VRNs (06.03.2014) – Nam Định – Vụ việc xảy ra từ lễ Giáng sinh năm 2011, Nguyễn Văn Hiền sinh năm 1988 và các bạn bị các công an viên xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng là Phạm Văn Đô, Phạm Quang Thiện, Phạm Văn Hiểu cùng một số công an viên khác vô cớ đánh đập dã man. Nhưng khi nhận được đơn tố cáo của bị hại, công an huyện Nghĩa Hưng có dấu hiệu bao che trong khi giải quyết đơn tố cáo.
Không nản lòng trong bước đường kêu oan, người thân của Nguyễn Văn Hiền đã tìm đến Văn phòng Công lý-Hòa bình DCCT Sài Gòn vào đầu năm 2014 để được hướng dẫn tiếp tục đề nghị công an huyện Nghĩa Hưng và Thanh tra công an tỉnh Nam Định xem xét, giải quyết những nội dung tố cáo của anh, xử lý vụ việc đúng pháp luật và trả lời bằng văn bản trong thời gian luật quy định.
Nội dung Nguyễn Văn Hiền tường thuật khác với những gì CSĐT công an huyện Nghĩa Hưng viết trong Bản kết luận điều tra.
Nguyễn Văn Hiền bị công an đánh dã man
Ngày 5/3/2014 anh Nguyễn Văn Hiền đã ký đơn Tố cáo như sau:
Nam Định, ngày 05 tháng 03 năm 2014
ĐƠN TỐ CÁO
Hành vi “đánh, bắt người trái pháp luật”
Hành vi “đánh, bắt người trái pháp luật”
Kính gửi: - Công an huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định
- Đồng kính gửi: - Thanh tra công an tỉnh Nam Định
Tôi tên: Nguyễn Văn Hiền, sinh năm: 1988
Nguyên quán : Xã Nghĩa Sơn, Huyện Nghĩa Hưng, Nam Định
Số CMND: 371461289 ; cấp ngày: 19-09-2007 ; tại: CA Kiên Giang
Gửi đơn tố cáo các công an Phạm Văn Thiện, Phạm Quang Đô và Phạm Văn Hiển (công an xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng, Nam Định) đã vô cớ hành hung, dùng ma-trắc đánh gây thương tích, lột áo, giựt dây chuyền, cướp ví có tiền, giấy tờ…, cụ thể như sau:
I. Nội dung vụ việc:
Tôi, Nguyễn Văn Hiền, cùng với Nguyễn Văn Duy, Trần Văn Tùng và Trần Văn Phát là người dân Xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng nhưng đi làm ăn ở xa.
Vào lúc 21h45 ngày 24-12-2011, nhân dịp về thăm quê chúng tôi có rủ nhau đến nghĩa trang thôn để thắp hương cho phần mộ ông bà, tổ tiên thuộc thôn Đại Đê, Xã Nghĩa Sơn, Huyện Nghĩa Hưng. Khi chúng tôi đang ngồi trên đất phần mộ của ông bà thì bất ngờ có một số công an thuộc công an Xã Nghĩa Sơn ập đến, soi đèn pin vào mặt rồi đánh đập, hành hung chúng tôi. Bản thân tôi bị họ khóa tay bằng khóa số 8, và lấy của tôi một sợi dây chuyền bạc, một chiếc ví màu đen trong đó có CMND, hai bằng lái xe ô tô hạng C, một bằng lái xe máy, một thẻ ATM, một điện thoại di động Nokia. Công an còn đập phá chiếc xe máy mang biển số 37K8-5649 của tôi.
Trong số công an Xã Nghĩa Sơn tôi biết rõ có các ông Phạm Văn Đô, Phạm Quang Thiện, Phạm Văn Hiển cùng một số công an viên khác. Sau khi sự việc xảy ra, tôi có đơn tố cáo và công an huyện Nghĩa Hưng đã tiến hành lập biên bản, khám nghiệm hiện trường để tiến hành xác minh điều tra.
Ngày 27/06/2012 tôi nhận được Bản kết luận điều tra số 31/KLĐT của Cơ quan CSĐT công an huyện Nghĩa Hưng và công văn số 222/CV-CAH đề ngày 27/06/2012 của công an huyện Nghĩa Hưng “V/v: Trả lời đơn tố cáo của anh Nguyễn Văn Hiền”.
II. Nhận xét và kiến nghị:
Qua những căn cứ trên, tôi có ý kiến về cách giải quyết tố cáo của công an huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định như sau:
1) Công an huyện Nghĩa Hưng đã có vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự trong việc giải quyết vụ việc. Cụ thể: theo qui định Bộ luật Tố tụng Hình sự (“BLTTHS”), cơ quan CSĐT chỉ tiến hành điều tra sau khi có Quyết định khởi tố vụ án; trước đó, công an chỉ “kiểm tra, xác minh…” để quyết định “việc khởi tố hoặc không khởi tố”. (Điều 103, 104, 105, 108 và 119 BLTTHS). Chỉ sau khi khởi tố, phân công điều tra viên, tiến hành điều tra…, cơ quan CSĐT mới “kết thúc điều tra” và “ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ vụ án” (khoản 1,2 Điều 162, Điều 163, 164 BLTTHS)… Thế nhưng, tại Bản kết luận điều tra số 31/KLĐT đề ngày 27/6/2012 (“Bản KLĐT số 31”), cơ quan CSĐT công an huyện Nghĩa Hưng đã vi phạm nghiêm trọng BLTTHS khi “thụ lý điều tra”, “tiến hành quá trình điều tra”, “kết thúc giai đoạn điều tra”… trong khi chưa ra quyết định khởi tố, chưa phân công Điều tra viên. Bản KLĐT số 31 (mục II, trang 2) nêu “…vì vậy không truy tố Hiền” trong khi chưa khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can, và không có “quyết định đình chỉ điều tra”. Ngược lại, đã “tiến hành điều tra”, “kết thúc giai đoạn điều tra”, đã “ra bản KLĐT”, cơ quan CSĐT lại “ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự…” (trang 3 Bản KLĐT số 31) là trái qui định.
2) Công an huyện Nghĩa Hưng đã thể hiện thiếu khách quan, thiên vị công an… trong khi giải quyết vụ việc:
- Tại Bản KLĐT số 31, cơ quan CSĐT nêu rõ “thụ lý điều tra vụ việc….chống người thi hành công vụ, làm nhục người khác và cố ý gây thương tích…”. Hành vị “cố ý gây thương tích” là do hai công an “đồng chí Phạm Văn Thiện và Phạm Văn Hiển” gây ra cho anh Hiền. Thế nhưng, tại Bản KLĐT số 31 chỉ nêu: “…thụ lý điều tra …đối với …Nguyễn Văn Hiền và Trần Văn Toản”. Không “thụ lý điều tra” vụ việc “cố ý gây thương tích” đối với hai “đồng chí Phạm Văn Thiện và Phạm Văn Hiển” nhưng lại kết luận: “Hành vi gây thương tích của Phạm Văn Thiện và Phạm văn Hiển không cấu thành tội….”
- Bản KLĐT số 31- do quá trình xảy ra vụ việc “anh em Hiền dùng điện thoại quay ghi hình” (trang 2), nên thừa nhận “lực lượng công an xã Nghĩa Sơn chưa thực hiện đúng qui trình công tác”…Vì vậy, cơ quan CSĐT công an huyện không khởi tố Toản về tội “chống người thi hành công vụ”…(trang 3), gián tiếp nhìn nhận những người này “không thi hành công vụ”. Nhưng ngay sau đó lại kết luận “không khởi tố” hai “đồng chí công an Thiện và Hiển” về tội “cố ý gây thương tích….trong khi thi hành công vụ”.
- Song song với Bản KLĐT số 31, công an huyện Nghĩa Hưng còn có văn bản số 222/CV-CAH cùng đề ngày 27/6/2012 gửi Anh Nguyễn Văn Hiền “trả lời Đơn Tố cáo” của Anh (“Văn bản số 222”). Văn bản số 222 này và Bản KLĐT đều do Đại tá Hoàng Công Thành ký, một với tư cách là Trường công an huyện và một với tư cách là thủ trưởng cơ quan CSĐT. Trước hết, văn bản số 222 này, vi phạm thời hạn “trả lời Đơn tố cáo” lên đến 180 ngày so với thời hạn chỉ là tối đa 60 ngày (khoản 2 Điều 103 BLTTHS). Văn bản số 222 xác định “trả lời đơn tố cáo” nhưng lại làm nhẹ đi khi nội dung lại nêu “đơn đề nghị của anh Nguyễn Văn Hiền”. Văn bản số 222 và Bản KLĐT số 31 đều có những nhận định “ngớ ngẩn” bênh vực công an như: “Vì vậy, tổ công tác đã sử dụng các biện pháp ngăn chặn là cần thiết…”, trong khi, “Các biện pháp ngăn chặn…” theo Điều 79 BLTTHS không có biện pháp nào là “cầm mũ bảo hiểm vất xuống khu mộ bên cạnh…”, “giằng co, vật lộn”, “dùng dùi cui vụt vào chân anh…”. Bản KLĐT số 31 nhìn nhận “thương tích của Anh Hiền” chỉ là “do vùng đầu”, và chỉ kết luận xảy ra “trong quá trình bắt giữ”. Còn Văn bản số 222 thì lại cho rằng “thương tích gây ra là cả do vùng đầu và do dùi cui quật”…nhưng lại cho rằng do “va đập đầu vào cạnh mộ xây”.
- Anh Hiền tố cáo bị “công an đánh, lột đồ, giựt dây chuyền, cướp ví…”. Bản KLĐT số 31 không thừa nhận đánh mà chỉ kết luận “cởi mũ bảo hiểm vứt xuống khu mộ bên cạnh” (?), không kết luận về “sợi dây chuyền”, nhưng lại kết luận về ví là “do Hiền tự cởi quần áo gây ra, vì vậy không có cơ sở điều tra, giải quyết”…Trong khi Văn bản số 222 thì thừa nhận sợi dây chuyền “đồng chí Phạm Quang Đô- P. công an xã nhặt được…Việc này, đồng chí Đô có trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm” mà không rõ là “trách nhiệm” gì? Cả hai Bản KLĐT số 31 và Văn bản số 222 đều cho rằng “trước khi bị bắt, Anh Hiền tự cởi quần áo …chỉ mặc quần xịp” …(?)
Kiến nghị: Để đảm bảo tôn trọng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hớp pháp công dân, đề nghị quý cơ quan xem xét, giải quyết những nội dung tố cáo trên của tôi (Nguyễn Văn Hiền) xử lý vụ việc đúng pháp luật và trả lời tôi bằng văn bản trong thời gian luật quy định.
Nguyễn Văn Hiền
Không có nhận xét nào: