Hình ảnh ông Nguyễn Ngọc Duy cùng người thân |
TNCG: Sau cuộc phỏng vấn với bà Vũ Thị Kiều Hạnh, một người gốc Việt đang sống tại Đức nói về biến cố 30.04.1975, xin mời quí vị tiếp tục theo dõi cuộc phỏng vấn của Paulus Lê Sơn, Pv GNsP với ông Nguyễn Ngọc Duy đang sống tại Toronto, Canada.
Paulus Lê Sơn: Thưa ông, xin ông giới thiệu đôi chút về bản thân mình ạ?
Ông Nguyễn Ngọc Duy: Tôi tên là Nguyễn Ngọc Duy. Tôi sanh ra ngoài Miền Trung, Quảng ngãi, và lớn lên trong Miền Nam, Vũng Tàu. Năm 1980 tôi rời Việt Nam đi tỵ nạn Cộng sản và sống tại Toronto, Canada với gia đình từ năm 1982 đến nay.
Paulus Lê Sơn: Sau ngày 30.04.1975, ông và gia đình có cuộc sống như thế nào ?
Ông Nguyễn Ngọc Duy: Sau ngày Miền Nam rơi vào tay Cộng sản, như tất cả các đồng bào khác, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vì tôi có người anh đi lính trong quân lực VNCH, chú và cậu ruột tôi cũng ở trong quân lực VNCH và đã hy sinh ngoài mặt trận, nên gia đình tôi bị xem là “gia đình ngụy”, luôn bị theo dõi, hà hiếp bởi nhà cầm quyền Cộng sản.
Bất cứ việc gì mình làm cũng sợ bị để ý. Cuộc sống lúc đó vừa khó khăn thiếu thốn, vất vả về thể xác mà vừa bất an trong tinh thần nên cho đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh, nhất là khi nhớ đến những người quen trong xóm bị họ đến gõ cửa dắt đi một cách bí ẩn và hoàn toàn bất ngờ trong đêm khuya. Có người đã về hưu nhiều năm, sống hiền lành, chỉ chăm chú giúp việc trong nhà thờ mà họ cũng đến bắt đi trong đêm, mấy năm sau thả về thì chỉ được vài ngày là chết.
Paulus Lê Sơn: Và ông đã thấy những điều gì diễn ra đối với ông và người dân miền Nam Việt Nam ?
Ông Nguyễn Ngọc Duy: Tôi đã sống tại Việt Nam hơn 5 năm sau ngày Miền Nam bị cưỡng chiếm, nên thấy rõ ràng đời sống của tôi và đồng bào toàn Miền Nam không hề được tự do như nhà cầm quyền Cộng sản vẫn liên tục rêu rao. Trên tất cả giấy tờ hành chánh, họ bắt người dân phải ghi “Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc”, nhưng thực tế cho thấy họ luôn có chủ trương đi ngược hoàn toàn những điều này.
Họ cho công an khu vực theo dõi mọi hành động của người dân, họ cài người vào trong thôn xóm để làm việc với công an khu vực, thậm chí họ mua chuộc những người trong xóm làng để theo dõi lẫn nhau, từ đó gây ra sự nghi ngờ, ngay trong gia đình mà đôi khi cũng không hoàn toàn tin tưởng được nhau.
Muốn ăn một món ngon cũng sợ bị báo cáo, muốn mua bán một món hàng cũng phải rất cẩn thận kẻo bị báo cáo, đặc biệt khi có họ hàng hoặc bạn bè từ xa đến thăm thì rất là sợ hãi, vì có thể bị gán ghép cho tội tổ chức “vượt biên”.
Thời gian này nhiều gia đình bị cưỡng đoạt tài sản, kể cả nhà cửa rồi bị tống lên rừng núi mà họ gọi là “kinh tế mới” để sống chết ra sao mặc kệ, miễn họ đạt được mục đích là chiếm được nhà cửa, tài sản của đồng bào. Các sinh hoạt tôn giáo cũng bị cấm đoán. Trước đó tôi là một huynh trưởng trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể nhưng sau ngày 30 tháng 4, 1975 thì họ bắt phải ngưng hẳn mọi sinh hoạt. Tôi không chấp nhận lối sống bị đè nén ngột ngạt và bất an như vậy nên đã liều chết ra đi để có cuộc sống tự do.
Paulus Lê Sơn: Thưa ông, sau 41 năm biến cố 30.04.1975, ông nhìn thấy Việt Nam ngày nay ra sao?
Ông Nguyễn Ngọc Duy: Sau 41 năm người Cộng sản chiếm được toàn lãnh thổ Việt Nam, một số người vẫn hy vọng cuộc sống sẽ khá hơn. Thực sự thì thời gia ấy rất dài, đủ để thay đổi được xã hội, đưa đất nước đi lên, làm cho người dân có được cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn. Khi nói về điều này thì chúng ta có thể nhìn vào sự vươn lên của nước Nhật sau thời Đệ Nhị Thế Chiến, hoặc những nước nhỏ gần với Việt Nam như Đại Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba,…
Trước năm 1975, họ đứng xa sau Miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) về mọi mặt, nhưng sau 41 năm qua, họ liên tục phát triển và bây giờ đã bỏ xa Việt Nam hàng trăm năm. Đáng tiếc là người Cộng sản không chủ trương làm cho dân giàu nước mạnh, vì họ không hề có ý hướng phục vụ đất nước và người dân, mà họ chỉ nỗ lực vơ vét tài sản của đất nước và của người dân để đồn đầy cái túi riêng của họ.
Thời gian đầu thì họ còn dùng những chiêu bài như “làm theo năng xuất, hưởng theo nhu cầu”, tài sản XHCN là của chung, … để che đậy, lừa đảo người dân, nhưng trong những năm gần đây thì họ ngang nhiên bóc lột, tranh nhau vơ vét một cách trắng trợn, không còn cần che đậy gì nữa. Dân chúng có phản ứng thì họ dùng lực lượng công an, dân phòng, tự phát, côn đồ, … đàn áp thẳng tay.
Ngoài đời sống khó khăn về kinh tế, cuộc sống tinh thần và tâm linh của người dân cũng bị xâm phạm nặng nề. Các tôn giáo vừa bị cấm đoán, hạn chế mọi hoạt động – việc gì cũng phải làm đơn xin phép, phải để bàn tay lông lá của đảng và nhà nước mó vào thì may ra mới được cho phép – vừa phải đối phó với những giáo phái “quốc doanh” do nhà cầm quyền Cộng sản lập ra để chia rẽ, phá rối và khống chế các tôn giáo, làm cho tín đồ hoang mang nhầm lẫn, không còn biết ai đúng ai sai, ai thật ai giả.
Những người dân có lòng quan tâm đến đất nước và các giá trị đạo đức, nhân bản của dân tộc mình thì hầu hết đều chịu đựng những cuộc đàn áp thô bạo, đánh đập tàn nhẫn, thương tích trầm trọng, thậm chí có những phụ nữ bị tấn công đến gãy cả chân, vỡ cả đầu, máu đổ đầy mình mà đám công an vẫn thản nhiên xua côn đồn thẳng tay đánh tiếp.
Điều đáng mừng là gần đây sự sợ hãi cũa người dân đã giảm dần, nhiều đồng bào đã nhìn ra được thảm họa Cộng sản, và đặc biệt là sự dấn thân của lớp người trẻ để tranh đấu cho Nhân Quyền và Dân Quyền, dù chưa được nhiều nhưng cũng rất đáng khích lệ. Chắc chắn trong những ngày sắp tới sẽ còn nhiều người trẻ khác cùng với đồng bào nhập cuộc để việc tranh đấu này đem lại kết quả.
Paulus Lê Sơn: Thưa ông, ông mong muốn điều gì cho dân tộc và đất nước Việt Nam ?
Ông Nguyễn Ngọc Duy: Điều tôi mong muốn chắc chắn cũng là điều người dân Việt khắp nơi mong muốn, đó là quê hương mình có được sự Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ. Tuy nhiên nếu mọi người chỉ mong muốn suông mà không chịu dấn thân tranh đấu cho điều mình muốn có, mà chỉ hời hợt theo kiểu “ngồi chờ sung rụng”, hoặc dửng dưng không đoái hoài gì đến nguy cơ của đất nước trước hiểm họa Bắc thuộc và nỗi đau của đồng bào mình sau hơn 70 năm (Miền Bắc) và 41 năm (Miền Nam) oằn mình chịu đựng dưới ách thống trị của Cộng sản, thì sẽ không bao giờ mong thấy được sự thay đổi.
Giờ đây, tập đoàn Tư Bản Đỏ đã lộ rõ bộ mặt thật dối trá bóc lột, thời gian khổ nạn của dân tộc Việt Nam đã quá dài, quá đủ, chúng ta cần nắm tay nhau đứng lên, đồng lòng hy sinh, đồng lòng dấn bước và mạnh mẽ lên tiếng để đòi lại quyền sống, quyền làm người, quyền tự quyết định những gì thuộc về mình, nhất là quyền được gìn giữ bảo vệ mảnh giang sơn gấm vóc mà cha ông chúng ta bao đời đã tuôn đổ máu đào để tô thắm và truyền lại cho chúng ta.
Khi người dân Việt Nam quên hết nỗi sợ và cùng nhau lên tiếng thì cũng là lúc tập đoàn Tư Bản Đỏ Cộng sản khiếp sợ, tranh nhau bỏ của chạy lấy người. Hạnh phúc ấm no đang chờ phía trước. Chúng ta phải nhất tâm tiến tới thì mới có thể thấy được, và mới xứng đáng được hưởng.
Paulus Lê Sơn: Xin cám ơn ông đã giành cho GNsP cuộc phỏng vấn này ạ.
Paulus Lê Sơn, GNsP thực hiện
Không có nhận xét nào: