Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần III - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
25 tháng 6, 2015

Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần III

JB Nguyễn Hữu Vinh: Đến Đông Yên lần này, chúng tôi được nghe kể lại những câu chuyện đã xảy ra thời gian qua tại đó, được nghe về những âm mưu, hành động và cách làm của nhà cầm quyền đối với người dân nơi đây. Quả thật, dù đã đi nhiều nơi với người dân mất đất, nghe nhiều chuyện và chứng kiến nhiều trò của nhà cầm quyền khi muốn cướp đất của dân.

Nhưng có lẽ chỉ có ở đây, những ngón đòn nhà cầm quyền sử dụng mới là "tuyệt chiêu".


Những "tuyệt chiêu" - mớ bòng bong của nhà cầm quyền


Để những người dân Đông Yên, một xứ đạo toàn tòng và kiên vững, bất khuất có truyền thống phải ra đi khỏi đó là một bài toán khó cho nhà cầm quyền. Nó không như một số nơi khác, cứ máy xúc, máy ủi đến kèm Cảnh sát cơ động, công an và chó là xong. Nhà cầm quyền biết rõ điều này.

Trước đó qua những cuộc chạm trán nảy lửa của giáo dân đoàn kết phản đối việc tàu nước ngoài nạo vét cửa biển nơi họ làm ăn và họ đã phản ứng. Nhà cầm quyền đã không thể khuất phục họ và phải chấp nhận trợ cấp cho giáo dân số gạo ăn hàng tháng khi nghề khai thác biển không thể tiến hành để tập đoàn Formosa của Tàu hút nạo làm cảng biển.

Thế rồi, để đưa người dân đi, thay vì súng, đạn, công an, chó và bạo lực, họ sử dụng một chính sách mềm dẻo có định hướng tại đây.

Trước hết, qua những cuộc gặp gỡ, bàn bạc với phía Giáo quyền, nhà cầm quyền đã nhanh chóng đáp ứng được một số đòi hỏi nếu giáo dân nếu ra đi. Đó là thay vì đưa giáo dân đến một nơi đã định sẵn là vùng đất Kỳ Trinh sỏi đá, nhà cầm quyền đã mời Đức Giám mục và linh mục đích thân đi chọn nơi định cư. Và họ đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của phía Giáo quyền là chọn vùng Đèo Con. Nơi đây là vùng đất khả dĩ nhất có thể được của vùng đất xung quanh Vũng Áng. Ở đó đã có một khu du lịch sinh thái được kêu gọi đầu tư khá công phu. Nhưng họ đã chấp nhận khi Đức Giám mục cùng với linh mục và cán bộ Tỉnh đi tìm và chọn nơi đó cho Đông Yên tái định cư.


Điều đó tạo được tâm lý cho Linh mục và một số người coi như là một thắng lợi. Và được đà đó cùng với những lời ngọt nhạt và kính trọng, linh mục quản xứ đã hợp tác chặt chẽ với việc tiến hành dự án di dời. Người dân vốn đã bao năm vất vả, được vẽ cho một tương lai hứa hẹn đền bù thỏa đáng. Họ được ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn thoải mái để làm nhà cửa chờ đền bù. Có những lúc, cả Đông Yên như một công trường xây dựng.

Thế rồi nhà làm xong, nợ ngân hàng cứ đến tháng tính lãi mẹ đẻ lãi con. Tàu hút bùn xong đóng cọc thì công cảng thì cũng là lúc gạo hỗ trợ bị cắt. Kết quả là những người vay vốn ngân hàng ngày càng nóng mặt, tự nhiên vướng vào vòng nợ nần. Công việc làm ăn bị bỏ lửng, cuộc sống đảo lộn chẳng biết ngày nào đi, khi nào ở và khi nào được đền bù để có tiền trả nợ ngân hàng ngày càng hối thúc... Nhà cầm quyền chần chừ việc đền bù với những thông tin là do chống đối, là do không nhất trí nên chưa thể tiến hành. Họ biết rõ, cứ để càng lâu, thì tự những mâu thuẫn nội bộ người dân do những cách làm của họ sẽ phát huy tác dụng đưa cả Đông Yên vào vòng luẩn quẩn buộc phải ra đi.

Vốn là vùng đất toàn tòng, giáo dân có truyền thống tôn trọng linh mục và luôn vâng lời, kể cả trong lĩnh vực dân sinh. Cha xứ, với sự hăng hái của mình đã đưa đến kết cục không mong muốn, lúc đó, một áp lực vô hình nhưng vô cùng nặng nề đặt lên vai ngài mà lời giải lúc đó lại nằm trong tay nhà cầm quyền. Thế là những cuộc thăm dò ý kiến di dời hay không di dời được cha xứ cho tiến hành, những lời ra tiếng vào, những cuộc lễ lạt, ký tá, việc dùng nhà xứ cho cán bộ nhà nước họp hành... đã tạo ra một khoảng bất đồng trong giáo dân.

Và đó là cơ hội của những ngư ông đang đắc lợi. Nhà cầm quyền đã triệt để tận dụng cơ hội đó, còn linh mục quản xứ mắc vào vòng xoáy của những yêu cầu cuộc sống của giáo dân và những ý kiến phản ứng thì càng lúng túng và không còn đường để lùi.

Thế rồi sai lầm bắt đầu nối tiếp sai lầm trong hành xử, lời nói, trong đời sống cũng như trong phụng vụ đã tạo ra những bất đồng nghiêm trọng và giáo dân chia rẽ.

"Phép thắng lợi tinh thần" và "sự khôn ngoan của thế gian"

Cũng cần công tâm mà nói rằng, sự hăng hái của linh mục cũng như sự quan tâm của Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp đã có một kết quả, là thay vì phải đến vùng Kỳ Trinh, giáo dân Đông Yên chấp nhận di dời được "ưu tiên" đến vùng Đèo Con. Tuy nhiên, dù là Kỳ Trinh hay Đèo Con, thì đời sống mưu sinh của họ vốn cả đời bám vào biển cũng là một ẩn số không có lời đáp. Tương lai của họ là một khoảng trống mịt mù.

Nhưng, chính cái "thắng lợi" được nhà cầm quyền tạo ra đó đã làm cho sự hăng hái nhiệt tình càng tăng lên, thì cũng chính là nguyên nhân để tạo ra những phản ứng, những bất đồng trong Giáo dân Đồng Yên vốn được coi là mạnh mẽ và nhiệt thành.

Cái mà nhà cầm quyền CSVN cố tình đưa ra như một "thắng lợi" cho phía giáo dân và giáo quyền sử dụng thành một "phép thắng lợi tinh thần". Để rồi những người trong cuộc vốn nhiều khi coi mình là khôn ngoan đã tự kích động sự say máu chiến thắng.

Nhưng, từ ngàn xưa Chúa đã dạy: "Con cái thế gian khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng" (Lk 16:8)"

Rồi cũng chính vì sự nhiệt tình hăng hái của giáo quyền, mà nhà cầm quyền quyết định giành lấy thời cơ để "làm tắt" quy trình. Kết quả là người dân đập nhà cửa, bỏ lại đất đai ra đi, Tòa Giám mục nhận tiền đền bù nhà thờ nhà xứ, để khởi công rầm rộ với quan chức xây nhà thờ nơi định cư mới mà cả chính quyền lẫn giáo quyền quên mất một điều: Chưa hề có dự án nào được duyệt nói rõ vùng đất Đông Yên nhà cầm quyền muốn lấy để làm gì? Điều mà lẽ ra người dân phải được biết ngay từ đầu.

Nói chuyện với chúng tôi về vấn đề này, người dân cứ thắc mắc là không hiểu tại sao nhà cầm quyền lại quyết tâm và đầu tư âm mưu, công sức để lấy bằng được vùng đất Đông Yên này khi chưa hề có dự án nào được lập ra?

Trả lời câu hỏi này, có thể có hai hướng:

- Trước hết, đây là một đòn đánh vào một giáo xứ nổi tiếng kiên cường bất khuất từ thời kỳ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay, luôn là cái gai nhọn khó chịu trong con mắt nhà cầm quyền. Nay đã buộc phải tan rã, đầu hàng và khuất phục. Đây sẽ là bài học được sử dụng cho những nơi khác, khi biết kết hợp giữa giáo quyền và nhà cầm quyền.

- Cũng có thể, họ không muốn có một giáo xứ Công giáo bên cạnh một khu vực của người Tàu, một nơi nhạy cảm và họ muốn biến thành một vùng vành đai trắng xung quanh để đường thông ra biển của dự án Formosa của Tàu được vắng vẻ.

Bởi nếu không vì những lý do đó, thì không có cái gì để lý giải được vì sao nhà cầm quyền quyết liệt và nhọc nhằn đến vậy với Đông Yên khi vùng đất này chỉ là một vùng cát trắng ven biển.


 
Thế rồi, khi những người dân ở Đông Yên ra đi, lên núi lập những khu định cư mới, có được ít tiền đền bù mua sắm và xây dựng xong thì sẽ là lúc trắng tay và bài toán mưu sinh vô cùng khó khăn tìm lời giải đáp.

Nếu như ở nơi định cư mới, người dân không có một hướng mưu sinh, một nghề nghiệp hoặc cơ sở để làm ăn, tồn tại, thì dĩ nhiên đi kèm đó là đói kém, khó khăn, tệ nạn và suy đồi đạo đức... vốn là những điều mà Giáo hội cố gắng khắc phục và xây dựng cả mấy trăm năm qua sẽ đứng trước nguy cơ đổ bể.

Và khi đó, sẽ là màn kịch phần hai của nhà cầm quyền đạo diễn nhằm khuất phục tận gốc tinh thần công giáo tại đây.

(Còn nữa)

Hà Tĩnh, Hà Nội 25/6/2015
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần III Reviewed by Unknown on 6/25/2015 Rating: 5 JB Nguyễn Hữu Vinh: Đến Đông Yên lần này, chúng tôi được nghe kể lại những câu chuyện đã xảy ra thời gian qua tại đó, được nghe về những...

Không có nhận xét nào: