Nguyễn Tường Thụy: Ngày 25/4/2015, 44 người đi đón ông Trịnh Bá Khiêm ra tù tại trại giam số 6. Trong đó có 37 bà con dân oan Dương Nội và 7 anh chị em khác đồng hành cùng bà con. Trại giam số 6 ở xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Cương, tỉnh Nghệ An, cách Hà Nội 330 km.
Theo bản án thì còn 1 tháng nữa, ông Trịnh Bá Khiêm mới hết thời gian thi hành án. Tuy nhiên, ngày 30/5/2015, khi hai anh em Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư tổ chức tuyệt thực trước cổng trại giam, Ban giám thị trại giam đã hứa sẻ trả tự do cho ông Khiêm trước 1 tháng.
Đến lối rẽ vào trại thì đã có rất đông công an đứng. Cả chó béc giê cũng được huy động ra. Thấy xe chúng tôi đến, họ mang biển “KHU VỰC CẤM VÀO” đã chuẩn bị sẵn đặt giữa lối đi, mặc dù từ đây phải đi tiếp 1 km nữa mới tới được cổng trại. Điều này có nghĩa là, trước phút đó, dân vẫn đi lại bình thường vì đây là đường dân sinh.
Lúc này là 5h30’. Bà con hỏi những người đứng ngăn chặn ở đây, họ nói không biết gì về việc ông Trịnh Bá Khiêm có được thả hôm nay hay không. Bà con đòi gặp chỉ huy, họ bảo không có ai là chỉ huy ở đây. Yêu cầu họ cho gặp chỉ huy thì nhận được trả lời rằng, không thể gọi điện được. Lúc này, ngoài những người mặc sắc phục công an, có một số người mặc thường phục chăm chú quay phim đám đông.
Trước đây, Ban giám thị trại giam số 6 đã thất hứa với Trịnh Bá Phương (con trai ông Trịnh Bá Khiêm). Họ cũng đã nói với Phương rằng ông Khiêm sẽ được trả tự do trước ngày 30/4 nhưng điều đó đã không xảy ra. Vì vậy bà con Dương Nội cũng đã chuẩn bị cho tình huống trại giam thất hứa lần nữa.
Vì vậy, trước tình hình chặn lối và không cho biết thông tin về việc ông Khiêm có được thả hay không, bà con liền tổ chức biểu tình phản đối ngay tại nơi bị chặn. Họ tuyên bố sẽ biểu tình cho đến khi ông Khiêm được trả tự do thì mới thôi. Một người đe dọa bà con sẽ cho người đánh. Hỏi ra thì dân ở đấy cho biết, anh ta là trưởng công an xã Hạnh Lâm. Trước tình huống này, một người dân Dương Nội, là giáo viên mới về hưu đứng lên nói chuyện và yêu cầu công an làm nhiệm vụ ở đây phải bảo vệ tính mạng cho bà con nếu bị hành hung.
Khoảng 7 giờ, trại giam đưa máy cho ông Khiêm gọi cho Trịnh Bá Phương nói ông được trại giam thả ra cách đó 700 m. Đoàn lập tức đi bộ về hướng đó để đón, còn xe thuê vẫn để tại chỗ. Không ai nghĩ rằng, mình đang đi vào ổ mai phục.
Đi bộ mãi chẳng thấy ông Khiêm đâu. Đột nhiên, một đám côn đồ đón sẵn từ khi nào ùa vào đánh, cướp và đập phá. Chúng là ai? Côn đồ được thuê hay công an mặc thường phục? Chúng quần thảo như một bầy thú dữ khát máu, đánh bất kể người già hay phụ nữ vô cùng tàn bạo. Tôi đang bên phải đường, còn cuộc rượt đuổi lúc đầu diễn ra phía bên trái. Tôi lập tức giơ máy ra ghi hình. Túm được người nào, chúng đánh như đánh kẻ thù. Chúng vừa đánh, vừa la hét chửi bới vừa giật điện thoại, máy ảnh. Những chiếc điện thoại bị chúng ném tới tấp xuống mặt đường nhựa chát chúa, mảnh vỡ bắn ra tung tóe. Ai bị đánh chỉ biết chạy. Vừa nhìn thấy chúng rượt đuổi Trịnh Bá Phương, đã thấy chúng đánh Trịnh Bá Tư. Mặt Tư be bét máu, chảy ròng ròng thấm khắp chiếc áo phông, thấm cả xuống đất. Rồi chúng dồn đuổi đánh Thịnh (Thinh Nguyen). Từ mũi Thịnh, hai dòng máu đỏ chảy ròng ròng. Mai Thanh bị chúng đánh gục hai lần. Cô không còn sức, đành ngồi bệt xuống, kệ chúng muốn đánh thế nào thì đánh. Trương Dũng bị ba bốn thằng túm đánh, lê lết trên mặt đường. Đánh gục người này, chúng chuyển sang người khác...
Dòng người bị chia cắt, không ai cứu được ai. Không thể cản được chúng còn tự vệ thì càng không. Chỉ cần đánh lại, chúng sẽ cho chết hẳn. Ai vào can ngăn đều bị đánh luôn.
Ban đầu, chúng chưa để ý đến tôi đang ghi hình. Khi cuộc rượt đuổi chuyển sang bên này, tôi nhanh chóng bỏ máy vào túi quần nhưng vẫn để chế độ ghi (vì vậy có đoạn clip có âm thanh mà không có hình, chính là lúc tôi vào can ngăn và bị đánh). Thấy mọi người bị đánh dã man quá, tôi chạy vào:
-Sao lại đánh người vô cớ thế này!
Lúc này, chúng mới để ý đến tôi. Một quả đấm vào mặt. Lại hai quả liên tiếp nữa. Rồi một thằng cầm mũ bảo hiển quật thẳng cánh vào gáy, tưởng như mũ vỡ vụn làm tôi chao đảo, mắt mũi tối sầm. Mỗi lần đánh là kèm một câu chửi thề. Có đứa vừa đánh, vừa nói:
-Mày có phải là dân oan không?
Thì ra, chúng biết được tôi không phải là người Dương Nội mà chỉ đi ủng hộ bà con. Có điều lạ là khi đó, tôi không hề thấy đau, chỉ lo bảo vệ máy vì mới chứa thêm các clip mới quay.
Hả hê rồi và thấy máu đổ cũng đã nhiều, chúng mới dừng tay.
Mới kịp hỏi một số người thì thấy:
Trịnh Bá Phương bị cướp 1 điện thoại và 1 pin tích điện
Phạm Xuân Trường bị cướp 1 điện thoại Sam sung
Mai Thanh bị cướp 1 sphone5 và số tiền mang theo khoảng 1 triệu
Trương Dũng bị cướp 1 máy ảnh và bị đập nát 1 iphone
Tuệ Tĩnh bị đập 1 điện thoại nokia
Thinh Nguyen bị cướp 1 máy ảnh mới mua và 1 máy quay phim
Như vậy ngoài việc vô hiệu hay thu giữ hình ảnh ghi được, chúng cũng biết tính toán, cái nào đập nát để thị uy, cái nào có giá trị cao 10, 15 triệu đồng thì giữ lại để dùng. Mọi người kể: Khi Mai Thanh bị đánh lần thứ hai, chúng cướp iphone của cô. Một đứa định đập nhưng đứa khác ngăn lại bảo, cái này tốt nên chúng không đập nữa mà cướp luôn.
Đó là mới hỏi sơ sơ mấy người bị đánh nặng nhất. Còn những bà con Dương Nội khác trong số 44 người đi hôm đó còn những ai bị đánh, ai bị cướp, phá tài sản thì chưa rõ. Riêng nhóm 7 người chúng tôi đi cùng bà con Dương Nội đã có tới 5 người bị đánh, cướp hoặc đập phương tiện ghi hình.
Trên đường về, chúng tôi ghé vào mấy cơ sở y tế để sơ cứu những người bị thương nặng. Mai Thanh mặt mũi bơ phờ, đi phải có hai người dìu, luôn ôm bụng nôn khan. Thịnh thì giọng nói chuyển sang khàn khàn giọng mũi. Về Hà Nội chụp X Quang cho thấy anh "dập lá mía sống mũi, chỉ định phẫu thuật xếp lại xương". Trịnh Bá Tư đổ rất nhiều máu, mắt bị rách. Về tới Hà Nội đã khâu lại nhưng bác sĩ cho biết cần phải điều trị lâu ngày.
Thu hủy tài liệu? Cướp? Trả thù? Dằn mặt? Nhiều mục đích được thực hiện khi chúng tổ chức vụ khủng bố này. Nhưng mọi người có sợ hãi, chùn bước không lại không phụ thuộc vào ý muốn của chúng. Thực tế cho thấy, bà con Dương Nội và những người đồng hành cùng bà con hôm đó đã từng bị đánh đập khủng bố nhiều lần. Trong cuộc đấu tranh giữ đất, bà con Dương Nội đã chịu 7 án tù nhưng không hề làm họ chùn bước.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều vụ khủng bố đối với anh em đấu tranh nhưng đây là lần đầu, tôi thấy một vụ khủng bố qui mô, tàn bạo hơn cả, được bố trí dàn dựng khá kỹ càng. Một loạt câu hỏi rất dễ trả lời được đặt ra: Tại sao họ không thả ông Khiêm nơi bà con đứng đón mà thả ở nơi khác để dụ cho bà con đến để rồi sau khi bà con bị đánh, lại tiếp tục chở ông Khiêm đến chỗ ban đầu, nơi chiếc xe thuê của bà con vẫn chờ sẵn? Tại sao phải lòng vòng như vậy? Tại sao bọn chúng nhằm đúng vào những người có nhiều tiếng nói nhất khi đấu tranh với công an ở nơi cấm đường và những người ghi hình nhiều nhất? Việc ghi hình, theo dõi bà con tại nơi bị chặn rõ ràng nhằm phục vụ cho việc nhận mặt để đánh, cướp sau đó. Tại nơi bị chúng đánh đập, tôi nhận ra mặt tên chỉ huy khủng bố chính là kẻ trước đó đã ghi hình chúng tôi rất nhiều.
Và câu hỏi lớn hơn: Kẻ nào tổ chức cuộc khủng bố tàn khốc này? Trại 6 hay là công an địa phương? Hay là cả hai đơn vị phối hợp?
Còn câu hỏi lớn nhất: Cái gốc rễ nào đẻ ra nhưng con quái vật này?
Tất cả những câu hỏi ấy đều không khó trả lời.
Địa điểm bị chặn đường.
Biểu tình tại nơi bị chặn đường
Kẻ khoanh tay chăm chú theo dõi nhận mặt từng người, sau đó hắn có mặt ở địa điểm khủng bố để chỉ đạo (ảnh cắt từ clip)
Thanh Thiên Lão gia cũng nhận ra tên này chỉ đạo chính trong vụ khủng bố...
... và cả tên này nữa.
Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Khiêm, Trịnh Bá Phương, Mai Thanh
Ngay sau khi vụ khủng bố xáy ra và những ngày sau đó, tôi đã trả lời nhiều cuộc phỏng vấn của phóng viên nước ngoài. Có một nhà báo hỏi tôi: "Dù mất nhiều hơn được, nhưng theo ông, họ nghĩ thế nào mà vẫn cứ tổ chức cuộc khủng bố này?" Tôi trả lời: "Họ mất nhiều hơn được, điều đó ai cũng dễ nhận thấy. Tôi cho rằng, khi người ta lâm vào thế cùng quẫn thì đầu óc không còn tỉnh táo để xử lý mọi tình huống một cách sáng suốt nữa. Tục ngữ Việt Nam cũng đã có nhiều câu đề cập đến tình trạng tâm lý này.
Trại giam số 6 và công an sở tại phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về vụ khủng bố xảy ra trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An ngày 25/6/2015.
1/7/2015
NTT
Không có nhận xét nào: