Công Dân Và Đại Sự Quốc Gia - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
5 tháng 7, 2014

Công Dân Và Đại Sự Quốc Gia

Một học sinh viết các ước mơ hòa bình lên cánh diều trước
khi thả lên bầu trời, thể hiện tinh thần bảo vệ chủ quyền,
biển đảo. Ảnh: T.D
Trước và sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá 13, đi đến đâu cũng nghe bàn về hành động phi pháp và phi đạo lý của Trung Quốc đối với Việt Nam tại biển Đông. Chưa cần bất kỳ lời kêu gọi chính thức nào và sự chỉ đạo nào, hàng triệu công dân Việt Nam đã ngay lập tức và bằng nhiều cách bày tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ hành động kiểu kẻ cướp của Trung Quốc.

Chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đất nước; yêu cầu Quốc hội ra tuyên bố chính thức phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc; yêu cầu chính phủ Việt Nam nhanh chóng kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế vì đã dùng vũ lực chiếm hoàn toàn Hoàng Sa vào năm 1974 và một phần Trường Sa vào năm 1988, đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vào tháng 5.2014... tất cả những việc làm trên đều là chuyện đại sự quốc gia mà không công dân Việt Nam yêu nước nào lại không quan tâm và hành động.

Thế nhưng, trong một môi trường chính trị - xã hội bình thường và lành mạnh thì chuyện đại sự quốc gia chắc chắn không thể chỉ xuất hiện cùng với mấy cái giàn khoan kẻ cướp đáng căm ghét kia. Những con số báo cáo sau đây của bộ Kế hoạch – đầu tư: cả nước có tới 19.285 quy hoạch được lập cho giai đoạn 2011-2020 với chi phí gần 800 tỉ đồng nhưng có nguy cơ rơi vào tình trạng lãng phí vì không phát huy được; chỉ trong ba năm từ 2006 đến 2008 có tới 1.763 quy hoạch “treo” trong cả nước vì các dự án chưa và không thực hiện được, khiến người dân bị tước quyền sử dụng đất và đất bị bỏ hoang một cách lãng phí. Nếu các cử tri/công dân đặt câu hỏi chất vấn đại biểu dân cử sau kỳ họp Quốc hội về trách nhiệm và cách xử lý đối với tình trạng tồi tệ trên đây thì liệu có được các vị lãnh đạo xem là đúng tầm đại sự quốc gia không? Câu trả lời chắc chắn phải là: Đúng. Thế còn chuyện không hề có sự thoả thuận nào giữa sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM với bộ Giáo dục Anh về chương trình tích hợp dự kiến thí điểm từ năm học 2014 - 2015, như sở đã khẳng định và Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM (đại diện cho Chính phủ Anh) đã bác bỏ, thì lẽ nào việc đòi hỏi minh bạch để chống sự gian dối lại chỉ là chuyện “cỏn con” của một địa phương, nằm ngoài tầm của đại sự quốc gia? Thế còn việc ban hành những quy định mới đây hạn chế quyền tiếp cận đưa tin của báo chí về phiên toà – cũng có nghĩa là hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công chúng về hoạt động xét xử của toà án, lẽ nào cũng là chuyện nhỏ nhoi trong phạm vi một ngành?

Mới đây nhất là chủ trương đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở TP.HCM ra ngoại thành thông qua hoạt động cấp giấy phép mới, với lý do “hoạt động dính tới khói lửa có thể gây ra cháy nổ”. Nhiều người chưa biết TP.HCM hiện có hơn 10 sân khấu tư nhân (gấp ba lần số sân khấu do nhà nước quản lý) luôn sáng đèn phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của ít nhất một nửa dân số 9 triệu ở thành phố này. Nhưng ai cũng biết hoạt động có dính tới khói lửa thì rất nhiều: khách sạn, nhà hàng, vũ trường… chứ nào riêng sân khấu biểu diễn, nhưng có thấy chủ trương đưa các hoạt động đó ra ngoại thành đâu? Và, ngay cả những nơi hầu như không có khói lửa như trung tâm thương mại thì thỉnh thoảng vẫn thấy báo chí đưa tin cháy lớn đó thôi! Vấn đề là thực hiện và quản lý chặt chẽ các biện pháp an toàn cháy nổ đối với các hoạt động kinh doanh có điều kiện chứ không phải là hoạt động đó nằm ở nội ô hay ngoại thành. Vậy, chủ trương không hợp lý đó trong lĩnh vực quản lý văn hoá có đáng được các công dân quan tâm đề đạt tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh hay chỉ là câu chuyện nhỏ và riêng của các ông chủ, bà chủ sân khấu tư nhân?

Bàn tới khái niệm đại sự quốc gia, hẳn nhiều người trong chúng ta đều tin rằng: tất cả những việc gì đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí, gian dối, phản dân chủ và tiến bộ để góp phần đưa đất nước chúng ta tránh được tình trạng lệ thuộc hơn, trở nên giàu mạnh hơn và vì thế tăng được khả năng tự bảo vệ an ninh, chủ quyền của mình đều là chuyện đại sự quốc gia mà mọi công dân yêu nước đều cần/phải tham gia thực hiện, không cần tới ai kêu gọi hoặc đề nghị.


Công Dân Và Đại Sự Quốc Gia Reviewed by Unknown on 7/05/2014 Rating: 5 Một học sinh viết các ước mơ hòa bình lên cánh diều trước khi thả lên bầu trời, thể hiện tinh thần bảo vệ chủ quyền, biển đảo. Ảnh: T.D...

Không có nhận xét nào: