không sợ ngục tù cộng sản, cũng không sợ bị tra tấn hành hạ. Chúng tôi không sợ sách báo vô thần. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lẽ phải nằm trong tay chúng tôi.

1. CHỦ NGHĨA VÔ THẦN CÓ LÝ

Các bạn vô thần nên biết rằng chúng tôi, những người tín hữu của Chúa Cứu Thế Jesus, không phải là kẻ thù của các bạn. Chúng tôi yêu thương các bạn vô thần, và tình yêu dẫn đến sự thông cảm. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều người theo chủ nghĩa vô thần. Điều nầy không có gì lạ. Trong thế kỷ 20 vừa qua có cả hàng triệu người đã bị hỏa thiêu trong các lò sát sinh, bị chết ngạt hay bị thủ tiêu trong các trại tập trung của nhiều chế độ khác nhau. Một vài chế độ đó đã mạo nhận mình thuộc Cơ Đốc Giáo. Vì thế tin nhận Thượng Đế là một Đấng có quyền năng đã khó, mà tin nhận một Đấng có tình yêu lại còn khó hơn nữa! Nếu Chúa có quyền năng tại sao Chúa không ngăn cản những bạo hành đó? Nếu Chúa có tình yêu, tại sao Chúa lại tạo dựng trần thế dã man nầy?

Chúng tôi không chỉ trích những bạn theo chủ nghĩa vô thần, vì thật sự có một số các bậc lãnh đạo tôn giáo ủng hộ các nhà độc tài, đứng về phía giai cấp đàn áp và bóc lột, hay đang cùng chiến đấu chung với giặc cướp, là những người sau nầy sẽ trở thành những nhà độc tài chuyên chế. Trên cây thập tự Chúa Jesus đã lớn tiếng cầu nguyện: “Thượng Đế ơi! Thượng Đế ơi! Sao Ngài lìa bỏ con?” Không ai có thể tin được rằng con người bị treo trên cây tự đó sẽ là nguồn hy vọng của nhân loại, rằng con người đang khát nước đến nỗi phải uống giấm đó đang nắm trong tay tất cả uy quyền trên trời cũng như dưới thế. Chỉ nhờ sự sống lại của con người đó mà chân lý nầy mới được quảng bá ra.

Trong thời đại của chúng ta nhiều người tự nhận là con của Chúa đã tàn sát lẫn nhau trong hai cuộc thế chiến. Còn người ra lệnh thả trái bom nguyên tử đầu tiên là một người đã chịu phép rửa.Thêm vào đó, giả sứ những người con đang đi hoang muốn trở về nhà Cha thì họ cũng không thể tìm ra được nhà Cha nữa. Thay vì Nhà Cha thì có nhiều giáo phái khác nhau. Giáo phái nào cũng quả quyết rằng mình là chân lý. Các giáo phái nầy chỉ giống nhau ở một điểm: họ không thực hiện tình thương đối với những người đang bị kềm kẹp và đang chết dần mòn trong các trại tập trung.Ngoài ra theo sự suy nghĩ thông thường của con người, tôn giáo thuộc lãnh vực siêu hình, là lạc hậu hay có tinh cách giáo điều.

Chủ nghĩa vô thần là hậu quả của những nguyên nhân nầy, hay của các nguyên nhân khác. Vì thế chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy có nhiều người theo chủ nghĩa vô thần.Chính Thượng Đế đã cho phép chủ nghĩa vô thần hoạt động trên trần thế nầy. Kinh Thánh dạy rằng Thượng Đế đã tạo dựng nên vũ trụ vật chất với nhiều định luật nội tại và một chuỗi nhân quả. Chúa đã tự thu gọn mình để cho phép những kẻ khác tồn tại. Vì thế chủ nghĩa vô thần cũng nằm trong chương trình sáng tạo của Thượng Đế. Khi Chúa Cứu Thế Jesus chịu chết trên cây thập tự, dùng huyết của mình để chuộc tội cho nhân loại, Chúa cũng đã chết để chuộc tội cho những người vô thần.

Nếu Thượng Đế đã cho phép chủ nghĩa vô thần sinh tồn thì chúng tôi là ai mà dám cấm cản chủ nghĩa đó?

Chúng tôi thông cảm hoàn toàn với các bạn vô thần. Nhưng mặt khác, các bạn cũng phải chấp nhận một điều bất thường theo quan điểm của vô thần của mình: Trên thế giới do Thượng Đế sáng tạo này có nhiều người đang thống khổ mà vẫn yêu thương Ngài với tất cả tấm lòng. Đi nhà thờ hay tham dự tất cả các lễ nghi tôn giáo có thể là truyền thống hay thói quen. Nhưng làm sao các bạn giải thích tình yêu nồng cháy dành cho Thượng Đế thể hiện rõ ràng nhất trong những con người chịu nhiều đau khổ nhất? Làm sao các bạn vô thần giải thích về cái mà Cơ Đốc nhân gọi là “sự vui mừng trong Chúa” có trong những con người bị đánh đập và tra tấn vì đức tin của mình, hay bị xiềng xích nặng nề?

Tôn giáo đang bành trướng trong một số quốc gia nghèo đói nhất. Cha mẹ cùng con em đói khổ của mình nhóm lại với nhau trong ngày Chúa Nhật để ca ngợi sự vinh hiển của Thượng Đế. Tại sao? Tại sao người góa phụ chỉ còn “hai đồng để sống” cũng đã sẵn sàng để dâng hiến số tiền cuối cùng nầy để phụng sự Thượng Đế tốt hơn? Những câu hỏi mà các bạn vô thần đã đặt ra cho Cơ Đốc nhân rất có lý. Nếu Thượng Đế toàn năng, tại sao Ngài lại cho phép cái chết hoành hành trên trần thế? Nhiều người vô thần đã đặt câu hỏi : Tại sao tôi mất người thân yêu nhất của tôi? Tại sao con tôi phải chịu khổ hay tại sao bạn tôi phải chết yểu?

Nhưng làm sao các bạn vô thần giải thích một sự thật rằng có những người khác rất bình tĩnh, có khi vui thỏa nữa, trước những mất mát trong cuộc đời nầy hay trước cái chết của chính họ? Đối với những người này chết là trở về nhà Cha.Có một bài thơ truyền tới thời chúng ta từ thời mà người ta xây kim tự tháp, khi mà nô lệ chết dưới làn roi vọt, khi mà sự chối bỏ và nổi loạn chống lại Thiên Chúa là chuyện tự nhiên:

Hôm nay tử thần viếng
Tựa bệnh nhân phục hồi
Tựa tù nhân được thả

Hôm nay tử thần viếng
Tựa trầm hương ngào ngạt
Tựa ngồi võng hưởng nhàn

Hôm nay tử thần viếng
Tựa mùi thơm sen nở
Tựa ngồi bờ say sưa

Hôm nay tử thần đến
Tựa trời mưa vừa tạnh
Tựa đi xa mới về

Hôm nay tử thần đến
Tựa bầu trời xanh biếc
Tựa người tìm lang thang

Hôm nay tử thần đến
Tựa lòng mong về nhà
Sau bao năm tù khổ.

Nhiều người đối diện với tử thần một cách bình an, người khác chết một cách vui vẻ, vì tin rằng chết là trở về với thế giới tâm linh.Cây cối cần ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên cũng có loại cây có thể lớn mạnh trong bóng tối, cũng như có người yêu Thượng Đế tùy theo sự đau khổ mà họ chịu vì Thượng Đế. Những người này là những tuẫn đạo. Những khốn khổ mà các bạn vô thần than vãn thì người tuẫn đạo chấp nhận bằng tình yêu. Khổ nạn không làm họ chối bỏ niềm tin, trái lại, nhiều người đã đến với đức tin hay đức tin vững mạnh hơn trong khổ nạn.

Oscar Wide đã không đếm xỉa gì đến Thượng Đế, sống một cuộc đời tội lỗi. Cuối cùng bậc thiên tài nầy đã ngồi tù một cách nhục nhã oan nghiệt nhất. Trong tù ông viết: “Nếu thế giới được tạo dựng cho con người, thì nó được tạo dựng bằng những bàn tay đầy tình yêu, vì không có cách nào khác ngoài sự phiền muộn để tâm hồn con người đạt đến sự toàn hảo.”Đối với nhiều người, tôn giáo chỉ là một trong những nguồn vui trên đời, như là một nghệ thuật, hay xa xỉ. Đối với một số người khác, tôn giáo là tất cả. Họ khát khao Thượng Đế như con nai thèm khát khe nước. Họ chứng rằng họ biết Thượng Đế. Họ ca tụng Thượng Đế là Đấng yêu thương và đáng tin cậy mặc dầu con đường mà Ngài dẫn họ đi qua đầy khó khăn.

Những người nầy hiểu tình huống của các bạn vô thần, nhưng liệu các bạn có hiểu họ không?

Vào tháng 9 năm 1932, đặc san Moscow Molodoja Guardija đăng tin: Theo kế hoạch 5 năm của chủ nghĩa vô thần thì đến năm 1937 tất cả những dấu vết của tôn giáo sẽ bị xóa bỏ và giáo lý của Chúa Cứu Thế Jesus sẽ bị tiêu diệt mãi mãi. Nhưng điều đó đã không thành sự thật. Trái lại Cơ Đốc Giáo đã bành trướng mạnh mẽ trong nhiều nước cộng sản, dầu rằng tín hữu bị cấm đoán và ngược đãi. Tại sao?

Chủ nghĩa vô thần có lý chỉ khi nó khám phá ra được lý do của niềm tin thấm sâu.

2. CHỦ NGHĨA VÔ THẦN VÔ LÝ

Xã hội con người đang thay đổi nhanh chóng. Các hệ thống tôn giáo không kịp thay đổi với trào lưu tiến hóa của xã hội. Thường thì người ta hay giảng về những bài biện luận của Chúa Jesus cách đây 2000 năm về những nan đề xã hội thời đó hơn là dựa trên tinh thần của Đấng Christ cung cấp lời giải đáp cho những nan đề hôm nay. Có thể vì thế mà nhiều người đi đến kết luận: Tôn giáo xa rời xã hội hiện đại.

Ngoài ra nhiều nghi lễ đã lỗi thời.

Thêm vào đó các giáo hội còn xác quyết ước muốn giải cứu con người khỏi địa ngục trong tương lai. Nếu vậy thì giáo hội phải thể hiện tình yêu của mình đối với quần chúng bằng cách giải phóng họ khỏi địa ngục trần gian hôm nay của sự mù chữ, đói kém, đau khổ, độc tài, bóc lột, ô nhiễm môi sinh và chiến tranh.

Cơ Đốc nhân chấp nhận tất cả những lời phê bình nầy của các bạn vô thần. “Tình yêu tin tất cả.” Chúng tôi tin các bạn có lý do để thành người vô thần. Chúng tôi cũng nghĩ như Hegel: “Tất cả mọi điều hiện hữu đều hợp lý.” Ngay cả thái độ của người vô thần cũng có lý do thâm sâu. Nhưng các bạn vô thần sẽ bất lợi nếu các bạn không nhận lời phê phán của tín nhân chúng tôi. Cơ Đốc nhân cũng tin vào thuyết duy vật như người vô thần. Giáo lý căn bản của Cơ Đốc Giáo là Thượng Đế đã trở thành người, nghĩa là vật chất, qua Chúa Cứu Thế Giê-Xu. Thượng Đế của chúng tôi không phải chỉ là một ý niệm mà là một nhân vật. Mục tiêu của Cơ Đốc giáo không phải chỉ là giải phóng phần tâm linh của con người nhưng cũng là sự sống lại của thể xác không hư nát. Tuy nhiên chúng tôi không dừng lại ở chủ nghĩa duy vật như các bạn vô thần. Người duy vật vô thần rất phiến diện: Họ không biết Thượng Đế và Thánh Linh của tình yêu và chân lý đang tể trị thế giới này.

Có ai đã từng thấy một đồng tiền chỉ có một mặt? Hay điện lực chỉ có một cực? Cơ Đốc Giáo bao trùm cả hai phương diện tâm linh lẫn vật chất. Chủ nghĩa vô thần sai lầm vì chủ nghĩa nầy phiến diện. Người ta sai một anh ngốc đem một cái lọ đi mua bột và muối. Anh ta mang theo một cái dĩa để đựng đồ. Người nhà dặn anh không được để bột trộn chung với muối mà phải để riêng ra. Anh ngốc mua bột trước, người bán hàng đổ bột vào đầy dĩa. Rồi chợt nhớ lời người nhà dặn, anh lật ngược dĩa bột lại, xin người bán hàng đổ muối lên đáy dĩa đã lật ngược! Do vậy anh mất hết bột mà chỉ còn muối thôi. Về đến nhà, người nhà hỏi: “Bột đâu?” Anh ngốc lật lọ lại, đến lượt muối rơi tất cả xuống đất!

Người vô thần nhiều lúc cũng tương tự như anh nầy. Các bạn có nhiều lý do lợi hại để chỉ trích tôn giáo. Các bạn có muối, nhưng phải chăng các bạn đã đánh rơi tất cả bột xuống đất rồi? Có phải chăng các bạn đã liệng mất những lập luận ủng hộ tôn giáo mà nó có thể đúng? Và cuối cùng, có phải chăng các bạn sẽ đánh rơi luôn lớp muối vô thần bên ngoài của mình khi gặp sự khủng hoảng? Cơ Đốc Giáo hãnh diện vừa có bột vừa có muối. Triết lý của Cơ Đốc Giáo là triết lý mà Soloviev gọi là “Thần duy vật,” vừa bao gồm vật chất, vừa bao gồm Thượng Đế là Đấng đã sáng tạo ra vật chất. Thật sự, Cơ Đốc Giáo nắm chắc chân lý, nên chúng tôi dám mở cửa hoan nghênh tất cả sự phê bình và chỉ trích. Vâng, Cơ Đốc giáo hoan hỉ xem sự chỉ trích như dây cương đối với con ngựa để bảo đảm cho cuộc chạy được tốt hơn.

Đức tin sống nhờ vào sự liên tục chối bỏ những sai lầm và liên tục đón tiếp sự cảm hứng khi người ta kinh nghiệm thêm nhiều chân lý mới.

Một ngày kia Mặt Trời và Mặt Trăng cãi với nhau. Mặt Trời nói lá cây có màu xanh. Ngược lại, Mặt Trăng cho rằng lá cây màu bạc. Mặt Trăng nhất quyết cho rằng con người trên địa cầu đại loại đang ngủ, còn Mặt Trời lại nói con người thường đang sinh hoạt. Mặt Trăng hỏi: “Tại sao dưới địa cầu im lặng vậy?”. Mặt Trời hỏi lại: “Ai nói với chị như vậy? Dưới địa cầu ồn ào lắm!” Hai bên cứ tiếp tục cãi nhau như vậy. Bỗng đâu có Ngọn Gió chợt đến, lắng nghe cuộc tranh cãi, rồi mỉm cười: “Hai anh chị cãi nhau chi vô ích vậy! Tôi thì thổi mỗi khi anh chị chiếu sáng. Ban ngày lúc anh Mặt Trời chiếu sáng thì dưới địa cầu ồn ào, con người làm việc và lá cây có màu xanh đúng như lời anh nói vậy. Còn ban đêm, lúc chị Mặt Trăng chiếu sáng, thì cảnh vật hoàn toàn khác hẳn. Lúc đó địa cầu đi ngủ nên yên tĩnh và lá cây màu bạc, cũng có khi màu đen lúc Chú Mây che ánh sáng của chị. Cả anh và chị đều nói đúng sự thật.”

Người duy vật chỉ nhìn sự vật theo góc cạnh duy vật mà tưởng mình nhận thức được toàn thể chân lý. Phật tử thì cho rằng cái trí là thực thể duy nhất, và vật chất chỉ là hư vô. Nhưng kinh thánh sử dụng – trong tiếng Hybálai cũng như tiếng Hylạp- cùng một từ ngữ để chỉ “Linh” và “Gió”. Gió-”Linh”- thổi đến bốn phương trời trong mọi mùa. Ai có Linh của Thượng Đế sẽ nhìn thấy được toàn thể sự vật. Người đó sẽ không còn giới hạn mình trong triết lý duy vật hay duy tâm nữa.Ngoài ra Kinh Thánh cũng dạy ta phải cẩn thận đối với các khuynh hướng triết học vì hầu hết các triết gia có chủ trương cá nhân mà từ đó họ nhìn vào hiện thực. Nhưng quan điểm luôn luôn phiến diện; nó vô hiệu hóa chúng ta. Từ một góc nhìn nào đó, tôi sẽ thấy căn phòng mà tôi đang ngồi viết không có cửa. Khi quay lại tôi sẽ thấy cửa lớn, nhưng căn phòng không có cửa sổ. Nếu nhìn lên tôi sẽ không thấy nền, nhìn xuống tôi sẽ thấy căn phòng thiếu trần. Chúng ta chỉ có thể nhận thức sự vật một cách hoàn toàn hơn nếu biết tránh không gò bó mình vào một phiến diện nào cả. Lý tưởng của tín hữu Chúa Cứu Thế Giê-Xu là “nên thánh.” Chữ “nên thánh” (holy) trong tiếng Anh lấy từ chữ “whole” (hoàn toàn, toàn thể). Trong tiếng Nga là “swajtoi” (thánh) hàm ý chiếu sáng; trong tiếng Đức cũng tương tự. Như vậy, “nên thánh” có nghĩa là “từ bỏ quan điểm.”

Feuerbach nói: “Không có Thượng Đế. Sự kiện nầy rõ ràng như mặt trời và dễ thấy như mặt trăng; và còn hơn nữa, không thể có Thượng Đế được.” Chính chủ nghĩa vô thần, chứ không phải Cơ Đốc Giáo, đã xác quyết một sự rõ ràng tuyệt đối. Nhưng nếu sự kiện “Thượng Đế không hiện hữu rõ như ban ngày” thì tại sao tất cả mọi người (không có ngoại lệ) đều nhìn nhận sự thực hữu của mặt trời, nhưng không phải mọi người xác quyết như Feuerbach rằng không có Thượng Đế? Ngay cả Darwin, khoa học gia mà các người chống đối tôi yêu thích, cũng không nói chắc như vậy. Ông viết: “Quan niệm cho rằng vũ trụ vĩ đại và kỳ diệu với con người có ý thức hình thành do ngẫu nhiên thật không thể tin nỗi. Đó là lý do khiến tôi tin có Thượng Đế.”

Theo người vô thần, chủ nghĩa vô thần là hiển nhiên. Vậy tại sao một sự kiện hiển nhiên lại cần phải được tuyên truyền? Tín hữu của Chúa Cứu Thế Jesus không quan niệm Cơ Đốc Giáo hiển nhiên dễ hiểu như hai với hai là bốn. Nếu Cơ Đốc Giáo hiển nhiên dễ hiểu như vậy thì đã không có ai theo chủ nghĩa vô thần rồi. Chúng tôi thấy nhiều thái độ của người chống đối chúng tôi có thể thông cảm được. Nhưng chủ nghĩa vô thần chỉ có chủ nghĩa vô thần mà thôi và gạt bỏ mọi quyền tồn tại của tôn giáo.Do đó chủ nghĩa vô thần không thông cảm được.

Max Stirner, lý thuyết gia của chủ nghĩa cá nhân vô chính phủ, đã nhìn thấy những sự ác của xã hội. Chủ trương của ông là thanh toán xã hội con người. Nhưng chính ông cũng là một phần tử của nó. Trường phái Schopenhauer cho rằng tự tử là lối giải quyết cho mọi nan đề của con người. Nhưng khi trong thành phố có bệnh dịch tả thì chính ông cũng đã tìm cách chạy trốn. Ông ấy yêu sự sống. Tương tự như vậy là quí vị muốn tiêu diệt tôn giáo bởi vì những khuyết điểm của tôn giáo trong suy tưởng và hành vi.

Nhưng chúng ta có nên thôi bận áo choàng vì có thể chúng có màu không đẹp? Chúng ta có nên liệng một trẻ em sơ sinh sạch sẽ ra ngoài vì nước tắm dơ? Chúng ta đã công nhận những điều hợp lý của chủ nghĩa vô thần. Nhưng còn có nhiều điều khác nữa. Bây giờ các bạn vô thần hãy cùng với chúng tôi đi tìm những gì hợp lý của tôn giáo. Có lẽ nhờ đó chúng ta đạt được một mẫu số chung.

3. QUAN ĐIỂM SAI LẦM CỦA CUỐN KIM CHỈ NAM VÔ THẦN

Các tác giả vô thần ở Moscow đã cùng nhau ngồi lại viết một quyển sách về những vấn đề vĩ đại nhất trong cuộc sống, vấn đề mà những bộ óc siêu việt nhất đã suy ngẫm kể từ khi tư duy bắt đầu: Thượng Đế hiện hữu hay không, ý nghĩa của cuộc đời, hy vọng và buồn tủi trong cuộc đời, vai trò của tôn giáo, v.v…

Các tác giả nầy là những người nào? Biết họ thì quan trọng hơn rất nhiều so với biết nội dung của cuốn sách họ.

Biết người thầy giáo thì giá trị hơn rất nhiều so với biết giáo huấn của họ. Kiến thức luôn luôn bắt đầu từ câu hỏi: “Tôi là gì?” Nếu tôi không có câu trả lời cho câu hỏi này, làm sao tôi biết được những tư tưởng của cái “Tôi” đáng để chia sẻ với người khác hay không? Nếu cái “Tôi” này không có giá trị gì, tất cả những gì “Tôi” cho ra chẳng gây hiệu ứng gì hết.

Các tác giả của cuốn Kim Chỉ Nam Vô Thần nầy quả quyết rằng họ chẳng do Thượng Đế nào tạo dựng nên cả. Trong quá trình ngẫu nhiên mà vật chất đã tạo nên họ, không có một thiết kế nào cả. Có thể nào các nguyên tử xoay vần kết hợp với nhau một cách ngẫu nhiên để sản xuất ra một bộ óc có thể kết tủa thành chân lý?

Hồi còn nhỏ, nhà tôi rất nghèo. Tôi rất yêu học nhạc, nhưng cha mẹ không có đủ tiền. Do đó tôi viết các nốt nhạc một cách ngẫu nhiên lên khuôn nhạc nhưng chúng nó không bao giờ tạo thành một bản nhạc được.Trong trò chơi roulette, có hai khả năng để một số xuất hiện: hoặc màu đỏ, hoặc màu đen. Do đó, khả năng mà một số xuất hiện cùng một màu bốn mươi lần liên tiếp trong cùng một hàng có lẽ là 1 phần của một trăm triệu. Đó là chỉ tính với hai màu mà thôi. Một máy tính hoàn chỉnh như bộ óc con người có thể được hình thành do sự kết hợp ngẫu nhiên của các điện tử và nhân tử với khả năng là bao nhiêu? Tôi, tác giả của cuốn sách này nói được nhiều thứ tiếng và biết được khoảng chừng một triệu chữ nếu tôi có thể đếm tất cả danh từ và động từ. Giống như những người văn minh khác, tôi có và sử dụng được hàng triệu bít kiến thức về toán, địa lý, khoa học, nghệ thuật, v.v… Vậy mà bất cứ lúc nào trí óc tôi vẫn có thể tìm ra được một cách chính xác một chữ thích hợp, với nhấn giọng đúng, thích hợp với thái độ của tôi trong hoàn cảnh đó. Về mặt toán học, xác xuất để cho sự lựa chữ này xảy ra một cách ngẫu nhiên, là bất khả, đừng kể đến nguyên cả vũ trụ kết thành một cách ngẫu nhiên từ các hạt cơ bản.

Giả thử một thế kỷ có ba thế hệ và bắt đầu tính từ cha và mẹ, bốn ông bà nội ngoại, tám ông bà cố, v.v… thì tôi có thể tính được cơ cấu di truyền trong tôi là kết quả của cả chục triệu tổ tiên. Tôi là kết quả của sự sinh tồn của cả triệu người bà con sống trước tôi. Nhưng tôi có biết gì về các bậc tổ tiên của tôi không? Không. Tôi có biết gì về những điều mà tổ tiên của tôi đã di truyền lại không? Tôi đã lớn lên trong môi trường ngôn ngữ mà tổ tiên tôi để lại. Ấy vậy mà tôi không biết họ. Tôi cũng không biết thủa ấu thơ của mình, mặc dầu đấy là giai đoạn quyết định của một người để trở nên vô thần hay hữu thần trong tương lai.

Tôi sống trong một thế giới quá tí hon đi. Quả địa cầu chúng ta đang ở chỉ là một phần của hạt bụi trong vũ trụ này. Đối với chúng, ta con người đặt chân lên mặt trăng tí hon là một chuyện phi thường. Trên quả địa cầu tí hon của chúng ta, sinh giới chỉ là một điều nhỏ nhoi; và nhân loại đang sống trong đó cũng nhỏ nhoi như vậy. Phần tôi chỉ là một cá nhân nhỏ nhoi bên cạnh hàng tỉ cá nhân khác.Trong số mười ngàn người, hiếm có một người biết đến tên của các cuốn sách nỗi tiếng nhất từ trước đến nay. Trong số một triệu người không có được một người đã từng đọc tác phẩm đó. Có bao nhiêu người đã nghe tiếng về một giám mục đáng kính nhất hay một thành viên của Hàn Lâm Viện Sô-Viết, là đồng tác giả của quyển Chỉ Nam Vô Thần? Có lần tôi quên tên tác giả của quyển “Tội Ác và Hình Phạt,” tôi phải hỏi đến người thứ 20 mới biết tên của tác giả là Dostoievski.Con người rất bé nhỏ. Khả năng phân biệt về đa vũ trụ hay đơn vũ trụ của chúng ta giống như kiến thức của một con kiến về chủ nghĩa Marx khi nó bò trên cuốn sách của Marx.

Ta thích nghe tiếng chim hót, nhưng không biết con chim nào sắp làm mồi cho các loài chim ưng ngày hôm nay. Khi ta nghe tiếng gió rì rào qua các cành lá, ta không biết cây nào đang bị sâu ăn. Ta thích chạy theo danh, quyền, tiền, hoan lạc, kiến thức. Những người đeo đuổi theo các điều này hai chục năm về trước bây giờ chỉ là bụi đất. Phần đất phía dưới gót dày của bạn có lẽ trước đây là bộ mặt đẹp đẽ của một cô gái. Bukharin từng là một lý thuyết gia vĩ đại nhất của chủ nghĩa cộng sản vô thần. Trong tác phẩm Duy Vật Biện Chứng của ông, Bukharin đã dẫn nhập với lời ca tụng chủ nghĩa nầy, vì theo ông, chủ nghĩa vô thần có thể giúp ông nhìn thấy tương lai. Điều duy nhất mà Bukharin không thấy trước là sau nầy ông bị chính các đồng chí của mình tra tấn và ám sát ông.

Thật là cả gan mới dám viết một cuốn sách để trờ thành một thế gian sư. Nhưng có tác giả nào biết được rằng độc giả tương lai của mình đang vui hay đau khổ và tác phẩm của mình sẽ giúp ích được gì cho độc giả trong những lúc thử thách? Có ai biết được rành rẽ về một trong số hàng tỷ tế bào đã cấu tạo ra bộ não? Chỉ cần một sự lệch lạc nho nhỏ trong các tế bào đó cũng đủ làm tác giả viết ra những điều ngu xuẩn. Điều này đã xảy ra cho các bậc nổi tiếng rồi. Điều nầy có thể xảy ra cho bạn không? Bạn có nhận thấy các điều điên dại trong tác phẩm của người khác. Nhưng bạn có chắc không có điều điên dại nào trong các tác phẩm của bạn không? Các bạn không biết gì về cơ thể của mình. Bạn biết gì về thế giới vô thức của mình không? Về phần tôi ngày nào tôi cũng ngạc nhiên về chính mình.

Đời sống của chúng ta đầy bí hiểm trong một thế giới đầy bí hiểm mà chúng ta chỉ biết một chút. Chúng ta bị giam tù trong giới hạn của giác quan mình.Nếu trên trái đất có những sinh vật phát ra những quang tuyến nằm ngoài quang phổ có thể thấy được; nếu chúng nó có thể liên lạc với nhau qua những làn sóng mà chúng ta không thể nghe hay hiểu được, thì chúng nó có thể quan sát chúng ta và chúng ta sẽ không bao giờ biết chúng nó hiện hữu, cũng như chúng ta đã sống hàng thiên kỷ mà không biết gì về ảnh hưởng của vi khuẩn trên đời sống của chúng ta. Còn nếu thiên thần hiện hữu và chúng ta không thể nhận ra họ thì sao?

Các bạn vô thần quả quyết không có Thượng Đế. Làm sao các bạn có thể chắc chắn như vậy?

Tôi thai nghén cuốn sách này trong ngục tù. Công an giữ ngục thường khám tù mỗi ngày để tịch thu những vật cấm như cờ tướng, dao, kim, sách và giấy. Nhưng họ không tìm được gì hết vì tù nhân chờ lúc công an đi rồi mới lấy những thứ đó ra. Bạn lục soát một phòng ngục để tìm một vật nhưng bạn không tìm ra. Nhưng bạn có đúng khi cho rằng nó không có ở đó? Ai đã từng lục lọi hết vũ trụ vô hạn này để quả quyết rằng không có Thượng Đế?

Còn các tác giả vô thần, các bạn có biết chắc về những điều các bạn quả quyết không?

Mãi cho đến gần đây người ta còn chủ trương các nguyên tố đơn thuần không thể thay đổi. Chủ trương nầy dựa trên kinh nghiệm hàng ngàn năm nay. Nhưng chủ trương nầy sai lầm. Có những người thông minh uyên bác đã chắc rằng nguyên tử không thể chia cắt được và con người không thể thám hiểm cung trăng. Kinh nghiệm của các vị này quả thật là lớn lao. Nhưng họ đã sai. Các bạn vô thần thân mến, xác xuất các bạn có lý là bao nhiêu?Một giáo sư Cơ Đốc tên là Tertulian đã từng bị chế nhạo vì câu nói :”Credo quia impossible” (Tôi tin vì nó không thể tin được). Ngày nay khoa học đã khám phá ra những điều mà trước đây có vẽ kỳ cục và không thể lý giải được.

Con người rất bé nhỏ và vô giá trị. Con người không biết gì hết. Kinh Thánh dạy: “Ai tự nghĩ mình hiểu biết nhiều là người chưa biết đủ những điều đáng phải biết” (1 Côrintô chương 8 câu 2).
4. NHỮNG NGƯỜI CHỐNG LẠI CHÚNG TÔI LÀ AI?

Khi một người mặc thường phục tới hỏi giấy tôi thì phản ứng đầu tiên của tôi là hỏi ông ấy là ai. Ông ta phải chứng tỏ cho tôi biết ông ta là cảnh sát. Nếu không, ông ta không có quyền hỏi hạch tôi.Khi tôi tới trước con Nhân Sư mà hỏi nó về những điều khó hiểu của vũ trụ rằng: “Ngươi là ai? Có phải người là Thần không? Có phải người nghệ sỹ tạo ra ngươi hay ngươi hiện hữu từ trong cõi đời đời?” Nó có thể trả lời tôi rằng: “Cho ta biết người là ai, cậu bé tí hon. Ngươi có xứng đáng để được ta mặc khải những huyền nhiệm tối hậu này không? Nếu ta chia sẻ với ngươi liệu ngươi có khả năng để hiểu và chấp nhận những sự thật ngay cả khi chúng đi ngược lại sự yêu thích và những điều ngươi tin và ôm ấp bao lâu nay không?”

Các tác giả Cẩm Nang Của Người Vô Thần chối bỏ sự hiện hữu của Thượng Đế. Nhưng chính họ có hiện hữu không? Họ là ai? Họ có khả năng minh chứng sự hiện hữu của chính họ? Để cho một người vô thần hiện hữu mà đặt những câu hỏi táo bạo của mình ông ta phải hiện diện trong sự hiện hữu của các ngân hà và bụi vũ trụ có trước khi ông sinh hàng tỉ năm. Phải có sự bắt đầu của các động cơ vũ trụ và mặt trời để điều hòa chuyển động của trái đất, nếu không sự sống không thể có được. Người vô thần có thể đặt những câu hỏi táo bạo vì nước, cây cỏ, muôn vật và thế giới vi sinh đã có rồi, và những thực thể như điện, sức nóng, bánh mì giòn, và rượu nồng, tia vũ trụ, mưa rơi và nhân cách đã hiện diên. Ông ấy cần phải có ông bà tổ tiên, trong đó có dòng sữa mẹ ông với tấm lòng yêu thương của bà.

Nếu những điều người vô thần tin là đúng, nghĩa là cả người vô thần và tín đồ Cơ Đốc là sản phẩm của quá trình ngẫu nhiên trong hàng tỉ năm tạo thành thì chính họ là ai? Tại sao lại là họ? Bạn hiểu về những điều này như bạn hiểu trái đất và cả hệ Thái Dương liên tục di chuyển về một chùm sao như đã có hẹn. Chúng nó thu hút lẫn nhau. Nhưng thu hút vũ trụ là gì? Danh từ thu hút được chúng ta thỉnh thoảng dùng cho sự đáng yêu. Vậy ai yêu? Ai được yêu?

Cả người vô thần lẫn kẻ truyền đạo giảng. Nhưng họ có thể tạm gác những lời nói lộn xộn để lắng nghe tiếng của lá cây, suối nước, gió, chim, và trẻ em? Những âm thanh này có thể nói lên nhiều lời dạy dỗ hơn chử nghĩa của chúng ta.

Người sống hòa hợp với thiên nhiên có đức tin. Chủ nghĩa vô thần bắt nguồn trong tâm trí méo mó của những kẻ sống sau những bức tường hiểu theo nghĩa đen lẫn theo nghĩa xã hội.Có thể chúng ta lắng nghe tiếng của im lặng không? Hay vẻ đẹp của bông tuyết, hoa lá, một thứ một vẻ như từng miếng vải thêu? Hay sự sắp xếp kỳ diệu của các hạt cơ bản trong nguyên tử?

Làm sao các điện tử quay chung quanh hạt nhân hàng trăm triệu lần trong vòng một phần của một giây để cho chúng ta có vật rắn để sử dụng?Các bạn có nghe một máy có tám mươi ngàn tỉ tế bào điện chưa? Một phần của nó nặng năm mươi ounce mà chứa tới mười tỉ tế bào, để sản xuất, ghi nhận và di chuyển năng lượng. Cái máy kỳ diệu này là thân thể của bạn. Bạn cảm ơn không ngớt nếu có người cho bạn chiếc xe. Nhưng bạn có một cái máy tốt hơn nhiều. Ai cho bạn máy này? Làm sao sự thay đổi của các chất hóa học trong hệ thần kinh của não bộ biến thành ý tưởng? Làm sao một người nói chữ yêu hay nói ra những lời đem lại sự sống vĩnh cửu trong khi nhả ra chất độc carbon dioxide?

Làm sao mỗi khi bạn muốn làm điều ác thì hình như có bàn tay vô hình ngăn cản bạn lại? Bàn tay của ai đây? Ngay cả khi lương tâm bạn không đủ mạnh để làm bạn phải bỏ đi một ác ý thì sau đó chính lương tâm bạn làm bạn phải hối hận và ăn năn.Bạn là ai mà dám hạch hỏi căn cước của thực hữu? Nếu sự thực hữu trả lời bạn như thế này thì làm sao: “Vì trong sự ngu muội, ngươi cho nhà ngươi có quyền, làm ơn cho ta biết ngươi là ai?” Bạn có thể trả lời một trong hàng ngàn câu hỏi sự thực hữu hỏi bạn? Trong khi khoa học tiến bộ và trả lời đươc nhiều câu hỏi, nó cũng tìm ra những câu hỏi mới mà chúng ta cần phải giải đáp.

Bạn thắc mắc về sự huyền nhiệm của sự thực hữu, về ý nghĩa của nó, về sự thiết kế, về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa. Hiện thực nên trả lời cho ai đây? Và bằng ngôn ngữ nào? Khi những giáo sỹ đầu tiên tiếp xúc với những bộ lạc man khai, thấy rằng những người này không có danh từ nào để diễn đạt các quan niệm về “tình yêu”, “đức tin”, “tha thứ”, “linh hồn”, “thánh khiết”, “huấn luyện”. Các nhà giáo sỹ này bị hạn chế trong khả năng truyền đạt những sứ điệp của họ hay để chia sẻ những thực tế về quốc gia của họ. Bạn hiểu được ngôn ngữ của sự thực hữu tối cao?

Lần nữa, sự thực cao nhất này nên nói với ai? Bạn chỉ công nhận suy luận. Nhưng theo ý thức hệ duy vật của bạn, suy luận là cách mà não bộ làm việc. Não bộ của con voi cấu tạo khác. Hoạt động của nó gọi là bản năng. Còn não bộ của bạn có tên đẹp hơn một chút. Ấy vậy mà tho bạn bộ não của cả hai là kết quả bất ngờ của quá trình tiến hóa, nghĩa là sự tụ hợp ngẫu nhiên của các nguyên tử qua thời gian thật lâu mà không có một nhà thiết kế dự phần.

Các bạn cho rằng chủ nghĩa vô thần là chân lý. Nhưng trước khi gán chữ “chân lý” vào chủ nghĩa vô thần, bạn phải định nghĩa như thế nào là “chân lý”. Ông Pilate hỏi: “Chân lý là gì?” Bất kỳ ai không biết trả lời câu hỏi đó đều không có cơ sở nào để quyết định cái gì là đúng đắn.Người hoài nghi cho rằng “chân lý là sự nghi ngờ đã được thời gian gạn lọc” hay “ảo giác được đa số đồng ý”. Nhưng những gì họ chế nhạo là ảo giác, có thể là những sai sót nhưng chỉ đúng hướng. Khoa luyện kim và bói sao là những sai lầm nhưng là tiền thân cho hoá học và vũ trụ học.

Định nghĩa chân lý của bạn là gì?

Một người Mác-xít cho rằng chân lý tùy thuộc vào giai tầng xã hội. Điều kiện kinh tế quyết định điều một người tin.

Trong một bức thư cho Cluss ngày 7 tháng 12 năm 1852 Mác mô tả điều kiện kinh tế của chính ông. Ông ta nói rằng ông sống như bị giam tù vì ông thiếu áo khoác, giày và rằng gia đình ông đang bị nguy cơ sạt nghiệp. Chúng ta cảm thấy buồn cho ông. Nhưng rồi thuyết Mác-xít là não trạng của những người không có áo và giày. Ngày nay, giai cấp công nhân trong các nước Tây phương có áo và giày và có nhiều hơn một đôi. Vì vậy chủ nghĩa Mác không thích hợp cho chúng ta. Chúng ta phải có chân lý cho chính chúng ta.

Chủ nghĩa Mác cho rằng chính nó là chân lý nhưng nó không có định nghĩa đúng đắn cho chân lý.Điều đáng chú ý rằng chủ nghĩa Mác, tự cho rằng là chủ nghĩa của giai cấp công nhân, gạt bỏ tư tưởng gia công nhân khỏi chân lý. Mác viết thư cho Sorge ngày 19 tháng 10 năm 1877: “Công nhân khi bỏ lao động và trở nên người có học, luôn luôn đẻ ra các lý thuyết sai lầm, và luôn luôn sẵn sàng tham gia vào đám óc trâu.” Các phong trào học sinh cũng không thể có chân lý. Mác viết về “cái vô lý ngu xuẩn vô giá trị của đám học sinh Nga đang xung phá”. Như vậy, đối với người Mác xít chỉ có một định nghĩa duy nhất cho chân lý: “Chân lý là điều bạn nghĩ khi bạn không có áo và giày”. Do đó, đôi giày dường như ngăn cản chân lý đến với một người.

Chúng tôi cung ứng cho những người chống đối chúng tôi một định nghĩa: “Chân lý là sự nhất quán giữa đối tượng của sự tư duy (tức là hiện thực) với phó sản của nó, tức là não trạng của chúng ta”. Tuy nhiên, sự nhất quán này không có nghĩa là chúng ta đã hiểu hết hiện thực đúng đắn. Nếu không, làm sao bạn giải thích được sự hiện hữu của sai lầm? Bạn nói chắc rằng tôn giáo là sai lầm. Nhưng tôn giáo là sự nhất quán giữa hiện thực và não trạng của một người. Một người có thể chắc chắn về tư duy của ông ta nhưng vẫn có thể sai lầm. Nếu bạn là nạn nhân của sự sai lầm đó thì sao?

Giả thử một Cơ Đốc nhân trở thành một người vô thần. Anh ta khi đó tuyên bố dư duy trước của anh là sai lầm. Vì tư duy của anh ta khả ngộ, anh ta đón nhận ý thức hệ mới của các bạn vô thần. Làm sao anh ta biết chắc rằng anh ta không rơi vào một sai lầm mới? Anh ta có thể cảm nhận rằng tư tưởng của anh ta bây giờ thích hợp với hiện thực. Nhưng điều đó cũng là điều anh nghĩ khi anh còn trong tôn giáo. Bạn có thấy cần có một ánh sáng có đủ thẩm quyền đứng trên hiện thực và giống-như-hiện thực, đứng trên chân lý và gần-giống-chân lý, để cho chúng ta biết đâu là thực đâu là giả? Ngay cả niền tin vô thần có thể hiện hữu nhất quán (thật hiếm khi tư duy của con người được nhất quán) chỉ bằng cách công nhận Ánh Sáng này, mà chúng tôi yêu trọng trong tôn giáo.

Đấng Tối Cao có nên nói chuyện với các bạn bằng ngôn ngữ của lý luận không? Nhưng lý luận hiểu được những gì? Lý luận hợp thức hóa chế độ nô lệ, quân chủ chuyên chế, mê tín dị đoan. Nó giúp chúng ta hoan nghênh các chế độ độc tài, hợp lệ hoá chiến tranh thế giới đã tàn sát tập thể nạn nhân vô tội. Mephistopheles nói : “Một người dùng lý luận để trở nên thú tính hơn là con thú”. Con người luôn luôn hợp lý hóa, khái niệm hóa, và thông minh hóa .Hai thế kỷ trước đây Goethe đã nói rằng “trái đất của chúng ta là bệnh viện tâm thần của vũ trụ”. Là một giống nòi thỉnh thoảng sản xuất ra những nhân tài và một số chân lý, chúng ta có lý nhưng cũng dần dà chứng tỏ mình điên loạn. Ngay cả đối với những người thông thái nhất trong vòng chúng ta, sự hữu lý của họ cũng sống hòa đồng với những sự vô lý khác.

Lý luận khi không chịu ảnh hưởng bởi tình cảm hạ đẳng và phải được kích động bởi lòng ham muốn quí phái thì mới sản xuất ra kết quả đúng đắn được.Tại sao bạn đi tìm kết quả đúng đắn khi bạn không có một sự đam mê chân lý? Vì vậy, đam mê, là một tình cảm mạnh mẽ, nhiều khi là trở lực, nhưng khi khác là động cơ để cho suy nghĩ đúng đắn. Đam mê là điều kiện tiên quyết cho sự suy nghĩ đúng đắn.

Làm thế nào chúng ta biết được tam đoạn luận dẫn đến tư duy đúng? Chà, chúng ta chỉ cảm nhận vậy thôi. Chúng ta cảm nhận vậy trong chuyện nhỏ lẫn chuyện lớn. Einstein nói về một lý thuyết nỗi tiếng của ông trước khi nó được đem ra chứng nghiệm rằng ông chỉ cảm nhận là nó đúng. Cảm nhận là gì? Nó không thuộc về lý luận. Trực giác cũng vậy. Nhưng nó làm một người như Einstein thỏa mãn.

Bằng chứng không chỉ nằm phía ngoài. Cũng có những bằng chứng nội tại mà nhiều khi gần như mâu thuẫn với cảm quan của chúng ta. Chính sự cảm quyết nội tại này, hay đức tin chính nó là một trong những sự thật vĩ đại của vũ trụ. Nó phải được kính trọng và giải thích như những sự thật khác trong thiên nhiên.

Tư duy của Einstein được dựa trên giả định nằm ngoài sự hữu lý .

Chủ nghĩa vô thần cũng là một niềm tin. Nó cũng có nhiều giả định. Nó cho rằng đời sống có ý nghĩa khi sống để chối bỏ Đấng Vô Hình. Nietzche nhà tiên tri vĩ đại của kẻ chống đấng Christ đã thành thật công nhận điều này. Ông viết: “Ngay cả niềm tin của chúng ta, là những tín đồ của kiến thức, là những người vô thần, chống siêu hình, cũng chống nghịch một đức tin có sẵn cả nghìn năm; đó là đức tin Cơ Đốc, cũng là đức tin của Plato, rằng Thượng Đế là chân lý, và chân lý đó là thánh”. Nietzche đã hối hận về điều này, nhưng ông ta vẫn cho rằng ông ta “ngoan đạo”.

Nếu vai trò của cảm tính quan trọng như vậy, đối với với niềm tin của tín nhân cũng như vô tín nhân, tại sao Đấng Tối Cao phải nói chuyện với bạn, là kẻ hãnh diện về lý luận, mà lại không nói với những cảm tính này? Lenin trong tập san Triết Học nói rằng vật chất có khả năng tự phản chiếu. Nó phản chiếu chính nó trong tư duy. Trong tư duy của ai? Trong tư duy của một người. Bây giờ, nếu tất cả những gì chúng ta suy nghĩ là sự phản chiếu của hiện thực và nếu tất cả những điều chúng ta suy nghĩ là riêng tư thì sự thật mà chúng phản ảnh đó phải là một Nhân Vị mà chúng ta hiểu một cách rõ ràng hay mờ ảo, hay méo mó, hay ngay cả không biết chúng ta hiểu ai. Chúa Giê-su nói rằng Chân Lý là một Nhân Vị, đó là chính Chúa. Thử dùng tam đoạn luận để diễn đạt điều này bạn sẽ đến một kết luận rằng điều Chúa Giê-su phán là chân lý, một chân lý huyền nhiệm. Nếu bạn không có cảm tính về sự huyền nhiệm, bạn không thể đạt được chân lý.Tại sao bạn tin vào những gì trí óc nói? Bạn biết nó không khả tín mà. Bạn mới trỗi dậy từ một giấc ngủ hàng giờ mà trong đó chính trí óc của bạn đã gạt bạn với nhiều mộng mị và ảo giác. Trí óc bạn nói láo với bạn hàng đêm mà. Nó nói láo với bạn trong những giấc mộng tưởng ban ngày. Có hữu lý khi bạn dựa hoàn toàn vào trí óc?

Hàng triệu người, dựa vào lý trí, hoan nghênh Hitler và Stalin như những nhân tài vĩ đại. Cũng những bộ óc này sau đó luận tội các ông ấy như những người sát nhân hàng loạt. Bạn đã từng khám phá ra rằng trí óc bạn có nhiều sai sót. Nó cũng không cần phải giả bộ để nói cho bạn biết chân lý. Nó là cô gái điếm chỉ nói cho bạn biết những gì bạn muốn nghe. Nó bảo những kẻ vô thần rằng không có Thượng Đế; nó bảo với kẻ có tôn giáo những gì người ấy cảm thấy thoải mái; nó bảo với những thành viên đảng phái chính trị chính sách của họ là tốt nhất.

Tất cả chúng ta đều phạm sai lầm. Toàn bộ lịch sử của con người là một bãi tha ma của ý tưởng mà vì nó con người có thể sẳn sàng chết cho. Bạn có chắc có một ngày mà ý tưởng của bạn không bị cho là ngu xuẩn như ý tưởng cho rằng trái đất được thần Atlas? Khi dựa hoàn toàn vào trí óc, chín mươi phần trăm nhân loại, ngay cả thế kỷ này, tin vào giá trị tuyệt đối của định luật nhân quả. Nhưng Heisenberg là đúng cùng với một số người rất ít hiểu được quả quyết của ông rằng: “Lối giải quyết nghịch lý của vật lý nguyên tử có thể được hoàn chỉnh khi người ta chối bỏ những ý tưởng cũ đã được hoan nghên. Ý tưởng quan trọng nhất trong các ý tưởng này là các hiện tượng tự nhiên một cách chính xác tuân theo định luật nhân quả.”

Có khi nào bạn viếng thăm một trại tỵ nạn? Biên giới giữa đời sống tỵ nạn và đời sống bình thường ở đâu? Nó có thể là con vi trùng bệnh lậu nằm trong bộ não của một nhân tài, hay là một tình cảm khó chịu đã phân hủy một bộ óc sáng chói. Các tác giả của cuốn Sách Chỉ Nam Vô Thần có biết rằng bệnh lậu bắt đầu công việc phá hủy trong đầu óc của họ không? Khruschev đã diễn tả chế độ Stalin như là địa ngục trong đó ngay cả các nhà lãnh đạo cộng sản phải run sợ cho mạng sống của mình. Như vậy các tác giả của cuốn Chỉ Nam Vô Thần phải chịu đựng cảnh khốn khổ đó. Họ có thể chắc rằng đầu óc họ sáng sủa hoàn toàn không? Có ai trong chúng ta không? Chúng ta thuộc về một chủng tộc trong đó, trong khi sống trên trái đất phong phú, tìm không ra lời giải đáp cho vấn nạn của mình thay vì cứ ba mươi năm một lần giết người hàng loạt. Như vậy đầu óc chúng ta có gì hư hỏng rồi. Các bạn vô thần có dám chắc đầu óc của mình là chổ duy nhất để dựa không?

Cái gì để con người không bị phân loại vào hạng bị các bệnh tâm thần, rối loạn? Trí óc hoàn chỉnh, bình thường nằm ở đâu?Trí óc, mầy là ai? Xin trình giấy tùy thân! Quyền tối thượng của mi là gì để có thể cho mầy biết sự thật về thực hữu và mặc khải cho mầy biết về những bí mật sau cùng?

Trên mặt đại dương của thực thể, sự hiện hữu của tôi như một giọt nước. Giọt nước đó không thể rời mặt biển được một giây. Thực thể của tôi là một phần của biển, bị dày vò vì sóng gió của nó.Khi mà bản ngã của tôi trở nên ông vua và ước muốn phán xét thực hữu, thay vì khiêm nhường mà sống dựa vào nó, thì tôi không còn là một thực hữu nữa mà là một phi thực hữu, một ảo giác.

Có tồn tại một thực hữu duy nhất – Thượng Đế. Người đã tạo dựng nên tất cả, chỉ để ở trong Ngài. Trong Ngài chúng ta có được bản ngã, sự sống, và di động. Ngài bao phủ tất cả những gì Ngài tạo ra.

Như hàng tỉ tế bào, tất cả đều là những cơ quan hoàn hảo, có các chức năng của sự sống, nhận lãnh sự hiện hữu từ thân thể, sống bởi nó và qua nó, chúng ta cũng vậy là các phần của một thân thể cao hơn. Chúng ta sống trong Thượng Đế. Khi chúng ta chống đối Ngài thì sự hiện hữu của chúng ta mất đi ý nghĩa.

Người thông thái biết cách nghe nhận chuyện cười ngay cả khi họ là đối tượng của chuyện cười đó. Không có ý xấu, chúng tôi muốn kể cho các bạn vô thần một chuyện cười:

Đảng Bộ Trung Ương Đảng Cộng Sản Sô Viết bàn về vấn nạn Khrushchev, Brezhnev và các người khác, nói rằng: “Nó là thằng ngu, chúng ta hãy dẹp bỏ nó.” Podgornyi chen vào: “Nhưng bây giờ người ta biết lắp ráp cơ quan người rồi. Chúng ta hãy cho hắn một bộ óc của người thiên tài.” Các người khác đồng ý. Người ta cho vời một bác sĩ giải phẫu. Cuộc phẫu thuật thành công. Nhưng nó không cho kết quả mong ước. Họ quên đi rằng bộ óc của thiên tài đó chối bỏ thân thể của Khruschhev. Hãy nghe chuyện cười này! Một người được Thượng Đế soi dẫn và sống hài hòa với Ngài chối bỏ chủ nghĩa vô thần.
Theo: ghhv.quetroi.net
Trả Lời Câu Hỏi Của Những Người Vô Thần Reviewed by Unknown on 5/04/2014 Rating: 5 Quý Vị đã từng đọc những cuốn nhu BÓNG THÁNH GIÁ TRÊN LÀN SÓNG ĐỎ của thập niên 1960s,hẳn rùng mình ghê sợ trước những hành động bỉ ổi củ...

Không có nhận xét nào: