Một báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh Đông Á công bố ngày 18/12 cho biết hàng may mặc trẻ em sản xuất tại hai thành phố ở Trung Quốc có chứa chất gây rối loạn hormone và hóa chất độc hại đối với hệ sinh sản.
Từ tháng 6 đến tháng 10 năm nay, tổ chức Hòa bình xanh đã mua 85 mặt hàng may mặc trẻ em tại hai thành phố sản xuất nhiều nhất Trung Quốc là Trị Lý ở tỉnh Chiết Giang và thành phố Thạch Sư ở tỉnh Phúc Kiến.
Các cuộc kiểm nghiệm được phòng thí nghiệm của bên thứ ba thực hiện độc lập phát hiện thấy chất NPE, một chất gây rối loạn hormone, trong hơn phân nửa số mẫu trong khi chín trên 10 mặt hàng làm bằng polyester dương tính với chất antimon độc hại. Chất phthalate, được biết có độc tính đối với hệ sinh sản, cũng được phát hiện ở nồng độ cao ở hai mẫu.
Lee Chih An, một giới chức của Hòa bình xanh Ðông Á, cho biết quần áo trẻ em mà tổ chức này điều tra được bán cho 98 phần trăm thành phố ở Trung Quốc và nhiều nước khác khắp thế giới bằng hình thức truyền thống và thương mại điện tử vốn đang ngày càng phổ biến.
Ngành công nghiệp sản xuất quần áo trẻ em ở Trung Quốc trị giá khoảng 165 tỉ đô la với mức tăng trưởng hàng năm dự kiến là 30 phần trăm, là một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Lee nói không có sự quản lý chặt chẽ những hóa chất được sử dụng trong hàng may mặc cho trẻ em. “Một tiêu chuẩn an toàn quốc gia đối với những hóa chất độc hại sử dụng trên hàng may mặc trẻ em nằm trong ngăn kéo của những người làm chính sách đã sáu năm nay, và chúng tôi không biết khi nào thì nó mới được ban hành,” ông Lee nói tiếp.
Ngay cả cơ quan quản lý chất lượng của Trung Quốc cũng đồng tình rằng quần áo trẻ em có thể gây nguy hại. Tháng 5 năm nay, Tổng cục Giám sát Chất lượng của Trung Quốc phát hành cẩm nang tiêu dùng khuyến cáo chọn mua quần áo trẻ em nhạt màu, không có chất làm sáng dạ quang hay có in sắc tố.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Người tiêu dùng Bắc Kinh hồi tháng 6 cho thấy 38 phần trăm quần áo trẻ em không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Hòa bình xanh nói Trung Quốc không nên tiếp tục liều lĩnh với sức khỏe của trẻ em ra và hối thúc nước này thiết lập một chính sách quản lý hóa chất mang tính toàn diện và nghiêm ngặt.
Nguồn: Greenpeace, USA Today
Không có nhận xét nào: