Chợ Tân Hiệp: Thanh Tra Chính Phủ Đối Thoại Với Dân Nhưng Không Lập Biên Bản - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
23 tháng 6, 2014

Chợ Tân Hiệp: Thanh Tra Chính Phủ Đối Thoại Với Dân Nhưng Không Lập Biên Bản

VRNs (23.06.2014) – Đồng Nai – Gặp gỡ, đối thoại giữa đoàn thanh tra Chính phủ và các tiểu thương chợ Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai.

Dưới đây là nội dung các trao đổi giữa hai bên trong buổi gặp gỡ này.

Ban đầu, ông Nguyễn Xuân Nam, trưởng đoàn thanh tra chính phủ trình bày lý do và mục đích của việc thanh tra. Theo ông Nam, sở dĩ có đoàn thanh tra là bởi việc tranh chấp giữa các tiểu thương chợ Tân Hiệp và nhà đầu tư đã kéo dài 3 năm và trong thời gian đó, 42 đoàn người trong số các tiểu thương đã phản ánh, khiếu nại với chính quyền địa phương và trung ương nhưng tranh chấp chưa được giải quyết. Mục đích của đoàn thanh tra là xem xét toàn bộ dự án, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân trong vụ việc và giải quyết hài hòa quyền lợi của nhà nước, của nhà đầu tư và quan trọng nhất là của tiểu thương.


Tiếp theo, ông Nam cho biết các thông tin về vụ việc với các điểm chính sau:

1. Đa số các tiểu thương ủng hộ xây dựng chợ mới [ở khu vực bao quanh Trung tâm thương mại - TTTM], chỉ có một số tiểu thương cương quyết phản đối.

2. Không đập TTTM để xây lại như thiết kế ban đầu [nếu xây lại, tiểu thương sẽ được bố trí vào mặt bằng tầng trệt thay vì khu vực bao quanh TTTM] vì đó là yêu cầu không thể thực hiện được.

3. Sẽ tiếp nhận khiếu nại của tiểu thương một cách riêng rẽ, từng người một.

4. Chỉ còn một phương án duy nhất để giải quyết tranh chấp, như khẳng định của UBND tỉnh Đồng Nai, là xây dựng chợ mới ở khu vực bao quanh TTTM.

Những điểm trên đây có những sai lệch. Thêm vào đó, ông Nam không có dấu hiệu dừng sau khoảng 40 phút độc thoại khiến các tiểu thương cảm thấy bất ổn và thể hiện thái độ phản đối.

Bà Đức, một trong các đại diện tiểu thương đã đứng lên cho biết các tiểu thương không chấp nhận phương án giải quyết mà ông Nam đã nêu. Bà cũng phát biểu rằng không có chuyện đa số các tiểu thương ủng hộ xây dựng chợ mới ở khu vực bao quanh TTTM mà chỉ muốn được trả lại mặt bằng tầng trệt như UBND TP. Biên Hòa đã cam kết ban đầu.

Các tiểu thương khác cũng thể hiện rõ thái độ phản đối và yêu cầu được phát biểu.

Một trong hai người đại diện theo ủy quyền của các tiểu thương, bà Nguyễn Trang Nhung, đã yêu cầu có micro cho các tiểu thương và có thư ký ghi biên bản. Tuy nhiên, ông Nam đã đáp lại rằng đây không phải là một buổi đối thoại mà là một buổi báo cáo những việc mà đoàn Thanh tra Chính phủ đã làm cho UBND tỉnh trước các tiểu thương và về việc tiếp dân, đoàn thanh tra sẽ tiếp từng người một [vào một buổi làm việc khác].

Có lẽ ông Nam đã “quên” nội dung giấy mời các tiểu thương do chính ông ký, trong đó đã ghi rõ mục đích của buổi làm việc là “để tiến hành gặp gỡ, đối thoại”. Một tiểu thương đã đưa giấy mời để ông “nhớ lại”. Khi này, ông Nam phải chấp nhận để các tiểu thương có ý kiến.


Bà Ngân, một đại diện tiểu thương phát biểu rằng thông tin ông Nam đã nêu là sai sự thật. Các tiểu thương không yêu cầu đập bỏ TTTM mà chỉ muốn được trả lại mặt bằng theo đúng cam kết của UBND TP. Biên Hòa.

Tiếp sau bà Ngân, các tiểu thương khác cũng nhắc lại ý muốn chung của họ rằng muốn được trả lại mặt bằng tầng trệt và không chấp nhận phương án xây dựng chợ mới ở khu vực bao quanh TTTM vốn không mấy thuận lợi cho họ. Có tiểu thương đã đặt vấn đề liệu có hay không lợi ích nhóm đằng sau các cơ quan hữu quan. Về việc khiếu nại đông người, nhiều tiểu thương phát biểu rằng từ trước tới nay họ khiếu nại đông người, và không đồng ý khiếu nại từng người như ông Nam yêu cầu, vì các tiểu thương có ý muốn chung thống nhất và đã ủy quyền cho một số đại diện thực hiện việc khiếu nại.


Hai đại diện theo ủy quyền của tiểu thương, ông Cao Hà Trực và bà Nguyễn Trang Nhung, đã đặt vấn đề vì lý do gì ông Nam muốn tiếp riêng từng tiểu thương thay vì tiếp cả tập thể hơn 400 người có chung quyền lợi, vả lại, luật nào cho phép ông chỉ tiếp riêng từng người mà không tiếp tập thể. Trước vấn đề này, ông Nam [không rõ giả vờ không biết hay thực sự không biết] đã đáp lại rằng chưa có luật nào cho phép khiếu nại đông người, nên ông không chấp nhận đơn khiếu nại tập thể. Khẳng định của ông Nam được lặp lại bởi thanh tra Hưng, một thành viên trong đoàn. Bà Nhung đã phản biện rằng theo điều 8, khoản 4, Luật Khiếu nại 2011, việc khiếu nại tập thể là được phép, và phải chăng đoàn thanh tra đang cố tình bóp méo luật để các tiểu thương vốn không hiểu biết về luật không thực hiện được quyền của họ.

Ông Nam đã bao biện rằng mỗi tiểu thương có một quyền lợi riêng, chẳng hạn người bán trong lồng chợ không thể như người bán ở bên ngoài, cho nên mới phải gặp từng người. Phía tiểu thương phản hồi rằng ông Nam có thể gặp từng người sau khi giải quyết xong quyền lợi chung của tất cả tiểu thương vì họ có chung ý muốn được trả lại tầng trệt như UBND TP. Biên Hòa đã cam kết.

Trong diễn biến tiếp theo, các tiểu thương và đoàn thanh tra tranh luận xoay qua 3 trong 4 điểm mà ông Nam nêu trong phần đầu buổi làm việc. Các tiểu thương đã khẳng định nhiều lần rằng đoàn thanh tra cần giải quyết trên cơ sở quan điểm chung của các tiểu thương, trả lại mặt bằng cho tiểu thương, không chấp nhận khiếu nại từng người, và việc ông Nam đưa ra thông tin đa số các tiểu thương đồng tình xây dựng chợ mới bao quanh TTTM là sai sự thật.

Sau nhiều ý kiến từ tiểu thương, đoàn thanh tra không có thêm phản hồi nào. Ông phó đoàn đã phát biểu kết thúc buổi làm việc, rằng đây là buổi thông tin để đoàn thanh tra nghe nguyện vọng của tiểu thương, từ đó có được thông tin chính xác nhất để giải quyết được quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và các tiểu thương.

Tiếp đó, ông Trực xin được phát biểu chốt lại 3 quyết định của tiểu thương:

- Yêu cầu được trả lại đúng vị trí chợ Tân Hiệp cũ (mặt bằng tầng trệt của TTTM)

- Không khiếu nại từng người

- Cử đại diện phát biểu trong các cuộc họp, có sự tham gia của tất cả các tiểu thương.

Trong một động thái nhanh chóng, đoàn thanh tra đã ra về bất chấp các tiểu thương yêu cầu có biên bản, thậm chí chỉ cần một văn bản xác nhận buổi làm việc không có biên bản. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị bỏ ngoài tai.

Cuối cùng, các tiểu thương đã ra về mà không có biên bản buổi làm việc. Đây là lần đầu tiên mà buổi làm việc của họ với cơ quan công quyền lại không có biên bản.

Như vậy, buổi làm việc hơn 2 tiếng đồng hồ đã không đi đến một kết quả nào. Ông Nam đã trình bày quan điểm của UBND tỉnh Đồng Nai như thể trình bày quan điểm của chính mình, với những chi tiết sai sự thật, phủ định mục đích của buổi làm việc là đối thoại, và yêu cầu tiểu thương khiếu nại từng người. Những hành vi này rõ ràng đã cho thấy ông Nam nói riêng và đoàn thanh tra không có thiện chí giải quyết tranh chấp một cách đàng hoàng, đúng pháp luật, hướng đến việc bảo vệ quyền lợi của các tiểu thương.

TN


Chú thích:

Theo Luật Khiếu nại 2011, Điều 8, Khoản 4:

Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau:

a) Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này. Việc tiếp nhiều người cùng khiếu nại thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật này;

b) Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại;
c) Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Chợ Tân Hiệp: Thanh Tra Chính Phủ Đối Thoại Với Dân Nhưng Không Lập Biên Bản Reviewed by Unknown on 6/23/2014 Rating: 5 VRNs (23.06.2014) – Đồng Nai – Gặp gỡ, đối thoại giữa đoàn thanh tra Chính phủ và các tiểu thương chợ Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai. ...

Không có nhận xét nào: