Tòa Án Và Lương Tâm - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 11, 2014

Tòa Án Và Lương Tâm

Lam Hồng: Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng tư pháp của một quốc gia, và là nơi xét xử các trường hợp phạm pháp. Người xét xử là người “cầm cân nảy mực”, vì thế mà phải công tâm, nếu không thì nguy hiểm, hóa phi pháp. Tòa án là nơi thực hiện Công Lý, nhưng đôi khi vẫn có những trường hợp “hối lộ”, như tục ngữ đã nói: “Đồng bạc đâm toạc tờ giấy”. Đây là dạng lương tâm lệch lạc, thiên vị, bất chính!

Tòa án có nhiệm vụ xét xử. Xét xử liên quan xét đoán (đoán xét). Có những điều phải “đoán” rồi mới “xét”, chứ không thể “xét” rồi mới “đoán”. Khi đã “xét” thấu đáo rồi thì “xử”, gọi là xét xử. Không phiên tòa nào cần thiết bằng Phiên tòa Lương tâm. Tự xử mới là điều khó nhất. Thực tế xã hội cho thấy có những trường hợp bị xét xử và bị kết án tù oan sai cả vài chục năm, chứ đừng nói vài năm, nhưng có những trường hợp phạm pháp nghiêm trọng mà thủ phạm không hề bị xét xử. Tại sao vậy? Đó là hậu quả của những người hữu trách có lương tâm lệch lạc, bất chính. Đúng như Thánh Phaolô nói: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6:10).

Càng ngày càng có nhiều loại tội phạm. Ngày nay thấy xuất hiện loại tội phạm mới: Tội phạm lương tâm. Phạm tội thì phải tù. Người ta gọi những người phạm tội đó là “tù nhân lương tâm”. Người ta quan trọng hóa nhiều loại tội phạm nhưng lại không đề cao Tòa án Lương tâm. Lạ thật!

Phiên tòa Lương tâm cần thiết, nhưng Phiên tòa Cánh chung quan trọng nhất, vì đó là Cuộc Phán Xét Chung. Và rồi bất cứ ai cũng phải một lần đứng trước vành móng ngựa tại “phiên tòa” độc nhất vô vị này. Trình thuật Mt 25:31-46 cho thấy chi tiết về Phiên Tòa Chung Thẩm này.

Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ chochiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ, Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han”. Bấy giờ, những người công chính sẽ thưa: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?”. Đức Vua sẽ đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng”. Bấy giờ, những người ấy cũng sẽ thưa: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?”. Bấy giờ, Người sẽ đáp lại họ:“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.

Đoạn Phúc Âm này không xa lạ gì, nghĩa là rất quen thuộc. Chúng ta nghe nhiều lần rồi, ít là mỗi năm một lần vào khoảng thời gian cuối năm đời thường và cuối năm phụng vụ. Chính Chúa Giêsu là Vị Thẩm Phán tối cao của Phiên Tòa Chung Thẩm: “Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử. Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người” (Ga 5:22, 26-27).

Qua đó, chúng ta thấy rằng cũng với các hành động như nhau, nhưng giữa bên “chiên” và bên “dê” chỉ khác nhau một chữ “không” (chẳng). Chính động thái “không” này xảy ra có liên quan lương tâm của chúng ta, đó là quyền tự do của chúng ta. Và cũng chỉ vì chữ “không” đó mà “những người đứng ở bên trái” sẽ phải lãnh án tử đời đời. Tuy nhiên, những người bị loại án tử này mà lại không “chết”, họ vẫn “sống” cả hồn và xác, “sống” mà lại “chết”. Kỳ lạ và đáng sợ! Hiện nay chúng ta không thể hiểu thấu, vì đó là trạng thái vĩnh hằng, cuộc đời trần gian này không có gì có thể so sánh được.

Đó là chuyện xét xử tâm linh. Còn chuyện xét xử đời thường cũng có những điều “nhắc nhở” và là bài học quý giá.


1. Câu chuyện có thật đã xảy ra ở đất nước Indonesia.

Tại phòng xử án, thẩm phán trầm ngâm suy nghĩ trước lời cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà phạm tội ăn cắp khoai mì (sắn). Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà về lý do ăn cắp: Gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bệnh, đứa cháu suy dinh dưỡng vì đói khát. Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng khoai mì nói rằng bà ta phải bị xử nghiêm minh như những người khác.

Thẩm phán thở dài: “Xin lỗi, thưa bà…”. Ông ngưng giây lát, nhìn bà cụ đói khổ, rồi nói:“Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi”.

Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo? Ông thẩm phán nói tiếp: “Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toà này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật”. Nói xong, ông lấy mũ của mình đưa cho cô thư ký: “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo”.

Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vô cùng vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà. Tất cả mọi người đều mãn nguyện và hạnh phúc.

Đây là một phiên tòa xử nghiêm minh nhất và thật cảm động, vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta. Đó là tính liên đới về tội lỗi. Vị thẩm phán là phàm nhân nhưng ông là người có tâm tính tốt lành, ông không chỉ dùng LUẬT PHÁP mà còn dùng cả TRÁI TIM để phân xử.

Khi xét đoán nhau, chúng ta cũng phải dùng cả trái tim mà xét cho hợp tình hợp lý. Vả lại, ơn gọi của bất cứ ai đều là Ơn Gọi Yêu Thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).

2. Câu chuyện về bữa cơm của đại nhân Khổng Tử và các môn sinh.

Một lần nọ, Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Trong đám học trò đi với Khổng Tử có Nhan Hồi và Tử Lộ, hai môn sinh yêu quý của ngài Khổng Tử.

Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ. Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Tuy vậy, không một ai kêu than, thoái chí, tất cả đều đồng tâm nhất trí theo thầy đến cùng. May mắn thay, ngày đầu tiên đến đất Tề, có một nhà hào phú từ lâu đã nghe danh Khổng Tử, nên đem biếu thầy trò một ít gạo. Khổng Tử liền phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, còn Nhan Hồi đảm nhận việc thổi cơm.

Tại sao Khổng Tử lại giao cho Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng mà Khổng Tử đã đặt nhiều kỳ vọng nhất – phần việc nấu cơm? Bởi lẽ, trong hoàn cảnh đói kém, và với nhãn quan tinh tường của ngài Khổng Tử khôn ngoan và thông thái, phân công cho Nhan Hồi việc bếp núc là hợp lý nhất.

Sau khi Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau, Nhan Hồi thổi cơm ở nhà bếp, Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ. Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Xong, Nhan Hồi đậy vung lại, liếc mắt nhìn chung quanh rồi từ từ đưa cơm lên miệng.

Hành động của Nhan Hồi không lọt qua đôi mắt của vị thầy tôn kính. Khổng Tử thở dài, ngửa mặt lên trời mà than: “Chao ôi! Học trò ưu ái nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Chao ôi! Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói!”.

Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh khác mang rau về. Nhan Hồi lại luộc rau. Khổng Tử vẫn nằm im đau khổ. Khi rau chín, Nhan Hồi và Tử Lộ dọn cơm lên nhà trên. Tất cả môn sinh chắp tay mời Khổng Tử dùng cơm.

Khổng Tử nói: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế này mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, các con vẫn yêu thương đùm bọc nhau, các con vẫn một dạ theo thầy, trải qua bao nhiêu chặng đường đói cơm, khát nước. Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, may mắn làm sao thầy trò ta lại có được bữa cơm. Bữa cơm đầu tiên trên đất Tề làm thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương nước Lỗ. Thầy nhớ đến cha mẹ thầy, cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con bảo có nên chăng?”.

Trừ Nhan Hồi đứng im, còn các môn sinh đều chắp tay thưa:“Dạ thưa thầy, nên ạ!”. Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?”. Tất cả học trò không rõ ý Khổng Tử muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch”.

Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”. Nhan Hồi lễ phép thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra định vất đi nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình chung làm mất một phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em. Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi. Bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Và thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”

Nghe Nhan Hồi nói xong. Khổng Tử ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”.

Thật đáng để chúng ta “giật mình”. Nhìn thấy tận mắt mà vẫn hoàn toàn trật lất! Cuộc đời xem chừng đơn giản mà lại quá phức tạp, thậm chí là nhiêu khê. Người ta ta cũng vẫn thường nói: “Tưởng vậy mà không phải vậy”. Có những điều suy diễn theo tam đoạn luận, chúng ta thấy rất lô-gích, thế nhưng đôi khi cách kết luận của chúng ta lại hoàn toàn sai.

Quả thật, cuộc sống không hề đơn giản chút nào! Muốn hiểu biết tường tận một vấn đề gì, cần phải là người trong cuộc. Nhiều khi người trong cuộc mà còn “đâu cái điền” chứ nói chi người ngoài cuộc, kẻ bàng quan. Có lẽ vì thế mà chúng ta rất dễ phạm tội “nói hành”.

Thẩm Phán Giêsu cũng đang cảnh cáo và chất vấn lương tâm của mỗi người chúng ta:“Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7:1-5; Lc 6:37-38, 41-42).
Kha Đông Anh
Tòa Án Và Lương Tâm Reviewed by Unknown on 11/11/2014 Rating: 5 Lam Hồng: Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng tư pháp của một quốc gia, và là nơi xét xử các trường hợp phạm pháp. Người xét xử là ngư...

Không có nhận xét nào: