Vì Sao Tưởng Niệm Gạc Ma Còn 'Nhạy Cảm'? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 3, 2015

Vì Sao Tưởng Niệm Gạc Ma Còn 'Nhạy Cảm'?

BBC: Ảnh bên: Các 'dư luận viên' ngăn cản và thách thức vụ tưởng niệm Gạc Ma ở Tượng đài Lý Thái Tổ, gần Hồ Gươm, Hà Nội hôm 14/3/2015.

Việc tưởng niệm sự kiện Trung Quốc tấn chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (1988) mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền vẫn còn là 'nhạy cảm' ở VN, theo một nhà phân tích từ trong nước.


Trao đổi với BBC hôm 14/3/2015 nhân tròn 27 năm cuộc tấn công chiếm đảo của hải quân Trung Quốc làm 64 binh sỹ, sỹ quan quân đội Việt Nam thiệt mạng, ba tàu vận tải hải quân VN bị đánh chìm, Đại tá Phạm Hữu Thắng, nguyên nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Lịch sử Quân sự, nói:

Từng khu vực, địa phương hoặc từng đơn vị mà làm thì cái đấy tôi nghĩ là chính đáng thôi, có gì đâu mà không chính đáng. Tưởng niệm những người hy sinh cho chủ quyền của đất nước, tôi nghĩ nhà nước sẽ không ngăn cấm. Đại tá Phạm Hữu Thắng
"Thực sự sự kiện Gạc Ma liên quan đến biển đảo, nó là cái nhạy cảm. Bây giờ thành ra thì nhà nước với những chiến sỹ hy sinh cho Tổ Quốc thì nhà nước vẫn tổ chức ngày 27/7, còn với những sự kiện lịch sử cụ thể như Gạc Ma hoặc những sự kiện khác, tôi nghĩ rằng nhà nước cũng khó có thể quy định một ngày cho toàn quốc được.

"Chỉ là ở từng lực lượng, từng bộ phận hoặc từng địa phương mà liên quan lớn tổ chức những sự kiện như thế thôi, còn thương binh liệt sỹ nhà nước tập trung vào ngày 27/7 rồi, và nó cũng rất nhiều ngày mà bây giờ yêu cầu nhà nước tổ chức những sự kiện nào cũng như thế thì tôi nghĩ là hơi khó."

Khi được hỏi, đó có thể là về phương diện nhà nước, nhưng người dân, cộng đồng, xã hội, các địa phương và gia đình thân nhân tưởng niệm các chiến sỹ hải quân Việt Nam thiệt mạng ngày 14/3/1988 ở sự kiện Gạc Ma, thuộc Trường Sa, thì 'có chính đáng, có được và có nên hay không', nhà nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam nói:
"Tôi nghĩ điều đấy từng khu vực, từng địa phương hoặc từng đơn vị mà làm thì cái đấy tôi nghĩ là chính đáng thôi, có gì đâu mà không chính đáng. Tưởng niệm những người hy sinh cho chủ quyền của đất nước thì cái đó, tôi nghĩ nhà nước sẽ không ngăn cấm cái đấy."

Nhưng khi được đề nghị bình luận về việc có các 'dư luận viên' ngăn cản và thách thức cuộc tưởng niệm Gạc Ma ngay tại chân Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hồ Gươm, Trung tâm Hà Nội, hôm thứ Bảy, Đại tá Thắng nói: "Cái đó tôi không nắm được thực tế, nên xin phép không trả lời".

'Bộ Quốc phòng cần làm gì?'

Hôm thứ Năm tuần này, BBC đã tiến hành một cuộc Tọa đàm Bàn tròn đánh dấu 27 năm sự kiện Gạc Ma, một nhà nghiên cứu, lãnh đạo Trung tâm Minh Triết Việt Nam nêu quan điểm về việc nhà nước mà cụ thể là Bộ Quốc phòng Việt Nam cần phải làm gì với Gạc Ma.
Mặc dù có sự 'can thiệp', 'cản trở' của các 'dư luận viên', người dân ở Hà Nội vẫn tưởng niệm liệt sỹ Gạc Ma 1988.

"Bộ Quốc phòng phải có một báo cáo đến nơi đến chốn về tình hình này, về sự kiện Gạc Ma, về tất cả mọi vấn đề," Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương nói:

"Từ chủ trương, từ nguyên nhân vì sao thất bại, liệu có thể chuyển đổi tình hình được không, bằng những giải pháp nào và những chính sách với những người chiến sỹ đã hy sinh ở Gạc Ma, đối với những người thương binh đã về từ Gạc Ma hiện nay thì ra làm sao?

"Hiện nay, tôi biết rằng họ xây dựng một đài tưởng niệm ở Nha Trang cũng hoành tráng lắm, nhưng nhiều vấn đề vẫn còn treo và lịch sử vẫn đang chờ đợi những câu trả lời có trách nhiệm từ phía những người lãnh đạo của đất nước," Giáo sư Mai nói với Bàn tròn của BBC.

Tâm lý của ông Linh là một tâm lý rất đặc biệt, sau khi thấy tình hình Liên Xô rung chuyển, chưa sụp đổ thì ông Linh đã lo rồi, sợ sau Chiến tranh Biên giới năm 1979 của Trung Quốc, thì ông Linh rất e ngại là sợ tình hình của Tàu (Trung Quốc). Cựu Đại tá Bùi Tín
Nhớ lại về sự kiện năm 1988 và trả lời câu hỏi ai có thể sẽ phải chịu trách nhiệm lịch sử trước việc đảo Gạc Ma bị mất và đặc biệt là trước sự hy sinh của 64 binh sỹ, nhà báo tự do, cựu Đại tá Bùi Tín nói với Bàn tròn của BBC từ Paris:

"Tình hình hồi đó tôi nhớ lại thì trách nhiệm chính là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Mà lúc bấy giờ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là ông Lê Đức Anh, tôi nhớ là ông Lê Đức Anh nhận chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1987 đến năm 1991, năm ấy là năm 1988. Nhưng tôi nghĩ là chịu trách nhiệm cao hơn nữa, thì đấy là thời kỳ của ông Nguyễn Văn Linh, và tôi nhiều lần được gặp ông Nguyễn Văn Linh, thời kỳ đó làm Tổng Bí thư, sau Đại hội 6 (1986).

"Bây giờ tôi nhớ lại, tâm lý của ông Linh là một tâm lý rất đặc biệt, sau khi thấy tình hình Liên Xô rung chuyển, chưa sụp đổ thì ông Linh đã lo rồi, sợ sau Chiến tranh Biên giới năm 1979 của Trung Quốc, thì ông Linh rất e ngại là sợ tình hình của Tàu. Nguyên nhân ông Linh nhắc lại nhiều lần là rất sợ Liên Xô sụp đổ, cố hàn vá lại mối quan hệ với Trung Quốc, Liên Xô, tức là tư tưởng trung tâm của ông Linh là đi đâu cũng xã hội chủ nghĩa tan rã và làm mọi cách để củng cố trở lại phe xã hội chủ nghĩa."

'Ai chịu trách nhiệm?'
 
Mới đây xuất hiện một clip trên mạng Internet trong đó Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Viện lịch sử Quân sự VN 'tiết lộ' một số 'bí mật' về Gạc Ma.

Trước đó, một cựu Đại tá Quân đội khác, nguyên Trưởng Đại diện Báo Quân đội Nhân dân tại Đồng Bằng Sông Cửu Long gửi ý kiến cho Bàn tròn của BBC, nêu quan điểm về trách nhiệm trước Gạc Ma.

Trao đổi với BBC hôm 12/3/2015, Đại tá Bùi Văn Bồng nói:

"Đảo Gạc Ma đã mất vào tay Trung Quốc từ 14/3/1988.

"Cho đến nay chưa lấy lại được.

"Trái lại, tháng 5/2014, Trung Quốc kéo giàn khoan chơi trò 'ngụy trang', 'dương đông kích tây', đánh lạc hướng.

Để mất đảo Gạc Ma thì trách nhiệm trước hết là của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Bộ Chính trị khóa 6. Đại tá Bùi Văn Bồng
"Thực chất cứ cho giàn khoan chạy vòng vo trong khu vực quần đảo Hoàng Sa,

"Nhằm kéo dự luận và sự chú ý của Việt Nam vào giàn khoan 981 để chúng xây dựng công trình quân sự trene đảo Gạc Ma.

"Để mất đảo Gạc Ma thì trách nhiệm trước hết là của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Bộ Chính trị khóa 6.

"Sau đó, cho đến nay không những không đòi lại được mà còn để cho Trung Quốc xây dựng Gạc Ma làm căn cứ quân sự vững chắc ở quần đào Hoàng Sa,

"Tất nhiên trách nhiệm chính là Bộ Chính trị từ khóa 7 đến khóa 11," Đại tá Bồng nêu quan điểm.

'Để thua dễ dãi'
Thái độ của một số 'dư luận viên' qua nét mặt và hành động khi 'thách thức' tưởng niệm Gạc Ma cho thấy vấn đề còn 'nhạy cảm' ra sao trên thực tế.

Trong cuộc trao đổi với BBC, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động ở trong nước nói:

"Tôi tìm hiểu trên Internet và những tài liệu mà nhà nước Việt Nam từ trước đến giờ che dấu, tôi đã nghe phong thanh rất nhiều chuyện xung quanh Gạc Ma về vấn đề không cho lính nổ súng, là tôi đã có nghe từ trước rồi.

"Và tôi cũng nghĩ rằng, sự thật này, những người dân, những bạn trẻ, tất cả mọi người cần phải biết, để có một thái độ đấu tranh cho đất nước này, chứ không thể chấp nhận một chế độ mà có thể quy phục ngoại bang như vậy," kỹ sư Lân Thắng nói với Bàn tròn của BBC.

Hôm thứ Năm, Đại tá Bùi Văn Bồng, gửi ý kiến cho Bàn tròn của BBC nêu quan điểm về bài học chính mà Việt Nam cần rút ra từ sự kiện để mất Gạc Ma, cũng như qua các diễn biến, động thái liên tục mấy chục năm qua cho tới gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bài học chính là lãnh đạo Đảng CSVN cần xác định rõ là mình... phải kiên quyết trong mọi tình huống không được để mất một tấc đất lãnh thổ, một mét biển, đảo của Tổ quốc. Không được nhượng bộ lẫn lộn hữu nghị với chủ quyền thiêng liêng. Đại tá Bùi Văn Bồng
Ông nói:

"Bài học chính là lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cần xác định rõ là mình (trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban bí thư, Tập thể lãnh đạo) phải kiên quyết trong mọi tình huống không được để mất một tấc đất lãnh thổ, một mét biển, đảo của Tổ quốc.

"Không được nhượng bộ lẫn lộn hữu nghị với chủ quyền thiêng liêng; phải cảnh giác với mọi mưu mô, thủ đoạn của gặc ngoại xâm, trực tiếp, sát gần nhất là 'bành trướng Bắc Kinh'...

"Người lãnh đạo, chỉ huy Quân đội phải lấy Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân là thiêng liêng nhất, đừng vì một lý do nào mà lệnh cho người lính không được bắn giặc là vô lý nhất và chưa từng có trong lịch sử Thế giới từ xưa tới này! Có lẽ duy nhất Việt Nam năm 1988 tại Gạc Ma?" Đại tá Bồng nêu quan điểm.

'Thu hồi hài cốt?'
Ngày 14/3/2015 này tròn 27 năm sự kiện Trung Quốc tấn công và chiếm giữ đảo Gạc Ma từ tay hải quân Việt Nam.

Hôm thứ Bảy, Đại tá Phạm Hữu Thắng từ Viện Lịch sử Quân sự bình luận với BBC về khả năng và nghĩa vụ 'tìm kiếm, thu hồi hài cốt' của quân đội Việt Nam với các binh sỹ đã tử trận ở Gạc Ma và Trường Sa tháng 3 năm 1988, mà theo các nguồn tin nói có thể khoảng 61 người đã bị đắm cùng ba tàu vận tải.

Nhà nghiên cứu nói: "Tôi nghĩ là Hải quân bao giờ cũng chăm chú một điều là bao giờ có điều kiện, thì sẽ phải ra để tìm hiểu những người mất tích.

"Cái đấy tôi nghĩ về mặt ngoại giao thì vẫn phải đang tiến hành, rồi việc có thể tìm kiếm được quân đội cũng sẽ phải tìm kiếm thôi, còn thời điểm như thế nào, tôi cũng không rõ."

Trước câu hỏi vì sao 27 năm đã qua, mà chính quyền và quân đôi Việt Nam dường như không thấy đặt ra công khai chủ trương này, Đại tá Thắng nói thêm:
Hải quân bao giờ cũng chăm chú một điều là bao giờ có điều kiện, thì sẽ phải ra để tìm hiểu những người mất tích. Cái đấy tôi nghĩ về mặt ngoại giao thì vẫn phải đang tiến hành, rồi việc có thể tìm kiếm được quân đội cũng sẽ phải tìm kiếm thôi. Đại tá Phạm Hữu Thắng
"Cái này tôi cũng không biết được chủ trương, cho nên cũng không biết được hiện trạng như thế nào, cho nên không dám phát biểu."

Hôm thứ Năm, 12/3, cựu Đại tá Bùi Tín cũng nêu quan điểm về khả năng và khả thi của việc thu hồi hài cốt các binh sỹ Gạc Ma, Trường Sa tử trận 3/1988, ông nói với Tọa đàm của BBC:

"Đặt ra vấn đề với chính quyền hiện nay thì rất là khó, bởi vì họ cố tình ỉm chuyện này đi, và dân hiện nay, quan tâm không có nhiều, vẫn còn có nhiều người thờ ơ với việc lớn như thế. Phải có một sức ép dư luận mạnh mẽ.

"Cái thứ hai là phải đặt vấn đề với Trung Quốc, nhưng mà rất đáng tiếc là hiện nay vùng đó là vùng họ đổ bê-tông lên rồi,

"Họ mở rộng diện tích ra gấp hai mươi lần trước, họ xây dựng nhà và họ cho cả bãi trực thăng, rồi họ cho cả những ủy ban đồn trú, rồi cho cả gia đình của họ ra đấy, du lịch ra đấy.
Vì Sao Tưởng Niệm Gạc Ma Còn 'Nhạy Cảm'? Reviewed by Unknown on 3/15/2015 Rating: 5 BBC: Ảnh bên: Các 'dư luận viên' ngăn cản và thách thức vụ tưởng niệm Gạc Ma ở Tượng đài Lý Thái Tổ, gần Hồ Gươm, Hà Nội hôm 14/...

Không có nhận xét nào: