Đức Phanxicô Đã Qua Một Năm Làm Giáo Hoàng (1) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 3, 2014

Đức Phanxicô Đã Qua Một Năm Làm Giáo Hoàng (1)

VRNs (10.03.2014) – Sài Gòn – Nhân dịp kỷ niệm một năm làm Giáo hoàng, Đức Phanxicô đã trả lời phỏng vấn tờ báo Ý mang tên Corriere della Sera, hôm 5 tháng 3 vừa qua. VRNs phỏng dịch bài phỏng vấn này theo bản tiếng Anh của hãng tin CNA. Nguyên bản tiếng Ý xin xem tại đây.

Phần 1 – ĐGH Phanxicô: Tôi đã sợ nếu Công nghị Hồng y không có một cuộc thảo luận căng thẳng

Thưa Đức Thánh Cha, có bao giờ ngài gọi điện trả lời cho những người nhờ ngài giúp đỡ mà họ lại không tin chăng ?

Có, điều đó đã xảy ra. Khi một ai đó gọi điện, anh ta muốn nói chuyện, anh ta muốn đặt một câu hỏi và cần một lời khuyên. Khi còn là một linh mục ở Buenos Aires, [tôi có thể thực hiện điều đó] dễ dàng hơn. Và đó vẫn là một thói quen của tôi. Một công việc phục vụ. Tôi cảm nhận đều ấy từ bên trong. Chắc chắn bây giờ, thật khó cho tôi để có thể trả lời hết vì khối lượng lớn thư từ mà người khác đã viết cho tôi.

Và có mối liên lạc hay một cuộc gặp gỡ nào mà ngài vẫn còn ghi nhớ với một tình cảm đặc biệt không ?

Một bà góa 80 tuổi, bà đã mất một đứa con. Bà đã viết thư cho tôi. Và bây giờ tôi vẫn gọi cho bà vào mỗi tháng. Bà hạnh phúc lắm. Tôi là một linh mục. Tôi thích điều đó.

Về mối quan hệ với vị tiền nhiệm của mình. Đã bao giờ ngài xin lời khuyên từ Đức Biển Đức XVI ?

Có chứ. Chức nguyên Giáo Hoàng không [xưa] như một bức tượng trong viện bảo tàng. Đó là một ‘truyền thống’ (institution). Chúng tôi đã không sử dụng nó. 60 hoặc 70 năm về trước, chức ‘nguyên giám mục’ không tồn tại. Nó được đưa ra sau Công đồng (Vatican II). Ngày nay, nó là một ‘truyền thống’ (institution). Chức nguyên Giáo hoàng cũng tương tự như thế. Đức Biển Đức là người đầu tiên [nhận tước hiệu này] và có lẽ sẽ còn nhiều người khác. Chúng tôi không rõ. Ngài là người kín đáo, khiêm tốn, và không muốn làm phiền [ai]. Chúng tôi đã từng nói về điều đó và chúng tôi đã quyết định với nhau rằng, sẽ là tốt hơn nếu để ngài được nhìn thấy mọi người, được ra ngoài và tham gia vào đời sống Giáo Hội. Ngài đã từng đến đây để làm phép bức tượng Tổng lãnh thiên thần Micaen, sau đó ăn trưa tại nhà trọ Santa Marta, và sau Giáng sinh tôi đã mời ngài tham dự Công nghị và ngài đã chấp nhận. Sự khôn ngoan của ngài là một món quà đến từ Thiên Chúa. Một số từng nghĩ rằng ngài sẽ nghỉ hưu ở một tu viện Biển Đức, cách xa Vatican. Tôi đang nghĩ về những bậc cao niên và sự khôn ngoan của họ. Lời khuyên của họ cung cấp sức mạnh cho gia đình, và không xứng nếu họ phải ở trong một viện dưỡng lão.

Theo chúng tôi, cách mà ngài quản trị Giáo Hội giống như thế này: ngài lắng nghe mọi người và quyết định một mình. Có chút gì đó giống như một vị bề trên cả của dòng Tên. Vậy Giáo Hoàng có phải là một người đơn độc?

Có và không. Tôi hiểu những gì bạn muốn nói với tôi. Giáo Hoàng không đơn độc trong công việc, bởi vì ngài được rất nhiều người tư vấn và đồng hành. Và, ngài sẽ trở thành một người đơn độc nếu ngài quyết định mà không biết lắng nghe, hoặc giả vờ lắng nghe. Nhưng có một thời điểm, đó là khi quyết định hay đặt chữ ký, khi đó ngài [quyết định] một mình với tinh thần trách nhiệm.

Ngài đã đổi mới, đã chỉ trích một số thái độ của các giáo sĩ và làm chấn động Giáo triều. Một số cũng đã phản kháng hay thể hiện sự phản đối. Vậy Giáo Hội đã thay đổi như ngài mong muốn cách đây một năm chưa ?

Vào tháng ba vừa rồi, tôi không hề có một dự án nhằm thay đổi Giáo Hội. Tôi cũng chẳng mong đợi các giáo phận có biến chuyển, có thể nói là như thế. Tôi bắt đầu quản trị và tìm cách đưa vào thực hành những gì đã nổi lên trong các cuộc tranh luận giữa các hồng y thuộc nhiều cộng đoàn khác nhau. Cách tôi hành động là, tôi sẽ đợi Chúa ban cho tôi nguồn cảm hứng. Tôi sẽ cho bạn một ví dụ. Chúng tôi đã bàn về việc chăm sóc đời sống tâm linh của những người làm việc trong Giáo triều, và họ đã bắt đầu thực hiện các kỳ tĩnh tâm. Chúng tôi cần phải chú trọng hơn đến các kỳ tĩnh tâm hàng năm. Mỗi người trong Giáo triều đều có quyền dành năm ngày để thinh lặng và suy gẫm, trong khi trước đây họ sẽ nghe ba bài nói chuyện rồi một số sẽ tiếp tục làm việc.

Sự tử tế (kindness) và lòng thương xót là điểm cốt lõi trong thông điệp mục vụ của ngài …

Và là điểm cốt lõi của Tin Mừng nữa. Đó là điểm trung tâm của Tin Mừng. Nếu không, người ta không thể hiểu được Đức Giêsu Kitô, lòng tốt của Chúa Cha là Đấng đã sai Đức Giêsu đến để lắng nghe chúng ta, để chữa lành chúng ta và để cứu chúng ta.

Nhưng đã có ai hiểu thông điệp này ? Ngài đã nói rằng chứng nghiện Phanxicô sẽ không kéo dài lâu. Có điều gì khiến ngài không thích về hình ảnh của mình trước công chúng chăng ?

Tôi thích ở giữa [và bình thường] như mọi người. Cùng với những người đau khổ. Khi đến với các giáo xứ. Tôi không thích lối diễn giải về một ý thức hệ, một ‘huyền thoại về Đức Giáo Hoàng Phanxicô’. Ví dụ khi người ta nói rằng, ĐGH rời khỏi Vatican vào ban đêm để đi bộ và cho những người vô gia cư ăn trên con phố Via Ottaviano. Ý tưởng ấy chưa bao giờ vụt đến trong đầu tôi. Nếu tôi nhớ không lầm, Sigmund Freud từng nói rằng, trong mọi sự lý tưởng hóa đều có một cuộc xâm lược. Miêu tả Đức Giáo Hoàng như một loại siêu nhân hay một ngôi sao, dường như khiến tôi khó chịu. Đức Giáo Hoàng là người cũng cười, cũng khóc, cũng ngủ và cũng có những người bạn như tất cả mọi người. Một con người bình thường.

Ngài có nhớ quê hương Argentina không 

Sự thật là tôi không nhớ. Tôi chỉ muốn đi thăm và được nhìn thấy người em gái của tôi, bà đang bị bệnh, bà là con út trong năm [anh chị em]. Tôi muốn gặp bà ấy, nhưng điều đó không đủ để biện minh cho một chuyến đi đến Argentina. Tôi đã gọi cho người em ấy và [tôi nghĩ] thế là đủ. Tôi không nghĩ đến việc [đến Argentina] trước năm 2016, vì tôi vừa ở Mỹ Latinh về, tại Rio. Bây giờ tôi phải đến Đất Thánh, đến châu Á, và sau là châu Phi.

Ngài vừa mới gia hạn hộ chiếu Argentina. Ngài vẫn là người đứng đầu một nhà nước.

Vâng, tôi vừa mới gia hạn vì nó sắp hết hạn.

Ngài có khó chịu không khi phải chịu nhiều cáo buộc đến từ [những người theo] chủ nghĩa Mác, hầu hết ở Châu Mỹ, sau khi công bố tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) ?

Không hẳn. Tôi chưa bao giờ chia sẻ quan điểm của ý thức hệ Mác-xít, bởi vì nó không thật, nhưng tôi biết nhiều nhân vật lớn xưng mình theo chủ nghĩa Mác.

Những vụ bê bối làm rung chuyển đời sống Giáo Hội may mắn đã đi vào quá khứ. Có một đề nghị công đã được gửi tới ngài, về chủ đề tế nhị của việc lạm dụng trẻ vị thành niên, được xuất bản bởi [một tờ báo Ý] Il Foglio kèm theo chữ ký của Besancon, Scruton và một số người khác. Bản kiến nghị muốn ngài lên tiếng chống lại sự cuồng tín (fanaticism) và lương tâm tồi (bad conscience) của một thế giới tục hóa mà hầu như không ai tôn trọng trẻ vị thành niên.

Tôi muốn nói hai điều. Các vụ lạm dụng thật khủng khiếp, vì chúng để lại những vết thương rất sâu. Đức Biển Đức XVI đã rất dũng cảm và ngài vạch ra một một con đường. Giáo Hội đã làm được nhiều việc trên con đường này. Và có lẽ nhiều hơn bất cứ ai. Số liệu thống kê về hiện tượng bạo lực đối với trẻ em thật sự gây sốc, nhưng nó cũng cho thấy rõ ràng rằng, phần lớn các vụ lạm dụng diễn ra trong môi trường gia đình và xung quanh đó. Giáo Hội Công Giáo có lẽ là tổ chức công duy nhất đã hành động với tính minh bạch và trách nhiệm. Không một ai khác đã làm được nhiều hơn, và Giáo Hội lại là người duy nhất bị tấn công.

Thưa Đức Thánh Cha, ngài từng nói ‘người nghèo [cũng] rao giảng Tin Mừng cho chúng ta’. Sự quan tâm đến tình trạng nghèo đói, dấu ấn đặc trưng nhất trong các thông điệp mục vụ của ngài, được một số nhà quan sát ví như lời tuyên xưng về ‘sự nghèo nàn.’ Tin Mừng không lên án sự an toàn về vật chất và sức khỏe (well-being). Và ông Giakêu (Zaccheus) là một người có cả sự giàu có và lòng bác ái.

Tin Mừng lên án sự sùng bái tình trạng an toàn ấy (well-being). ‘Sự nghèo nàn’ là một trong những cách giải thích quan trọng. Vào thời Trung Cổ, đã có rất nhiều dòng hành khất. Thánh Phanxicô là một thiên tài khi đặt chủ đề nghèo đói trên con đường của Tin Mừng. Đức Giêsu nói rằng người ta không thể làm tôi hai chủ, Thiên Chúa và Tiền Của. Và khi chúng ta chịu phán xét trong ngày cánh chung (Mt 25), sự gần gũi của chúng ta với nghèo khó sẽ được ghi nhận. Nghèo khó tách chúng ta ra khỏi sự tôn thờ ngẫu tượng, nó mở ra cánh cửa đến với Thượng đế (Providence). Ông Giakêu đã phân phát một nửa tài sản cho người nghèo. Với những ai chỉ giữ kho thóc (tài sản) cho riêng sự ích kỷ của mình thì vào thời cuối cùng, Thiên Chúa sẽ tính sổ với người ấy. Tôi đã nói về những gì tôi nghĩ về khó nghèo trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium).

Ngài đã chỉ ra rằng trong sự toàn cầu hóa, đặc biệt là về tài chính, có một số điều xấu đang đe dọa nhân loại. Nhưng toàn cầu hóa đã giúp hàng triệu người ra khỏi cảnh túng thiếu. Nó mang lại sự hy vọng, một cảm giác hiếm thấy và không thể nhầm lẫn với sự lạc quan.

Đúng, toàn cầu hóa đã giúp nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo đói, nhưng nó cũng bị lên án bởi nhiều người khác đã phải chết vì đói, bởi vì với hệ thống kinh tế này, nó [toàn cầu hóa] trở nên có sự chọn lọc. ‘Toàn cầu hóa’ mà Giáo Hội ủng hộ không giống như một quả cầu, trong đó mỗi điểm đều cách tâm một khoảng bằng nhau, và trong đó con người mất đi tính đặc thù của một dân tộc, ’toàn cầu hóa’ mà Giáo Hội ủng hộ là một khối đa diện với nhiều khuôn mặt đa dạng, trong đó mỗi người bảo tồn được nền văn hóa riêng, ngôn ngữ, tôn giáo và căn tính. Với nền kinh tế ‘hình cầu’ hiện nay, và đặc biệt là tài chính, toàn cầu hóa tạo ra một lối nghĩ duy nhất, một lối nghĩ yếu ớt. Trung tâm điểm không còn là con người, nhưng chỉ là tiền của.

Chủ đề về gia đình là trung tâm trong các hoạt động của Hội đồng tám hồng y. Kể từ thời điểm tông huấn về Gia đình (Familiaris Consortio) của Đức Gioan Phaolô II được công bố, đã có nhiều thay đổi [trên thế giới]. Hai Thượng Hội Đồng đã được lên lịch. [Mọi người] đang mong đợi về những điều mới mẻ​​. Ngài đã nói về những cặp ly dị: họ không đáng bị lên án nhưng phải được giúp đỡ.

Đó là một con đường dài mà Giáo Hội phải hoàn thành. Một tiến trình mà Chúa muốn. Ba tháng sau cuộc bầu cử, tôi phải đối mặt với việc tìm ra chủ đề cho Thượng Hội Đồng Giám mục. Có một đề xuất cho rằng, chúng tôi nên thảo luận về chủ đề ‘Đức Giêsu đóng góp gì cho con người ngày nay’. Nhưng cuối cùng – mà đối với tôi đó là dấu hiệu của ý Chúa – chủ đề được chọn để thảo luận là về gia đình. Gia đình đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Rất khó để hình thành [một gia đình]. Chỉ có ít người trẻ lập gia đình. [Trong khi] có rất nhiều gia đình bị ly tán, dự án cho một cuộc sống chung đã thất bại. Trẻ em phải hứng chịu rất nhiều. Chúng tôi phải cung cấp một lời giải đáp. Nhưng để làm được điều này, chúng tôi sẽ phải suy niệm thật sâu. Đó là điều mà Công nghị và Thượng Hội Đồng đang tiến hành. Chúng tôi cần phải tránh việc chỉ xem xét trên bề nổi. Cám dỗ giải quyết mọi vấn đề với những lý lẽ ngụy biện (casuistry) là một sai lầm, bên cạnh đó là việc đơn giản hóa những thứ có chiều sâu, đó là những gì mà người Biệt Phái (Pharisee) đã làm, một nền thần học rất hời hợt. Trong ánh sáng của sự suy gẫm cẩn thận và sâu sắc, chúng tôi sẽ có thể nghiêm túc đối đầu với những tình huống cụ thể, trong đó có cả những cặp ly dị, với chiều sâu mục vụ.

Tại sao bài phát biểu của Đức Hồng y Walter Kasper trong Công nghị vừa rồi (một vực thẳm giữa giáo lý về hôn nhân và gia đình với cuộc sống thực tại của nhiều Kitô hữu) lại gây ra sự chia rẽ sâu sắc giữa các vị hồng y ? Ngài có nghĩ làm thế nào để Giáo Hội có thể bước đi mệt mỏi, đề rồi dẫn đến một sự đồng thuận lớn và ổn định ? Nếu giáo lý là vững chắc, tại sao những cuộc tranh luận vẫn còn cần thiết?

Đức Hồng Y Kasper đã trình bày một bài diễn thuyết tuyệt vời và sâu sắc, nó sẽ sớm được xuất bản bằng tiếng Đức. Ngài đã đề cập năm điểm [trong bài diễn thuyết], điểm thứ năm là ‘cuộc hôn nhân thứ hai’. Tôi thực sự quan ngại nếu Công nghị không có một cuộc thảo luận căng thẳng. [Nếu như thế] Công nghị sẽ chẳng phục vụ điều gì. Các vị hồng y biết rằng, họ có thể nói những gì họ muốn, và họ có thể trình bày nhiều quan điểm phong phú khác nhau. Tình huynh đệ và sự so sánh cởi mở, sẽ giúp tư tưởng thần học và mục vụ được phát triển. Tôi không sợ điều này, tôi thực sự tìm kiếm nó.

Chí Thiện, VRN
Đức Phanxicô Đã Qua Một Năm Làm Giáo Hoàng (1) Reviewed by Unknown on 3/10/2014 Rating: 5 VRNs (10.03.2014) – Sài Gòn – Nhân dịp kỷ niệm một năm làm Giáo hoàng, Đức Phanxicô đã trả lời phỏng vấn tờ báo Ý mang tên Corriere dell...

Không có nhận xét nào: