Quốc Hội CSVN Phạm Pháp Khi 'Lấy Phiếu Tín Nhiệm' - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 11, 2014

Quốc Hội CSVN Phạm Pháp Khi 'Lấy Phiếu Tín Nhiệm'

Đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm vào sáng 15 Tháng
Mười Một. (Hình: VnExpress)
HÀ NỘI (NV) - Hôm 15 Tháng Mười Một, Quốc Hội Việt Nam thực hiện “lấy phiếu tín nhiệm” lần hai đối với 50 cá nhân đang đảm nhiệm những chức vụ cao nhất do cơ quan lập pháp này từng bỏ phiếu lựa chọn.

Ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội, tuyên bố, “các đại biểu đã làm việc rất nghiêm túc,” “đáp ứng đúng quy trình,” “đã thực hiện trọng trách cao cả, vừa có ý nghĩa chính trị, pháp lý, khách quan, công tâm và chính xác đối với việc lấy phiếu.”

Tuy nhiên, có những bằng chứng rõ ràng cho thấy Quốc Hội Việt Nam đã phạm pháp.

Chiều 13 Tháng Mười Một, Văn Phòng Quốc Hội phát hành một thông báo, theo đó, báo giới không được tham dự và không được đưa kết quả đợt “lấy phiếu tín nhiệm” lần hai.

Thông báo này khiến công chúng sửng sốt. Về nguyên tắc, Quốc Hội Việt Nam thực hiện công việc “lấy phiếu tín nhiệm” vì họ nhân danh dân chúng để bày tỏ sự tín nhiệm của mình đối với chủ tịch nhà nước, phó chủ tịch nhà nước, chủ tịch quốc hội, phó chủ tịch quốc hội, các thành viên của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, chủ tịch Hội Đồng Dân Tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc Hội, thủ tướng, các phó thủ tướng, các bộ trưởng và những thành viên khác của chính phủ, chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, và tổng kiểm toán nhà nước. Cũng vì vậy hoạt động và kết quả này phải được công khai.

Ngày hôm sau, 14 Tháng Mười Một, tức trước ngày bỏ phiếu một ngày, Văn Phòng Quốc Hội đưa ra một thông báo mới, xác định báo giới “được đưa tin” về kết quả “lấy phiếu tín nhiệm” lần hai.

Tuy nhiên, thông báo mới vẫn xác định, “báo giới không tham dự và đưa tin” về bốn hoạt động: đại biểu ở các đoàn thảo luận về việc “lấy phiếu tín nhiệm,” chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn về việc “lấy phiếu tín nhiệm,” Quốc Hội bầu ban kiểm phiếu, và đại biểu Quốc Hội tiến hành bỏ phiếu.

Trong khi Luật Tổ Chức Quốc Hội hiện hành quy định, Quốc Hội “họp công khai,” Trong trường hợp cần thiết phải “họp kín” thì việc “họp kín” cần có đề nghị của chủ tịch nhà nước, hoặc Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, hoặc thủ tướng, hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc Hội.

Cũng vì vậy, người ta thắc mắc, tại sao Vụ Thông Tin của Văn Phòng Quốc Hội lại có quyền xác định những cuộc họp liên quan tới “lấy phiếu tín nhiệm” là 'họp kín' nên báo giới không tham dự và đưa tin.”

Riêng với việc “lấy phiếu tín nhiệm,” Quốc hội Việt Nam từng có một nghị quyết, Theo đó, “lấy phiếu tín nhiệm” phải tôn trọng nguyên tắc “công khai, công bằng, dân chủ, khách quan.” Nói cách khác, mọi quy trình, thủ tục phải theo quy định đã được các đại biểu đồng ý. Thế thì tại sao một vụ của Văn phòng Quốc Hội lại có quyền thay đổi quy trình này?

Nhận định về những vấn đề vừa kể, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn viết: "Ở đây chưa nói đến chuyện quyền được nhận thông tin của người dân, chỉ xét đến chuyện tuân thủ luật lệ do chính mình đặt ra, các đại biểu Quốc Hội phải giám sát việc tuân thủ này và uốn nắn các vi phạm ngay khi có thể. Bởi Quốc Hội phải là nơi làm gương trong việc tuân thủ luật pháp."

Cũng cần nói thêm rằng việc bày tỏ sự tín nhiệm của Quốc Hội Việt Nam đối với các nhân vật lãnh đạo nhà nước, quốc hội, chính phủ rất nhập nhằng.

Lúc đầu, việc bày tỏ tín nhiệm được xác định là công việc phải tiến hành hàng năm. Lần “lấy phiếu tín nhiệm” đầu tiên được thực hiện hồi Tháng Sáu năm ngoái. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật tai tiếng nhất nhưng đồng thời cũng được xem là nhiều quyền lực nhất trong đội ngũ lãnh đạo đảng và chính phủ, trở thành một trong ba người "đội sổ" về mức độ tín nhiệm.

Một số ủy viên Bộ Chính Trị khác như ông Trần Đại Quang (bộ trưởng Công An), ông Phùng Quang Thanh (bộ trưởng Quốc Phòng) đội sổ về mức độ bất tín nhiệm (các đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu trống, không bày tỏ mức độ tín nhiệm đối với những nhân này).

Đến Tháng Sáu năm nay, lẽ ra Quốc Hội Việt Nam phải thực hiện đợt “lấy phiếu tín nhiệm” lần hai nhưng Ủy Ban Thường Vụ lại đề nghị hoãn và sửa nghị quyết về “lấy phiếu tín nhiệm” theo hướng, không thực hiện “lấy phiếu tín nhiệm” hàng năm như trước mà chỉ “lấy phiếu tín nhiệm” bốn năm một lần.

Đề nghị vừa kể bị dân chúng và nhiều đại biểu Quốc Hội chỉ trích mạnh mẽ. Họ đòi vẫn phải thực hiện “lấy phiếu tín nhiệm” mỗi năm một lần. Ủy Ban Thường Vụ phải nhượng bộ, nên ngày 15 Tháng Mười Một vừa qua, mới có đợt “lấy phiếu tín nhiệm” lần hai.

Ở kỳ họp hồi Tháng Sáu vừa qua, dựa trên ý kiến của dân chúng, nhiều đại biểu Quốc Hội yêu cầu bỏ việc phân loại mức độ tín nhiệm thành “tín nhiệm cao,” “tín nhiệm,” và “tín nhiệm thấp,” vì lối phân loại này khiến việc “lấy phiếu tín nhiệm” trở thành thiếu thực chất. Họ đề nghị trên phiếu tín nhiệm sẽ chỉ còn "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp." Nếu viên chức nào nhận 75% phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ bị “bỏ phiếu tín nhiệm” ngay trong kỳ họp đó. Tuy đề nghị đó là của đa số nhưng vẫn bị bác.

Lần “lấy phiếu tín nhiệm” năm ngoái, ông Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạt 328 phiếu “tín nhiệm cao.” Năm nay, ông Hùng đạt 340 phiếu. Tương tự, năm ngoái, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạt 210 “tín nhiệm cao.” Năm nay, kinh tế - xã hội sup sụp hơn năm trước, ông Dũng đạt 320 phiếu. Ông Nguyễn Văn Bình, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, năm ngoái chỉ đạt 88 phiếu “tín nhiệm cao,” năm nay đạt đến 323 phiếu “tín nhiệm cao.” (G.Đ.)
Quốc Hội CSVN Phạm Pháp Khi 'Lấy Phiếu Tín Nhiệm' Reviewed by Unknown on 11/17/2014 Rating: 5 Đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu tín nhiệm vào sáng 15 Tháng Mười Một. (Hình: VnExpress) HÀ NỘI (NV) - Hôm 15 Tháng Mười Một, Quốc Hội Việt ...

Không có nhận xét nào: