Họp Quốc Hội VN: Tại Sao "Kính Cổng Cao Tường"? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
29 tháng 11, 2014

Họp Quốc Hội VN: Tại Sao "Kính Cổng Cao Tường"?

Khoảng cách giữa quốc hội và người dân ngày càng xa cách?
Nguyễn Văn Tuấn: Không biết các bạn thì sao, chứ tôi mỗi lần ghé qua các cơ quan Nhà nước, tôi có cảm giác ngài ngại. Cái đầu tiên đập vào mắt là cái hàng rào bằng thép (hay giả thép) kéo ngang cổng, một hình ảnh nói rằng "chúng tôi không chào đón các bạn" (hay nói theo cách nói phổ biến của người Tây là "you are not welcome"). Kế đến là cái lô cốt có người ngồi trong đó, thêm một hình ảnh mang tính nghi ngờ, cửa quyền. Cái lô cốt và người bảo vệ thầm nói: "ông muốn vào trong kia thì phải bước qua cái quyền lực của tôi", hay "Tôi có quyền không cho ông vào trong đó". Mà, không phải chỉ các cơ quan cấp địa phương, ngay cả cơ quan cao nhất như Quốc hội cũng toát lên cái dáng dấp và phát biểu không chào đón – unwelcome.

Thử nhìn vào bức hình dưới đây. Đó là hình chụp cái cổng của toà nhà QH mới toanh (1). Các bạn thấy gì? Bỏ qua những bụi bậm có vẻ mú mịt và dơ bẩn, hay những hàng cây hờ hững và dãy xe auto đậu giống như một siêu thị, mà hãy nhìn vào những con người ở đó. Có 4 người mắc đồng phục giống như là lính, nhưng chắc là an ninh. Có ít nhất 9 cảnh sát! Họ hình như chẳng có việc gì làm nên đứng lóng ngóng, người thì tay chấp sau đít, kẻ đang tán gẫu với ai đó. Một cái lô cốt xây bằng sắt thép có vẻ rất phản cảm ngay phía trước toà nhà nguy nga tráng lệ. Còn mấy cái hàng rào di động được sắp xếp một cách vô trật tự, và tạm bợ, và nó chỉ mở cho vừa một chiếc xe auto ra vào. Còn toà nhà QH thì cửa đóng im lìm. Toàn cảnh quang như là một nói một cách khẳng định rằng: you are not welcome here – bạn không được chào đón ở đây.

Cái quang cảnh này rất khác với các nước mà bà phó chủ tịch nói dân chủ kém vạn lần so với VN. Hãy lấy Quốc hội Úc làm ví dụ. Đó là nơi mà tất cả chúng ta, tôi và các bạn, kể cả người nước ngoài, đều có thể ghé thăm thoải mái. Lái xe một cái vèo lên Canberra, chẳng phải vất vả tìm chỗ đậu xe vì toà nhà QH Úc có chỗ đậu xe rất lớn. Đậu xe xong, lấy thang máy lên đại sảnh tham quan các phòng ốc. Tham quan một vòng để biết các đời thủ tướng có chân dung đang nhìn chầm chầm vào khách (nhưng không đáng sợ), lên sân thượng toà nhà để chụp vài tấm hình làm kỉ niệm. Nếu ghé thăm nhằm ngày họp QH, tại sao không vào khán phòng dành riêng cho công chúng để nhìn và nghe các dân biểu tranh luận, có khi cãi nhau chí choé rất vui. Chẳng có bảo vệ nào làm khó. Chẳng có bóng dáng quân sự ở đâu. Cũng chẳng có cảnh sát nào đứng lóng ngóng trước cổng. Chẳng tốn một xu nào để vào cổng. Tất cả toát lên cái air thân thiện, và nó làm cho người đóng thuế xây dựng cái toà nhà đó cảm thấy tự hào. Nhưng cái chính quyền của cái nước kém dân chủ này nó chẳng bao giờ gân cổ nói oang oang là "của dân, vì dân, và do dân".

Thế nhưng ở một nơi mà các quan chức cứ ra rả "chính quyền của dân, vì dân và do dân" thì toà nhà QH lại kín cổng cao tường như chúng ta thấy qua bức hình! Kể ra thì cũng trớ trêu. Không thể giải thích được. Người dân chính là chủ nhân của cái toà nhà đó, vì họ đóng tiền thuế để xây nó. (Tôi cũng có đóng thuế bên VN nhé, đóng nhiều là đằng khác!) Vậy mà người dân không được chào đón vào cái căn nhà mình góp phần xây dựng lên! Họ cũng không được dự thính lời vàng ý ngọc của các dân biểu. Có lẽ nên xem lại khẩu hiệu "chính quyền của dân, vì dân và do dân".

Thật ra thì người ta cũng có lí do để không cho người dân vào toà nhà QH. Lí do dễ nghĩ đến là an ninh. Các cảnh sát viên và an ninh viên trước cổng toà nhà QH có nhiệm vụ giữ gìn an ninh cho các đại biểu QH. Lí do này nếu chỉ nghe qua thì cũng chính đáng, nhưng nghĩ kĩ thì thấy có vấn đề nghiêm trọng. Câu hỏi đặt ra là tại sao các đại biểu họ cảm thấy không an toàn? Mượn cách nói của ngài tổng bí thư ("Mình phải như thế nào người ta mới mời chứ”), người ta có thể hỏi: họ làm cái gì để cảm thấy nơm nớp lo sợ có người tấn công, để phải có hàng tá cảnh sát và an ninh phải gác cổng? Có lẽ họ chẳng làm điều gì ghê gớm cả, mà chỉ là do tâm lí complex inferiority (phức cảm tự ti) mà thôi. Theo đó, họ cảm thấy mình không có quyền gì nhiều, nên phải thiết kế một cái hệ thống cổng và tường bao bọc chung quanh để nâng cao cái sắc diện "ta đây quan trọng". Một lí do khác cũng có thể là họ thấy bất an, nên tất cả các cơ quan công quyền đều có cái air "kính cổng cao tường". Nhưng một đất nước thanh bình, đã 40 năm nay không có bạo loạn, thì tại sao cảm thấy bất an? Thật khó hiểu nổi.
_____________________
Bài trên BBC: Họp Quốc hội ở VN có gì nguy hiểm vậy?

Hoài SơnGửi tới BBC từ Hà Nội
Tòa Westminster ở London

Quảng trường Ba Đình là khu vực có rất nhiều khách nước ngoài tham quan, có lẽ họ sẽ rất ngạc nhiên trước việc những ngày gần đây lực lượng an ninh có mặt dày đặc trước tòa nhà Quốc hội, họp Quốc hội có gì mà nghiêm trọng thế?

Tại Hàn Quốc, đất nước mà về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, “kẻ thù số 1” ở ngay sát cạnh lúc nào cũng đe dọa hạt nhân cùng các cuộc đột nhập, Quốc hội nước này vẫn rộng mở cho khách du lịch trong và ngoài nước, thậm chí người ta còn có thể chụp ảnh ở ngay bàn của chủ tịch Quốc hội.

Ở đây có cả trung tâm dành cho trẻ em để tỉm hiểu hoạt động của cơ quan luật pháp này, một việc tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa.

Khi đến Mỹ, du khách cũng khó thể bỏ qua tour thăm điện Capital. Đây không phải là nơi yên bình như vẻ bề ngoài khi thường xuyên diễn ra những cuộc tranh cãi kịch liệt có khi tới vài ngày chỉ vì một đạo luật. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng là kẻ thù số một của nhiều nhóm khủng bố trên thế giới.

Ở Quốc hội Đức, bên dưới các nghị sỹ họp thì bên trên khách vẫn tham quan bình thường, người ta còn có thể nhìn thấy phòng họp qua một lớp kính.

Tại Anh, du khách đến điện Westminster thậm chí còn được theo dõi những cuộc tranh luận hoặc những buổi điều trần. Có một chương trình dành cho học sinh để các em tìm hiểu nền dân chủ Anh qua các giai đoạn và khám phá các vấn đề quốc hội thào luận, thậm chí có các buổi hỏi đáp giữa học sinh và nghị viện.

Mới đây khi có thông tin một số phần tử khủng bố có thể đã trà trộn vào khách du lịch vào thăm điện Westminster dẫn đến lo ngại phải đóng cửa tạm thời hay hạn chế tham quan, lập tức có ý kiến phản bác ngay từ các chính trị gia: “Nền dân chủ sẽ không còn ý nghĩa nếu người dân chỉ suốt ngày ngồi ở nhà và tìm đọc về chính trị thông qua internet thay vì đến tòa nhà Quốc hội để được tận mắt chứng kiến. Chúng ta không được khoan nhượng trước khủng bố.”

Quốc hội ta

Những ngày gần đây khi kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, người dân đi lại ở khu vực này không phải lúc nào cũng thuận lợi do lực lượng an ninh dày đặc tham gia điều phối giao thông, thỉnh thoảng có những yêu cầu kỳ quặc như bắt đi ngược chiều chẳng hạn. Tất nhiên chắc là cũng có lý do, nhưng không ai thấy dễ chịu với cách “điều khiển” không mấy nhẹ nhàng của các chú cảnh sát.

Người đi bộ bên kia đường nếu chụp ảnh cũng lập tức bị tuýt còi, có lẽ chỉ còn thiếu mức cấm đường nữa thôi. Cũng khá kỳ lạ bởi Việt Nam vốn được coi là có nền chính trị ổn định nhất thế giới.

Vậy trong tòa nhà Quốc hội Việt Nam chắc hẳn phải đang diễn ra điều gì ghê gớm lắm.

Sáng 20/11 như báo chí đưa tin, có ít nhất 92 đại biểu không đi họp, tức là gần 25% vắng mặt. Tình trạng này phổ biến đến mức Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phải than: “Mấy phiên gần đây số đại biểu vắng họp nhiều quá” nhưng đến hôm sau 21/11, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Không những vậy, đến khi biểu quyết, số lượng đại biểu lại thay đổi theo từng Luật mà mỗi lần biểu quyết chỉ cách nhau vài phút. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải thừa nhận là do “có tình trạng đại biểu bấm hộ người khác”.

Đến đây chúng ta có thể thấy sự trái ngược hoàn toàn giữa không khí căng thẳng của an ninh bên ngoài tòa nhà với sự “nghiêm túc” của các phiên họp bên trong tòa nhà Quốc hội. Và càng thấy sự tương phản hơn nếu so sánh với hình ảnh Quốc hội nước khác: bên trong căng thẳng còn bên ngoài vẫn thoải mái tham quan.

Đến bao giờ người dân Việt Nam – đất nước có nền dân chủ “gấp vạn lần so với dân chủ tư sản” được tham quan tòa nhà Quốc hội hoành tráng để xem “đầy tớ” của mình biểu đạt ý nguyện của những người đóng thuế nuôi sống họ?

Trong trường hợp này, có vẻ như “người chủ của đất nước” không có quyền, nên câu hỏi xin gửi đến những “người đầy tớ của dân” trả lời.
Họp Quốc Hội VN: Tại Sao "Kính Cổng Cao Tường"? Reviewed by Unknown on 11/29/2014 Rating: 5 Khoảng cách giữa quốc hội và người dân ngày càng xa cách? Nguyễn Văn Tuấn: Không biết các bạn thì sao, chứ tôi mỗi lần ghé qua các cơ ...

Không có nhận xét nào: