Sài Gòn: Cơ Sở Dòng MTGTT Từ Khởi Thủy Cho Đến Khi Bị Đập Phá - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
23 tháng 10, 2015

Sài Gòn: Cơ Sở Dòng MTGTT Từ Khởi Thủy Cho Đến Khi Bị Đập Phá

GNsP (23.10.2015) – Nhiều cơ sở của các tôn giáo bị nhà cầm quyền chiếm dụng một cách ngang nhiên và trái pháp luật từ sau năm 1975. Ngoài việc ‘cưỡng chiếm’ bằng vũ lực, hình thức khác được sử dụng nhẹ nhàng hơn. Lợi dụng tâm lý lo sợ trả thù sau 1975, những ‘người thắng cuộc’ yêu cầu các tổ chức tôn giáo ‘hiến tặng’ cơ sở của mình, với mục đích cao đẹp như dạy học, y tế… Nhưng sau đó là ‘lấy và cướp’ một cách vi pháp, sử dụng vào những mục đích khác.

Tài sản của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm [DMTGTT], ngụ tại quận Thủ Đức trước đây (nay là quận 2), Sài Gòn là một trong số nạn nhân của chính sách này, cụ thể là ba trường học có tên là trường Nữ Thủ Thiêm, trường Nam Thủ Thiêm và trường Nữ Thánh Anna. Tổng diện tích của ba trường này là 4000 m2.

Đập phá các cơ sở thuộc sở hữu hợp pháp của Nhà dòng

Sáng ngày 22.10.2015, nhà cầm quyền quận 2 huy động rất đông lực lượng công quyền khoảng hơn 50 người đến đập phá cơ sở trường học của các sơ DMTGTT, đã bị buộc ‘hiến tặng’ cho nhà cầm quyền với mục đích giáo dục, nhưng không hiến đất.

Nhiều công an mặc thường phục và sắc phục chặn các con đường chính dẫn vào Nhà dòng. Phóng viên của GNsP cũng bị họ hoạnh họe, ngăn cản không cho vào và đòi kiểm tra chứng minh thư… tuy nhiên họ lại không trưng dẫn ra được lệnh nào cấm không cho người dân vào bên trong Nhà dòng khi phóng viên GNsP hỏi.
Bảng cấm ngay trước cổng trường thuộc sở hữu của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm

Lực lượng công an ‘khuyên’ các sơ không được quy tụ trước cổng trường vì có bảng cấm


Lực lượng công an mặc thường phục chắn các lối đi vào Thủ Thiêm

Tại cơ sở nhà trường thuộc DMTGTT đang tranh chấp, nhà cầm quyền cho lực lượng thi công mang xe cần cẩu vào đập phá các tài sản của trường bấp chấp sự phản đối của các sơ. Sơ Maria Đặng Thị Mỹ Hạnh, thư ký DMTGTT, cho biết: “Sáng nay, khi Nhà dòng nghe thấy tiếng đào bới trong sân trường thì các sơ đến trường, gặp họ thì bà Chủ tịch Giàu cho biết đang làm cột đèn, nhưng họ lại đóng cổng không cho các sơ vào và các sơ yêu cầu không được đụng đến tài sản của các sơ. Sau đó, họ đưa xe cần cẩu vào trong trường, đóng cổng trường lại…”

Bên trong khuôn viên trường, lực lượng thi công lấy những tấm tôn che chắn, ngăn cách giữa khu vực nhà trường và Nhà dòng.
Lực lượng thi công đang tháo dỡ các tài sản của trường thuộc sở hữu của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm

Bên trong khuôn viên trường, lực lượng thi công lấy những tấm tôn che chắn, ngăn cách giữa khu vực nhà trường và Nhà dòng.

Hiệp thông

Ngay sau đó, cha G.B Lê Đăng Niêm –cha sở giáo xứ Thủ Thiêm, 79 tuổi, liệt hai chân- và hơn 30 sơ quy tụ trước cổng trường cầm băng rôn, yêu cầu nhà cầm quyền không được đập phá các tài sản của trường thuộc sở hữu hợp pháp của Nhà dòng. Cha Niêm và nhiều sơ lớn tuổi, không đi được phải ngồi xe lăn, sức khỏe kém cũng ra hiệp thông đọc kinh, cầu nguyện giữa cái nắng oi bức. Cha Niêm bật khóc chia sẻ:

“Tại vì tôi giữ vai trò chủ chiên và các dì là những người ở bên cạnh giáo xứ của tôi trong địa bàn của tôi, tôi thấy mình là chủ chiên thì không thể để cho sói nó vồ chiên của mình mà mình lại làm thinh được. Trước đây, dân của tôi đã bị cưỡng chế, bị di dời ra khỏi khu vực, mặc dầu có những người không nằm trong quy hoạch thì cũng bị cưỡng chế di dời rồi. Do đó, tôi thấy có sự bất công đó, tôi phải lên tiếng bênh vực quyền lợi chính đáng của các dì theo lẽ công bằng và sự thật. Một người như tôi không còn sống bao lâu nữa, tôi thấy rằng tôi phải dùng hết sức lực của tôi để bênh vực sự thật và công lý cho mọi người. Tôi thấy dân bị áp bức, các dì bị lấn áp thì tôi không thể ngồi yên được. Tôi nhớ đến dân của tôi, càng ngày càng quá khổ, dân nghèo và càng ngày càng rất nghèo.”
Cha Niêm và quý sơ già hiệp thông đọc kinh và cầu nguyện mặc cho trời nắng và trời mưa

Khi nghe tin, quý Thầy bên Chùa Liên Trì đã qua bên Nhà dòng đồng hành với quý sơ nhưng đã bị lực lượng công an ngăn chặn, không cho quý thầy vào Nhà dòng.

Kiên quyết giữ đất

Giữa cái nắng chang chang của buổi trưa, quý sơ già luân phiên thay nhau vào ăn cơm trưa, sau đó tiếp tục ra trước cổng trường ngồi lần hạt cùng với các sơ trẻ. Hai sơ lớn tuổi với dáng người lom khom, lụm khụm, cầm dù, dìu nhau đi một cách chậm chạp và nói: “Đi ra ngoài kia biểu tình cùng với chị em. Mình lớn tuổi, mình ở đây lâu rồi, nên biết cái này cái nọ. Sơ cảm thấy buồn lắm bởi vì đây là một di sản của Nhà dòng.”



Trưa nắng, chiều thì lại mưa to gió lớn, nhưng vẫn không cản được tinh thần bảo vệ đất Nhà dòng của quý sơ, đặc biệt quý sơ già. Một sơ lớn tuổi chia sẻ: “Hồi xưa, còn nhỏ như chúng con, khổ như chúng con thì mới có các nhà đó, bây giờ người ta lấy nhà mình thì mình phải lấy lại.”

Một sơ khác thổ lộ: “Họ lấy tài sản của nhà dòng đập phá, chị em chúng tôi rất bức xúc. Tất cả chị em nhà dòng từ bà lớn tuổi nhất đến các em nhỏ tuổi nhất đều có quyền bảo vệ cơ sở của Nhà dòng không cho cộng sản lấy được. Cho nên tất cả chị em chúng tôi đều có quyền tranh đấu cho Nhà dòng. Tất cả chúng tôi đều sống chết vì Nhà dòng.”

Sơ Trần Thị Tê, 75 tuổi, ngậm ngùi: “Tôi tên là Trần Thị Tê, 75 tuổi, tôi rất tức giận, tại sao nhà của chúng tôi, đã mượn chúng tôi, chúng tôi đã cho mượn một thời gian, chưa có một lời cám ơn mà bây giờ lại đòi đập phá nhà chúng tôi. Cho nên dù tôi không đi được tôi cũng phải ra đây xem thế nào.”


Giáo dân Thủ Thiêm từ nơi xa quy tụ về đồng hành với Nhà dòng

Được tin nhà cầm quyền đập phá các cơ sở vật chất của Nhà dòng, nhiều giáo dân Thủ Thiêm -đã di dời đi nơi khác- liền về lại quê nhà để đồng hành với Nhà dòng. Một giáo dân của giáo xứ Thủ Thiêm bày tỏ: “Khi tôi đang ở nhà nghe tin nhà cầm quyền đập phá tài sản của các sơ thì tôi cảm thấy bức xúc, lên đây để xem tình thế như thế nào, thì công an, dân phòng không cho mọi người đi vào trong đây, nhưng tôi mạnh dạn chạy vào trong này. Mưa gió đến đây để đọc kinh cầu nguyện hiệp thông bảo vệ tài sản của Nhà dòng.”

Cùng ý kiến với người giáo dân trên, một phụ nữ thổ lộ: “Tôi ủng hộ các sơ nên xuống đây để cùng đòi lại đất cho các sơ.”
Cha Niêm, quý sơ và bà con giáo dân ăn trưa tại chỗ

Một giáo dân khác cho hay: “Trước năm 1975, các cơ sở trường học của các sơ đã dạy học cho nhiều thế hệ cha ông chúng tôi ở đây. Một khi nhà nước mượn danh là tôn trọng pháp luật, tôn trọng luật lệ thì phải tôn trọng những gì pháp luật đã đề ra là tôn trọng sự công bằng và không lấy tài sản của người dân cũng như của các nữ tu. Nếu như nhà nước chưa có những đền bù thỏa đáng cho các nữ tu mà đập phá như vậy, thì đây là hình thức phá hoại và cướp tài sản của Giáo hội Công giáo, cũng như cướp tài sản của các nữ tu DMTGTT.”

Nguồn gốc đất

Sơ Maria Đặng Thị Mỹ Hạnh, Thư ký DMTGTT, cho biết nguồn gốc đất của ba ngôi trường này: “Các sơ [của Nhà dòng] đến đây tạo lập từ năm 1840, các sơ lao động, tiết kiệm mua thêm đất cho Nhà dòng để phát triển lâu dài. Đến năm 1875, Nhà dòng quan tâm đến giáo dục và đó là sứ vụ Nhà dòng nên các sơ và các cha linh hướng đã xây các trường học này do các sơ là giáo viên. Ban đầu, các sơ sống chủ yếu là làm ruộng nhưng khi chuyển qua dạy học thì các sơ để lại đất cho người dân nghèo canh tác, mỗi năm thu hoa lợi họ đều chia sẻ cho Nhà dòng một ít để lo cho đời sống của các nữ tu. Năm 1963, Nhà dòng tiếp tục xây dựng cơ sở trường học.”

Theo lời kể của sơ Hạnh cho hay, vào năm 1975, theo chỉ thị của Tòa Tổng Giám Mục Giáo phận Sài Gòn yêu cầu hiến trường cho nhà nước với mục đích giáo dục nhưng không hiến đất. Từ đó, các sơ không được dạy học nữa. Mãi sau này, mở một trường mẫu giáo nhỏ dạy học, để lo kinh tế cho Nhà dòng.

Đến tháng 9.2011, có dự án ‘xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm’, người dân bắt đầu di dời, ba ngôi trường này ngưng không hoạt động. Do đó, Nhà dòng viết đơn yêu cầu nhà cầm quyền trả lại ba cơ sở này, bởi vì mục đích ban đầu [Nhà dòng] hiến trường với mục đích giáo dục, bây giờ các cơ sở này không sử dụng vào mục đích giáo dục nữa thì Nhà dòng yêu cầu trả lại.

Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm trở thành dân oan

Tháng 7.2012, UBND phường mời Nhà dòng lên làm việc, ông Hứa Ngọc Thảo –lúc bấy giờ là phó Chủ tịch- nói rằng, trường đã công lập rồi, không được lấy lại và không có cơ sở nào cho thấy đây là tài sản của Nhà dòng, và các trường này nằm trong khu quy hoạch giải tỏa nên không trả lại ba trường này cho Nhà dòng. Nhưng quan điểm của Nhà dòng là hiến trường với mục đích giáo dục chứ không hiến đất, và nếu nằm trong khu vực giải tỏa thì phải đền bù thỏa đáng theo đúng luật đất đai cho Nhà Dòng.

Tháng 11.2012, nhà cầm quyền Thủ Thiêm đập phá, cào bằng trường Nam Thủ Thiêm –nằm bên cạnh nhà thờ Thủ Thiêm. Hiện nay, đang là một bãi đất trống, hỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Tháng 11.2012, nhà cầm quyền Thủ Thiêm đập phá, cào bằng trường Nam Thủ Thiêm –nằm bên cạnh nhà thờ Thủ Thiêm. Hiện nay, đang là một bãi đất trống, hỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Sau cuộc họp đó, nhà cầm quyền không có phản hồi gì thêm với quý sơ. Và, quý sơ liên tục làm đơn khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền nhưng không nhận được lời phúc đáp nào.

Mãi đến ngày 21.10.2015, nhà cầm quyền địa phương mới mời Nhà dòng lên làm việc với nội dung chính cũng được lập lại như năm 2012. Tuy nhiên, trong cuộc họp này, họ đề nghị các sơ không được yêu cầu nhà nước ‘đền bù’ hay ‘bồi thường’ mà là nhà nước sẽ ‘hỗ trợ’ cho Nhà dòng nếu Nhà dòng yêu cầu. Nhưng Nhà dòng luôn kiên quyết tỏ rõ lập trường rằng, đất của Nhà dòng, yêu cầu họ phải bồi thường thỏa đáng, không được làm thay đổi, tháo gỡ các hiện trạng của các trường này nếu như chưa có quyết định bồi thường thỏa đáng. Khi nào bên phía nhà nước có văn thư bồi thường cho Nhà dòng thì khi đó Nhà dòng sẽ có văn thư giao đất cho nhà nước.

Mong muốn

Nhà dòng kiên quyết yêu cầu nhà cầm quyền phải trả lại đất các cơ sở trường học này cho Nhà dòng, nếu họ không trả lại thì phải có quyết định bồi thường một cách thỏa đáng. Sơ Hạnh quả quyết: “Mong muốn tài sản của Nhà dòng thì phải trả về cho Nhà dòng, đó là mồ hôi nước mắt của các bà, mình là thế hệ trẻ thì phải bảo vệ tài sản của các bà. Công sức của các bà đến đây là hai bàn tay trắng đã cố gắng tạo lập, tích lũy mua thêm đất cho nhà dòng. Mong mọi người can thiệp vào để can thiệp cho các sơ để họ đền bù thỏa đáng cho nhà dòng”.
Vào lúc 22 giờ 45, quý sơ cho biết, trời đang mưa to gió lớn, nhưng các sơ vẫn kiên quyết trụ lại trước cổng trường, đọc kinh, cầu nguyện để canh gác vì e ngại nhà cầm quyền sẽ cho lực lượng thi công vào ban đêm. Quý sơ sẽ canh thức suốt đêm nay.


Pháp lý

Được biết, ngày 15.10.1975, Ủy Ban liên lạc Giáo dục Công Giáo Địa phận Sài Gòn (do Cha chủ tịch Nguyễn Thới Hòa) đã cùng Sở Giáo dục TP.HCM (đại diện Bộ Giáo dục và Thiếu niên- CP CMLTCHMNVN- do Giám đốc Lương Lê Đồng) ký kết Thông cáo chung “Về việc công lập hóa các tư thục Công Giáo”. Tại Thông cáo chung này nêu rõ: “Giáo phận Sài Gòn đồng ý trao cho nhà nước quyền sử dụng các trường …để phục vụ cho mục tiêu giáo dục”. “Quyền sở hữu các trường sở vẫn thuộc về Giáo hội Công Giáo. Trong trường hợp muốn dành cơ sở phục vụ cho một mục tiêu khác, ngoài mục tiêu giáo dục, cần phải có sự thỏa thuận của đôi bên”. Chính vì chỉ được giao ‘quyền sử dụng’, phía nhà nước đã cam kết “trách nhiệm bảo trì cơ sở, cũng như chịu mọi chi phí về quản trị, tu bổ (như điện, nước, điện thoại…) và thuế má trong suốt thời gian sử dụng trường”.

Như vậy, chính nhà cầm quyền đã công nhận ‘quyền sở hữu các trường’ của Nhà dòng vẫn thuộc về Giáo hội Công Giáo (Nhà dòng), Nhà dòng chỉ ‘đồng ý trao cho nhà nước quyền sử dụng’.

Điều 171 Bộ luật Dân sự hiện hành qui định quyền sở hữu chỉ chấm dứt trong các trường hợp sau đây : “1. Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác; 2. Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình; 3. Tài sản bị tiêu huỷ; 4. Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu; 5. Tài sản bị trưng mua; 6. Tài sản bị tịch thu; 7. Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định; tài sản mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này; 8. Các trường hợp khác do pháp luật quy định”.

Như vậy, không có căn cứ nào ‘chấm dứt quyền sở hữu’ của DMTGTT đối với tài sản các ngôi trường của mình. Chủ sở hữu phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình…” (khoản 2, khoản 3 Điều 169 Bộ luật Dân sự).

Mọi hành vi đập phá tài sản DMTGTT đều trái pháp luật, có dấu hiệu tội phạm “cố ý hủy hoại tài sản” của Tổ chức Tôn giáo.
Huyền Trang, GNsP

Trời Sài Gòn đêm nay mưa to, các sơ vẫn canh thức cầu nguyện bảo vệ tài sản của Nhà Dòng. Hình FB Thao Pham. 
 
 
 
 
Sài Gòn: Cơ Sở Dòng MTGTT Từ Khởi Thủy Cho Đến Khi Bị Đập Phá Reviewed by Unknown on 10/23/2015 Rating: 5 GNsP (23.10.2015) – Nhiều cơ sở của các tôn giáo bị nhà cầm quyền chiếm dụng một cách ngang nhiên và trái pháp luật từ sau năm 1975. Ngoà...

Không có nhận xét nào: