Mối Quan Hệ Thông Tin Giữa Chính Quyền Và Dân Qua Sự Việc Của Hai Ông Thanh - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
7 tháng 8, 2015

Mối Quan Hệ Thông Tin Giữa Chính Quyền Và Dân Qua Sự Việc Của Hai Ông Thanh

Trần Phan: Những người quan tâm tới thời sự chắc còn nhớ rõ sự việc của hai ông Thanh: ông Nguyễn Bá Thanh nửa năm trước và ông Phùng Quang Thanh gần đây.

1) Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính trung ương, mất ngày 13/2/2015. Từ khi ông bị bệnh cho tới khi ông mất, thông tin về ông do các trang mạng tung ra rất kịp thời và chính xác. Trái lại các thông tin chính thức về ông do chính quyền cung cấp luôn luôn chạy theo các thông tin trên báo mạng, với độ trễ vài hay nhiều ngày và có những góc khuất tất.

2) Ông Phùng Quang Thanh, đại tướng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Sau ngày gặp gỡ chính thức bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, các thông tin về ông trở nên hiếm hoi và khó hiểu. Các tin tức và lời đồn đoán lại rộ lên trên các trang mạng. Không có sự cải chính hay cung cấp thông tin thêm từ phía chính phủ. Cho tới nay, sự việc cho thấy một số tin trên mạng đúng, một số tin sai. Quan trọng nhất là các đồn đãi rằng ông Thanh đã chết. Chỉ sau khi hảng thông tấn Đức đưa tin ông Thanh đã mất, thì các thông tin chính thức từ quan chức có thẫm quyền mới xuất hiện cho thấy ông còn sống.

Bài viết này xin bàn về hậu quả của cách thức đưa thông tin của chính quyền cho dân chúng theo như kiểu trong hai sự việc nói trên. Nó không bàn tới các ý đồ, động cơ chính trị ẩn phía sau cách đưa thông tin như vậy.

Người viết thấy ba hậu quả quan trọng đối với cộng đồng là:

1) Phí Phạm Nguồn Nhân Lực

Để có thể tiến hành một công việc, bước đầu tiên là thu thập thông tin. Thông tin kịp thời và trung thực giúp ích rất nhiều, và đây là một trong các nhiệm vụ chính của báo chí. Trong xã hội có nền kinh tế thị trường, báo chí sống được, cạnh tranh được nhờ cung cấp dịch vụ này một cách kịp thời và trung thực. Dựa trên đó, các chuyên gia, các nhà think-tank, các nhà chính trị… tiến hành các bước tiếp theo như phân tích thông tin, so sánh lợi thế cạnh tranh, thời cơ, thách thức, dự đoán tương lai, vạch và đề ra kế hoạch chiến lược… Những phản biện, những đề nghị như thế được công bố và thảo luận rộng rãi sẽ có ích lợi biết bao cho xã hội. Chúng góp phần nâng cao trình độ dân trí nhất,à trong các lãnh vực xã hội, chính trị, kinh tế… Trình độ dân trí cao là nguồn lực vô giá cho sự phát triển xã hội lâu dài. Chúng cũng đồng thời cho biết lòng dân đang muốn gì, và đồng thời là các tấm bảng chỉ đường cho đất nước…

Nếu chúng ta theo dõi các bài báo trên mạng về ông Nguyễn Bá Thanh trước kia và về ông Phùng Quang Thanh hiện nay, ta thấy đại đa số là các bài điều tra, đồn đoán… xem đâu là sự thật. Bao nhiêu công sức, thời gian bỏ ra chỉ để làm việc đó, thay vì hướng vào việc làm cho đất nước sáng suốt hơn, tối đa hóa số các chính sách hữu hiệu và tối thiểu hóa con số các chính sách sai lầm!

Để tránh hậu quả rất tai hại này, chỉ cần chính quyền đưa ra thông tin chính thức và trung thực!

2) Đẩy Lòng Dân Đối Lập Với Chính Quyền

Người dân cảm nhận rằng:

a) Chính quyền không trung thực với dân. Chính quyền khi thì giấu thông tin, khi thì nói dối, khi thì bóp méo tin, thậm chí khi thì ỡm ờ như lừa gạt…

b) Chính quyền khi dễ dân chúng. Chính quyền không thèm cho dân biết những sự việc có quan hệ rất lớn tới vận mệnh quốc gia, điều mà đúng ra họ phải làm. Chính quyền ngang ngược thách thức dân chúng.

c) Chính quyền làm theo các mục tiêu và quyền lợi khác với mục tiêu và quyền lợi của dân. Nếu có cùng mục tiêu và quyền lợi, người ta tự nhiên sẽ có nhu cầu trao đổi thông tin trung thực, bàn luận kế sách để tìm phương hướng tối ưu đạt được mục tiêu chung, phục vụ quyền lợi chung. Sự việc không xảy ra như thế khiến người dân hiểu rằng quyền lợi và mục tiêu của chính quyền ngược chiều với quyền lợi và mục tiêu của dân.

Với các cảm nhận như thế, sự đối lập giữa dân chúng và chính quyền ngày càng triệt để. Người dân sẽ nhận định rằng giữa chính quyền và dân không có cộng tác mà chỉ có lừa dối, đàn áp. Việc lớn nào của đất nước có thể thành công trong hoàn cảnh đối lập như thế giữa chính quyền và dân chúng?

Với nước Trung Hoa cộng sản sẵn dã tâm xâm lấn, thực tế đối lập triệt để giữa lòng dân với chính quyền chính là đồng minh đắc lực nhất của Trung Hoa. Lòng tin của dân đối với chính quyền đã bị mất, làm sao hợp tác được với nhau? Tìm đâu sự đồng lòng bảo vệ nền tự chủ quốc gia?

Để tránh hậu quả rất tai hại này, chỉ cần chính quyền đưa ra thông tin chính thức và trung thực!

3) Tàn Phá Đức Trung Thực

Tính trung thực là một giá trị sống mà xã hội nào cũng tôn trọng. Con người là một sinh vật có tính xã hội. Một xã hội chỉ phát triển được khi các cá nhân tin tưởng nhau, đồng lòng cùng hướng tới một mục tiêu chung, chia xẻ các quyền lợi chung. Không tin nhau thì không thể đồng lòng, không thể có quyền lợi chung. Xã hội như vậy không thể phát triển với tư cách cộng đồng, mà chỉ có sự lợi dụng, sự bóc lột, sự đàn áp của các cá nhân hay các phe nhóm mạnh hơn mà thôi. Một xã hội như vậy có nguy cơ tan rã.

Do đó, trung thực là một giá trị sống lâu đời, từ khi con người bắt đầu quần tụ với nhau. Phương ngôn của các dân tộc, bắt nguồn từ thời còn bộ lạc, bộ tộc… đều truyền dạy tính trung thực. Trãi ngàn năm, trung thực đã trở thành một trong các giá trị sống quí báu nhất của nhân loại.

Cách chính quyền đưa tin tức cho dân chúng như nói trên, tự nó cho thấy sự không trung thực một cách công khai. Giá trị sống tốt đẹp cần được bảo vệ từ trung tâm quyền lực ra ngoài, từ trên xuống (from the top). Giá trị này đã bị tàn phá bởi chính quyền trong 40 năm đất nước liền một dãy dưới chính thể độc tài và toàn trị. Cùng với các sự việc như 16 tấn vàng của ông Thiệu, hội nghị Thành Đô… và gần đây là việc ông Nguyễn Bá Thanh và ông Phùng Quang Thanh, cách hành xử của chính quyền cho thấy họ đã và đang tàn phá giá trị sống trung thực.

Có sự phát triển bền vững và lâu dài nào có thể thực hiện được trong một xã hội không trung thực?

Để tránh hậu quả rất tai hại này, chỉ cần chính quyền đưa ra thông tin chính thức và trung thực!

Chỉ cần chính quyền đưa ra thông tin chính thức và trung thực. Tại nhiều nước khác trên thế giới, chính quyền phải làm điều này cho dân chúng, tại sao Việt Nam lại khác các nước kia?

(bài này được bắt đầu viết từ ngày 02/8/2015, và kết thúc ngày 04/8/2015 sau khi đọc bài “Tính Chính Trị của Tin Đồn”, tác giả Nguyễn Hưng Quốc, Blog VOA đăng ngày 04/8/2015) 
Mối Quan Hệ Thông Tin Giữa Chính Quyền Và Dân Qua Sự Việc Của Hai Ông Thanh Reviewed by Unknown on 8/07/2015 Rating: 5 Trần Phan: Những người quan tâm tới thời sự chắc còn nhớ rõ sự việc của hai ông Thanh: ông Nguyễn Bá Thanh nửa năm trước và ông Phùng Qu...

Không có nhận xét nào: