Luật Sư Phản Đối Quyết Liệt Thông Tư 28 Của Bộ Công An - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 8, 2014

Luật Sư Phản Đối Quyết Liệt Thông Tư 28 Của Bộ Công An

"Những luật sư thường xuyên tham gia tố tụng trong các vụ án, đặc biệt là án hình sự thì rất “sốc” với Điều 38 Thông tư 28 của Bộ Công an", Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, nhận định.

Sáng 7/8, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công an), để chuẩn bị cho việc ra văn bản nêu ý kiến chính thức về quy định tại Điều 38 Thông tư số 28/2014/TT-BCA quy định về công tác điều tra hình sự của Bộ này.

Trước đó, ngày 1/8, tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Lê Thúc Anh đã phản ánh việc Thông tư 28/2014 trong quá trình soạn thảo và ban hành đã không tham khảo ý kiến của Liên đoàn Luật sư, gây bức xúc trong giới luật sư.

Theo đó, Điều 38 - Trách nhiệm của Điều tra viên trong việc xử lý vi phạm đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý quy định:

"1. Khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác thì điều tra viên tiến hành lập biên bản sự việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ.

2. Tùy theo mức độ vi phạm của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý, điều tra viên báo cáo thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đề xuất biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật".


Liên quan đến vấn đề này, báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi phỏng vấn với luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp.

Luật sư Cường nhận định: “Nếu những người dân hoặc các luật gia không hành nghề luật sư thì có thể không mấy để ý đến các quy định của Thông tư này. Nhưng những luật sư thường xuyên tham gia tố tụng trong các vụ án, đặc biệt là án hình sự thì rất “sốc” với Điều 38 Thông tư số 28/2014/TT-BCA.

Quyền được bào chữa là một trong các quyền cơ bản được Hiến pháp quy định, quyền này được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Luật sư…

Tuy nhiên, trên thực tế, so với các nước trên thế giới thì tỷ lệ bị can, bị cáo tại Việt Nam có luật sư tham gia bào chữa là rất ít. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết vụ án không khách quan, thậm chí oan sai, gây bức xúc dư luận… Chính vì vậy mà Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường vị trí và vai trò của người bào chữa trong tố tụng hình sự, tiến hành công cuộc cải cách tư pháp, thực hiện Nghị quyết 49…

Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ luật sư tham gia bào chữa trong vụ án hình sự rất thấp so với các quốc gia trên thế giới, trong đó có hai nguyên nhân đáng lưu ý là “tâm lý xã hội”, trong đó có cả tâm lý của người tiến hành tố tụng (như: Cần gì phải bào chữa? Không có luật sư thì chúng tôi làm sai à? Có oan đâu mà luật sư phải tham gia? Mời luật sư chẳng giải quyết được việc gì đâu….) và “ý thức của người tiến hành tố tụng” – gây khó khăn, cản trở luật sư trong quá trình hành nghề”.

Luật sư Cường cũng cho rằng: “Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi và Luật Luật sư sửa đổi đã mở rộng quyền bào chữa cho luật sư và quyền được bào chữa cho bị can, người bị tạm giữ: Luật sư có thể tham gia tố tụng ngay từ thời điểm tạm giữ hoặc thời điểm có quyết định khởi tố vụ án… Tuy nhiên, quy định này cũng không mấy cải thiện được số lượng người bị tạm giữ, bị can có luật sư bào chữa ngay từ đầu.

Trước đây, Thông tư số 70/2011/TT-BCA ngày 10/10/2011 của Bộ Công an quy định: Khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa, luật sư phải xuất trình “Giấy yêu cầu luật sư của người bị tạm giữ, bị can; giấy yêu cầu luật sư của người thân người bị tạm giữ, bị can (đối với trường hợp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có giấy nhờ người thân liên hệ nhờ luật sư bào chữa)” – trong khi họ đang bị cách ly, không thể tiếp xúc được với luật sư hay người thân….

Quy định này đã và đang khiến cho những người bị tam giữ, bị can đang bị tạm giam khó có thể thực hiện quyền được bào chữa của mình. Với quy định này đã làm mất quyền của người thân bị can trong việc nhờ luật sư bào chữa cho các bị can (người thân của họ).

Quy định này chưa được gỡ bỏ thì Bộ Công an lại “âm thầm” cho ra đời Thông tư số 28/2014/TT-BCA (thông tư này không lấy ý kiến của Liên đoàn Luật sư Việt Nam) gây cản trở quá trình hành nghề của giới luật sư.

Với những từ ngữ chung chung tại Điều 38 của Thông tư này như đã nêu ở trên “xúi giục khai báo gian dối”, “ngăn cản việc khai báo”, “khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ”, “hành vi…khác”…, nếu cộng với ý thức kém, kém cái tâm của người tiến hành tố tụng thì người bào chữa (luật sư) không thể hành nghề, tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra được.

Chính vì vậy, những luật sư đã và đang bị làm khó và các luật sư hiểu về thực trạng tố tụng hình sự mới có phản ứng quyết liệt đến như vậy.”

KIỀU HOA

Luật Sư Phản Đối Quyết Liệt Thông Tư 28 Của Bộ Công An Reviewed by Unknown on 8/10/2014 Rating: 5 "Những luật sư thường xuyên tham gia tố tụng trong các vụ án, đặc biệt là án hình sự thì rất “sốc” với Điều 38 Thông tư 28 của Bộ Cô...

Không có nhận xét nào: