Viết Cho Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2016 - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 12, 2016

Viết Cho Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2016

Gs Phạm Minh Hoàng - Một trong những câu hỏi gây không ít khó khăn cho các những người quan tâm đến quyền Con Người trong chúng ta là “Tại sao một nước vi phạm nhân quyền trầm trọng như VN lại được bầu làm thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ LHQ) vào năm 2013 với một tỉ lệ rất cao?”. Câu trả lời “Vì thế giới bị VN lừa gạt” có lẽ không thuyết phục cho lắm khi mọi người đều biết rằng “nhất cử nhất động” của Việt Nam đều được theo dõi từ các Tổ chức nhân quyền, của các tòa đại sứ hoặc các cơ quan ngoại giao và báo cáo thường kỳ về chính phủ nước họ, đó là chưa kể các cuộc trao đổi, gặp gỡ của các phái bộ ngoại giao, các đặc sứ LHQ về tự do tôn giáo với các anh chị em đấu tranh. Không ! câu trả lời nằm ở chỗ khác, và muốn tìm hiểu chúng ta phải đi ngược thời gian về 50 năm trước.

Vào năm 1946, LHQ thành lập Ủy ban Nhân Quyền (UBNQ) có nhiệm vụ kiểm soát việc tôn trọng nhân quyền trên thế giới (bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ chỉ ra đời năm 1948). Mà nhân quyền vốn là những khái niệm trừu tượng hơn, do con người đặt ra và diễn giải tùy tiện. Chính vì thế nên UBNQ thường xuyên là diễn đàn cực kỳ căng thẳng. Một trong những phiên họp gay go nhất đã xảy ra vào năm 2001 tại Durban (Nam Phi). Chủ đề của phiên họp là bàn về nạn kỳ thị. Tuy nhiên kỳ thị ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng chứ không đơn thuần là kỳ thị về màu da, về chủng tộc.

Vốn cực kỳ nhậy bén về tất cả những gì liên quan đến kỳ thị (theo nghĩa rộng) nên Trung Quốc dễ dàng "đánh hơi" thấy mũi dùi đang hướng vào mình qua vấn đề Tây Tạng và Pháp Luân Công, nên trước ngày khai mạc, họ đã tích cực "đi đêm", vận động hành lang để một mặt triệt tiêu tất cả các hướng tấn công đến từ các hiệp hội như Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Quan sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), UNW, Freedom House, FIDH… đồng thời xúi giục các nước Phi châu, các nước Ả Rập cũng nằm trong danh sách bị cáo nhằm làm "chìm xuồng" vấn đề Tây Tạng.

Hội nghị Durban được khai mạc trong một không khí cực kỳ căng thẳng và bát nháo như một cái chợ. Đến lúc này Trung Quốc tung ra một đòn mới: kết hợp vói các nước như Burundi, Cuba, Indonesia, Nigeria, Qatar, Myanmar, Sudan và dĩ nhiên có cả ông Việt Nam nhà mình để kết thành một khối được các quan sát viên gọi là "like-minded", tạm dịch là "cùng hội cùng thuyền" hay nói toạc móng heo ra là một “băng đảng", vì các nước trên đang nằm trên danh sách đen của UBNQ. Nhóm này chiếm một trọng lượng đáng kể nên thao túng hoàn toàn hội nghị, đồng thời chúng dựa trên một nguyên tắc là không được xâm hại đến chủ quyền quốc gia nhằm triệt tiêu mọi mũi dùi nhắm vào họ, và cuối cùng Durban đã không đạt được mục tiêu ban đầu của mình. Chưa hết, sự thao túng của nhóm các nước "băng đảng" lên đến đỉnh điểm khi họ đi đêm để loại Mỹ ra khỏi UBNQ trong nhiệm kỳ 2002 và bầu chủ tịch mới là...Libya của đại tá Kahdafi, mà sau này thế giới biết đến như một tên đồ tể.


Rút kinh nghiệm đau thương này, các quốc gia thành viên UBNQ đã nhận xét phải có những cải tổ sâu rộng, và đó là lý do ra đời của Hội Đồng Nhân Quyền (HĐNQ) vào năm 2006 thế chỗ của UBNQ. Điểm quan trọng là kể từ giờ họ tránh tình trạng đối nghịch giữa các thành viên và tìm cách “lôi kéo” các nước “băng đảng” tham gia sâu vào HĐNQ, vì theo họ các nước vi phạm nhân quyền luôn luôn phải chứng tỏ mình không hề vi phạm nhân quyền bằng cách tham gia vào các diễn đàn kiểu HĐNQ để thao túng. Với quyết định dùng “biện pháp mềm”, có lẽ cộng đồng thế giới cũng đã nhìn thấy từ các ảnh hưởng tích cực khi thu nhận Trung Quốc, Nga, VN và các nước độc tài vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới khiến cho các nước này suốt ngày phải “đuổi theo chỉ tiêu tăng trưởng”, đồng nghĩa với việc xa rời cái ý thức hệ độc tài và lỗi thời. Để dễ hiểu, ta có thể so sánh HĐNQ như một trại giáo dưỡng.


Đến đây mọi người đã hiểu tại sao VN lại “đắc cử” vào HĐNQ năm 2013 với một “đa số áp đảo”.


Tuy nhiên, điều lo lắng của Tổng thư ký Koffi Annan là “nhiều quốc gia đã tìm cách để được bầu không để bảo vệ các quyền con người, nhưng để bảo vệ mình chống lại những lời chỉ trích hay phê phán người khác” đã trở thành hiện thực. Bằng chứng là trong suốt thời gian là thành viên của HĐNQ, “thành tích” của nhà nước VN không hề giảm. Các cuộc đối thoại về nhân quyền giữa Liên Minh Âu châu và Mỹ với VN, các báo cáo của các đặc sứ LHQ về quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, các báo cáo của các tổ chức nhân quyền vẫn nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng tăng (1), thậm chí đến sự đóng góp vào HĐNQ vẫn có phần mang tính cách “băng đảng”, chẳng hạn VN là một trong những nước hiếm hoi chống lại nghị quyết của HĐNQ về lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên cho dù tình trạng lúc ấu cực kỳ trầm trọng. Câu hỏi là tại sao vẫn chưa có những biện pháp trừng phạt trước những vi phạm nhân quyền tại VN ?


Đúng là các chính phủ và các định chế chính trị và nhân quyền trên thế giới đã có quan ngại về tình hình nhân quyền tại VN, nhưng lực lượng dân chủ còn quá yếu để có thể tạo ra một áp lực, một hậu thuẫn hoặc một tiếng vang nào đó. Cứ so sánh tầm vóc chúng ta với những gì xảy ra tại Thiên An Môn năm 1989, tại Rangoon (Myanmar) năm 1988, Tunisia và Lybya năm 2011 là thấy rõ. Những vi phạm của VN vì thế dễ dàng được “thông cảm” qua những quan hệ ngoại giao và thương mại. Chắc mọi người vẫn còn nhớ đến chuyến thăm của Tổng thống Pháp Hollande tháng 9/2016 và hợp đồng mua 40 chiếc Airbus trị giá 6,5 tỷ USD !


Trở lại vấn nạn đang làm HĐNQ gặp khó khăn. Mục tiêu ban đầu của HĐNQ nói cụ thể là “chiêu dụ” các nước “có thành tích” để “giáo huấn” họ, mục đích này xem ra chưa được như ý muốn. HĐNQ hoạt động trên phương thức bình đẳng, một nước hùng cường như Mỹ cũng chỉ có một phiếu bầu như Lào hoặc Burundi là những nước nhỏ. Chính vì thế việc một cường quốc có “thành tích đen” đi mua chuộc phiếu đưa đến chuyện khống chế HĐNQ là điều không tránh khỏi. Xem tình hình thế giới ngày nay thì chỉ có một nước có khả năng làm chuyện này, đó chính là anh láng giềng phương Bắc. Với dự trữ ngoại tệ vượt 4000 tỷ USD, Trung Quốc dư sức trả nợ cho 10 lục địa châu Phi và còn nhiều hơn thế. Vì thế chỉ khi nào họ từ bỏ liên kết kiểu băng đảng thì các mục tiêu của HĐNQ mới khả thi và các chuẩn mực phổ quát mới được tôn trọng.


Tuy nhiên cách dễ dàng hơn cả là ý thức tôn trọng nhân quyền của các nước nhỏ, trong đó có VN. Nếu các lãnh đạo VN có đủ dũng khí, từng bước dân chủ hóa chế độ chính trị và lánh xa quỹ đạo kềm tỏa của Trung Quốc cũng như tôn trọng những cam kết về quyền Con Người, thì đó mới là những đóng góp cụ thể và có giá trị thực vào những mục tiêu mà HĐNQ đã vạch ra khi thành lập vào năm 2006.


Nhưng chắc chắn lúc đó sẽ chẳng còn ai tha thiết mời mọc chúng ta vào đấy làm gì !


  1. Gs Phạm Minh Hoàng
Viết Cho Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2016 Reviewed by Thành Vinh on 12/10/2016 Rating: 5 Gs Phạm Minh Hoàng - Một trong những câu hỏi gây không ít khó khăn cho các những người quan tâm đến quyền Con Người trong chúng ta là “Tại ...

Không có nhận xét nào: