TS. Phạm Huy Thông: Cuộc tranh cãi có triết lý, triết học Kitô giáo hay không và những vấn đề liên quan khởi đầu từ thế kỷ XX nhưng thực ra nó đã được hình thành từ rất sớm. Người bảo có, kẻ nói không và ai cũng có cái lý của mình. Chúng ta hãy cùng nhìn lại vấn đề này qua quan niệm cũng như chương trình giảng dạy trong các chủng viện, học viện Công giáo tại Việt Nam hiện nay.
1 - Quan niệm về triết lý, triết học Kitô giáo
Vào thế kỷ thứ II, triết học Hy Lạp vượt biên giới thâm nhập vào đế quốc Roma tại Alexandrie. Tại đây, triết học Hy Lạp gặp gỡ các tôn giáo đông phương trong đó có Do Thái giáo và Kitô giáo. Triết học Hy Lạp nhìn thấy những yếu tố mới nơi các tôn giáo này và các tôn giáo cũng mau chóng nhận ra những ưu thế của triết học. Triết học thì dựa trên lý trí, tôn giáo dựa trên niềm tin. Tôn giáo tìm thấy ở triết học sự suy tư có hệ thống của lý trí, bản sắc văn hóa của vùng miền, còn triết học lại thấy lòng nhiệt thành của niềm tin tôn giáo. Vì vậy, Kitô giáo đã nhận ra lợi thế của triết học để truyền giáo cho những vùng đất mới là dùng chính văn hóa của vùng bản địa để diễn tả niềm tin tôn giáo. Điều này triết gia Philon (30 tr.CN- 50) đã làm với Do Thái giáo. Ông dung hòa quan điểm của Platon (427-347 tr. CN) với Cựu ước. Ông chủ trương triết học là phụ tá cho thần học. Con người nhờ lý trí trờ nên một phần của “Logos” và từ “Logos” có thể lên gặp Thiên Chúa. Nhưng chỉ đến khi có một số trí thức Hy Lạp gia nhập Kitô giáo và trở thành các giáo phụ (les Peres de l’Eglise) như Plotin (204- 270), Clemente thành Athenes (150- 215), Origene (184-253)… thì triết học mới thật sự có mặt trong Kitô giáo.
Các nhà tư tưởng Kitô giáo phân biệt nhận thức của con người ra làm 3 lĩnh vực.
Thứ nhất là khoa học. Đó là “toàn bộ những nhận thức thuần lý, khách quan, chắc chắn, tổng quát và có phương pháp về thế giới và con người” (1). Như vậy, khoa học có 6 đặc điểm là: Thuần lý (rationel) có nghĩa là chỉ dựa trên lý trí và có thể giải thích được bằng lý trí. Về mặt này, khoa học giống triết học nhưng khác với tôn giáo. Khách quan (Objectif) là trung thành với sự vật, hiện tượng nghiên cứu. Sự vật thế nào, mô tả như thế, không xen tư tưởng tình cảm của người nghiên cứu vào. Chắc chắn (Certain), dù không phải tuyệt đối nhưng là đích điểm để vươn tới. Chính xác (Precis) tức là có thể cân đo, đong đếm được. Tổng quát (General) tức là tìm ra đặc tính chung chứ không riêng lẻ. Có phương pháp (Methodique): con đường đạt tới kết quả nghiên cứu.
Lĩnh vực thứ hai là triết học. Theo các nhà nghiên cứu Công giáo thì triết học cũng là khoa học vì cũng là một hệ thống nhận thức thuần lý, có phương pháp để giải thích sự vật, hiện tượng. Nhưng do đối tượng, mục đích và phương pháp khác nên nó không đạt độ chính xác, khách quan và phổ biến như khoa học tự nhiên. Lý lẽ của khoa học nằm ở chiều ngang còn lý luận của triết học nằm ở chiều dọc (cao, sâu). Khoa học tìm kiếm những nguyên nhân gần của sự kiện. Triết học tìm câu trả lời tận cùng, tận đích.
Lĩnh vực thứ ba là thần học. Thần học là môn học nhằm suy tư một cách có hệ thống và phương pháp, nghĩa là một cách khoa học nội dung của những mặc khải Kitô giáo. Thần học là bộ môn khoa học về đức tin. Thần học được đưa vào giảng dạy ở các đại học Bologna, Paris, Oxford từ thế kỷ XII. Năm 1250, đại học Paris đã có khoa Thần học riêng. Các dòng tu nhất là dòng Tên, đặc biệt chú trọng đào luyện môn này. Ở Hoa Kỳ, các trường công không có phân khoa Thần học (thường gọi là khoa Nghiên cứu Tôn giáo). Các đại học tư thường liên kết với giáo hội cung cấp những khóa học về tôn giáo hay Thần học. Các khóa này có thể tự chọn hay bắt buộc. Sau Công đồng Vatican 2, hội Thần học Công giáo Hoa Kỳ - nguyên là tổ chức của các giáo sư chủng viện, từ năm 1964 đã mở cửa đón nhận giáo dân làm thành viên. Trong 28 trường đại học của dòng Tên ở Hoa Kỳ năm 1990 thì có 4 trường học Thần học 4 khóa, 10 trường đòi 3 khóa, 15 trường 2 khóa và 1 trường 1 khóa (2).
Ba lĩnh vực này có liên hệ với nhau nhưng không phải là một. Triết học cần khoa học qua các dữ kiện khoa học để suy tư chắc chắn có cơ sở hơn. Khoa học cũng phát hiện ra những vấn đề mới để triết học suy tư. Còn triết học lại cung cấp phương pháp để khoa học nghiên cứu có hiệu quả hơn. Triết học và thần học cũng quan hệ hỗ tương lẫn nhau dù cơ sở khác nhau. Thần học dựa trên nền tảng đức tin, triết học dựa trên lý trí. Nhà thần học cũng phải dựa trên thành tựu của các ngành khoa học và triết học để trình bày một cách hệ thống những mặc khải Kitô giáo. Hiến chế Gaudium et Spes (Vui mừng và hy vọng) viết:
“Kinh nghiệm của những thế kỷ đã qua, tiến bộ của khoa học, các kho tàng hàm chứa trong các hình thức văn hóa nhân loại khác nhau, biểu lộ đầy đủ hơn bản tính của chính con người và mở ra những con đường mới dẫn đến chân lý. Tất cả những điều ấy đều hữu ích cho Giáo hội. Thực vậy, Giáo hội ngay từ buổi đầu lịch sử của mình đã ra sức diễn tả sứ điệp của Chúa Kitô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Hơn nữa, Giáo hội còn cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp ấy” (3).
Có triết lý Kitô giáo không? Trong Kinh thánh, thánh Phaolô đã dùng khái niệm triết lý trong thư gửi giáo dân Colose: “Anh chị em hãy cẩn thận đừng để ai lừa dối mình bởi triết lý giả trá và bởi lý lẽ phù phiếm, do thói tục người đời cùng quan niệm thế gian bày đặt ra, không căn cứ vào giáo lý Chua Kitô” (Cls 1,8). Thánh Gioan dùng khái niệm Logos để chỉ sự liên kết giữa lý trí và Ki tô giáo. Cho nên nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo coi khái niệm “triết lý Kitô giáo” là sự đương nhiên. Thánh Justino khẳng định: “Kitô giáo là triết lý duy nhất chắc chắn và hữu ích”. Triết gia Karl Jaspers viết: “Thánh kinh và Thánh truyền là một trong những nền tảng triết lý của chúng ta…Công việc sưu tầm triết lý ở Âu châu dầu người ta công nhận hay không đều luôn căn cứ trên Thánh kinh, ngay cả khi người ta đả kích Thánh kinh” (6). Nhưng hai nhà tư tưởng Công giáo và đều đã được phong thánh là Clemente thành Alexandria và Augustinô là người đã có công định hình khái niệm “Philosophia Christiana”. Các ông cho rằng, triết lý là hâm mộ sự khôn ngoan mà sự khôn ngoan tuyệt đối là chính Thiên Chúa nên Kinh thánh là triết lý chính danh. Sang thời trung cổ, cụm từ “triết lý Kitô giáo” có thay đổi nội hàm. Theo thánh Thomas thì triết lý được gọi là Kitô vì nó được sinh trưởng trong bầu khí Kitô giáo và tất yếu dẫn đến gặp gỡ Thiên Chúa. Triết gia Eramus nói: “Ở nơi nào anh bắt gặp triết lý thì hãy xem triết lý ấy là Kitô giáo” (7). Đến Lutherô và Calvinô thì triết lý Kitô giáo không còn đứng vững nữa vì theo các ông, lý trí con người đã hư hỏng hoàn toàn chỉ có đức tin mới mong giải thoát và cứu rỗi con người mà thôi. Triết gia Đức E. Kant phủ nhận khái niệm này vì theo ông không thể dùng lý trí mà chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa và cũng không thể dùng trí năng để tìm hiểu về Ngài. Kierkegaard thì phủ nhận dứt khoát: “Triết lý và Kitô giáo không bao giờ kết thân với nhau được. Tôn giáo là vấn đề sinh tử cho mỗi cá nhân cụ thể cho nên đức tin vượt quá và trái nghịch với lý trí” (8).
Năm 1928, triết gia Emile Brehier, trong một hội thảo tại Bruxelles (Bỉ), đã đặt vấn đề: Có một triết lý Kitô giáo không? Và ông trả lời: không có. Giáo sư đại học Sorbonne là Gilson đã bác bỏ ý kiến của Brehier:
“Một triết lý mở ra đón nhận siêu nhiên, chắc chắn là một triết lý phù hợp với Kitô giáo. Muốn có một triết lý Kitô, thì siêu nhiên phải thâm nhập như yếu tố cấu tạo vào công việc tạo nên triết lý đó. Tôi gọi là triết lý Kitô giáo là những triết lý nhìn nhận mặc khải Kitô như một phụ tá tối cần cho lý trí” (9)
Song E. Brehier cũng phản công lại vì theo ông đã có triết lý Kitô giáo , vậy có toán học hay vật lý học Kitô giáo không? Câu trả lời chắc là không. Hơn nữa, triết lý phải mang tính phổ quát nhưng triết lý Kitô giáo bị ràng buộc bởi một tôn giáo thì còn đâu tính phổ quát? Nhưng Gilson cũng bác lại: có lý luận của triết gia nào được mọi người thừa nhận, dù ai cũng có cái lý của mình?
Dù trải qua nhiều tranh cãi, nhưng các học giả Kitô giáo chính thống thừa nhận triết lý Kitô giáo là con đường đưa đến Đấng Tối cao, tìm về chân lý.
Còn có triết học Kitô giáo không? Trước tiên phải xem quan niệm của các nhà tư tường Kitô giáo về triết học. Trong các sách giáo khoa triết học được sử dụng tại các trường, học viện Công giáo thường đưa ra định nghĩa của Aristote : “Triết học là khoa học lý thuyết về các nguyên lý đệ nhất và các nguyên nhân đệ nhị”. Có nghĩa là triết học đi tìm nguyên nhân đệ nhất tức nguyên nhân sinh thành, cứu cánh và nguyên lý tối cao của mọi sự vật, tức là nhắm tới một sự lý giải cuối cùng, quyết định của toàn thể thực tại. Sang thời hiện đại, họ đưa ra định nghĩa: “Triết học chính là nỗ lực suy tầm về bản thể, chân tướng của mọi sự, trong một cái biét tuyệt đối, chọc thủng hiện tượng và nắm bắt sự vật (kể cả chính Thượng đế, nếu ngài hiện hữu) ngay chính sự vật trong tự thân của nó, không hề bị chi phối bởi tác dụng của tri hành do chủ thể phóng chiếu lên chúng” (10). Linh mục, Triết gia Trần Văn Hiến Minh định nghĩa: “ Triết học là khoa học về tinh thần con người và những gì liên quan tới tinh thần ấy hay là khoa học về tinh thần con người với tất cả chiều hướng hiện sinh của nó” (11).. Định nghĩa này tập trung vào con người. Mục đích là trả lời cho câu hỏi: Tôi là ai? Tại sao tôi hiện hữu? Đâu là số phận của tôi? Một trong các đặc tính của triết học là tính triệt để, có nghĩa là nó đi tới cùng trong nhu cầu giải thích thực tại. Đây chính là mấu chốt để Kitô giáo không thành lập bộ môn triết học. Vì mọi sự là do Chúa thiết lập, nhưng Chúa từ đâu mà có thì không triết gia Kitô giáo nào đặt ra cả.
Điều lạ là có rất nhiều nhà triết học người Công giáo nổi danh trên thế giới. Trong cuốn sách tổng hợp “ Những triết gia Thiên Chúa giáo thế kỷ XX”, người ta đưa ra được 185 người, trong đó nước Đức đóng góp 16 tên tuổi và Việt Nam cũng có 5 người được lưu danh (12).
2- Chương trình giảng dạy triết học ở các chủng viện Công giáo Việt Nam
Phải nói ngay rằng, có nhiều nhà triết học người Công giáo được đào tạo trong các trường danh tiếng ở nước ngoài chứ tại Việt Nam chưa có trường đào tạo chuyên ngành triết học bậc sau đại học. Ngay 5 người được lưu danh trong cuốn sách kể trên là linh mục Bửu Dưỡng, linh mục Kim Định, Giáo sư Trần Thái Đỉnh (nguyên là linh mục đã xin hồi tục), linh mục Cao Văn Luận và Đức ông Trần Văn Hiến Minh cũng đều lấy bằng Tiến sĩ triết học ở nước ngoài và về giảng dạy triết học ở các học viện Công giáo hay trường công của Nhà nước trước năm 1975.
Nhân đây cũng nói thêm rằng, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Trung, cũng là người Công giáo và là triết gia có tiếng trên diễn đàn Việt Nam trước năm 1975. Ông cũng có nhận định về triết lý, triết học đáng suy nghĩ. Ông viết:
“ Triết lý là thái độ sống thì có thể là của cá nhân hay một cộng đồng, còn triết học là một tri thức có hệ thống bao giờ cũng là chỉ của cá nhân như triết học Arixtote, triết học Kant, triết học Khổng Tử.
Kết luận: người Việt Nam có triết lý mà không có triết học” (13).
Trong các học viện Công giáo tại Việt Nam, trước năm 1975 có Giáo hoàng học viện thánh Piô X ở Đà Lạt thành lập năm 1958 nhằm đào tạo chương trình sau đại học cho học viên Công giáo ở khu vực Đông Nam Á nhưng năm 1976 phải đóng cửa (có 3 người đang làm luận án dở dang) nên không có ai được cấp bằng Tiến sĩ triết học ở trong nước. Hiện nay, giáo hội Công giáo được mở 7 Đại chủng viện tại Hà Nội, Vinh- Thanh, Thái Bình, Huế, Sao Biển (Nha Trang), thánh Giuse (T.p Hồ Chí Minh), thánh Quý (Cần Thơ), Xuân Lộc (Đồng Nai), nhưng một số giáo phận, dòng tu khác cũng đã mở trường đào tạo riêng chủng sinh cho mình như Bùi Chu (Nam Định), dòng Đa Minh… Tiêu chuẩn đầu vào của chúng sinh khá cao. Thí sinh phải có bằng cử nhân ở trường đại học bên ngoài và một ngoại ngữ. Vì vậy, đa số ứng sinh chọn học trường Ngoại ngữ để vừa có bằng cử nhân vừa có ngoại ngữ. Tỷ lệ chọi cao, thường là 1/10. Chương trình đào tạo ở Đại chủng viện Công giáo kéo dài 6 năm gồm 2 năm triết học và 4 năm thần học. Không kể, sau khi tốt nghiệp, chủng sinh phải đi thực tế 2 năm nữa mới có thể xem xét được thụ phong linh mục. Trước đây, theo Tông huấn của Thượng Hội đồng Giám mục “Pastores dabo vobis” (Thày sẽ ban cho các con những mục tử) ban hành năm 1992 thì chương trình đào tạo 6 -8 năm là 180 tín chỉ, nay nâng lên thành 210 tín chỉ (mỗi tín chỉ 15 tiết). Từ ngày 22-3-2011, Bộ Giáo dục Công giáo quy định chương trình học Triết được nâng lên thành 3 năm và phải học trước khi học Thần học.
Giáo hội Công giáo toàn cầu hiện có 400 khoa Thần học và 40 khoa Triết học. Tại Việt Nam, duy nhất có Trung tâm Học vấn Đa Minh (dòng Đa Minh đặt tại Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh) dạy cả Triết học và Thần học được Phân khoa Thần học Đại học Hoàng gia Santo Thomas ở Manila công nhận là phân khoa của mình vì đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu của chương trình đào tạo tại Đại chủng viện là nhân bản, tri thức, đạo đức và mục vụ. Riêng Ban triết học được chia thành 3 năm. Năm 1 học Lịch sử cứu độ và giáo dục nhân bản; Sinh ngữ gồm Anh, Pháp, Hán văn, Latinh. Riêng Latinh kéo dài 3 năm. Phần nhập môn Triết học gồm Triết học Đông và Tây, Tu đức, Phụng vụ. Năm 2, 3 học: Tâm lý học, Luận lý học, Siêu hình học (Métaphysique), Triết sử Đông và Tây; Luân lý căn bản; Thánh kinh Cựu ước; Giáo sử; Tu đức, Phụng vụ và Tôn giáo học; Giáo dục công dân. Kết thúc phần Triết học, học viên phải làm một khóa luận dài từ 25 - 40 trang để chấm điểm.
Theo hướng dẫn của Tòa thánh thì giai đoạn học Triết học là “một giai đoạn thiết yếu trong việc rèn luyện tri thức cho học viên bởi vì chỉ có một tư duy lànhmạnh mới có thể giúp cho các ứng sinh linh mục phát triển ý thức suy tư. Nó quan hệ thiết yếu đến tinh thần con người và chân lý. Chân lý được mặc khải trong Chúa Giêsu Kitô” (14). Vì thế, mặc dù lấy hệ thống Triết học của thánh Thomas Aquinô làm căn bản nhưng các triết thuyết khác cũng được giới thiệu tham khảo với thời lượng là 70 tiết. Riêng phần lịch sử Triết học cũng học cả Triết Đông và Tây, cả Thượng cổ, Trung cổ, Cận đại và Hiện đại.
Trong các triết gia Đức thì có 3 người được giới thiệu khá kỹ trong giáo trình triết học tại các cơ sở đào tạo của Công giáo là Emmanuel Kant, Geor W.F Hegel và Karl Marx. K. Marx là triết gia Mácxít nhưng cũng được giới thiệu trang trọng hầu hết các tác phẩm của ông nhằm thấy những nhận định của Marx về vong thân kinh tế, chính trị và xã hội đến vong thân về triết lý và tôn giáo. Nói về tiểu sử của Marx, giáo trình “Lịch sử Triết học Tây phương” viết:
“Chúng ta nói thêm về ảnh hưởng của gia đình trên Marx về phương diện tôn giáo. Bà mẹ ông sùng đạo, nhưng ít học cho nên kể là bà không có chút ảnh hưởng tri thức nào trên con cái. Còn ông thân sinh của Marx là luật sư, ông đã bỏ đạo Do Thái để theo đạo Tin Lành hầu dễ làm ăn nuôi sống gia đình. Ông là người trí thức, có đầu óc phóng khoáng và tự do về mặt chính trị cũng như về mặt tôn giáo. Marx thông minh hơn các em nên được cha quý mến hơn và đặt rất nhiều hy vọng.
Trong khi các em đi học nghề thì Marx được đi học tại Bon và Berlin. Người cha ảnh hưởng rất nhiều trên Marx nhất là về mặt lập trường tự do. Bầu khí gia đình, nếu không nói là vô thần thì cũng dửng dưng với tôn giáo…Kitô giáo mà Marx được dạy bảo là giáo lý Tin Lành với cặp mắt duy tâm. Như thế, trình độ hiểu biết về Kitô giáo của Marx không thể so sánh với Hegel là người đã được học về tôn giáo trong một học viện Tin Lành đào tạo mục sư, cũng không thể so sánh với Feurbach hay Bauer, là những người chủ tâm nghiên cứu về tôn giáo”(15).
Nhận định về học thuyết của Marx, giáo trình trên nhận định: “ Cái nhìn của Marx về thân phận con người trong xã hội rất đúng, đúng nơi chế độ tá điền cũng như trong các nhà máy. Đó là cảnh “homo homini lupus” (người bóc lột người). Chính nhờ Marx mà chúng ta lấy lại giá trị của lao động” (16).
Nhiều Giáo hoàng sau này cũng có nhận xét khách quan hơn về chủ nghĩa vô thần hay chủ nghĩa cộng sản. Hồng y Joseph Ratzinger- Bộ trưởng Bộ Giáo lý đức tin của Tòa thánh sau này là Giáo hoàng Benedicto XVI nói:
“Chủ thuyết hiện sinh đã sụp đổ và cuộc cách mạng Max xit thắp lên nhiệt tình cho các trường đại học, lay động đến tận cùng nền tảng. Ít năm trước đây, người ta vẫn hy vọng các phân khoa thần học là thành trì chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa Marx. Bây giờ tình hình đảo ngược. Những phân khoa thần học lại trở thành trung tâm của ý thức hệ Max xit. Lúc này, lúc khác, tôi còn cố gắng vận dụng cả tư tưởng của Marx để tạo lực đối trọng. Bởi lẽ, ở trong cội rễ từ chủ nghĩa Cứu thế, dư chấn của nó - chủ nghĩa Marx còn giữ được những yếu tố nhân đạo trong Kinh thánh” (17).
Giáo hoàng Paul VI cũng công nhận giá trị bác ái của chủ nghĩa Marx nhằm chữa lành những khuyết tật của chủ nghĩa tư bản nhưng “tác dụng phụ của nó cũng gây đau khổ không kém gì căn bệnh mà nó định cứu chữa” cũng ghi nhận rằng:
“Chủ nghĩa vô thần khoa học có vai trò thanh tẩy, có nghĩa là bắt buộc chúng ta có một ý nghĩa đúng đắn hơn về Thiên Chúa, một ý nghĩa thanh cao hơn, siêu việt hơn và chân thực hơn. Đúng như triết gia Sertillanger nói: Khoa học lật đổ ngai thần mặt trời, thần mây, thần rồng cho là gây ra nhật thực, nguyệt thực, loại bỏ những thày phù thủy nói tiên tri. Nó đóng góp vào việc thanh tẩy tình cảm tôn giáo ngay trong hàng ngũ người Kitô hữu, ta phải biết ơn nó” (18).
Cách nhìn nhận, đánh giá như vậy về chủ nghĩa Marx đã khách quan hơn nhiều so với thời tiền Công đồng Vatican 2 như thời Giáo hoàng Piô XI, Piô XII.
Nhân đây cũng nói thêm rằng, ở Việt Nam có những triết gia được đánh giá rất cao ở giới nghiên cứu trong và ngoài nước như linh mục Lương Kim Định (1915- 2012), có nhiều nhóm nghiên cứu ở nước ngoài triển khai tư tưởng của ông nhưng không hề được nhắc đến trong các giáo trình ở Việt Nam hiện nay. Không hiểu vì ông là linh mục Công giáo hay cho rằng Việt Nam không có triết gia?
Tóm lại, qua quan niệm cũng như giáo trình giảng dạy trong các trường Công giáo tại Việt Nam hiện nay cũng cho chúng ta thấy rõ quan điểm của giáo hội Công giáo về các vấn đề triết lý, triết học Kitô giáo.
TS. Phạm Huy Thông - gửi TNCG
Chú thích:*Phó Trưởng ban Tư duy Tôn giáo, Trung tâm Khoa học Tư duy (CTS)
1, 3, 6, 8, 9, 10, 15,16- Linh mục Dom Trần Thái Hiệp: Lịch sử triết học phương Tây, Đại chủng viện Huế 2002, lưu hành nội bộ, tr.9, tr.213, tr.221, tr.222, tr.35, tr.222, tr.268-269, tr.274.
Xem Thomasp. Rausch (SJ): The College Student’s Introduction to Theology, The Liturgical Press/St Paul 1966, p.10
4- Thánh Công đồng Vatican 2, Giáo hoàng học viện Đà Lạt xuất bản 1972, số 44, tr.791
5-Về tôn giáo, Nxb KHXH 1994, tr.195
11- Trần Văn Hiến Minh: Từ điển và danh từ triết học, Tủ sách Ra Khơi 1966, tr279
12- Phan Quang Định (Biên dịch và Tổng hợp), Nxb Hồng Đức 2013
13- Thụy My: Nguyễn Văn Trung: Ngôn ngữ và thân xác, Paris 2010, tr.517
14- Hội đồng GMVN: Niên giám Công giáo Việt Nam 2005, Nxb Tôn giáo 2005, tr.301
17- Bài nói chuyện ở Đại học Tubiger, San Francisco 1998, tr.137
18- Bạch Lạp: Văn,Thơ, Nhạc, Nxb Tôn giáo 2005, tr.453
Không có nhận xét nào: