Ngày mùng 7 tháng 6 năm 1893, trong một sự kiện có ảnh hưởng đáng kể tới người dân Ấn Độ sau này, Mohandas K. Gandhi, một luật sư trẻ người Ấn Độ đang làm việc ở Nam Phi, đã từ chối tuân thủ các quy định mang tính phân biệt chủng tộc trên một chuyến tàu ở Nam Phi, sau đó bị đuổi khỏi tàu ở thành phố Pietermaritzburg.
Sinh ra ở Ấn Độ nhưng theo học tại Anh, đầu năm 1893, Gandhi đến Nam Phi để hành nghề luật theo hợp đồng kéo dài một năm. Cư trú ở Natal, ông phải chịu sự phân biệt chủng tộc và những quy định pháp luật của Nam Phi hạn chế quyền lợi của người lao động Ấn Độ. Sau này nhớ lại, Gandhi đã gọi thời khắc mà ông bị buộc phải rời khỏi toa xe lửa hạng nhất và sau đó bị ném ra khỏi chuyến tàu hôm mùng 7 tháng 6 là thời khắc quyết định của ông. Từ đó trở đi, ông quyết tâm chống lại sự bất công và bảo vệ những quyền lợi của mình trong vai trò một người Ấn Độ nói riêng và một con người nói chung.
Khi hợp đồng hết hạn, ông quyết định ở lại Nam Phi và vận động một chiến dịch chống lại một dự thảo luật tước đi quyền bầu cử của người di dân Ấn Độ. Ông thành lập Hội nghị dân tộc Ấn ở Natal và thu hút sự chú ý của quốc tế về tình cảnh của người Ấn Độ ở Nam Phi. Năm 1906, chính quyền Transvaal tìm cách hạn chế hơn nữa quyền lợi của người Ấn Độ, sau đó Gandhi đã tổ chức chiến dịch satyagraha, hay bất tuân dân sự đại chúng, đầu tiên của mình. Sau bảy năm đấu tranh, ông đã đạt được một thỏa thuận thỏa hiệp với chính phủ Nam Phi.
Năm 1914, Gandhi trở lại Ấn Độ. Tuy ủng hộ người Anh trong Thế chiến thứ nhất, ông đã phát động một cuộc satyagraha mới để phản đối dự thảo luật quân dịch bắt buộc của Anh đối với người Ấn Độ trong năm 1919. Hàng trăm ngàn người đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông, và đến năm 1920, ông trở thành lãnh đạo của phong trào độc lập Ấn Độ. Luôn ủng hộ đấu tranh bất bạo động, ông khẳng định sự đoàn kết của mọi người dưới một Thiên chúa và rao giảng đạo đức Kitô giáo và Hồi giáo bên cạnh giáo lý Ấn Độ giáo của mình. Các nhà chức trách Anh đã nhiều lần bắt giam ông, nhưng dưới sức ép to lớn của những người ủng hộ, ông đều được thả.
Sau Thế chiến thứ hai, ông là nhân vật hàng đầu trong các cuộc đàm phán đưa Ấn Độ đến độc lập năm 1947. Dù ca ngợi việc trao trả độc lập cho Ấn Độ là “hành động cao quý nhất của nước Anh,” ông đã đau khổ trước sự chia rẽ tôn giáo thành hai vùng Ấn Độ và Pakistan của Đế quốc Mogul cũ. Khi bạo lực nổ ra giữa người Ấn Độ giáo và người Hồi giáo ở Ấn Độ năm 1947, Gandhi đã thực hành chay tịnh và đến thăm những khu vực bất ổn để cố gắng chấm dứt cuộc xung đột tôn giáo của Ấn Độ. Ngày 30 tháng 1 năm 1948, trên đường tới một lễ cầu nguyện ở New Delhi, Gandhi đã bị bắn chết bởi Nathuram Godse, một tín đồ Ấn Độ giáo cực đoan phản đối lòng khoan dung của ông dành cho người Hồi giáo.
Được biết đến dưới tên Mahatma, có nghĩa là “linh hồn vĩ đại,” trong suốt cuộc đời mình, phương pháp bất tuân dân sự của Gandhi đã có ảnh hưởng tới nhiều nhà lãnh đạo phong trào dân quyền trên toàn thế giới, đặc biệt là mục sư Martin Luther King ở Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào: