VRNs (26.11.2014) – Hà Nội – Sáng hôm qua, sau khi VRNs đưa tin về cuộc Tọa đàm về trò Người bảo vệ nhân quyền sẽ được tổ chức tại Thái Hà, Hà Nội vào sáng nay, thì khoảng 10 giờ sáng, an ninh bộ thuộc A83 đã làm việc với tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những diễn giả chính, với mong muốn ông can thiệp hoãn lại cuộc Tọa đàm này. Tuy nhiên tiến sĩ A đã cho biết việc làm đó hợp hiến, nên với quyền công dân, ông và những người tổ chức có thể làm. Còn những ai nhân danh “nghị định” (không phải luật) để nói những người làm đúng Hiến pháp là vi phạm pháp luật thì “lấy làm tiếc”.
VRNs xin gởi đến quý vị những tường trình cụ thể của tiến sĩ Nguyễn Quang A về cuộc làm việc với an ninh bộ A83 do nhà báo Võ Văn Tạo chuyển cho chúng tôi.
—-
Lúc 10g01 phút tôi nhận được điện thoại từ số 0903431322 của một anh xưng tên đường hoàng (mà tôi không nhớ, chắc chiều nay phải ghi lại), nói rằng anh ta từ A83. Anh ấy nói đã nhận được giấy mời nên muốn trao đổi. Tôi vui vẻ mời các anh ấy đến Highland cà phê (gần nhà hát lớn) lúc 14h ngày 25-11-2014 uống cà phê trao đổi. Tôi sẽ cố thuyết phục họ đến dự tọa đàm vì như thế sẽ rất tốt cho chính quyền Việt Nam và cho nước Việt Nam. Quý vị nào rỗi lúc đó tôi mời đến uống cà phê cho vui.
Tôi cũng nhận được khẳng định của các đại diện của sứ quán Thụy Điển, Đức, Australia rằng họ sẽ dự tọa đàm.
Kính báo để quý vị được rõ.
Tôi đã có cuộc trao đổi với 2 anh tự giới thiệu là từ A83:
- Anh Dương Văn Cừ giới thiệu là cục phó Cục A83 là người đã giọi điện lúc 10.01 ban sáng
- Anh Nguyễn Xuân Nam, phó phòng NGO của A83.
Cuộc nói chuyện vui vẻ từ 14h đến 15h20. Tôi chủ động mời các anh đó uống nước.
A) Vấn đề chính là tọa đàm ngày mai. Tôi cố khuyên các anh ấy đến dự và phát biểu cũng như thuyết phục đại diện của CA Hà Nội tham gia.
1) Các anh ấy trả lời rằng đã nhận được giấy mời, thế nhưng họ là công an nên phải tuân thủ pháp luật. Dư luận (không biết dư luận nào?) cho rằng chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra tại tọa đàm, liệu có tuyên bố gì đó, liệu có là diễn đàn dân chủ rồi có thể dẫn đến cái gì đó. Họ không thể dự được, vì nếu dự là phạm pháp. Vì theo Quyết định số 76 năm 2010 của Thủ tướng chính phủ, Luật an ninh (tụ tập đông người), Quyết định 28 của UNND Tp. Hà Nội và việc tổ chức tọa đàm ngày mai là trái với các quyết định ấy. Chưa được phép, tức là trái pháp luật. Vì lý do đó họ không thể dự. Chính vì thế, họ yêu cầu nên hoãn lại chờ giấy phép. Vả lại, tọa đàm diễn ra tại Thái Hà là một địa điểm nhạy cảm. Họ yêu cầu tôi can thiệp để hoãn tọa đàm và nếu vẫn tổ chức thì CA vẫn phải thi hành luật pháp.
2) Tôi trao đổi với họ:
a) Các quy định mà các anh nói tới đều vi hiến, cản trở quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận của người dân. Việc tổ chức tọa đàm là hoàn toàn hợp hiến. Và vì thế, tôi không khuyên và không thể khuyên hoãn lại khi khác. Giấy mời bên các anh đã nhận được, và chắc bên CA Hà Nội cũng vậy. Các anh nói tuân thủ pháp luật hiện hành nên không thể dự, chúng tôi thông cảm và lấy làm tiếc. Cho nên, các anh hãy kêu cấp trên sửa quy định đi. Còn nếu các anh cản trở thì tùy, nhưng tôi nghĩ nếu làm thế, các anh sẽ là người làm bẩn bộ mặt Việt Nam trước quốc tế, trước cả gần chục nhà ngoại giao sẽ đến dự ngày mai. Tôi hy vọng CA không dại đến vậy (và chỉ đến trưa mai mới rõ xem họ có can thiệp, cản trở các vị đến dự hay không)
b) Về địa điểm: chúng tôi đã muốn tổ chức ở nơi công cộng, trung lập (New World Hotel ở Sài Gòn lần trước) nhưng chính CA đã cản trở, và may là chúng tôi nhờ được sự giúp đỡ của Dòng chúa cứu thế. Nếu các anh ngại nơi đó, xin đừng can thiệp. Để các khách sạn, các quán cà phê hoạt động bình thường, chứ không cản trở, thì sẽ có chỗ mà các anh có thể coi là không “nhạy cảm”. Thực sự vấn đề là ở phía các anh, không phải chúng tôi. Hy vọng các lần sau các anh để yên cho họ làm ăn. Các anh có thể coi việc tọa đàm như vậy là bất hợp pháp. Chúng tôi coi là hợp pháp và yêu cầu nhà nước ra luật đường hoàng, chứ không cấm đoán như hiện nay.
c) Tôi đưa danh thiếp có 4 khẩu hiệu của CSF và giải thích rõ “thực thi dân quyền” và triết lý “cứ như” của CSF: quyền của dân, dân cứ thế thực thi mà không đợi, không xin nhà nước. Cho nên việc tọa đàm cũng thế. Đấy là quyền của dân, dân cứ làm. Nếu có luật mà luật cản trở thực thi dân quyền, dân vẫn thực thi quyền của mình. Chỉ có thế, mới buộc nhà nước phải tạo khung pháp luật thuận tiện cho dân. Họ bảo, nhưng khi chưa thay đổi thì vẫn phải tuân thủ quy định hiện hành. Tôi bảo các anh vin cớ đó, không đi dự, tôi thông cảm tuy lấy làm tiếc. Nhưng dân không chấp nhận cái đuôi “theo quy định của pháp luật” ấy và chúng tôi sẽ đấu tranh để thay đổi điều đó.
Đấy là nội dung chính.
B) Các nội dung khác như gia đình, kinh doanh 3C, ngân hàng, Thụy Sĩ, Myammar chỉ để trám chỗ mà thôi. Họ hỏi tôi có ai tài trợ hay ngỏ ý tài trợ? Tôi bảo, cá nhân tôi chỉ có cho, chứ không xin ai cả, kể cả nhà nước Việt Nam. Lúc 10g anh Cừ ngỏ ý cho xe đón, tôi héo léo từ chối. Lúc ra về, các anh ấy lại muốn đưa về. Tôi từ chối và nói thẳng: vì tôi không muốn tiêu đến tiền thuế của dân. Họ bảo bác nói thế thì chịu. Tôi chia tay họ ra về và hẹn sẽ tiếp tục đối thoại với họ (tôi đã nghi lại số điện thoại của cả 2 anh).
Xin báo để quý vị rõ.
TS. Nguyễn Quang A
Không có nhận xét nào: