Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần II - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 6, 2015

Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần II

JB Nguyễn Hữu Vinh: Gặp gỡ những người dân ở đây, chúng tôi cảm nhận được từ họ sự chân thành, nhiệt tình và sự uất hận của chính họ, những người dân, những nạn nhân trong "Thiên đường XHCN" hôm nay ở Việt Nam.

Cái gọi là "đất đai do nhà nước quản lý" và dự án cho Tàu thuê những nơi hiểm yếu

Câu chuyện của họ bắt đầu từ Dự án bán khu vực Vũng Áng này cho Tàu _ Đài Loan với thời hạn 70 năm, nghĩa là gần bốn thế hệ. Cũng không có gì lạ, khi mà những người Cộng sản Việt Nam đổi thù thành bạn, nhanh chóng coi "kẻ thù truyền kiếp" của dân tộc mấy ngàn năm qua thành bạn vàng. Khi đó, những giá trị, hành động và việc làm đã thay đổi theo. Từ truyền thống ngàn đời nay của dân tộc là bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm, không để mất một tấc lãnh thổ vào tay giặc bành trướng Phương Bắc, ngày nay, biển đảo đất nước, lãnh thổ biên cương nằm dưới gót giày quân xâm lược một cách "chính danh và ngang nhiên" mà những người cầm quyền cứ tìm cách vòng vo, né tránh và quy phục để bảo vệ "tình hữu nghị anh em" với giặc. Chỉ đơn giản vì đây là "giặc - cộng sản".

 
Trong khi đó, từ Hiến pháp cho đến hệ thống luật pháp cộng sản hiện nay, mọi nơi, mọi lúc từ văn bản cho đến lời nói của bất cứ quan chức nào thì đều "Đất đai do nhà nước thống nhất quản lý". Nó được lặp đi lặp lại trong việc cướp đất của dân, của tôn giáo, của nhà thờ... Ở đó, cái từ "quản lý" đã bị xuyên tạc và đánh tráo định nghĩa thành "sở hữu" để thực hiện ý đồ cướp đất của nhà cầm quyền.


Một lần tại Thanh tra Thành phố Hà Nội về đất đai mà nhà nước đã cướp đoạt của Giáo xứ Thái Hà, tôi có đặt câu hỏi: "Vì sao, ngay trong các bản Hiến pháp và văn bản pháp luật từ khi sinh ra nhà nước Việt Nam đều ghi rõ: Đất đai của các tổ chức tôn giáo được nhà nước bảo hộ, vậy sự bảo hộ đó được thực hiện như thế nào mà đất đai nhà cửa của nhà thờ đã thành của người khác?" Thì ngay lập tức, một cán bộ nói như vẹt: "Đất đai do nhà nước thống nhất quản lý". Tôi hỏi lại: "Anh thử chỉ cho tôi xem, có cái gì nhà nước không quản lý hay không? Từ tên tù trong trại, đến cái xe anh đang đi... và đất đai, chắc chỉ có Hoàng Sa, Trường Sa thì nhà nước không chịu quản lý mà để cho giặc quản lý mà thôi?" Anh ta im lặng.

Sự việc ở Giáo xứ Đông Yên, cũng như các xã xung quanh với hàng ngàn hộ dân bị buộc phải di chuyển khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình từ bao đời để lại đất đai cho Tàu đã trở thành một đại nạn cho người dân ở đây.


Giáo xứ Đông Yên thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, vùng đất này có vị trí hiểm yếu đối với an ninh quốc phòng. VỊ trí này nằm gần như thẳng hàng với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Một vị trí mà chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định: "Vùng Vũng Áng Hà Tĩnh đối diện gần với Hải Nam, nếu ngày nào Trung Quốc xây dựng Cảng Vũng Áng mà Hải Nam chĩa ngay qua Vũng Áng thì có thể nói Vịnh Bắc Bộ biến thành một cái ao hồ của Trung Quốc và nó ngăn cản sự vận chuyển giao thông hàng hải của Việt Nam từ Bắc vào Nam thì sẽ ra sao. Ngoài ra nó có những nguy cơ về quốc phòng từ cảng Vũng Áng đi qua Lào chỉ 50 km thôi. Như vậy nếu có chuyện thì làm sao phòng thủ, Trung Quốc từ bên Lào đi xe ô tô qua Vũng Áng chạy ô tô vài tiếng đồng hồ là cắt đôi Việt Nam ra làm hai khúc.”

Và con số người Tàu tại Vũng Áng được thống kê có thể lập đủ 2 sư đoàn?

Điều người ta không thể giải thích được cái mà đảng CSVN luôn mồm kêu rằng phải "kinh tế kết hợp với quốc phòng" thì giờ đây, hầu hết những điểm trọng yếu về an ninh Tổ quốc đều được cho Trung Cộng thuê dài hạn? Phải chăng, với người Cộng sản thì Tổ quốc, đất nước còn nhẹ hơn nhiều cái tình bạn với 16 chữ vàng và 4 tốt, chỉ vì kẻ thù của đất nước cũng là một bọn Cộng sản?

Để thực hiện điều đó, hàng vạn người dân Kỳ Anh đã phải đi đến những vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi", đời sống họ đang ổn định bị chuyển sang cuộc sống lay lắt mà không có tương lai, số lượng những người hành nghề ăn xin ngày càng tăng, số đĩ điếm phục vụ công khai trên những đoạn đường thuộc Kỳ Anh ngày càng tấp nập.

Một chính quyền huyện Kỳ Anh đã kịp nảy nòi ra đủ loại cán bộ tham nhũng bằng mọi cách và do đó, việc đàn áp dân bằng nhiều cách để vừa lòng cấp trên, hoàn thành nhiệm vụ bất chấp lương tâm là điều rất dễ xảy ra.

Ngay từ đầu những năm 2010, 2011, khi chúng tôi có mặt ở Kỳ Anh, chúng tôi đã chứng kiến những cảnh tan hoang, nhà cửa bị đập phá tan nát nhìn thật thê thảm. Linh mục quản xứ Đông Yên lúc đó là Antôn Nguyễn Quang Tuấn dẫn chúng tôi đi xem và kết luận một câu: "Thật đau khổ cho những đoàn chiên không có người coi sóc".

Không đông thì ổn, nhưng "Đông" lại không "Yên"

Lần đó, tại nhà xứ Đông Yên, linh mục Tuấn cho chúng tôi xem những bản vẽ quy hoạch, phân lô khu đất mới và những dự định để bảo đảm quyền lợi cho Giáo xứ và giáo dân Đông Yên khi nhà nước cứ tìm mọi cách ép họ đi khỏi mảnh đất hàng trăm năm gây dựng. Ngài cho biết, mới trước đó không lâu, Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp đã xắn quần lội bộ cùng với cán bộ Tỉnh đi tìm đất tái định cư cho Giáo xứ Đông Yên tại vùng Đèo Con, nơi mà nhà nước đã không muốn bố trí cho dân ở vì đã có một khu du lịch sinh thái được xây dựng công phu ở đó.

 
Nhưng cuối cùng thì Tỉnh phải đồng ý cho Đông Yên khu đất Đèo Con mà Đông Yên không phải định cư ở vùng đất chính quyền đã định sẵn, xây dựng nhà Ủy Ban, trạm Y tế cũng như chợ búa để... bỏ hoang tại vùng Kỳ Trinh.

Lần đó chia tay Đông Yên ra về, chúng tôi hy vọng người dân Đông Yên sẽ đỡ khốn khổ hơn những người cùng cảnh ngộ với họ bởi họ có chủ chăn coi sóc.

Thế nhưng, những biến động ở Đông Yên đã không như dự định và mong muốn. Nhà cầm quyền đã biết dựa vào để lợi dụng những sự hăng hái của một linh mục trẻ dưới sự hướng dẫn của Giám mục Giáo phận mới về nhậm chức còn ấp ủ những dự án to lớn cho giáo dân ở những vùng lũ lụt như Hương Khê, hoặc những vùng nhà cầm quyền đang ép để lấy đất như Đông Yên.

Tiếc rằng, đời sống người dân xứ Nghệ bao đời nay không đơn thuần chỉ là những con số tính toán hoặc chỉ là những dự án vẽ ra là có thể thực hiện. Bởi nó gắn liền với thiên nhiên khắc nghiệt và phức tạp, gắn với nguồn cội, với nếp sống bao đời tạo thành nếp văn hóa khó thay đổi.

Chẳng thế mà đã có những cán bộ Cộng sản từ những năm 70 của thế kỷ trước đã hô hào "Thay trời, đổi đất, sắp xếp lại giang sơn" để rồi chuốc lấy những thất bại đau đớn và đưa người dân xứ Nghệ một thời làm những con chuột thí nghiệm cho những dự án của cuộc Cách mạng về tư liệu sản xuất. Giờ đây, những câu ca dao dân gian như "Đưa mạ vô sân, đưa dân vô rú" hoặc những câu hát như "Nghe mồm Trương Kiện, đào bới lung tung..." để rồi "Nghệ Tĩnh mình ơi, trung ương gọi lấy mì" như những câu ca ai oán cho một thời đảng hò hét "Tiến nhanh, tiến mạnh, tiếng vững chắc lên CNXH" ở miền đất này.

Trong Giáo xứ, cha xứ hăng hái trong việc ủng hộ bà con di dời lên chỗ mới chọn được, giáo dân một số vâng lời và nhiệt tình để ra đi, nhưng một số thì lưu luyến và quyết định ở lại.

 
Những người ra đi với ý nghĩ trước sau thì nhà cầm quyền Cộng sản đã định cướp, định lấy thì họ sẽ lấy bằng mọi cách, mọi giá bất chấp. Nếu ở lại thì khốn khó trăm bề do bị o ép. Mặt khác, ở đây có cha xứ họ tin là sẽ đủ khả năng để lo lắng cho họ, cha đã nói thì chỉ có... đúng mà thôi. Thôi thì ra đi cho yên chuyện còn sống chết ra sao sau đó thì... phó thác.

Những người khác thì lại có suy nghĩ rằng: Mảnh đất này bao đời gây dựng, dù có sống, có chết cũng bám nơi đây. Bởi vì bao đời nay họ ở đây bám vào biển để sống, để nuôi con nuôi cháu thành người, để một Đông Yên từ chỉ 1500 giáo dân ngày nay đã hơn 4000 nhân danh, việc thờ phượng và mưu sinh vô cùng thuận lợi. Nếu lên chỗ mới với mỗi nhà vài trăm mét vuông đất được bán cho, không biển không ruộng, lấy gì để sống và con cháu sẽ ra sao. Mặt khác, họ không đồng ý với những việc làm khuất tất của nhà cầm quyền trong nhiều vụ việc kể cả can thiệp vào chuyện giáo xứ.

Nhà cầm quyền dựa vào tình hình đó, thúc đẩy việc buộc dân ra khỏi mảnh đất của cha ông họ để lại bằng nhiều cách. Bằng nhiều cách tiếp cận, họ tranh thủ được sự nhiệt thành của cha xứ. Sự kết hợp giữa chính quyền và giáo quyền ở đây đã tạo ra một điều tệ hại. Giáo xứ Đông Yên chia rẽ và tan nát. Những cuộc khiếu nại, khiếu kiện từ địa phương đến Trung ương đều chỉ như gãi ghẻ, bởi nạn cướp đất, cướp nhà giờ đây ở Việt Nam đã là chuyện thường ngày. Trong giáo xứ, cha con bất hòa, giáo dân chia rẽ. Đúng là một thảm cảnh mà giáo dân Đông Yên từ bao đời nay giờ mới đối mặt.

Thế rồi, mấy trăm hộ dân đập nhà đập cửa, nhận tiền đền bù và đi lên vùng đất mới. Những hộ dân ra đi, được đến nơi mới để xây dựng lại cuộc sống từ đầu với bao nhiêu bề bộn và khó khăn gian nan đã, đang và sẽ phải đối mặt, nhất là vấn đề mưu sinh lâu dài.

Nhưng, điều trớ trêu là ngay khi dân đã đập nhà, đập cửa và buộc phải ra khỏi khu đất đó. Tòa Giám mục đã nhận tiền đền bù khu vực tài sản của Giáo xứ và tất cả khu vực, trừ nhà thờ đã bị đập đi, thì đến nay, người ta vẫn chưa hiểu họ phải ra đi vì mục đích gì? Bởi khu đất Đông Yên, nằm ngoài dự án Vũng Áng bán cho Tàu.

Và cho đến nay, chưa hề có một dự án nào cho khu đất này mà người dân được biết.

Và câu hỏi vẫn lởn vởn trên đầu mỗi người dân nơi đây chưa được trả lời là "Tại sao chúng tôi phải ra đi, chúng tôi ra đi để làm gì? Đất đai, tài sản này của chúng tôi để lại cho ai?

Còn những người dân không ra đi, họ lại tiếp tục bước đường trầm luân đại nạn của họ.

(Còn nữa)

Hà Tĩnh, Hà Nội 24/6/2015
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần II Reviewed by Unknown on 6/24/2015 Rating: 5 JB Nguyễn Hữu Vinh: Gặp gỡ những người dân ở đây, chúng tôi cảm nhận được từ họ sự chân thành, nhiệt tình và sự uất hận của chính họ, nh...

Không có nhận xét nào: