Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận |
Gs Nguyễn văn Tuấn: Hôm nay, điểm qua một loạt báo thì thấy lá thư của ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục gửi các thầy cô và nhân viên trong ngành giáo dục. Thông thường những ngày như thế này các vị lãnh đạo thường có những thông điệp đến người trong ngành, và thông điệp thường có những ý tưởng và những câu phát ngôn rất hay. Tuy nhiên, đọc qua lá thư của ngài bộ trưởng họ Phạm tôi thấy không hay, vì chẳng có thông điệp gì đáng chú ý cả.
Đó là chưa nói đến cách viết có thể nói là rất … lạ lùng. Chúng ta thử đọc từng đoạn xem sao:
1. Vào đầu, ông viết "Kính gửi: Các cô giáo, thầy giáo". Chú ý là có "tiến bộ" ở đây vì ông đưa các cô lên trước các thầy, rất Tây! Chẳng có gì đáng nói ở đây, nhưng nếu tôi là ông có lẽ tôi không viết "Cô giáo, thầy giáo", mà tôi sẽ viết thân mật hơn như "Mến gửi các thầy cô".
2. Sau đó, ông còn gửi cho "Cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục". Tôi không ở trong nước, nên không hiểu sự khác nhau giữa cán bộ, viên chức, và công chức. Tuy nhiên, tôi tự hỏi tại sao gửi cho những người làm hành chính, trong khi Ngày Nhà Giáo là ngày vinh danh các nhà giáo, chứ đâu có vinh danh các viên chức hành chính. Do đó, tôi thấy có sự thừa thãi ở đây.
3. Đoạn đầu tiên ông viết "Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi trân trọng gửi tới các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý và công viên chức ngành giáo dục những lời chúc mừng nồng nhiệt." Đoạn này tôi thấy chẳng có thông tin gì cả. Những chữ "chúc mừng nồng nhiệt" chỉ là khẩu hiệu, chứ chẳng có nghĩa gì đáng chú ý. Đây là một đoạn văn không có thông tin.
4. Chẳng hiểu sao sau đó, ông dùng chữ "Kính thưa các đồng chí"! Tôi thấy chữ "đồng chí" mang tính chính trị, và rất ngạc nhiên ông đem cái chính trị tính đó vào lá thư đáng lẽ mang tính thân mật.
5. Đoạn kế tiếp rất thú vị: "Trong thời gian vừa qua, cùng với việc tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất, bằng sự chủ động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước, chúng ta đã triển khai một số công việc liên quan đến việc chấn chỉnh và đổi mới công tác quản lý theo hướng tăng cường kỷ cương kỷ luật đi liền với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đào tạo, đổi mới việc dạy và học, kiểm tra đánh giá và thi cử… nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, và đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ."
Thấy gì trong đoạn văn này? Thật ra, đó là một câu văn rất dài. Tôi đếm có đến 144 chữ! Vì quá nhiều chữ và nhiều ý, nên đọc xong, tôi không hiểu gì cả. Đọc lại thì chỉ thấy toàn những khẩu hiệu quen quen: "phát triển năng lực", "chủ động", "sáng tạo", "nâng cao", "khích lệ", v.v. Toàn bộ câu văn là một sự thất bại thê thảm cả về hình thức lẫn nội dung.
6. Sau một câu văn thật dài, ông cho chúng ta một câu văn rất ngắn: "Nhân dịp này, tôi xin gửi đến các đồng chí lời cảm ơn trân trọng." Lại thêm một câu văn chẳng có đầu đuôi. Chẳng biết cám ơn về cái gì. Câu văn cũng chẳng ăn nhập gì với câu văn rất dài ở trước đó. Tại sao không nói lời cảm ơn ngay từ đoạn văn đầu, hay trong đoạn văn kết thúc? Thật không hiểu nổi dòng suy nghĩ của ngài bộ trưởng.
7. Sau một câu văn ngắn, ông quay lại câu văn rất dài nữa! Đoạn kế tiếp có 2 câu văn: "Trong thời gian tới, các công việc đổi mới giáo dục sẽ được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và toàn diện hơn. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục chúng ta sẽ quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, phát huy truyền thống và sức mạnh của mình, khắc phục mọi yếu kém, vượt qua mọi khó khăn thách thức, chủ động và sáng tạo tổ chức thực hiện đổi mới hoạt động chuyên môn và công tác quản lý, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng sự mong đợi và xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân."
Câu văn đầu trong đoạn văn chẳng ăn khớp gì với câu trước đó, và cũng chẳng có thông tin gì đáng chú ý. Câu văn kế tiếp chẳng có ăn nhập gì với câu văn đầu. Tự dưng cái Nghị quyết 29 nó xuất hiện, mà chẳng được đề cập trước đó! Một lần nữa, câu này rất dài (115 chữ) và cũng có rất nhiều khẩu hiệu quen thuộc. Điều thú vị là lần này thì ông thay đổi vị trí với nam đứng trước nữ ("thầy cô giáo").
8. Sau đó là thêm một câu chúc chung chung ("Kính chúc các đồng chí cùng các thành viên trong gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công"), và ông kí tên là "GS.TS Phạm Vũ Luận". Một cái chép miệng để tự hỏi tại sao lại phải xưng cái "GS TS" ra làm gì? Đây là lá thư của một người đứng đầu ngành gửi cho người trong ngành, tức là đồng nghiệp, đâu cần cái "râu ria" đó trước tên mình làm gì. Mà, nếu cần râu ria thì ông nên kí là "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo".
Nói chung, toàn bộ lá thư không có một thông điệp nào đáng nhớ, chứ chưa nói đến đáng chú ý.
Phong cách và câu chữ thì vẫn quá cũ, chẳng khác gì thời bao cấp. Còn cách viết thì phải nói là quá lạ lùng, với 2 câu văn dài thườn thuợt, mà lại chẳng ăn khớp với nhau. Kể ra thì cũng đáng tiếc, vì một người kí tên là "GS TS" và "tổng tư lệnh" của một ngành chuyên về giáo dục (tức kể cả dạy văn) nhưng lại viết một lá thư ngắn còn chưa đạt. Tôi không biết các thầy cô dạy văn nghĩ gì về lá thư này?
Không có nhận xét nào: