Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần I - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
22 tháng 6, 2015

Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần I

JB Nguyễn Hữu Vinh: Gần đây, những thông tin về việc nhà cầm quyền huy động công an, cảnh sát và nhiều lực lượng khác luôn được mệnh danh là "vì nhân dân phục vụ" đến đập phá nhà xứ thuộc Giáo xứ Đông Yên lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Những cảnh bà con giáo dân bị đàn áp trước một lực lượng hùng hậu thể hiện sức mạnh bạo lực của đảng và nhà nước "của dân, do dân và vì dân" đã gây xúc động mạnh trong toàn xã hội, ở trong và ngoài nước. Những hình ảnh này thôi thúc chúng tôi một lần trở lại Đông Yên, nơi mà trước đây chúng tôi đã có lần ghé đến.

Chúng tôi trở lại Giáo xứ Đông Yên vào một ngày hè nóng nực và khô cháy của miền Trung. Con đường dẫn chúng tôi đến Giáo xứ bình yên ngày xưa nay khác lạ bởi Khu Công nghiệp Vũng Áng thuộc tập đoàn Formosa của Đài Loan, Trung Quốc đã làm thay hình đổi dạng nơi này. Khi chúng tôi hỏi đường về Đông Yên, một thanh niên bắt gặp bên đường ân cần chỉ đường cho chúng tôi và buông theo một câu: "Các bác về đó mà xem, tan nát hết".

Đông Yên, một thời bất khuất

Nói đến Giáo xứ Đông Yên ở đất Hà Tĩnh, rộng hơn là ở Giáo hội Công giáo thuộc Giáo phận Vinh, cho đến nay, người dân vẫn nhắc đến Đông Yên như một huyền thoại bất khuất và đạo đức kiên cường trong những năm tháng dưới thời Cộng sản thống trị khắc nghiệt nhất ở miền Bắc Việt Nam.


Từ những năm 1969, khi mà ngay trước đó chưa lâu, người Cộng sản có thể tiến hành một Mậu Thân đầy súng đạn, máu và thây người, thì ở miền Bắc Việt Nam, một Giáo xứ chỉ có khoảng 1500 giáo dân đã kiên cường để bảo vệ chủ chăn mà chống lại cả bộ máy cầm quyền, súng đạn và công cụ, công an, bộ đội... với con số nhiều hơn gấp bội được huy động tối đa.

Câu chuyện kể lại rằng: Thời đó, linh mục quản xứ là cha Vũ Đình Giáo "được" Ủy ban Huyện mời lên họp để tham gia Mặt trận. Thường thì các linh mục được ghép và ép vào cái gọi là "Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc" tiền thân của cái "Ủy ban Đoàn kết Công giáo" mà bà con vẫn gọi là "Ủy ban đàn két công giáo" ngày nay - Một tổ chức do Đảng CS lập nên nhằm lung lạc Giáo hội Công giáo. Và ngài đã thẳng thừng từ chối.

Chính vì việc một linh mục dám từ chối lời mời tức là mệnh lệnh, mà nhà cầm quyền đã huy động hàng ngàn công an, bộ đội... về Đông Yên để bắt ngài bằng được. Nhưng, giáo dân với số lượng nhỏ bé, đã anh dũng bảo vệ ngài cả mấy tháng trời. Bao kế hèn, bao nhiêu bạo lực được đem ra thi thố, bao nhiêu mưu đồ được thực hiện nhưng vẫn không khuất phục được giáo dân Đông Yên kiên vững và nhiệt thành.

Cuối cùng, nhà cầm quyền đã phải chịu nhờ đến Đức Giám mục J.B Trần Hữu Đức đưa ngài đi ra xứ Tĩnh Giang, thuộc Thị xã Hà Tĩnh với điều kiện chấp nhận một số yêu cầu của Đức Giám mục về việc bổ nhiệm đi xứ mới cho một số linh mục vốn từ lâu không được nhà cầm quyền công nhận.

Nhiều câu chuyện thời đó được lan truyền, truyền miệng trong người dân như niềm tự hào, để lại những sự kính phục và khâm phục trong người dân nơi đây bất kể trong hoặc ngoài công giáo. Tinh thần của giáo dân Đông Yên ngày càng kiên vững, cuộc sống cứ vậy sinh sôi bên ven biển nước sâu và đầy sản vật.

Nhưng, đó là câu chuyện của ngày xưa về một Đông Yên vững vàng, sầm uất, kiên cường và mạnh mẽ niềm tin.

Đông Yên, hiện trạng đau đớn

 
Chúng tôi trở về Đông Yên, điều đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng đổ nát và tan tành. Những ngôi nhà đập dở dang trơ tường gạch nham nhở và mái bê tông lởm chởm, những con đường giáo dân vẫn đi nay ngập đầy xỉ gạch đập nhà tan hoang. Cảnh tượng Đông Yên như một bãi chiến trường, Có lẽ chưa có hình ảnh nào để tả lại cảnh Đông Yên hôm nay, kể cả hình ảnh những trận oanh tạc của B.52 thường hay được dùng làm ví dụ cho sự tàn phá.

Quả thật, sự tàn phá của con người thật là kinh khủng.

Nhưng, sẽ kinh khủng hơn, nếu nhìn để so sánh những hình ảnh mới cách đây chỉ khoảng 4 năm khi chúng tôi đến, Đông Yên là một Giáo xứ đông đúc, trù phú và bình an, giáo dân đoàn kết một lòng đầy lòng tin mến mãnh liệt.

 
Ngôi nhà thờ Đông Yên đứng đó trước những hoang tàn, đổ nát của sự đập phá, như chứng kiến những đổi thay đau lòng khi nhà cầm quyền Hà Tĩnh đưa quân Tàu vào đây với thời hạn bán đất 70 năm. Ngôi tháp nhà thờ trơ trọi và cô đơn khi nhà xứ, nhà giáo lý và các công trình phụ trợ đã bị đập phá tan tành.

Ở nhiều nơi, những người làm ve chai, những người dân sau khi đập phá công trình cũ, thì họ tận dụng lại từng viên gạch, từng mẩu thép cũ để xây dựng lại hoặc tận dụng cho cuộc sống tương lai. Nhưng, ở đây, hình như cả những thứ đó người ta cũng chẳng để ý đến nữa. Cả một khu vực tan hoang, và chơ chỏng như vạch lên trời chiều những nét vẽ điêu linh và thê lương.

Tôi hỏi một người dân ở đây: "Sao ở đây người ta không tận dụng những thứ này, đập ra còn lấy được nhiều gạch và sắt thép?", một cụ già bảo tôi: "Chú ơi, cả gia cơ điền sản bao đời còn chẳng giữ được, thì tiếc chi một chút gạch bể hả chú". Câu trả lời đơn giản mà đau đớn, khi người dân lam lũ, một nắng hai sương đã không tiếc cả những thứ mà cả đời họ chắt chiu, đổ mồ hôi, sôi nước mắt ra mới có được, thì quả là đã có những biến động khủng khiếp đến với họ.

 
Chúng tôi đi một vòng quanh ngôi nhà thờ rồi ra phía biển, nơi giáo dân đã xây dựng một tượng đài Thánh Phêrô với Thánh Giá ngay bên bãi biển. Ở đây, mỗi dịp lễ lớn, hoặc trước khi xuống biển làm ăn, người dân Đông Yên vẫn đến nơi này cầu xin sự bình yên và may mắn, xin Chúa chở che họ khỏi sóng dữ, khỏi biển khơi hiểm nguy. Giờ cả khu này trơ trọi và cô liêu, hoang tàn như một nghĩa địa bỏ hoang.

Trên bãi biển không còn từng đoàn thuyền nằm nghỉ ngơi về sau mỗi lần đi đánh cá, chỉ thấy phía xa xa, cảng biển của Đài Loan đã vươn ra thật xa và nghe nói dưới đó, sau vụ sập giàn dáo, người ta phát hiện được những đường hầm bê tông kiên cố bên dưới. Một giáo dân gặp chúng tôi đang thơ thẩn bên bãi biển đã hỏi: "Các bác có muốn xem biên giới Việt - Trung hay không?" Chúng tôi nghe câu hỏi hay hay và đang ngơ ngác, người đàn ông chỉ tay về phía cảng biển Fomorsa và rằng: "Đấy, nó đấy các bác ạ". Rồi ông lẩy câu thơ nhại câu của nhà thơ Tố Hữu:
Bên tê biên giới là Tàu
Bên ni biên giới, dân đâu mất rồi?


 
Chúng tôi giật mình, câu nói, câu thơ như cứa vào lòng, nhói đau làm chúng tôi thảng thốt.

Nắng chiều đã dịu, người giáo dân thấy chúng tôi từ phương xa đến, mời chúng tôi ghé vào nhà uống nước. Chúng tôi cũng có ý vào thăm một vài giáo dân còn sót lại. Trên đường đi những đứa trẻ tụm năm, tụm ba bên chum nước, tránh nắng trong những ngôi nhà đã đập bỏ dở dang.

Con đường chúng tôi đi luôn luôn phải cảnh giác bởi hai bên là xỉ gạch, là bê tông... Những ngôi nhà giáo dân còn sót lại đứng chơ vơ, cách biệt giữa đống đổ nát, tan hoang.

Ghé vào một ngôi nhà giáo dân bên bờ biển, một toán thanh niên và các trung niên đang ngồi hóng mát, đang bàn luận về chuyến ra biển vừa rồi. Tôi hỏi họ:

- Đi biển hôm nay về có khá không các chú.
- Cũng tạm bác ạ, mỗi người được dăm bảy trăm, một triệu đồng.

Với vùng đất nông thôn này, con số đó quả là gây ấn tượng đối với chúng tôi.

(Còn nữa)

Hà Tĩnh - Hà Nội, 21/6/2015
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần I Reviewed by Unknown on 6/22/2015 Rating: 5 JB Nguyễn Hữu Vinh: Gần đây, những thông tin về việc nhà cầm quyền huy động công an, cảnh sát và nhiều lực lượng khác luôn được mệnh dan...

Không có nhận xét nào: