GS Nguyễn Đình Cống: Dự Báo Tương Lai - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
16 tháng 3, 2015

GS Nguyễn Đình Cống: Dự Báo Tương Lai

GS Nguyễn Đình Cống: Sau khi tôi trả lời 4 vấn đề liên quan đến việc từ bỏ Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) một số bạn trẻ đặt tiếp vài câu hỏi liên quan đến tình hình sắp tới. Tôi không thể trả lời từng câu riêng mà xin gộp lại trong một vấn đề chung liên quan đến sự phát triển của đất nước. Về vấn đề này tôi đã trình bày vắn tắt trong bài viết “Sự lựa chọn của VN theo cố vấn của Putin” (bài đã đăng, bạn nào quan tâm xin xem lại). Nay xin thể hiện tương đối rõ hơn. Tuy vậy, trong một bài không thể nào viết thật đầy đủ, chỉ có thể nêu ra vài nét chính và một số gợi ý để các bạn suy nghĩ tiếp.

Về tương lai chỉ có thể dự đoán dựa vào quá khứ và thực tại. Hiện nay Đảng đang tổng kết 30 năm đổi mới để chuẩn bị cho đại hội 12. Chưa biết kết quả cụ thể như thế nào, tuy vậy có thể đoán trước xu hướng, đó là: Thành tích rất to lớn về mọi mặt, nhân dân vẫn tin tưởng và biết ơn Đảng, vẫn còn một số thiếu sót, trong đó có thiếu sót trầm trọng dẫn đến giảm lòng tin. Nguyên nhân của thành tích là sự lãnh đạo sáng suốt, của thiếu sót là một số người bị thoái hóa biến chất và làm sai đường lối. Bài học là phải đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn đảng, toàn dân, phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng.

Cùng với sự tổng kết của Đảng còn có đánh giá của một số cá nhân và tổ chức dân sự. Có một số không ít đánh giá sẽ khác với ý của Đảng. Tôi xin trình bày một vài ý kiến cá nhân để các bạn tham khảo. Thực tế bao gồm những thành tích và thiếu sót. Tôi không viết báo cáo tổng kết nên không thể kể ra tất cả những cái đó mà chỉ nhằm vào một số mặt khuất mà các bạn trẻ còn ít biết, phân tích một vài thiếu sót để các bạn suy nghĩ. Tôi biết rõ và không phủ nhận những thành tích, chỉ là thấy không cần viết ra, bạn nào quan tâm đến thành tích nên tìm đọc trong báo cáo tổng kết của Đảng.

Có vài bạn cho việc tôi vạch ra thiếu sót là chống Đảng. Không! Tôi không theo ai cả mà cũng không chống ai cả (tham khảo phương châm “ Quê choa” của Nguyễn Quang Lập), tôi chỉ làm phản biện, chỉ muốn nêu ra một số điều mà tôi cho là thiếu sót để các bạn và Đảng tham khảo. Việc phân xử đúng, sai là quyền của các bạn, tùy thuộc vào nhận thức của các bạn. Tôi chỉ xin chịu trách nhiệm về những điều mình viết ra.

Bài viết hơi dài, tôi chia ra một số đoạn để đăng trong vài kỳ liên tiếp.

I- MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐÁNG QUAN TÂM VỀ XÃ HỘI VÀ KINH TẾ

Sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, đáng lẽ là thời kỳ tươi sáng với hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hận, khôi phục và phát triển về mọi mặt nhưng Đảng đã mờ mắt vì chiến thắng, đã đề lên quá cao sự sáng suốt của lãnh tụ, sự vô địch của ý thức hệ, của đấu tranh giai cấp, của chuyên chính vô sản, của lý tưởng cộng sản mà trong hơn 10 năm (1975- 1986) đã đẩy đất nước vào nhiều thảm họa. Lợi lộc của chiến thắng chủ yếu dành cho một số ít người có cơ hội trong Đảng, trong chính quyền và quân đội.

Sự hân hoan phấn khởi vì hòa bình và thống nhất chỉ đến với một bộ phận của dân tộc và cũng chỉ trong thời gian ngắn. Còn lại là sự tủi nhục của một bộ phận khác của dân tộc, họ là những người ở về phía thất bại, bị cải tạo nhận thức và tình cảm, bị tước đoạt tài sản, bị đưa khỏi nơi ở để đến các vùng kinh tế mới, phải trốn tránh vượt biên, tạo nên làn sóng di tản, tạo nên đại thảm họa “thuyền nhân”, để lại vết nhục trong lịch sử. Còn lại là bị Mỹ cấm vận, là hợp tác nông nghiệp, là cải tạo tư sản, đưa nền kinh tế đến kiệt quệ. Còn lại là chiến tranh và chiếm đóng Cămpuchia, bị Trung quốc đánh ở biên giới, lấn chiếm đất đai và biển đảo. Nguyên nhân chủ yếu của các tai họa trên là do những người lãnh đạo như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Đỗ Mười, Tố Hữu… áp đặt CNML , tư tưởng Mao Trạch Đông, kiên quyết giữ vững ngọn cờ đầu của cách mạng vô sản.

Sau khi tổng bí thư Lê Duẩn chết (1986), một số người trong lãnh đạo như Trường Chinh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh,… thấy được một phần của sự thật, từ bỏ đường lối Mác Lênin trong kinh tế, cởi trói cho nông dân, mở cửa cho các thành phần kinh tế tư nhân thì mới cứu được dân tộc khỏi rơi vào nạn đói, mới được Mỹ bỏ cấm vận và đưa nền kinh tế phát triển được chút ít. Như vậy nguyên nhân chính của việc phát triển kinh tế là nhờ việc từ bỏ đường lối của CNML chứ không phải là nhờ vận dụng sáng tạo CNML như tuyên truyền. Tuy vậy vì lợi ích riêng mà Đảng chỉ đổi mới một phần trong kinh tế, còn trong chính trị thì vẫn kiên trì chuyên chính vô sản, (đại diện là Nguyễn Văn Linh), và đó là nguyên nhân gốc của nhiều tai họa cho xã hội.

Sau 1990, Liên xô và phe XHCN tan rã, lãnh đạo ĐCSVN hoang mang, vội bấu víu vào Đảng Cộng sản Trung quốc, mặc dù trước đó trong hiến pháp 1983 ghi rõ Trung quốc là kẻ thù lâu dài. Tại hội nghị Thành đô (1991) và sau đó, những người như Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Lê Đức Anh… đã bị Trung cộng đánh lừa, mắc mưu thâm độc, quyết kiên trì CNML, bị lệ thuộc mọi mặt vào Trung quốc. Để củng cố sự toàn trị, ĐCS đã bắt ép giải tán Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ (trước đây cho rằng Đảng Cộng sản là của công nông, Đảng Xã hội của trí thức, Đảng Dân chủ của các nhà doanh nghiệp).

Nhóm đề xướng cải cách, đổi mới thể chế do Ủy viên Bộ Chính trị Trần Xuân Bách khởi xướng bị đàn áp, người phát hiện ra âm mưu của Trung cộng như Bộ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch bị loại bỏ, người muốn Đảng đổi mới sự lãnh đạo như phó chủ tịch Quốc hội Trần Độ bị khai trừ và sỉ nhục, những người có ý kiến phân tích đường lối của Đảng như cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, như triết gia Trần Đức Thảo bị chết bất ngờ và hàng trăm người khác bị bắt bớ, tù đày. Sự mâu thuẩn giữa phát triển kinh tế thị trường và nền chuyên chính vô sản theo CNML đẩy VN vào tình trạng bế tắc nhiều bề, làm phát sinh và phát triển nhiều tệ nạn trầm trọng.

Trước đây dân VN được tuyên truyền và tin rằng chúng ta tuy có thua kém nhiều nước về kinh tế, nhưng được tự hào có nền chính trị theo CNML là tiên tiến, ưu việt nhất thế giới. Bây giờ thực tiễn cuộc sống chứng tỏ CNML lợi ít hại nhiều, càng kiên trì CNML thì càng tạo ra nhiều tệ nạn xã hội và càng bế tắc.

Tôi viết: nền kinh tế VN phát triển được chút ít. Chỉ được chút ít thôi chứ chưa được “đáng ra như phải được”. So sánh với những năm 1975- 1985 là lúc nền kinh tế kiệt quệ đến tận đáy, lúc phần lớn người dân đang ở tận cùng của cực khổ, thì cuộc sống bây giờ của số đông là no đủ, sung túc, một số ít trở nên giàu có, nhưng so với mức trung bình của thế giới thì ta vẫn kém xa, vẫn còn một số nghèo đói.

Người ta tuyên truyền rằng ta chưa phát triển được nhiều là vì chịu sự tàn phá của chiến tranh. Đó là kiểu ngụy biện đánh tráo nguyên nhân. Chúng ta đã ra khỏi chiến tranh 40 năm. Hãy so sánh với những nước bị chiến tranh tàn phá nặng hơn như Đức, Nhật, Hàn Quốc xem sau chiến tranh 40 năm người ta không có cộng sản lãnh đạo thì đã phát triển đến đâu. Đành rằng mọi sự so sánh là khập khiểng vì muốn nêu cái hay của mình thì chọn người kém hơn để so, còn muốn nêu cái dở thì chọn người giỏi hơn để sánh. Thôi thì không so với Đức, Nhật, Hàn, hãy so với một số nước nguyên là thuộc địa như Ấn độ, Xrilanca, Malaysia, Singapo, Inđônêxia, Angiêri, Mađagasca… xem sau khi thoát khỏi ách thuộc địa 40 năm, họ không theo CNML thì đã phát triển đến đâu.

Mà sự phát triển kinh tế của VN trong mấy chục năm qua là sự phát triển thiếu bền vững, kém ổn định vì môi trường bị phá hoại, vì dựa vào bán tài nguyên và vay nợ, dựa vào lao động thô sơ để gia công, lắp ráp, xuất khẩu lao động đơn giản và sản phẩm thô, thiếu công nghệ hiện đại, thiếu môi trường thông thoáng cho lao động sáng tạo, lại bị phụ thuộc nhiều vào Trung quốc. Xuất khẩu gạo vào tốp đầu của thế giới, xuất khẩu thủy sản sang nhiều nước nhưng chủ yếu mang lại lợi lớn cho thương lái và các công ty chứ nông dân và nhà nước chẳng được bao nhiêu, thậm chí một vài nông dân còn bị thua lỗ.

Trong những năm 1990 -2005 kinh tế tăng trưởng mỗi năm 8 đến trên 10%. Đã xuất hiện ảo tưởng là với đà đó VN sẽ nhanh chóng hóa hổ, hóa rồng như một số nước quanh vùng. Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2020 đưa VN thành nước công nghiệp hiện đại, đến bây giờ mới thấy rõ là không thể nào đạt được. Tại sao vậy? Tại vì nguyên nhân cơ bản của sự phát triển trong những năm đầu là do người dân được cởi trói để được lao động đơn giản và cần cù chứ không phải nhờ công nghệ hiện đại và lao động sáng tạo. Hơn nữa sự tăng trưởng khoảng trên dưới 10% là so với nền kinh tế có GDP trên đầu người quá thấp, vào thời gian 1995 chưa đến 600 USD.

Người ta nhận xét VN như con rùa, đang bò, nhích dần từng bước trên mặt đất, chưa thể nào vươn dậy để thành rồng thành hổ. Vì sao vậy? Vì còn mang cái vỏ quá nặng nề, đó là CNML, là sự toàn trị của vô sản chuyên chính, là đang mắc vào trong vòng luẩn quẩn. Năm 1975 GDP bình quân trên đầu người ở Miền Bắc khoảng 400 USD, ở Miền Nam khoảng 700 (trung bình trên 500). Sau 40 năm xây dựng, phát triển trong hòa bình GDP đạt trên 1600. (trung bình mỗi năm tăng chưa đến 50 USD ), như vậy phải chăng là mới phát triển chút ít chứ chưa đến mức “đáng ra như phải được” là mỗi năm GDP tăng trên 100 USD.

Đó là về kinh tế, còn về chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, đạo đức, luật pháp, tự do dân chủ thì sao. Điều này mọi người đã biết tương đối rõ, không cần nói nhiều. Tôi chỉ xin nhấn mạnh vào một tệ hại là “nạn dối trá”. Nạn này nguy hại hơn cả nạn tham nhũng và mua quan bán chức vì tham nhũng và mua quan bán chức, mặc dầu gây ra tác hại muôn mặt nhưng chỉ phổ biến trong khoảng dưới 20% dân số, còn dối trá lan tràn đến trên 75%. Bệnh thành tích dỏm chỉ là một phần nhỏ trong đó. Dối trá, một phần có trong tính cách xấu của con người, một phần nằm trong bản chất của CNML, trong sự tuyên truyền CNML. Hai phần này phối hợp cùng nhau, cộng hưởng với nhau. Nó đã tạo thành thói quen, ăn sâu vào tính cách, đến nỗi người ta không tự nhận ra mình đang dối trá, xem là rất bình thường khi biết người khác đang dối trá, thậm chí còn tự hào khi thu được lợi nhờ dối trá, hãnh diện, sung sướng khi thành công nhờ dối trá. Một chính quyền dựa một phần vào dối trá để cai trị, một dân tộc dựa một phần vào dối trá để tồn tại thì để làm người lương thiện bình thường còn khó, làm sao đất nước có thể hóa hổ, hóa rồng.

Hình ảnh của đất nước VN như một con người, trông bề ngoài vẫn khỏe mạnh, vẫn làm việc, ăn ngủ, chơi bời, học hành, hội họp, du lịch, thể thao, thể hiện tình yêu… nhưng bên trong đã mắc các bệnh từ não bộ đến lục phủ ngũ tạng, đến thần kinh và khí huyết, vẫn loay hoay tìm cách chữa mà chỉ có thể chữa tại ngọn, chưa tìm ra phương thuốc hoặc cách chữa trị tận gốc nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật để tìm đúng nguyên nhân mà cứ duy trì tình trạng mâu thuẫn như vậy.

Nhiều người trăn trở tìm nguyên nhân. Nếu xem các tệ nạn như lá độc, hoa độc trên một cây có gốc rễ, thân và các loại cành thì có người tìm được nguyên nhân ở cành ngoài cùng, nơi trực tiếp mọc ra hoa lá, có người tìm đến các cành to hơn, có người tìm đến tận gốc rễ.

Tôi cũng đã tìm kiếm, suy nghĩ trong nhiều năm và viết bài “Nguyên nhân gốc của nhiều tệ nạn” (đã đăng trên trang này trước đây). Tôi cho rằng: “Nguyên nhân gốc của nhiều tệ nạn trong xã hội VN hiện nay là do sự kết hợp, sự cộng hưởng của một bên là những yếu kém trong nền văn hóa dân tộc và một bên là những độc hại trong CNML”. Kết luận đó đúng sai như thế nào còn chờ sự đánh giá, sự phán xét của công luận.

Một số người cho rằng nguyên nhân của sự dối trá cũng như của sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức là do sự yếu kém và sai lầm trong giáo dục của gia đình và của nhà trường, điều đó không sai nhưng vẫn chưa đúng vì sự yếu kém và sai lầm đó được bắt nguồn từ những yếu kém của nền văn hóa và những độc hại của CNML, những độc hại ấy thấm sâu vào máu của bố mẹ tạo ra sai lầm trong giáo dục gia đình, thấm sâu vào máu của thầy cô và các nhà quản lý tạo nên sai lầm trong giáo dục nhà trường, thấm sâu vào máu mọi người tạo ra tính cách của dân tộc.
Tình hình xã hội và kinh tế đặt ra vấn đề phải tìm cách thay đổi thì mới tiến bộ được. Để thay đổi thì có thể làm cách mạng hoặc cải cách. Trong bài trước tôi đã phân tích các tác hại của cách mạng. Chỉ nên và cần phải làm cải cách mà trước hết là nâng cao dân trí để phát triển văn hóa đúng hướng và từ bỏ CNML (còn tiếp).

II- MỘT SỐ ĐIỀU VỀ ĐỐI NGOẠI

Hiện nay VN có quan hệ rộng rãi với nhiều nước, trong đó có một số hiệp ước ghi là đối tác toàn diện, đối tác chiến lược. Các vị đứng đầu, các phái đoàn đi lại thăm hỏi lẫn nhau tấp nập. Nhìn bề ngoài thì thấy chúng ta có nhiều thắng lợi to lớn về đối ngoại, nhưng xét kỹ mới thấy còn một số vấn đề gay cấn.

Trong quan hệ quốc tế nước nào cũng đặt lợi ích dân tộc của mình lên trên. Nhưng không phải vì thế mà không có các mức độ thân, sơ khác nhau. Chúng ta có rất nhiều bạn nhưng toàn là bạn bè bên ngoài, không có bạn chí thiết, bạn tâm giao. Để trở thành bạn như vậy thì không phải chỉ chơi với nhau, vui với nhau, buôn bán, hợp tác làm ăn với nhau, tôn trọng nhau, cử các đoàn đi lại thăm hỏi, ký kết hiệp định này nọ mà còn phải cùng chí hướng, tin tưởng nhau thật sự, có thể trao đổi với nhau chuyện thầm kín, sẵn sàng giúp nhau hết lòng khi hoạn nạn. Trong các nước tạm xem là cùng chí hướng XHCN có Lào, Triều tiên, Cuba, Trung quốc. Lào thì quá bé và yếu, Triều tiên chẳng thân thiết gì, Cu ba đang dần dần từ bỏ XHCN, quay sang chơi thân với Mỹ. Trong tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt về chủ quyền ở Biển Đông, Việt nam được đặt trước sự lựa chọn gay go trong quan hệ với Trung quốc và Mỹ.

Với Trung quốc, trong lịch sử khi là kẻ thù truyền kiếp, khi thì thân thiết, sắt son trên tinh thần quốc tế vô sản, ngày nay người thì xem không những là bạn tốt với 16 chữ vàng mà còn là thầy, là bề trên, người lại xem là bạn xấu, họ chỉ chờ dịp chúng ta sơ hở để xâm lấn, cướp đoạt. Dân Việt chịu ảnh hưởng rất sâu nặng của văn hóa Trung hoa, lại biết rằng tinh thần quốc tế vô sản là một thứ từng tồn tại hào nhoáng nhất thời nhưng không bền chặt, không bản chất. Trung quốc, tuy vẫn do ĐCS lãnh đạo nhưng thực chất đã từ bỏ CNML, xây dựng đất nước theo đường lối riêng của họ. Trung quốc trở thành nước có nền kinh tế hùng mạnh là nhờ theo con đường tư bản chứ không phải nhờ CNML. Trung quốc dẫn dụ chúng ta kiên trì CNML là lừa dối để buộc chúng ta lệ thuộc vào họ.

Mỹ từng là nơi gửi gắm hy vọng của Hồ Chí Minh trong thời kỳ đầu của CM giải phóng dân tộc, biến thành kẻ thù số một, không đội trời chung trong nhiều năm, nay lại trở thành “Đối tác toàn diện”.

Về quan hệ với Mỹ, xin nhắc lại vài điều trong lịch sử mà ít bạn trẻ biết. Vào những năm đang xẩy ra đại chiến thế giới thứ 2, trong cuộc họp Tam cường (Liên xô, Mỹ, Anh), tổng thống Mỹ Roosevelt đề nghị sau khi kết thúc chiến tranh sẽ trả lại độc lập cho các nước thuộc địa và đặc biệt là không cho Pháp trở lại cai trị các thuộc địa cũ vì Pháp đã phạm tội đầu hàng phát xít. Mỹ hợp tác với Liên xô để chống phát xít nhưng Mỹ vốn rất sợ, rất ghét cộng sản. Vì vậy để được Mỹ ủng hộ, năm 1943 Stalin đã giải tán tổ chức Quốc tế cộng sản, (thường gọi là Đệ tam Quốc tế). Những điều đó Hồ Chí Minh biết rõ khi ở Pắc bó.

Năm 1944, ở vùng rừng núi Hòa an, Cao bằng, Việt Minh đã cứu được phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi (William Whaw), Hồ Chí Minh đã đích thân dẫn phi công đó sang Côn minh, Trung quốc gặp đại diện của Bộ chỉ huy Mỹ (tướng Claire Channelt) xin viện trợ và bàn việc hợp tác. Mỹ đã giúp quân đội Võ Nguyên Giáp vũ khí, huấn luyện và thành lập một đơn vị Liên quân Việt-Mỹ (do Đàm Quang Trung chỉ huy). Sau CM tháng 8, Hồ Chí Minh rất muốn có được sự công nhận và ủng hộ của Mỹ, nhờ Mỹ để ngăn ngừa Pháp trở lại. Cụ Hồ biết là để được Mỹ ủng hộ thì cũng phải từ bỏ đường lối cộng sản, phải giải tán đảng cộng sản, (như Stalin đã làm năm 1943), lập ra một đảng mới mang tính dân tộc cao hơn. Thế nhưng ý đó của Cụ không thành vì bị thiểu số.

Để đánh lừa Mỹ, Đảng Cộng sản tuyên bố tự giải tán vào ngày 11 tháng 11 năm 1945 nhưng không giải tán mà lại rút vào hoạt động bí mật, chỉ để một bộ phận công khai là “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác”. Những người lãnh đạo hồi đó tưởng đã có một nước cờ cao để đánh lừa Mỹ, không ngờ lại té ra quá thấp vì không lừa được tình báo CIA. Vì vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tiếp gửi 3 thư cho Tổng thống Mỹ đều không nhận được trả lời.

Rồi kháng chiến chống Pháp. Rồi từ năm 1950 VN lần lượt được Trung quốc, Liên xô, các nước XHCN công nhận và trở thành tiền đồn của phe ta chống đế quốc. Theo sự chỉ đạo của Mao Trạch Đông chúng ta đưa Mỹ thành kẻ thù số 1. Rồi Hiệp định Genève. Ta thì bảo là Mỹ, ngụy phá hiệp định, Mỹ lại lên án ta không chịu thi hành. Rồi chiến tranh ở Miền Nam, Mỹ từ chỗ can thiệp đến đưa quân vào và đánh phá Miền Bắc. Ta lên án Mỹ xâm lược, Mỹ lại bảo là họ không muốn xâm lược ai cả mà chỉ giúp đồng minh ngăn chặn nạn cộng sản. Thế rồi năm 1970 Mao Trạch Đông bắt tay tổng thống Mỹ trong lúc vẫn xúi giục VN chống Mỹ đến người cuối cùng. Khi giải phóng Sài gòn (30/4/1975) có một số ý kiến đề nghị không đánh chiếm sứ quán Mỹ và đại sứ Mỹ cũng có ý chờ tin đến phút cuối cùng, nhưng rồi Mỹ vẫn phải rút và VN phải mất 20 năm mới lập lại được quan hệ bình thường.

Bây giờ VN làm sao đây trong quan hệ với 2 đại cường này và đó là mấu chốt của quan hệ đối ngoại. Có 3 phương án để lựa chọn.

Phương án 1: Lợi dụng quan hệ giữa Mỹ và Trung, họ vừa hợp tác làm ăn, vừa chống đối nhau, chúng ta ở giữa, không theo bên nào, không chống bên nào, cái gì hợp với ta thì làm, không hợp thì tránh. PA này nghe qua thì rất hay nhưng thực hiện được rất khó, cũng ví như đi trên dây, phải rất giỏi mới giữ được thăng bằng. Đừng ảo tưởng ta giỏi hơn người khác, đừng tưởng ta dùng mưu mẹo để lừa được, để lợi dụng được người khác. PA này chỉ là mơ ước chứ chưa có người đủ tài giỏi để thực hiện.

Phương án 2: Thân thiết với Trung quốc, giữ quan hệ bình thường với Mỹ, dùng quan hệ với Mỹ để kìm chế Trung quốc trong một số việc. Đây là kéo dài kiểu quan hệ hiện nay, có thuận lợi là không phải thay đổi gì lớn, lãnh đạo đất nước không phải lo nghĩ sáng tạo gì nhiều, có gì khó khăn chỉ việc sang Bắc kinh xin chỉ đạo, có xung đột thì xử lý nội bộ theo kiểu anh em trong nhà mà em thường vẫn chịu thiệt. PA này hợp với thủ đoạn ngàn đời nay của Trung quốc là “bành trướng”, là “viễn giao cận công” (thân với nước xa, xâm chiếm nước gần), hợp với những người Việt thích yên ổn để làm ăn, mặc dầu đất nước bị lệ thuộc, mất chủ quyền, hợp với những người muốn bảo vệ CNML và thực hành chuyên chính vô sản, hợp với số ít người đang bảo vệ quyền lực cá nhân và lợi ích nhóm, không phù hợp với mong muốn của số đông nhân dân, dân tộc rơi vào vòng “Bắc thuộc mới”.

Phương án 3: Thân thiết với Mỹ, giữ quan hệ bình thường với Trung quốc và chống lại các âm mưu thâm độc của họ. PA này mang lại lợi ích lâu dài cho dân tộc nhưng đòi hỏi trí tuệ và dũng cảm. Năm 2015 kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ bình thường với Mỹ, có khả năng Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm Mỹ và Obama thăm VN. Tuy đã ký nhiều hiệp định thương mại, nhưng chúng ta vẫn chưa có được sự tin cậy cao của Mỹ, chưa được Mỹ xem là đồng minh thân thiết chừng nào chúng ta còn kiên trì đường lối cộng sản. Tuy bên ngoài Mỹ nói rằng họ có thể hợp tác dù chúng ta là cộng sản hoặc theo chế độ nào đi nữa, nhưng sâu thẳm từ trong lòng, liệu họ có thể tin vào một chính quyền kiên quyết không từ bỏ đường lối đấu tranh giai cấp để tiêu diệt tư bản, một chính quyền mất lòng dân và cai trị dựa một phần vào sự dối trá. Để trở thành đồng minh của Mỹ thì phải dũng cảm nhìn vào và công nhận sự thật, bỏ đi ảo tưởng XHCN và mọi sự dối trá.

Việt nam sẽ theo đường lối đối ngoại nào còn chờ sự thay đổi tương quan lực lượng trong nhân dân và đặc biệt là trong ĐCSVN với Đại hội 12 sắp tới.

GS Nguyễn Đình Cống: Dự Báo Tương Lai Reviewed by Unknown on 3/16/2015 Rating: 5 GS Nguyễn Đình Cống: Sau khi tôi trả lời 4 vấn đề liên quan đến việc từ bỏ Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) một số bạn trẻ đặt tiếp vài câu hỏ...

Không có nhận xét nào: