TNCG: Chúng tôi vừa nhận được tin buồn cha Matthêu Vũ Khởi Phụng đã rời cõi thế sau hơn một năm mắc bệnh ung thư. Vào khoảng tháng 3 năm 2015 khi đang điều trị bệnh tại Hoa Kỳ, ngài đã gởi cho chúng tôi bài viết của ngài với tựa “Phù thế, tận thế và sáng thế” nói về ý nghĩa của cái chết đối với người Kitô hữu. Nay được tin ngài đã hoàn tất hành trình dương thế, chúng tôi xin đăng lại những dòng suy tư của ngài về thân phận của con người trước cái chết và cái nhìn lạc quan của người tín hữu Chúa Kitô về cái chết như chính ngài đã trải qua trong những ngày tháng cuối đời.
Người ta thường nói: mọi người bình đẳng trước cái chết, vì giàu nghèo, sang hèn, thượng lưu hạ lưu gì cũng chết cả. Vậy mà ngay trong cái bình đẳng ấy, vẫn có vô số sự bất bình đẳng. Mỗi ngày những cỗ xe tang, trên đường tới nghĩa trang vẫn len lỏi giữa dòng người và xe cộ qua lại, đã mấy ai nghĩ đến người quá cố, cái chết là sự thường tình thôi.Nhưng ông Nguyễn Bá Thanh đi chầu Trời thì khác hẳn. Ngay khi biết tin ông bệng nặng dư luận đã xôn xao trong nước ngoài nước. Rồi những biểu lộ của người dân chờ đón khi chuyên cơ đưa ông về quê nhà, cho đến khi ông thở hơi cuối cùng, và tang lễ cực kỳ trọng thể với sự xuất hiện đầy đủ của tất cả thượng tầng hạ tầng xã hội đương đại thật là hết sức ấn tượng.
Không thể kể hết những lời nói, những bản tin, những dòng phân ưu, những bài thơ, bài nhạc ca tụng ông. Ông làm sao mà Đà Nẵng từ một thành phố có nhiều phần nhếch nhác ngái ngủ trở nên một chốn đô hội đẹp đẽ, tiến bộ, văn minh, hãnh diện, “đáng sống nhất” trong các thành phố Việt Nam. Ông đã dám nghĩ táo bạo, dám làm việc lớn và đã thành công. Phong cách ông bộc trực, thẳng thắn, thực tiễn, linh động, gần dân. Chính vì những lẽ ấy ông được đông người cảm phục và yêu mến như ta thấy. Lãnh đạo thời nay không mấy người được như ông.
Dĩ nhiên giữa những lời ca ngợi “có cánh” cũng có người nhắc lại những chuyện không hay về ông. Tôi xin không dài dòng về những chuyện ấy. Thiết tưởng phải nhắc tới những góc tối trong cuộc đời một người vừa nằm xuống là một điều bất hạnh. Người ấy đã đi hết thân phận trần thế gió bụi của mình. Hãy để người ấy yên nghỉ. Nghĩa tử là nghĩa tận. Tuy vậy tôi phải nói một điều vắn tắt: tôi là người đồng đạo và hết sức cảm thông với bà con Cồn Dầu, với những người vẫn sống lây lất trên mảnh đất cổ thân thương ấy và cả những người đã tứ tán, có khi thật xa, và cả những người đã chết mới đây hay các đời Cồn Dầu trước. Tôi tự khai như thế mà không có ý bầy tỏ oán thán gì trong lúc nghĩa tận này, chỉ như ký tên vào giải băng tang vắt lên vòng hoa đem đến viếng ông Nguyễn Bá Thanh thôi.
Sự ra đi của ông làm cho bao người suy nghĩ. Tôi được đọc nhiều bài viết, và đọc cả những lời phân ưu của các vị lãnh đạo Nhà Nước. Nhưng những ý tưởng và lời lẽ ấy riêng tôi lại thấy không thấm thía bằng những câu thơ của một người đã sống cả trăm năm trước, tất nhiên chẳng biết gì về ông Nguyễn Bá Thanh, chẳng thể nào mường tượng ra Đà Nẵng và Việt Nam hôm nay ra sao. Vâng, tiễn đưa ông Bá Thanh tôi nhớ đến thi sĩ Tản Đà ngày xưa “tiễn thu”:
Nào những ai:
Bẩy thước thân nam tử
Bốn bể chí tang bồng,
Đường mây chưa bổng cánh hồng
Tiêu ma tuế nguyệt ngại ngùng tu mi “….
Có lẽ đó chính là một lý do gây xúc động trong thời điểm này. Có nhiều người đã kỳ vọng nơi ông. Ông được tiếng là người giỏi, dám nghĩ, dám làm. Đất nước lại đang khủng hoảng trầm trọng, đạo đức bại hoại, tham nhũng khắp nơi, đồng tiền lên ngôi vị tối cao, nhìn đâu cũng thấy những cảnh bất nhân, bóc lột trâng tráo. Có người nói ung thư đã di căn. Cho nên người dân cảm thấy ngột ngạt. Xã hội, nói như lời Thánh Vịnh, giống như mảnh đất hạn hán “nẻ khô, không nước”. Khi ông Bá Thanh, với tiếng tăm và uy tín của mình, được điều từ Đà Nẵng lên ban Nội Chính trung ương để đánh tham nhũng, người ta hy vọng ông làm được như ông nói “hốt hết, bắt hết”, mang lại cho đất nước một làn gió mới, nhổ bật cho dân một số cỏ độc. Tâm trạng na ná như người Do Thái ngày xưa nhắn hỏi Chúa Giêsu: “Ông là người phải đến chăng hay là chúng tôi sẽ còn chờ ai khác?”
Hôm nay thì câu hỏi ấy được trả lời. Đáp án này không phải là kết quả của một lý luận hay phân tích thấu đáo sắc sảo nào, cũng không hàm ý gì về tài ba của ông Bá Thanh cao thấp ra sao. Câu trả lời đã đến đơn giản vì sự thể xẩy ra như thế đó. Chim bằng “chưa bổng cánh hồng” mà đã “tiêu ma tuế nguyệt“. Sự đời thật hiểm hóc và thật oái oăm. Dự định và toan tính của con người với số mệnh đan chen nhau nhiều khi không biết đâu mà lường. Đỉnh cao với vực sâu, hy vọng với vỡ mộng có lúc gần nhau trong gang tấc. Bi kịch của đời người và của xã hội, thế gian.
Cụ Tản Đà lại cất giọng ngâm:
“Nào những ai:
Kê vàng tỉnh mộng,
Tóc bạc thương thân.
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi”.
Những tháng cuối ông Thanh nằm bệnh viện bên Mỹ là tiết cuối thu sang đông. Cây cối chuyển mầu đỏ rực vàng rực, thiên nhiên như mặc áo gấm rất đẹp. Thế rồi nội trong vài ba tuần lá ào ào rụng hết chỉ còn cành cây khô chờ mùa đông băng tuyết. Không biết từ trong phòng bệnh viện, ông Thanh có dịp nhìn cảnh vèo bay lá rụng không; nhưng chắc chắn ông đã giáp mặt với chân lý về “công danh phù thế“. Thật ra thiên nhiên và thời gian vẫn thăm thẳm vô tận, nhưng tất cả đã trở nên “phù thế” vì con người. Vì thân phận và công danh của con người chỉ được dành cho một khoảnh khắc, chỉ “có ngần ấy thôi“. Tận thế không chỉ là một biến cố trong tương lai xa lắc nào đó. Mặc dù thế gian và bao nhiêu con người vẫn luôn còn đấy, nhưng rồi mỗi người sẽ đi qua một lần tận thế cho riêng mình một khi đã chạm tới cái ngần cái hạn phù sinh của mình, dẫu công danh đến bao nhiêu đi nữa.
Trịnh Công Sơn hát:
“Con chim ở đậu cành tre,
Con cá ở đậu trong khe nước nguồn.
Tôi nay ở đậu trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời…”
Hóa ra thi nhân làm thơ “tiễn thu” mà thưc ra là tiễn con người, những vần thơ đầy âm hưởng văn tế. Ngày nay những lời điếu dành cho người nằm xuống thường ca tụng những thành tích mang đậm mầu sắc chính trị hay xã hội đến độ như hô một chuỗi khẩu hiệu thời sự, mà xem ra các vị càng quyền cao chức trọng phúng điếu thì càng hô khẩu hiệu nhiều hơn, thể loại văn tế dường như biến mất. Thôi thì văn hóa chính thức của thời đại này là như thế. Thời này là thời duy vật. Nhưng như thế thì con người đã phù thế lại càng phù thế hơn, vì đã khuất lấp mất rồi “chốn xa xăm cuối trời“. Đó là một sự thiếu sót và hụt hẫng cho người thời nay.
Thời cụ Tản Đà “tiễn Thu” nền văn hóa gợi lên chất tâm linh hơn nhiều. Thậm chí cụ không chỉ mông lung về “chốn xa xăm cuối trời“, mà có lúc thèm khát được bay vọt về trời. Cụ tin rằng thi tài của mình là mệnh Trời để cải hóa thế gian:
Trời định sai con một việc này
Là việc thiên lương của nhân loại
Cho con xuống thuật cùng đời hay
Cố xong công việc của Trời sai
Trời sẽ cho con về Đế khuyết …. (1932)
Với niềm tin như thế, người ta có thể thanh thản vui tươi trước vấn đề sống chết:
Giang sơn còn nặng gánh tình,
Trời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi
Bao giờ Trời bảo thôi đi
Giang sơn cất gánh ta thì nghỉ ngơi…
(Cảm tưởng về sự sống chết, 1932)
Cứ sống, mà lòng vẫn hướng về trời, như một nỗi nhớ nhung không nguôi:
Một năm ba trăm sáu mươi đêm
Sao được mỗi đêm lên chầu Trời … (Chầu Trời, 1932)
Ý tưởng về mệnh Trời và chầu Trời đó không phải là một cảm hứng thoáng qua, nó theo đuổi cụ cả chục năm. Sáu năm sau, ngày tiễn Táo quân về Trời, cụ còn ký thác tâm sự:
Trời có sai tôi làm việc nặng
Đến nay tôi vẫn làm chưa xong …
Câu chuyện hầu Trời khi tưởng đến
Gan vàng như nấu lại như nung … (1938)
Và không đầy một năm sau, Tản Đà đi chầu Trời thật.
Và tôi băn khoăn tự hỏi: thế còn ông Bá Thanh, ngày tiễn ông Táo năm vừa rồi, chỉ hai hôm trước khi ông “hầu Trời”, thì “gan vàng” của ông hướng về đâu ….
Theo một vị trong ban săn sóc sức khỏe cho Trung Ương Đảng, thì ông Thanh rất đau đớn. Tôi nghĩ: đau đớn phần xác là tự nhiên rồi, nhưng cũng đau đớn phần tinh thần, phải xa lìa gia đình thân yêu, và cả cái thực trạng mà ái nữ của ông, cô Hoài An tóm gọn trong ba từ: “đời phụ Ba“. Không biết từ “phụ” ở đây bao gồm những ý nghĩa gì? Thôi thì nói ít hiểu nhiều. Lại có một bài thơ dài của cô Hoài An khóc cha, và tiết lộ:
Ba nói rằng Ba không nuối tiếc,
Đà Nẵng chừ đẹp, hai con đã trưởng thành” …
Đó là điều hay, hình như ông đã làm hòa với số mệnh phần nào. Ông đã đặt một cự ly nào đó giữa mình với những gì mình làm cho đời và đời làm cho mình. Trước đây như lời trưởng nam Nguyễn Bá Cảnh nhận xét: “Cả cuộc đời Ba, con ít thấy lúc nào Ba thảnh thơi … Bao nhiêu gian truân lận đận dường như sẵn sàng tìm đến…” Ông là người của tham vọng phấn đấu, say sưa tạo lập, say sưa nối tiếp cái truyền thống ngàn đời mà Thánh Kinh bảo là đã có từ thời “Khanoc xây thành” và “Tuval Cain rèn đồng rèn sắt”. Ông đã xây dựng lớn, tất nhiên cũng dấn sâu vào trong máu lửa của con cháu Cain (sách Sáng Thế 4, 17-24). Bây giờ đến lúc một mình đi vào cõi khác, “thành quách” và “đồng sắt “để lại sau lưng, căn cơ chỉ là mình với mình. Lá rụng về cội là vậy. Và “gan vàng” hướng về đâu?
Có thể tôi lẩn thẩn: sao lại so sánh một thi hào rất nho gia, và cũng rất nghệ sĩ, rất “muôn năm cũ“, với một nhà chính trị của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đầu thế kỷ XXI? Hai xã hội, hai môi trường, hai thế giới khác nhau quá, có gì chung đâu? làm gì có tâm trạng hướng về Trời mà nói? Nhưng mặt khác: các thi nhân, nghệ sĩ lớn đều là những người có một sứ điệp gì đấy gửi tới tất cả đồng loại, mặc dù phần lớn đồng loại không có cái duyên, hay cơ hội, hay khả năng để cảm và để nói lên những điều sâu xa ấy, bởi dù có khác biệt đến bao nhiêu chăng nữa thì vẫn có một cái chung là sự sống và sự chết trong cõi người ta. Một năm trước đây thôi, ai nghĩ rằng ông Nguyễn Bá Thanh chết vội thế? Vậy mà hôm nay ta giáp mặt với sự thật phũ phàng, ông phải ra đi, đến lúc về với đất mẹ, lá rụng về cội. Vậy thì đến lúc khơi lại những điều đã vùi sâu khiến cho trong đời thường người ta không màng nghĩ đến nữa. Những điều bị lãng quên ấy được dự phần vào mầu nhiệm mà Thánh Kinh gọi là “Viên đá bị thợ xây loại bỏ lại trở thành đá góc”.
Và đó cũng là một chiều kích mà xã hội ngày nay, dù có tiến bộ và phát triển, vẫn thiếu hụt trầm trọng, làm thiệt hại cho tất cả mọi người. Đó là nguyên nhân của rất nhiều mâu thuẫn, đổ vỡ, hoang tàn đau đớn mà những tiến bộ vật chất không bù đắp nổi. Một sự hài hòa cốt yếu nào đó đã mất đi.
Lúc ông Bá Thanh đã nằm liệt trong bệnh viện, nghĩa là lúc ông đã bắt đầu xa lìa cái thế gian đa sự đó, như con tầu từ từ rời bến, thì bên ngoài những bàn tán, dư luận về vụ việc của ông lại càng thêm chát chúa, thị phi. Sự lúng túng về thông tin nói lên những hiểm hóc của thời đại này.
Sau thời gian dài dài giấu giấu giếm giếm đến khi có nguồn tin mật về tình trạng của ông Thanh, mà là những tin li kỳ chẳng kém gì tiểu thuyết, khiến mọi người giật bắn mình đua nhau tìm hiểu thì chẳng bao lâu hiểu được sự thật não nề: những thông tin ấy, dù có thật, cũng không phải vì có ai quý mến hay thương cảm gì ông Thanh, hay có ai muốn phục vụ sứ mệnh cao quý của truyền thông, chẳng qua là lợi dụng người đã bị loại khỏi cuộc chơi, đã sắp chết, làm sân khấu, làm võ khí cho những người chưa chết quyết đấu với nhau cho đến chết bằng cả sự thật lẫn dan dối, trong một cuộc chiến không có lý do và không có khả năng để chấm dứt. Cuộc chiến ấy có khả năng để tự nó sinh ra nó, sinh sôi nẩy nở không cùng. Sự thật chỉ được tiết lộ và xử dụng vừa đúng mức để làm gia vị cho những mục đích bất cần thật giả. Cho nên cái thật và cái giả lồng vào nhau. Cái thật nói lên sự dã tâm trong những chuyện được thông tin, cái giả nói lên dã tâm của những ai tung tin. Hai cái dã tâm húc nhau như trâu bò húc nhau, ruồi muỗi nên cảnh giác để đừng chết. Vào lúc đói thông tin thì ta cứ tìm hiểu, được phần nào hay phần nấy. Nhưng phải cảnh giác kẻo những “thông tin” ảo ảo thực thực của những người đang tương tranh ác liệt tàn nhẫn kia nó hấp dẫn ta như cờ bạc đỏ đen hấp dẫn kẻ đang cay cú vì thua thiệt, như ma túy hấp dẫn con nghiện. Xã hội ngày nay khốc liệt như vậy đấy.
Cái khốc liệt ấy càng làm lộ rõ sự khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng về điều Tản Đà gọi là “Thiên lương“. Nó chính là một tiếng gọi mọi tâm hồn thiện chí hãy lo bồi đắp cái “việc nặng đến nay vẫn làm chưa xong” và chẳng những chưa xong mà còn đang phải đối đầu với những thách thức lớn hơn, trầm trọng chưa từng có. Chúng ta còn cần suy nghĩ và dồn hết tâm trí và hành động cho công việc Trời trao này. Bên cạnh những gì đang diễn ra, con người và xã hội này còn cần một khoảng cách để nhìn lại từ căn bản, và cần cả những thái độ và hành động cụ thể, chứ không phải những hô hào lý thuyết chung chung.
Trong Cựu Ước có truyện ông Jacob trên bước đường lưu lạc giang hồ ân oán một hôm đi đến một mảnh đất nọ thì trời vừa tối, ông gối đầu lên một hòn đá và nằm ngủ. Đêm đó ông chiêm bao thấy một chiếc thang, chân thang chạm đất, đầu thang chạm thấu trời, và trên các bậc thang có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống. “Và kìa Thiên Chúa đứng kề bên, Ngài phán rằng: Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của Abraham tổ phụ ngươi. Đất ngươi đang nằm, ta ban cho ngươi và dòng dõi … Này Ta ở cùng ngươi …”. Khi tỉnh giấc, Jacob sợ hãi và nói : “Quả thật có Đức Chúa ở chốn này mà tôi không biết …. Đáng sợ nhường bao chốn này! Là nhà của Thiên Chúa và là Cửa Trời, chứ không phải gì khác”. Ông lấy viên đá gối đầu dựng thành bàn thờ. (St 28, 10-19) Phải chăng cái thang chân đạp đất, đỉnh đụng Trời đó chính là một nhân tố bị lu mờ trong xã hội chúng ta? Đất đai vẫn là đất đai này, vẫn nhà cửa, vẫn người ta với nhau, nhưng ta ít nhìn nhận cái thang ấy, nó là chiều kích gắn người ta với siêu việt, nó biến mặt đất này thành quà tặng, thành thiên ân, thành một cõi hài hòa. Và đó chính là điều mọi người nên cất công tìm lại, cho chính mình và cho lẫn nhau.
Xin trở lại với ông Nguyễn Bá Thanh, cơn bệnh đau đớn và cái chết của ông vẫn là cái rất chân thật. Trước sự chân thật ấy, tôi muốn xin cho ông một lễ cầu hồn, bởi cuối cùng ông đã rời khỏi chiến trường, đã tách lìa những chiêu trò của mê hồn trận thế gian. Trong một bức thư cổ mà nội dung vẫn được Giáo Hội giữ gìn từ thế kỷ thứ II, thánh Ignatio giám mục Antiokia, bị nhốt trong cũi đưa về Roma để chịu án tử thú dữ cắn xé và ăn thịt giữa hý trường, ngài nhìn những kẻ đang áp giải mình, họ cũng chẳng kém gì thú dữ, và thánh dâng một lời nguyện cầu hồn cho chính mình: “Xin cho tôi được đến với ánh sáng tinh khôi, tới đó tôi được làm người.”
Vâng, ánh sáng của tất cả chúng ta bây giờ không phải là “Ánh sáng tinh khôi”. Ánh sáng của chúng ta loang nhiều sắc máu đỏ quạch, nó vẩn đục khói bụi như bầu khí trên nhiều khu công nghiệp và thành phố ô nhiễm thời nay. Gần hai mươi thế kỷ sau, ở Việt Nam Phạm Duy vẫn hát về “tiếng khóc chơi vơi thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người”. Nước mắt tiễn đưa nhiều người Đà Nẵng dành cho ông Nguyễn Bá Thanh chắc là những “tiếng khóc chơi vơi” như thế. Thánh Ignatio lại nhìn cảnh mặt trời chiều tà Trung Đông và cầu nguyện cho mình như mặt trời chìm lặn đi ở chân trời này để mọc lên ở chân trời khác trong một bình minh của “Ánh sáng tinh khôi”.
Trong sách Khải Huyền, tác giả Gioan nhìn thấy một quyển sách đóng bảy ấn niêm phong. Cuốn sách ấy trên trời dưới đất không ai mở được. Tác giả đã bức xúc bật khóc nức nở. Xảy có lời dụ rằng: đừng khóc, vì sẽ có một Chiên con mở được sách ấy. Thế rồi Chiên con đã bị tế sát xuất hiện. Chiên lãnh lấy cuốn sách và mở ấn. (Kh 5) Mở ấn tới đâu,những chuyện bi hùng thê thảm của thế gian lộ ra tới đó. Nhưng tận cùng thì thấy “Trời mới Đất mới”. Nếu được cầu nguyện cho ông Nguyễn Bá Thanh thì tôi nguyện xin rằng trên đường ông đi vào cõi u minh, có một lúc ông cũng thấy một Chiên con bên quyển sách niêm phong. Ông sẽ tìm đến và nói rằng: “Thưa Chiên con, tôi là Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng, xin Chiên con vui lòng mở quyển sách niêm phong để tôi được đọc.” Tôi tin rằng Chiên con sẽ mở. Và ông sẽ đọc đến tận cùng. Đến tận “Trời mới Đất mới”. (Kh 21, 1)
Tới đó thì con người của thân phận phù thế, đã đi qua tận thế, sẽ nhìn thấy Ánh Sáng tinh khôi của Sáng Thế. Amen.
Vũ Khởi Phụng, CSsR
Không có nhận xét nào: