Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế Kỳ Thứ 80: Tố Cáo Tội Ác Của Chế Độ Cộng Sản - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 11, 2014

Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế Kỳ Thứ 80: Tố Cáo Tội Ác Của Chế Độ Cộng Sản

VRNs (11.11.2014) – Genève, Thụy Sĩ – Đại hội Thế giới Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 80 đã diễn ra tại Bichkek, thủ đô nước Kirghizistan, vùng Trung Á, từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 2 tháng 10 năm 2014. Kirghizistan và các nước thuộc vùng Trung Á đã chịu ảnh hưởng văn hóa và chính trị Nga từ thời Liên Sô và áp lực của Trung Cộng sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, 25 năm trước đây.

Đại hội được coi như thành công trên nhiều phương diện, hơn sự chờ đợi của Văn Bút Quốc Tế. Một điểm son lớn trong quyển sổ lưu niệm gởi lại Nữ văn hữu Dalmir Tilepbergenova, Chủ tịch Văn Bút Trung Á và các văn thi hữu hội viên. Văn Bút Trung Á đã niềm nỡ tiếp đón hơn 250 nhà văn của 85 Trung tâm Văn Bút Quốc Tế. Chưa kể đông đảo phái viên truyền thông báo chí, phát thanh và truyền hình bản xứ và thế giới. Còn có đại diện của các tổ chức quốc tế như UNESCO, OSCE cùng nhiều nhà văn tên tuổi cùng tân khách. Chỉ kể vài người mới đến, như nhà văn Gia Nã Đại Yann Martel, nữ ký giả Nga (quốc tịch Hoa Kỳ) Maria Alexandrovna Gessenbút hiệu Masha Gessen, nhà văn Ukraine Andreï Iouriévitch Kourkov, nhà văn dịch thuật Argentine Carlos Gamerro, nhà thơ Kazakhstan Olzhas Suleimenov, bà Dunja Mijatović, Đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu châu (OSCE) về Quyền Tự do Truyền thông, bà Elizabeth Dyvik, đại diện tổ chức ICORN, v.v. Tham dự Đại hội, phái đoàn Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại có nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, và nữ văn hữu Fawzia Assaad, hai đại biểu cùng nữ văn hữu Clara Francheschetti, thành viên Ủy ban Nhà Văn Nữ. Một số đại biểu Văn Bút ở Phi châu không có chiếu khán để đến Bichkek vì vùng của các văn hữu đó bị ảnh hưởng bởi bệnh sốt truyền nhiễm Ebola.


Đại hội Bichkek chọn chủ đề “Ngôn ngữ của tôi, lịch sử hay là số phận của tôi và quyền tự do của tôi”. Đại hội được coi là diễn đàn cho những cuộc thảo luận giữa các nhà văn trong Vùng Trung Á và trên toàn cầu. Những đề tài chính gồm có quyền ngôn ngữ, đặc biệt chú ý đến những cộng đồng ngôn ngữ thiểu số, văn chương, truyền thông, quyền tự do ngôn luận, tình hình nhà văn bị đàn áp và cầm tù, giáo dục Nhân quyền và Xã hội dân sự. Đối với các nhà văn Kirghizistan nói riêng và các nhà văn của vùng Trung Á nói chung, Đại hội Bichkek là một cơ hội văn hóa hiếm có. Bởi vì đây là lần đầu tiên, các văn hữu thế giới tụ hội về thành phố này, giữa vùng Trung Á. Có thể nói rằng Bichkek đã trở thành ‘’thủ đô’’ của cộng đồng Văn Bút Quốc Tế. Đại hội được sự yểm trợ rất tích cực của các trường Đại học và Thư viện Quốc gia địa phương. Một số nhà văn dự Đại hội được mời đến thăm các trường học và đại họcđể nói chuyện với sinh viên về mối quan hệ giữa văn chương và tự do ngôn luận.

Quyết Nghị của các Ủy ban Chuyên biệt Văn Bút Quốc Tế


Văn Bút Quốc Tế đã nhận được gần 30 Dự án Quyết Nghị đệ trình Đại hội Bichkek. Hơn 20 Dự án được Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị Đàn áp và Cầm tù phối hợp soạn thảo và xem xét ngay từ cuối tháng 7. Các bản văn sau đó được Ủy ban khảo sát lần chót và phê chuẩn trong phiên họp ngày 29 tháng 9 tại Bichkek. Nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt thường xuyên tham dự các phiên họp chuyên biệt nói trên và đã đọc tất cả các Dự án Quyết Nghị khác nhau trước khi đến họp. Thi hữu làm việc với tất cả các nhóm theo sự tổ chức của Ủy ban, nhứt là nhóm “Á châu – Thái Bình dương”. Trong nhóm đó, số đông là văn hữu của các Trung tâm Nhựt, Nam Hàn và Bắc Hàn (lưu vong), Trung Hoa Độc lập, Tây Tạng, Ouighours, Phi Luật Tân, Cao Miên, Bangladesh, Nepal, Melbourne, Sydney, Tân Tây Lan… Tuy nhiên, vẫn có sự tham dự của một số Trung tâm khác vì có liên hệ đến tình trạng nhà văn bị đàn áp và cầm tù trong vùng, như Anh, Hoa Kỳ, Hòa Lan, Gia Nã Đại, .v.v.

Những Quyết Nghị được Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù đề nghị Hội đồng Đại biểu chấp thuận gồm có: Quyết Nghị về Liên Bang Nga, Quyết Nghị về Ukraine, Quyết Nghị về Cuba, Quyết Nghị về Erythrée, Quyết Nghị về Trung Hoa (CS), Quyết Nghị về Việt Nam (CS), Quyết Nghị về Ethiopie, Quyết Nghị về Mumia Abu-Jamal (Hoa Kỳ), Quyết Nghị về Ba Tư, Quyết Nghị về Tây Tạng, Quyết Nghị về Sự Kiểm soát (Hoa Kỳ), Quyết Nghị về Honduras, Quyết Nghị về Syrie, Quyết Nghị về Ilham Tohti (Ouïghour/Trung Hoa CS), Quyết Nghị về Bắc Hàn, Quyết Nghị về Thổ Nhĩ Kỳ, Quyết Nghị về Hình luật chống LGBTI, Quyết Nghị về Hình luật “Phỉ báng và Lăng nhục”, Quyết Nghị về Azerbaïdjan, Quyết Nghị về Erythrée và Quyết Nghị về Irak.Trường hợp ngoại lệ, Quyết Nghị về Kirghizistan, liên quan đến nhà báo Azimjon Askarov, người Ouzbek đã được đồng đệ trình bởi hai Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù và Ủy ban Phiên dịch và Quyền Ngôn ngữ. Còn lại bốn Quyết Nghị thuộc phạm vi hoạt động và thẩm quyền đề nghị của Ủy ban Nhà Văn vì Hòa bình: Quyết Nghị về Thay đổi Khí hậu và Những Tiếng Nói Thiếu Vắng của các Thế Hệ Tương Lai và Quyết Nghị về Kêu gọi Hòa bình; và sau hết, Ủy ban Phiên dịch và Quyền Ngôn ngữ: Quyết Nghị về tiếng Bồ Đào Nha và Quyết Nghị về tiếng Catalan.

Ngày 2 tháng 10 năm 2014, Hội đồng Đại biểu Văn Bút Quốc Tế đã đồng thanh thông qua bản Quyết Nghị về Việt Nam. Bản văn do Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại đề nghị, với sự tán trợ từ lúc mới là Dự án, của hai Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Đức và Ý thoại. Kết quả cuộc biểu quyết đủ nói lên sự hết lòng ủng hộ của các văn thi hữu quốc tế dành cho những người cầm bút độc lập và dũng cảm Việt Nam. Họ là những tù nhân lương tâm bị CS bắt làm con tin. Qua Quyết Nghị về Việt Nam, Hiệp Hội các Nhà Văn thế giới một lần nữa cực lực tố cáo những hành vi tội ác của những kẻ có quyền thế trong chế độ CS. Bộ máy chuyên chế, áp bức vô cùng khắc nghiệt, thâm độc. Chúng tiếp tục săn đuổi, hành hung, bắt giữ và biệt giam những nhà văn, nhà báo, những người viết nhựt ký điện tử, tranh đấu cho Tự do, Dân chủ, bênh vực Nhân Quyền và bảo vệ Môi trường, Môi sinh. Nạn nhân không chỉ là giới cầm bút, tu sĩ, trí thức dấn thân hay luật sư nhân quyền. Thuộc mọi thành phần dân tộc, giai tầng xã hội, nạn nhân là những người không chịu khuất phục bạo quyền. Họ không muốn bị lừa dối hay mua chuộc để làm kẻ đồng lõa với tội ác áp chế bất công, tham ô nhũng lạm trên quê hương của họ. Họ đã từ chối nín câm, công khai bày tỏ sự đối kháng, cảnh báo nguy cơ đất nước, con người và văn hóa dân tộc bị tiêu vong vì ngoại xâm.

Nhà giáo Đinh Đăng Định

Cái chết đau thương của nhà giáo Đinh Đăng Định được ghi đậm nét trong Quyết Nghị. Còn nhớ, ngay khi nhận được tin buồn lớn, Chủ tịch Văn Bút Quốc Tế John Ralston Saul đã nhờ nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt chuyển giùm thư chia buồn đến tang quyến. Theo văn hữu Chủ tịch: Đây thật là một sự phí phạm tài năng của Việt Nam. Lúc phúc trình trước Hội đồng đại biểu Văn Bút Quốc tế, chủ tịch Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù, nữ văn hữu Marian Botsford Fraser đã lưu ý các văn hữu hiện diện về tình trạng Nhân Quyền Việt Nam bị sa sút trầm trọng. Tệ trạng đó càng ngày càng tồi tệ từ năm 2009, sau khi chế độ CS bị chất vấn và hài tội trong cuộc Khảo sát Định kỳ Toàn cầu lần đầu tiên tại Hội đồng Nhân Quyền. ‘’Nhiều người chỉ vì nói lên quan điểm bất đồng, dù ôn hòa, vẫn bị bắt nhốt, có thể chết dần mòn trong những điều kiện ngục tù thê thảm, đáng kinh hải. Từ lâu, có những tù nhân đau ốm nặng, như nhà giáo Đinh Đăng Định, Lm Nguyễn Văn Lý và nhà thơ Nguyễn Hữu Cầu. Văn Bút Quốc Tế đã can thiệp với nhà cầm quyền. Chỉ có hai tù nhân nhận được cái gọi là “ân xá”. Ông Đinh Đăng Định và ông Nguyễn Hữu Cầu được về nhưng đã quá muộn, nhứt là đối với nhà giáo Đinh Đăng Định. Xin đọc tiếp bản Quyết Nghị về Việt Nam: “Nhà trí thức dấn thân này đã mất ngày 3 tháng 4 năm 2014 tại nhà riêng, sau khi bị kết án 6 năm tù giam hồi tháng 8 năm 2012. Ông đã ra khỏi nhà tù vì ‘được ân xá’ vào ngày 21 tháng 3 năm 2014. Nhưng đã quá muộn. Ông chỉ còn là một bộ xương người sắp chết vì ung thư dạ dày từ lúc bị giam cầm. Chẳng bao lâu trước khi qua đời, ông Đinh Đăng Định cho biết, lúc ông phát hiện máu trong phân, ông đã nhiều lần yêu cầu để được khám nghiệm tại bệnh viện. Nhưng bọn cai ngục đánh đập ông thay vì cho ông được sớm nhận sự điều trị cần thiết và khẩn cấp. Nhà thơ Nguyễn Hữu Cầu, nay đã 69 tuổi, thụ án tù chung thân thay cho án tử hình từ năm 1983 cũng đã ‘’được ân xá’’ hồi tháng ba năm 2014 vì lý do sức khỏe. Ông bị suy tim nặng, mù mắt trái, mờ mắt phải và gần điếc…’’ (Quyết Nghị về Việt Nam).

Theo đề nghị của Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại, trường hợp nhà giáo quá cố Đinh Đăng Định còn được nhắc lại tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Đại biểu sáng ngày 30 tháng 9. Một tấm hình chụp ông ngồi trên giường bệnh được in trong tài liệu. Một phút im lặng để tưởng nhớ ông cũng như các văn thi hữu đã mất trong năm qua, từ Nam Phi đến Bangladesh, từ Việt Nam đến Trung Hoa, từ Mễ Tây Cơ đến Miến Điện, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Cameroun.


Chuyện Người Khách Lạ

Một đại biểu có mặt trong kỳ Đại hội này. Một pho tượng đá tự biệt giam giữa một thế giới tự do nghĩ và viết, khai phóng ngôn ngữ, sáng tạo văn chương không biết biên giới. Có mặt nhưng không tham gia biểu quyết bất cứ Quyết Nghị hay vấn đề nào nêu ra trong Đại hội. ‘Nhà văn’ như một người ‘khách lạ’ đó chỉ xin được nói một điều bất di bất dịch (như một điệp khúc mà chế độ CS Hà Nội đã học thuộc lòng từ mấy chục năm qua). Ông ta dám liều lĩnh nói: ‘Ở nước chúng tôi, không có nhà văn, nhà trí thức, tác giả nhựt ký điện tử hay nhà dân chủ đối kháng nào bị ngược đãi cả. Cũng như Lưu Hiểu Ba (Nobel Hòa Bình 2010), họ đều là tù thường phạm’. Cựu chủ tịch Văn Bút Pháp và thành viên Ban chấp hành VBQT, nhà thơ Sylvestre Clancier phản ứng tức khắc và mạnh mẽ phản đối. Thi hữu nói với tư cách phong thái của một nhà văn, một nhà thơ, chân thực và dấn thân. Cựu Chủ tịch Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị đàn áp và Cầm tù, cựu Tổng thư ký và Phó chủ tịch VBQT, nữ văn hữu Hoa Kỳ Joanne Leedom-Ackerman cũng bày tỏ thái độ tương tự. Các văn hữu Văn Bút Trung Hoa Độc lập, Tây Tạng và Ouïghours, Cuba, Việt Nam lưu vong (Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại) và các Trung tâm Văn Bút bạn không phải mất thì giờ để đối đáp lại người ‘’khách lạ’’ đó. Ông ấy không phát biểu thêm gì nữa. Dù có ‘’cầm bút lông, bút sắt hay bút máy’’ ở Bắc Kinh, Hà Nội hay Bình Nhưỡng, những người đã trâng tráo phát ngôn như vậy có thể là những công chức chỉ biết thi hành huấn lệnh của một chính đảng cầm quyền độc tài thoái hóa. Họ đã miễn cưỡng tự vong thân để có chén cơm manh áo cho bản thân và gia đình. Họ bằng lòng được ban cấp cho một vuông chiếu trong gian nhà chợ chiều chữ nghĩa buồn hiu. Họ yên thân vì là hội viên của những hội nhà văn nhà thơ nhà báo dưới sự lãnh đạo của bàn tay phù thủy văn hóa đảng. Số phận họ thật bi đát. Từ khi có tấn đại thảm kịch độc tài đỏ ở Á châu, ngòi bút của họ bị bẻ cong, tiếng nói bị tước đoạt. Khác nào bầy voi và tê giác trong rừng già Nam Phi, bị giết tàn nhẫn để giai cấp tư bản đỏ, đại phú gia Xã hội chủ nghĩa cướp đoạt ngà và sừng, một thứ châu ngọc mới. Ngà voi và sừng tê giác để làm thần dược cho vua chúa thời kỳ vô sản quá độ, đóng đô trên đất dân oan, cha truyền con nối, hoặc trang trí đền thờ, lăng miếu riêng cho lãnh tụ tập đoàn, băng đảng xã hội đen sau khi thoái vị hoặc tử vong.

Vì dám viết và nói ra những gì họ suy nghĩ mà hàng trăm nhà văn đã bị đàn áp và cầm tù, bị tra tấn, làm nhục, bị đốt sách, cấm viết và có nhiều người bị giết hại hoặc mất tích trên thế giới. Cuối tháng 9 năm 2010, nhà văn và nhà thơ Trần Khải Thanh Thủycòn bị giam nhốt và hành hạ trong trại tù CS. Tại Đại hội Văn Bút Quốc Tế Tokyo, ở nước Nhựt năm 2010, bà Trần Khải Thanh Thủy được Văn Bút Quốc Tế vinh danh. Như một biểu tượng về tinh thần độc lập và lòng can đảm của hàng trăm văn hữu quốc tế, nạn nhân của các nhà nước độc tài hoặc thiếu tự do dân chủ. Lần đầu tiên, một Chiếc Ghế Trống được Văn Bút Quốc Tế để dành cho nữ văn hữu tù nhân Trần Khải Thanh Thủy. Một tấm hình chụp nhà văn bị hai nữ công an CS kềm giữ chặt trong phiên tòa CS được trưng bày trên Chiếc Ghế Trống. Bên cạnh còn có một tài liệu về việc CS đàn áp, giam nhốt nữ văn hữu do Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại biên soạn. Tài liệu có đăng bài thơ ‘’Bao Giờ?’’ của bà với ba bản dịch tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Nữ văn hữu Marian Botsford Fraser, Chủ tịch Ủy Ban Bênh Vực Nhà Văn bị Đàn Áp và Cầm tù, đã đọc bài thơ ‘’Bao Giờ’’. Những câu thơ đó được lồng trong bài Diễn văn khai mạc cuộc Triển Lãm đánh dấu 50 Năm Hoạt Động của Ủy Ban.

Từ đó về sau, luôn luôn có một chiếc Ghế Trống tại mỗi Đại hội Văn Bút Quốc Tế và tại mỗi Hội nghị Lưỡng niên của Ủy ban Bênh Vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù.

Kỳ Đại hội Văn Bút Quốc Tế Bichkek, nước Kirghizistan năm 2014, có ba Chiếc Ghế Trống dành cho ba nhà văn trong vùng Trung Á.
Cả ba người đang bị giam cầm, đó là nhà văn Vladimir Kozlov ở Kazakhstan, nhà văn Azimjan Askarov(gốc Ouzbek) ở Kirghizistan và nhà văn Ilham Tohti (gốc Ouïghour) ở Tân Cương (bị Trung Cộng chiếm đóng).

Trên đường đến Bichkek, văn hữu John Ralston Saul, Chủ tịch Văn Bút Quốc Tế và một phái đoàn đã ghé tại nước Kazakhstan. Trong cuộc tiếp xúc với với Đổng lý văn phòng phủ Tổng thống Kazakhstan, văn hữu chủ tịch đã trình bày mối quan tâm của Văn Bút Quốc Tế, đặc biệt là về hai nhà văn bị cầm tù Vladimir Kozlov và Aron Atabek. Văn hữu John Ralston Saul và văn hữu Carles Torner sau đó đã được vào trại giam và trực tiếp thăm hỏi nhà văn Vladimir Kozlov. Trước khi Đại hội bế mạc, phái đoàn Văn Bút Quốc Tế đã gặp Tổng thống Kirghizistan theo lời mời của người cầm đầu nước này. Trong dịp đó, văn hữu John Ralston Saul đã biện hộ cho công cuộc vận động liên quan đến quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm tại Kirghizistan. Chủ tịch Văn Bút Quốc Tế cũng nêu lên và bênh vực trường hợp nhà báo Azinjon Askarov (người Ouzbek) với ông Công tố viên Liên bang.

Ủy ban Văn Bút Quốc Tế Bênh vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù duyệt xét lần chót

các Dự án Quyết Nghị trong phiên họp ngày 29 tháng 9 năm 2014

Ngoài các Quyết Nghị và các Dự án Kế hoạch và Chương trình Hoạt động trong những năm tới, Hội đồng Đại biểu Văn Bút Quốc Tế còn thông qua nhiều Quyết định mới, như:

- Biên bản Đại hội Thế giới Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 79 ở Reykjavik, nước Islande năm 2013.

- Phúc trình hoạt động của Ban Chấp hành, Chủ tịch, Tổng thư ký và Thủ quỷ Quốc Tế, Giám đốc điều hành và các Ủy ban chuyên biệt gồm có Ủy ban Bênh Vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù, Ủy ban Phiên dịch và Quyền Ngôn ngữ, Ủy ban Nhà Văn vì Hòa bình, Ủy ban Nhà Văn Nữ.

- Hai nữ văn hữu Margie Orford (Văn Bút Nam Phi) và Teresa Cadette (Văn Bút Bồ Đào Nha) được bầu vào ban Chấp Hành Văn Bút Quốc Tế (nhiệm kỳ 3 năm), thay thế hai văn hữu Yang Lian (Văn Bút Trung Hoa Độc lập) và Sylvestre Clancier (Văn Bút Pháp) vừa mãn nhiệm.

- Nữ Văn hữu Simona Škrabec (Văn Bút Catalan) được đắc cử Chủ tịch Ủy ban Phiên Dịch và Quyền Ngôn Ngữ (nhiệm kỳ 3 năm).

- Thi hữu Carles Torner (Văn Bút Catalan), cựu chủ tịch Ủy ban Phiên Dịch và Quyền Ngôn Ngữ VBQT, được bổ nhiệm tân Giám đốc điều hành Văn Bút Quốc Tế.

- Bốn Trung tâm Văn Bút mới thành lập: Văn Bút Erythrée, Văn Bút Honduras, Văn Bút Liberia và Văn Bút Cymru (Pays de Galles) được công nhận là hội viên Văn Bút Quốc Tế.

- Trung tâm Văn Bút Pakistan bị coi là ngưng hoạt động.

- Lịch trình bầu cữ mới liên quan đến các chức vụ: Chủ tịch, Tổng thư ký và Thủ quỷ Văn Bút Quốc Tế (Quyết Nghị do Văn Bút Trieste đệ trình).

- Trung tâm Văn Bút Québec sẽ tổ chức Đại hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 81 vào tháng 10 năm 2015.

Tiếp theo phần trình bày của văn hữu Emile Martel, đại biểu Văn Bút Québec, về dự án Đại hội Québec, văn hữu José Muratti, đại biểu Văn Bút Porto Rico, đưa ra đề nghị năm 2016 Văn Bút Porto Rico sẽ tổ chức Đại hội Thế giới Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 82.

Tân khôi nguyên Giải ‘’Những Tiếng Nói Mới’’ năm 2014 là cô Marina Babanskaya, tác giả truyện ngắn ‘’Bản hợp ca của đàn ếch’’. Tác giả trẻ này đã được Văn Bút Nga (trung tâm St-Peterbourg) để cử. Vào chung kết còn có hai nhà văn trẻ Amalia Cernat (Văn Bút Lỗ Ma Ni) và Kasim Bazil (Văn Bút Trung Á). Ban Giám khảo gồm có các nhà văn và nhà thơ Xi Chuan (Trung Hoa), Kiran Desai (Ấn Độ),Alberto Manguel (Argentine), Alexandre Postel (Pháp) và Kamila Shamsie (Anh và Hồi). Nhà văn Andrei Kourkov, phó Chủ tịch Văn Bút Ukraine, đã trao Giải thưởng của Văn Bút Quốc Tế cho tân khôi nguyên trong Đêm Văn Hóa được tổ chức tại trường Đại học Quốc tế Ataturk Alatoo ở Bichkek.

Chúng tôi rất tiếc khuôn khổ hạn hẹp của bản tin phổ biến trên mạng Internet không cho chúng tôi được giới thiệu cùng quý bạn đọc và quý diễn đàn bản tường trình đầy đủ về Đại hội Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 80 tại Bichkek, thủ đô nước Kirghizistan của nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt. Tài liệu đó được viết bằng tiếng Pháp dành cho Ban Chấp hành và văn thi hữu hội viên Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại và Văn Bút Quốc Tế.


Tiếp theo Bản Tin này, chúng tôi cho phổ biến dưới đây Bản Quyết Nghị về Việt Nam gồm có các bản tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha và bản dịch tiếng Việt cùng với danh sách hơn 80 Trung tâm Văn Bút Quốc Tế đã đồng thanh biểu quyết thông qua Dự án Quyết Nghị của Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại đệ trình được sự tán trợ của hai Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Đức và Ý thoại.

Genève ngày 9 tháng 11 năm 2014


Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ


Ligue Vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland
Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế Kỳ Thứ 80: Tố Cáo Tội Ác Của Chế Độ Cộng Sản Reviewed by Unknown on 11/11/2014 Rating: 5 VRNs (11.11.2014) – Genève, Thụy Sĩ – Đại hội Thế giới Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 80 đã diễn ra tại Bichkek, thủ đô nước Kirghizistan , vùn...

Không có nhận xét nào: