70 năm đã trôi qua kể từ khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt tại châu Âu. Nhân dịp này ĐTC Phanxicô đã kêu gọi nhân loại rút ra bài học từ những sai lầm trong qúa khứ. Ngài đã đưa ra lời kêu gọi trên đây vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư mùng 6 tháng 5 vừa qua. ĐTC nói với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến:
“Trong các ngày tới đây tại một số thủ đô sẽ có lễ tưởng niệm 70 năm chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến tại Âu châu. Trong dịp này tôi phó thác cho Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình, uớc mong rằng xã hội nhân loại học được bài học từ những sai lầm qúa khứ và đứng trước những cuộc xung đột hiện nay đang xâu xé một số miền trên thế giới, tất cả các vị hữu trách dân sự dấn thân trong việc tìm kiếm công ích và thăng tiến hòa bình.”
Đệ Nhị Thế Chiến đã kéo dài từ ngày mùng 1 tháng 9 năm 1939, khi quân Đức Quốc Xã tấn công Balan, cho tới ngày mùng 6 tháng 5 năm 1945 trại Âu châu, và ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Á châu. Chiến tranh đã mau chóng lôi cuốn các nuớc thành hai phe đồng minh và phe trục và bùng nổ tại Âu châu, vùng biển Địa Trung Hải, Phi châu, Trung Đông, Đông Nam Á, Trung quốc, Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Phía Trục có Đức, Italia và Nhật Bản. Phe Đồng Minh bao gồm Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh quốc, Trung Hoa, Pháp và nhiều nước khác.
Đã có nhiều lý do châm ngòi cho Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ. Trong số các lý do xa phải kể đến thế đối kháng giữa hai nước Pháp Đức và các thù hận cháy âm ỉ từ phía Đức, vì đã phải nhường vùng Alsace Lorraine cho Pháp sau khi thua trận trong Đệ Nhất Thế Chiến cũng như phải để cho Pháp khai thác mỏ than vùng Saar. Thứ hai là chính sách bành trướng và mộng đế quốc của Đức Quốc Xã thực thi chương trình đức hóa, bằng cách tái vũ trang các lực lượng quân sự để chiếm đất, và bỏ Hiệp hội các quốc gia, lấn chiếm nước Áo và Tiệp Khắc với sự cho phép nhượng bộ của Pháp, Anh quốc và Italia. Thứ ba là việc xích lại gần nhau giữa Đức Quốc Xã và Phát xít Italia làm thành trục Roma – Berlin, và sự kiện Mussolini chấp nhận Liên hiệp chống cộng sản có sự tham dự của Nhật Bản, rồi chấp nhận liên minh Italia – Đức. Thứ bốn là các đối kháng giữa Italia và Pháp và giữa Italia và Anh quốc, vì Italia đòi chủ quyền trên các vùng Nice, Savoia và đảo Corse, cũng như vì các lợi nhuận khác biệt trong vùng Bắc Phi và các âu lo mà chính sách duy quốc gia và quân sự của Italia dấy lên tại Anh quốc, là nước có các căn cứ hải quân quan trọng trong biển Địa Trung Hải. Và thứ năm cuộc xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc vì năm 1937 Nhật Bản xâm lăng Trung Quốc và làm nảy sinh ra một cuộc chiến đẫm máu. Thêm vào đó Hitler đòi quyền kiểm soát thành phố cảng Danzig và “hành lang Ba Lan” khiến cho Pháp và Anh quốc lo lắng. Hai quốc gia này đã luôn hy vọng loại trừ quyền lực của nhóm Bolxêvích nảy sinh với sự trợ giúp của Đức Quốc Xã. Giờ đây hai nước lại liên minh với Liên Xô để hãm cuộc chạy tới chiến tranh của Hitler. Nhưng Hitler mưu mô hơn, bằng cách từ bỏ đường lối chống cộng sản và ký kết thoả hiệp không tấn công với Stalin, theo đó hai bên tôn trọng nhau trong trường hợp có xung đột, và tạo ra các thỏa hiệp chia nhau Ba Lan và các nước vùng Baltic.
Và thế là các phe hăng say dùng mọi thứ khí giớí tối tân để bắn giết và tàn sát nhau, gây ra cảnh chết chóc, đổ vỡ tang thương trên toàn Âu châu và nhiều nơi khác trên thế giới. Sáu năm chiến tranh đã khiến cho khoảng 50-60 triệu người chết, có danh sách nói đến hơn 70 triệu người. Thật ra, không ai biết chính xác số người đã bị chết vì bom đạn, đói khát bệnh tật là bao nhiêu. Liên Xô có hơn 23 triệu người chết, trong đó có 12, 3 triệu binh sĩ; Trung quốc có 19,6 triệu người chết, trong đó có 15,5 triệu binh sĩ; Đức có 7,6 triệu người chết, trong đó có 5,5 triệu binh sĩ. Ba Lan có hơn 5,6 triệu người chết, trong đó có 5,5 triệu binh sĩ; Nhật Bản có hơn 2,6 triệu người chết trong đó có hơn 1,9 triệu binh sĩ; Ấn Độ có hơn 1,5 triệu người chết, trong đó có hơn 36 ngàn binh sĩ; Indonesia có 400.000 người chết; trong khi Đại Hàn có 378 ngàn người chết; Hoa Kỳ có 413 ngàn người chết, trong đó có 405 ngàn binh sĩ; Anh quốc có 365 ngàn người chết, trong đó có 272 ngàn binh sĩ.
Khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt, trong Âu châu có hơn 64 triệu người tỵ nạn, hơn 40 triệu người bị bứng rễ khỏi quê hương, cộng thêm 13 triệu người bị đuổi khỏi các vùng ớ Đức rồi bị sát nhập vào Ba Lan, Liên Xô và Tiệp Khắc, hơn 11 trỉệu người bị đi đầy thuộc nhiều quốc tịch khác nhau được tìm thấy bên Đức. Còn các tàn phá vật chất thì mênh mông trong mọi nước lâm chiến: 25% tại Liên Xô, 13% tai Đức, 8% tại Italia, 7% tại Pháp, và 3% tại Anh quốc. Đó là chưa kể tới hàng chục triệu người bị thương suốt đời phải sống trong cảnh tàn phế, và hàng chục triệu trẻ em mồ côi.
Với hai thế chiến tàn khốc và hơn 185 cuộc chiến đó đây trên năm châu, thế kỷ XX đã là thế kỷ trong đó con người đã tàn sát nhau dã man hơn súc vật. Giờ đây nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI được 15 năm, nhưng lại có các cuộc chiến mới không kém phần đẫm máu và tàn khốc như đang xảy ra tại Iraq, Siria, Libia, Somalia, Nigeria, Yemen, lần này thì nấp sau bình phong Hồi giáo và cũng có sự tham dự của nhiều quốc gia trên thế giới qua dịch vụ buôn bán vũ khí kiếm lời. Tình hình tồi tệ đến độ ĐTC Phanxicô đã gọi đây là “Đệ Tam Thế Chiến từng mảng một”.
Xem ra nhân loại đã không bao giờ thuộc những bài học qúa khứ, mặc dù đã phải đổ ra biết bao nhiêu xương máu và mồ hôi nước mắt.
Linh Tiến Khải
Nguồn: Radio Vatican
Không có nhận xét nào: