Tham Ô Là Lỗi Cơ Chế: Muốn Chấm Dứt, Phải Giải Thể Chế Độ! - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
19 tháng 12, 2013

Tham Ô Là Lỗi Cơ Chế: Muốn Chấm Dứt, Phải Giải Thể Chế Độ!

VRNs (19.12.2013) – Sài Gòn – Ngày 16/12/2013, Tòa án TP. Hà Nội xử đại án tham ô Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thật rầm rộ và nặng nề. Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc tất nhiên có tội nhưng bản án tử hình dành cho hai phạm nhân này không đủ để thể hiện quyết tâm bài trừ tham nhũng. Tương tự như các vụ án tham ô lớn trước đây, mọi người thừa hiểu rằng: Tham nhũng ở nước ta là do cơ chế gây ra. Đối với các nước dân chủ thì cách thức giải quyết thông thường là thay đổi nội các, và có thể điều chỉnh luật pháp; nhưng với bộ máy độc tài toàn trị đương quyền, muốn giải quyết tình trạng tham ô một cách rốt ráo thì giải pháp duy nhất là phải giải thể chế độ.

Trong những năm qua, đảng và nhà nước CSVN đã chính thức công nhận sự hiện hữu của quốc nạn tham nhũng. Do đó, vụ án Vinalines xử Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc cùng tám đồng phạm không gây ngạc nhiên cho ai. Nhưng dù vậy, một lần nữa, nó gây ra thêm bao xót xa, phẩn uất trong công luận.

Theo tin báo Tuổi Trẻ Online về vụ án Vinalines: “Chiều 16-12, sau ba ngày xét xử, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án đối với 10 bị cáo trong đại án tham nhũng tại Vinalines. Hội đồng xét xử đã tuyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc…. Theo hội đồng xét xử, Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về hành vi tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là có cơ sở. Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát cho nhà nước hơn 366 tỉ đồng.” (XEM TIN NGUỒN)

Con số “thất thoát cho nhà nước hơn 366 tỉ đồng” tương đương với hơn 100.000 lần lương tháng trung bình của một giáo viên hay công nhân lao động (khoảng $3.500.000 đồng/tháng). Nhưng đây chỉ là một vụ tham ô không may bị đổ bể, trong vô số những vụ tham ô đã và đang xảy ra nhan nhản ở nước ta. Vụ án này là thêm một bằng cứ để minh chứng tình trạng tham ô đang xảy ra trong hầu hết các lãnh vực.

Có thể nói, nếu có điều kiện để thành hình một cơ quan độc lập có thẩm quyền điều tra và truy tố đúng người, đúng tội, thì bộ máy cầm quyền hiện nay sẽ bị tê liệt hoàn toàn, vì không còn đủ người làm việc trong mỗi bộ phận, kể cả ngành Tư pháp.

Nếu bộ phận Tư Pháp có thể xử án một cách công tâm, độc lập với đảng CSVN, thì dù là theo luật lệ hiện hành, vấn đề tham ô cũng sẽ được ngăn chận một cách đáng kể. Nếu đảng CSVN thật sự muốn thanh lọc bộ máy chính quyền, họ phải trả lại quyền tự do ngôn luận cho xã hội để người dân có thể yểm trợ trực tiếp cho việc tố giác kẻ gian tham. Họ đồng thời phải gỡ bỏ sự kềm kẹp đối với giới báo chí, dù tất cả đều là cơ quan truyền thông nhà nước. Nếu giải tỏa đi sự kềm chế khắc nghiệt đang có, các ký giả có lương tâm nghề nghiệp sẽ giúp phanh phui thực trạng lạm dụng quyền lực, tham ô của công và cưỡng chiếm của dân trong một thời gian không lâu.

Nhưng tất cả giả thiết nêu trên sẽ không bao giờ trở thành hiện thực trong chế độ độc đảng thối nát hiện nay. Bởi lẽ, khi nhà cầm quyền thật sự giải quyết nạn tham ô, thì có thể là đa số viên chức của bộ máy cầm quyền hiện nay đều phải lãnh án tù và không ít người phải bị xử tử.

Xử Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cùng đồng phạm và tuyên án nặng nề là điều tất nhiên song vụ án này không thể chứng tỏ là Việt Nam có công lý, khi mà vô số cá nhân, cơ quan khác đang tiếp tục ăn cắp của công và ăn cướp của dân một cách có hệ thống. Việt Nam không phải là nước duy nhất bị khủng hoảng bởi quốc nạn tham ô, vì đó là một căn bệnh chung của các chế độ độc tài tòan trị, dù có là Cộng sản hay không. Nhưng thảm trạng tham ô ở Việt Nam đã trở nên nghiêm trọng khi tự nó chứng tỏ rằng nó là quốc nạn mang tính hệ thống của một cơ chế hoàn toàn KHÔNG có ba quyền phân lập như ở các nước phát triển khác. Hơn nữa, nó còn được đảng cầm quyền có tình dung dưỡng, bao che.

Nạn tham ô không phải là một tội cá biệt của những cá nhân phạm tội nên vụ Vinalines vừa rồi không thể hiện sự công bằng của bộ máy cầm quyền. Những vụ án “tế thần” có thể sẽ tiếp tục xảy ra khi sự va chạm giữ các nhóm quyền lợi cao cấp đã đến mức vượt khỏi giới hạn bình thường. Nhưng phía sau hậu trường chính trị và kinh tế là một bộ máy tham ô đang tiếp tục vận hành một cách quy mô, tàn bạo và có hệ thống. Những gì bị phanh phui chỉ là một phần trăm nhỏ trong hiện trạng quốc nạn tham nhũng ở nước ta.

Vấn đề tham ô đáng lên án nạn độc tài, tham ô gây thiệt hại vất chất và tinh thần một cách lớn lao cho toàn thể thành phần lao động nghèo. Nó đồng thời cũng phá hoại tiềm năng và tiến trình phát triển lành mạnh tự nhiên của một đất nước, bao gồm tất cả lãnh vực quan yếu trong xã hội. Mặt khác, điều đáng tiếc khác là những người liêm chính trong bộ máy cầm quyền cũng phải chịu ảnh hưởng liên đới từ các thành phần bất hảo trong đảng và nhà nước CSVN.

Tài sản khổng lồ của mỗi gia đình các quan chức là bằng chứng mặc nhiên. Mức độ giàu sang bất chính của các cán bộ cao cấp tự nó là biểu hiện mặc nhiên của quốc nạn tham nhũng ở Việt Nam. Nó là hậu quả tất nhiên của cơ chế độc tài toàn trị, là biểu hiện thực tế của một bộ máy cầm quyền không có cơ cấu giám sát độc lập.

Đất nước và nhân dân Việt Nam đang bị cấu xé, tàn hại bởi đảng Cộng sản Việt Nam. Hậu quả không phải chỉ là vấn đề nhân quyền thuần túy qua chuỗi bắt bớ, giam tù những người đấu tranh ôn hòa một cách phi lý. Cơ chế độc tài toàn trị đã dẫn đến tình trạng mất lãnh thổ và nguy cơ chủ quyền bị đe dọa nặng nề. Nó đồng thời gây ra bao cảnh thương tâm cho đa số quần chúng, kể cả với những gia đình đã có nhiều đóng góp, hy sinh to lớn cho giai đoạn cướp chính quyền của đảng CSVN. Vì quốc nạn tham nhũng xuất phát từ hậu quả mặc nhiên của bộ máy cầm quyền độc tài toàn trị nên chỉ có một chính thể dân chủ đa đảng đúng nghĩa mới có điều kiện và khả năng để giải trừ nó. Nói cách khác, chỉ có một chế độ chính trị cho phép xã hội, đặc biệt là các cơ quan truyền thông độc lập và những đoàn thể xã hội dân sự, được quyền tố giác những sự lạm dụng quyền lực và tham ô thì tình trạng nguy hại này mới có thể được ngăn chận, hóa giải dần. Do vậy, vấn đề tham ô ở Việt Nam sẽ tiếp tục là một quốc nạn nghiêm trọng cho đến khi chế độ cầm quyền độc tài bị giải thể.

Muốn giải quyết một cách hiệu quả và rốt ráo các vấn nạn lớn của đất nước, Việt Nam phải thay đổi cơ chế chính trị và thành phần lãnh đạo quốc gia một cách dứt khoát. Những cái gọi là “cải cách” chính trị, kinh tế, xã hội… vá víu nửa vời không thể được chấp nhận vì những thay đổi này, cho dù có được thực hiện, cũng không thể giải quyết tận gốc rễ các quốc nạn. Nếu đảng CSVN thật sự có thiện chí hoàn lương và đổi mới, họ phải nhanh chóng trả lại quyền lãnh đạo đất nước cho toàn dân.

Đã đến lúc để khẳng định rằng: Chỉ với trọng tội gây ra và dung dưỡng quốc nạn tham nhũng hoành hành một cách có hệ thống từ trên xuống dưới, chế độ đương quyền đã xứng đáng để bị giải thể!

Giải thể một chế độ độc tài theo tinh thần nhân bản thời nay KHÔNG phải là lật đổ chế độ và tiêu diệt toàn thể viên chức chính quyền, quân đội, công an. Chủ trương “Giải Thể” theo tinh thần dân chủ là chấm dứt tình trạng lãnh đạo độc tài, thiết lập một cơ chế chính trị dân chủ bằng Hiến Pháp mới, và thành hình một chính phủ dân cử qua cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do thật sự công bằng và tự do. Theo đó, nhiệm vụ các bộ phận chính quyền, quân đội, công an trong chính phủ mới là phục vụ quốc gia, thay vì chỉ là đảng hay liên minh cầm quyền, dù là không Cộng sản.

Tóm lại, muốn có điều kiện giải quyết quốc nạn tham nhũng ở nước ta, con đường duy nhất là chấm dứt chế độ độc tài toàn trị và thiết lập một chính thể dân chủ đa đảng. Chỉ có một chính phủ với tam quyền phân lập mới có thể ngăn chận hữu hiệu sự hoành hành của nạn tham ô và lạm dụng quyền lực.

Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)
Tham Ô Là Lỗi Cơ Chế: Muốn Chấm Dứt, Phải Giải Thể Chế Độ! Reviewed by Unknown on 12/19/2013 Rating: 5 VRNs (19.12.2013) – Sài Gòn – Ngày 16/12/2013, Tòa án TP. Hà Nội xử đại án tham ô Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thật rầm rộ...

Không có nhận xét nào: