Ngô Nhân Dụng: Ðọc trên một tờ báo trong nước: Cầm trên tay hóa đơn tiền điện Tháng Năm 2015, một phụ nữ 35 tuổi, ở quận Ðống Ða, thành phố Hà Nội tính toán: “Bình thường mỗi tháng nhà tôi chỉ trả khoảng 400 ngàn đồng, tháng này vọt lên hơn 1.8 triệu đồng. Không hiểu ngành điện họ có tính sai không?”
Giá điện tăng vọt làm cả nước choáng váng. Nhưng đối với các “vương tôn, công tử” thì con số một, hai triệu đồng không đáng để lo nghĩ. Năm ngoái, trên các trang mạng đã sôi nổi khi mấy cậu ấm đưa lên mạng cho bà con đọc hóa đơn các bữa ăn chơi của mình. Một cậu chi 182 triệu trong một đêm, trong đó có 161 triệu tiền mua sáu chai rượu (tương đương hơn 7,000 đô la Mỹ). Một “thiếu gia” khác chi 218 triệu trong một đêm ăn chơi, trong đó có ba chai rượu ngoại quốc, mỗi chai 65 triệu đồng Việt Nam, gần 3,000 đô la một chai. Một đại gia thứ dữ, chi 400 triệu đồng, với bốn chai rượu mỗi chai 90 triệu, hơn 4,000 đô la.
Một công dân mạng nhận xét: Họ ăn chơi một đêm bằng mình làm việc mười năm, dành dụm không ăn uống gì cả! Một chai rượu của họ, mình đi làm vài năm mới mua được. Không biết những người này kiếm được bao nhiêu tiền một ngày!
Thật ra trên thế giới những người giầu có vẫn ăn chơi, xài tiền như nước, nhưng không phải ở đâu người ta cũng bất bình. Trong một nước dân chủ tự do kinh tế phồn thịnh, có những người kiếm ra rất nhiều tiền, nhưng không ai ghét. Ở Mỹ không ai ghét những ông Bill Gates hay Warren Buffet, hai người giầu nhất nước. Họ đều kiếm ra tiền vì thành công về kinh doanh, không bóc lột ai mà ngược lại còn tạo thêm của cải cho nhiều người khác. Dư luận bất bình chỉ nổi lên trong những nước không được sống tự do, dân chủ. Ở đó, những kẻ nắm quyền lạm dụng quyền lực, biến của công thành của riêng; những người khác thì hối lộ, mua chuộc bọn nắm quyền để làm giầu. Hai loại người giầu đều kiếm tiền một cách bất chính.
Trong xã hội cảnh bất công biểu lộ dưới hai hình thức: Bất công về lợi tức và bất công về tài sản. Hai loại bất công này ảnh hưởng hỗ tương với nhau. Người có sẵn tài sản lớn thì dễ kiếm được lợi tức cao. Ở những nước dân chủ tự do, hiện tượng trên vẫn diễn ra. Cho nên, người ta đặt ra những thứ luật lệ để giảm bớt tình trạng bất công này. Thí dụ, đánh thuế trên các di sản lớn để con cháu những người giầu có không chiếm ưu thế hưởng lợi tức cao mãi mãi hơn các gia đình nghèo. Một biện pháp thịnh hành nhất là đánh thuế người giầu cao hơn người kiếm ra ít tiền. Một người ở Mỹ kiếm nửa triệu mỗi năm có thể phải đóng thuế 39%, còn những người lợi tức khoảng 20,000 đô la thường không phải đóng thuế. Tại các nước Châu Âu, nhất là ở phía Bắc, những người lợi tức cao còn phải đóng suất thuế lên tới 80%, 90%; mà đó cũng là những nước có lợi tức bình quân cao nhất thế giới.
Thứ bất công nặng nề và nguy hiểm cho tất cả mọi người là bất công về cơ hội. Trong chế độ dân chủ tự do, một quy tắc được đề cao là bình đẳng về cơ hội. Bao nhiêu đạo luật an sinh xã hội đều nhắm bảo vệ quyền bình đẳng đó.
Ai cũng nghĩ trong xã hội mà có chênh lệch giầu nghèo là điều xấu, nên tránh. Nhưng mọi người thường chỉ phê phán cảnh bất công bằng con mắt đạo đức. Những người giầu sẽ bị chê cười nếu họ sống xa hoa trong khi người nghèo chạy ăn từng bữa toát mổ hôi. Nhưng người ta vẫn chấp nhận: Ai giỏi thì kiếm ra tiền, tha hồ sống xa hoa; ai không giỏi thì phải chịu nghèo nàn.
Nhưng bất công xã hội còn là một nguyên nhân gây cản trở khiến cho kinh tế khó phát triển. Khi kinh tế không phát triển đúng theo tiềm năng đáng lẽ phải đạt được, thì không phải chỉ người nghèo phải chịu, mà tất cả mọi người đều bị thiệt thòi. Nếu xã hội công bằng hơn, thì tài sản chung của quốc gia sẽ cao hơn, mọi người được chia phần cùng hưởng, trong đó có giới trung lưu.
Bất công xã hội tai hại chung cho nền kinh tế, vì tình trạng bất công kéo dài làm nản lòng những người có khả năng. Họ cảm thấy không thể cố gắng làm việc cho cuộc đời mình khá hơn, con cháu mình khá hơn, khi cam thấy dù cố gắng cách mấy cũng sẽ “đụng trần,” không ngoi lên được nữa. Ở những nước kinh tế phồn thịnh thì người ta dễ chứng kiến cảnh nhiều người có khả năng vọt lên thành triệu phú, tỷ phú, khi chưa đầy 30 tuổi. Bởi vì cơ cấu xã hội bảo đảm ai cũng có cơ hội như nhau.
Một lý do khiến bất công xã hội làm thiệt hại cho kinh tế, là ảnh hưởng trên số tiêu thụ chung của cả quốc gia. Kinh tế sẽ phát triển cao khi số tiêu thụ cao, vì việc tiêu thụ thúc đẩy các nhà sản xuất hoạt động hơn, tạo thêm công việc làm cho nhiều người, nhờ thế lại gia tăng số tiêu thụ. Ở những nước giầu, số tiêu thụ của tư nhân chiếm đến 70% lợi tức quốc gia, chưa kể số tiêu thụ của nhà nước.
Chúng ta thử tưởng tượng lợi tức một nước là 100 đồng, gọi là GDP, tổng sản lượng nội địa. Trong một xã hội hoàn toàn công bằng, số tiền đó được chia đều, thí dụ 50 người dân mỗi người 2 đồng. Với lợi tức đó, mỗi người sẽ chi tiêu một đồng rưỡi, tổng số tiêu thụ của cả nước sẽ là 75 đồng, 75% tổng số lợi tức quốc gia.
Nếu xã hội bất công, chúng ta có cảnh 100 đồng được chia cho 40 người dân nghèo mỗi người một đồng, còn 10 người giàu có được lợi tức 60 đồng. Ðám dân nghèo sẽ dùng hết lợi tức vào việc tiêu thụ, tất cả 40 đồng. Còn 10 người giầu có, dù tiêu sài xa xỉ mỗi người cũng chỉ dùng tới 2 đồng thôi, tổng cộng 20 đồng. Như vậy thì tổng số tiêu thụ đã giảm xuống chỉ cò 60 đồng, 60% của tổng số GDP. Nếu xã hội bất công hơn, tập trung lợi tức vào 5 người, hoặc 2 người, thì tổng số tiêu thụ còn thấp hơn nữa.
Chính quyền Trung Quốc hiện nay đang cố thoát khỏi cảnh trì trệ bằng cách thúc đẩy người dân tiêu thụ nhiều hơn. Hiện nay tỷ lệ tiêu thụ trong nước Trung Hoa chỉ chiếm 40% tổng sản lượng nội địa; chính quyền muốn con số đó tăng lên. Trong khi đó, dân Mỹ không cần chính quyền khuyến khích vẫn dùng 70% GDP trong việc tiêu thụ.
Nhưng ngay trong việc kích thích tiêu thụ ở Trung Quốc, người ta cũng thấy ngay một chướng ngại, là tình trạng bất công xã hội. Chính những người đang được hưởng lợi nờ cơ cấu bất công trở thành một lực lượng bảo thủ rất kiên cố, họ chống lại các biện pháp cải cách. Khi cơ cấu kinh tế không thay đổi nhanh, các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm ưu thế dù khả năng sinh lợi kém cỏi hoặc không hề sinh lợi, thì năng suất chung của cả nền kinh tế không lên cao được.
Ðiều nguy hiểm cho cả xã hội là tình trạng bất công sẽ tự nuôi dưỡng để kéo dài. Con cái một gia đình nghèo sẽ thiếu cơ hội đi học, khó lòng bước vào bậc đại học, so với con cái nhà giàu. Tại Việt Nam, con nhà giàu có thể được cho vào những trường tư đặc biệt, dậy bằng tiếng Anh, theo chương trình giáo dục của các nước giầu. Lớn lên, các học sinh giầu được gửi ra ngoại quốc dễ dàng. Cứ như thế, tình trạng bất công về lợi tức, về tài sản, sẽ kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bất công xã hội cản trở việc phát triển kinh tế, chúng ta thấy rõ nhất khi thấy trong lịch sử các cuộc cách mạng dân chủ giúp cho các nền kinh tế nghèo cất cánh. Vì chế độ dân chủ bảo đảm việc thiết lập công bằng xã hội dễ dàng, nhanh chóng và bền vững hơn. Trong cuốn sách “Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty” các giáo sư Daron Acemoglu (Ðại Học MIT) và James Robinson (Ðại Học Harvard) đã nêu ra nhiều thí dụ. Cuộc cách mạng 1688 ở Anh quốc đã giúp xã hội công bằng hơn, là nguyên nhân gây nên cuộc cách mạng công nghiệp trong thế kỷ 17, 18 ở nước Anh. Sau cuộc cách mạng ở Mỹ, người dân đã xóa bỏ những đặc quyền của giai cấp thượng lưu, thiết lập những quyền tự do căn bản cho mọi người dân, chính quyền chịu trách nhiệm với dân chúng, nhờ thế việc phân bố lợi tức công bằng hơn. Ðó là nguyên nhân chính giúp cho kinh tế nước Mỹ phát triển.
Một thí dụ hiển nhiên ai cũng thấy là khi so sánh Bắc Hàn với Nam Hàn. Cùng một dân tộc, cùng một địa thế, cùng một thời gian, Nam Hàn đã tiến bộ vượt bực. Các tác giả trên còn nêu thí du hai thị xã cùng mang tên Nogales, nằm hai bên biên giới, một thuộc tiểu bang Sonora, Mexico và một thuộc tiểu bang Arizona, Mỹ. Tình trạng giầu nghèo của dân chúng hai nơi khác nhau chỉ có thể giải thích được là do chế độ chính trị ở Mỹ dân chủ hơn, cho nên xã hội công bằng hơn.
Trong các bài nghiên cứu khác, Daron Acemoglu còn nhấn mạnh rằng khi một chính quyền không dân chủ đưa ra những biện pháp giảm bất công xã hội, thì hành động đó cũng không dẫn tới tiến bộ kinh tế bền vững. Chỉ khi nào thể chế chính trị được thay đổi thì công bằng xã hội mới có, nhờ thế kinh tế sẽ phát triển bền vững hơn.
Nếu biết suy nghĩ thì chính các “đại gia” ở Trung Quốc và ở Việt Nam phải thấy rằng chính họ cần góp phần vào việc thay đổi thể chế chính trị. Bởi vì khi người dân được tự do, xã hội công bằng hơn, thì chính con cháu họ sau này sẽ được hưởng, nhờ kinh tế phát triển tốt hơn. Ngược lại, tình trạng bất công sẽ kềm hãm kinh tế, làm tất cả cùng nghèo. Nếu ngày nay họ được hưởng 1% của lợi tức chung 100 đồng, thì họ cũng chỉ có một đồng. Khi kinh tế phát triển GDP lên thành 1,000 đồng, thì dù chỉ hưởng 0.5% họ vẫn được 5 đồng! Muốn xã hội công bằng để kinh tế phát triển, phải dân chủ hóa.
Đát nước như thế này thì phải sớm thay đổi thôi ! không thể chấp nhận được !
Trả lờiXóa