Bùi Tín: Việc Góp Ý Kiến Cho Văn Kiện Đại Hội XII - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
21 tháng 7, 2015

Bùi Tín: Việc Góp Ý Kiến Cho Văn Kiện Đại Hội XII

Bùi Tín: Chỉ còn hơn 6 tháng nữa là Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) họp Đại hội toàn quốc lần thứ XII (trong quý 1/2016). Bộ Chính trị đã cử ra Tiểu ban dự thảo Văn kiện, trong đó quan trọng nhất là Bản Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (CHTƯ) khóa XI, rồi đến Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế 5 năm 2011-2015 và Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Bộ Chính trị đã có hướng dẫn sau cuộc họp Ban CHTƯ khóa XI từ ngày 4 đến 7 tháng 5 vừa qua, đựợc phổ biến trên báo Nhân Dân ngay sau đó (ngày 7/5/2015) về thời gian họp đại hội các cấp như sau:

- Đại hội các chi bộ và đảng bộ cơ sở hoàn thành trong tháng 6/2015;

- Đại hội các quận, huyện hoàn thành trong tháng 8/2015;

- Đại hội các tỉnh thành phố, đảng bộ Quân đội và Công an, các đảng bộ trực thuộc Trung ương: hoàn thành trong tháng 9 và tháng 10 /2015.

Bộ Chính trị còn quy định rõ tại đaị hội đảng mỗi cấp đều có mục góp ý kiến vào các bản dự thảo văn kiện của TƯ cũng như của cấp ủy tương đương. Bộ Chính trị còn hướng dẫn cụ thể các cuộc góp ý kiến cần làm tỷ mỷ, chu đáo, ghi lại trung thực chính xác trong biên bản, ý kiến của mỗi đại hội cùng ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân. Sau khi đại hội kết thúc, biên bản góp ý phải hoàn thành chậm nhất là trong vòng 10 ngày để trình lên đại hội cấp trên.

Bản hướng dẫn còn quy định các biên bản báo cáo cần nếu rõ những ý kiến chung và những ý kiến khác biệt nhau, cũng như những đề xuất và kiến nghị riêng của các đại biểu. Các ý kiến cần ghi rõ mức độ tán thành, đồng ý hay không đồng ý, bằng số liệu và tỷ lệ cụ thể, tránh chung chung. Khi nào đồng ý đạt tỷ lệ trên ¾ số người được hỏi ý kiến thì có thể khái quát là «hầu hết ý kiến đồng ý»; khi đạt đồng ý từ trên ½ đến dưới ¾ thì khái quát là «đa số ý kiến»; khi đạt trên ¼ , dưới ½ thì khái quát là «nhiều ý kiến»; khi có dưới ¼ thì ghi là «một số ý kiến», ý kiến cá biệt ghi là «có ý kiến».

Tất cả các văn kiện hiện nay mới là dự thảo, đều có thể thay đổi, sửa chữa bổ sung. Cho đến phiên họp Ban chấp hành TƯ trước Đại hội toàn quốc XII, sẽ thảo luận thông qua, hoàn chỉnh thành Báo cáo chính thức của Ban Chấp hành TƯ khoá XI trình bày trước Đại hội khoá XII.

Chỉ thị và quy định cụ thể chi ly, rõ ràng là thế nhưng trong thực tế lại khác hẳn, chưa bao giờ làm được như thế.

Qua các đại hội trước, bao giờ Bộ Chính trị cũng kêu gọi toàn dân, các tầng lớp nhân dân hãy mạnh dạn góp ý vào các bản dự thảo, đảng sẽ lắng nghe, xem xét, bổ sung vào bản dự thảo để các văn kiện của đại hội phản ánh được đúng mong muốn, nguyện vọng của toàn dân.

Trước Đại hội XI Tiểu ban dự thảo văn kiện còn báo cáo rằng Tiểu ban đã nghiên cứu tiếp thu hơn 1 triệu (!) ý kiến của đảng viên và nhân dân để bổ sung hoàn thiện các văn kiện. Thật ra đó là điều dối trá khổng lồ, trơ trẽn nhất. Vì chỉ cần so sánh bản dự thảo ban đầu với bản đã «hoàn thiện cuối cùng» thì không thấy có thay đổi gì là đáng kể cả. Việc góp ý chỉ là hình thức mỵ dân.

Năm nay, xin bà con ta hãy theo dõi kỹ mà xem. Vì cái cố tật không sao sửa được của các chế độ CS toàn trị, dù ở Liên Xô cũ, ở Trung Quốc hay ở Cuba, Bắc Triều Tiên và Việt Nam là luôn tự tin mình là chân lý, không cần nghe ai hết, cái khả năng lắng nghe người khác góp ý của người lãnh đạo, của Bộ Chính trị xưa nay bao giờ cũng là con số không.

Trước Đại hội X và Đại hội XI, một số trí thức gạo cội, đa số là đảng viên lâu năm, là nguyên phó thủ tướng, nguyên bộ trưởng, thạc sỹ, tiến sỹ, nguyên viện sỹ, giáo sư, cố vấn cho thủ tướng… nghe theo lời kêu gọi của Bộ Chính trị đã bỏ công nghiên cứu bằng trí tuệ và tâm huyết, phát biểu ngay thẳng, trung thực chính kiến của mình. Các trí thức minh triết này, với lý lẽ chặt chẽ , đã nhất trí bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin cổ lỗ, giáo điều, nhất trí bác bỏ CNXH mác-xít ảo tưởng mơ hồ, nhất trí bác bỏ mô hình độc đảng độc đoán phi dân chủ, nhất trí lên án khái niệm «lấy kinh tế quốc doanh làm chủ đạo» cản trở nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh. Nhưng Bộ Chính trị bỏ ngoài tai hết, không thèm trả lời lấy một câu. Một thái độ khinh mạn kiêu ngạo mang tính khiêu khích. Nhưng rất đáng buồn là những trí thức hiểu biết, lại có lòng ấy đã tỏ ra cam chịu, xuôi tay trước cường quyền phi lý, gần như một thái độ đầu hàng, bỏ cuộc.

Năm ngoái, sau khi các văn kiện sơ thảo cho Đại hội XII được công bố, ngày 28/7/3014, 61 đảng viên CS kỳ cựu, lão thành, phần lớn đều trên 60 tuổi, có trên 30 năm tuổi đảng, đều là trí thức dân tộc cao cấp, là thiếu tướng, đại tá, trung tá QĐND, là viện sỹ, chuyên gia cấp cao, là giáo sư, bác sỹ, nhà báo, nhà văn, luật gia hàng đầu, đã gửi một bức Thư ngỏ đầy lý lẽ và tâm huyết, tha thiết yêu cầu Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ và Đại hội XII có thái độ rõ ràng, minh bạch bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ chống sự bành trướng của Trung Quốc ở vùng Biển Đông, đồng thời từ bỏ đường lối giáo điều cổ hủ về chính trị - kinh tế, đối ngoại, mở ra con đường phát triển lành mạnh, bền vững.

Nhưng đáng tiếc là bức Thư ngỏ có giá trị cứu nước đã nhanh chóng rơi vào quên lãng, không có một hồi âm nào từ phía lãnh đạo. Thật ra cả 61 nhân vật nói trên đều có thâm niên kinh nghiệm, trí tuệ và tâm huyết cao hơn tất cả ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Ban Chấp hành TƯ hiện tại. Tôi từng quen biết rất thân thiết quá nửa số 61 nhân vật ấy, như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, từng là thủ trưởng trực tiếp của tôi khi ông ở trong Bộ Tư lệnh Quân khu IV đóng ở Vinh hồi 1959; như Trung tá Nguyễn Nguyên Bình là con gái yêu của Thiếu tướng Vĩnh, người ký tên số 61 trong Thư ngỏ, từng là phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân; như Đại tá - Giáo sư - Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Toản, vợ Trung tướng Cao Văn Khánh (đã mất) tôi quen từ thời trẻ ở cố đô Huế; như các bạn thân Nguyên Ngọc, Hoàng Tụy, Cao Sơn, Tương Lai, Vũ Quốc Tuấn… từng tâm sự cùng nhau; như các bạn nhà báo rất thân Nguyễn Kiến Phước (từng cùng ở trong Tòa soạn báoNhân Dân); như bạn Huỳnh Tấn Mẫm, cô Ngọc Trai, và các bạn Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Đào Tiến Thi, nữ nghệ sỹ Kim Chi rất đáng quý trọng.

Nhân dịp này tôi bày tỏ lòng cảm mến khâm phục của tôi với các bạn, đồng chí CS cũ của tôi thời xa xưa, đồng thời xin nói rõ để các bạn biết từ hồi 1977-78 tôi đã có kiến nghị gửi tận tay ông Trường Chinh, rồi năm 1990 sau khi sang Pháp tôi lại gửi «12 điều kiến nghị của một công dân», nhưng tất cả đều vô ích, công cốc. Khả năng lắng nghe của họ là con số không.

Vì sao vậy? Vì các nhà lãnh đạo CS có chung một bản chất: tự tin mù quáng vào học thuyết của họ còn hơn là một nhà tu hành tin vào tôn giáo của mình. Họ như sống trong một cõi trời riêng, chỉ có Mác - Lênin, Stalin, Mao, Hồ… là chân lý, lẽ phải. Họ như sống trên một thiên thể riêng, với tiếng nói riêng, lập luận riêng, không cùng khái niệm, suy luận bình thường, không cùng tiếng nói với chúng ta.

Vậy thì muốn thoát Trung, thoát giáo điều mác-xít, thoát suy thoái, thoát bế tắc, chỉ có một con đường là thức tỉnh đại khối dân tộc trong đó có đại khối đảng viên thường, không có chân trong các nhóm quan chức lợi ích riêng tư, để họ chung tiếng nói, suy nghĩ và nhất là hành động chung với chúng ta thì may ra mới có thể chuyển biến, biến đổi, chuyển hóa được. Hành động cần thiết là tổ chức xuống đường đông đảo, trật tự, không bạo lực, như Gandhi đã làm, như Nelson Mendela đã làm, như dân Đông Đức ở Leipzich, Dresden, Berlin đã làm cuối năm 1989, như dân Hông Kông mới đây đã làm tuy chưa hoàn thành.

Một việc cần làm trước mắt là tất cả mọi người Việt Nam yêu nước nên theo dõi chặc chẽ các cuộc đại hội đảng các cấp, nhất là các đại hội cấp tỉnh, thành phố, Quân đội, Công an, các đảng ủy trực thuộc TƯ vào 2 tháng 9 và 10 tới đây, xem thật sự các đại biểu đã góp ý vào bản Báo cáo Chính trị của khoá XI ra sao, với các tỷ lệ cụ thể như thế nào. Để xem còn có bao nhiêu tỷ lệ đại biểu còn tin thật sự vào chủ nghĩa Mác- Lênin, bao nhiêu còn tin ở chủ nghĩa xã hội mác-xít, bao nhiêu còn muốn đảng mang tên Cộng Sản , bao nhiêu còn muốn đảng CS giữ độc quyền lãnh đạo, và bao nhiêu vẫn còn muốn kinh tế quốc doanh giữ quyền chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân, bịt đường không cho kinh tế tư nhân tự do cạnh tranh phát triển.

Cũng cần theo dõi kỹ xem toàn dân, các tầng lớp nhân dân, trong đó có trí thức, nông dân, công nhân, nhà kinh doanh, tuổi trẻ, phụ nữ … sẽ chân thành ngay thẳng góp ý ra sao vào bản dự thảo Báo cáo Chính trị của TƯ Đảng. Qua đó công luận có thể đánh giá đúng sức khỏe của đảng CS ra sao, sức khỏe của trí thức, lao động, nông dân, tuổi trẻ ra sao… Chẳng lẽ đến hôm nay mà đại đa số đảng viên CS, đại đa số nhân dân vẫn còn mụ mỵ, mù quáng theo Bộ Chính trị, chui đầu vào 4 cái kiên trì, 4 cái thòng lọng chết người là chủ nghĩa Mác -Lênin, CNXH mác-xít, chế độ độc đảng phi dân chủ và độc quyền quốc doanh?

Với một điều kiện là Bộ Chính trị, Tiểu ban dự thảo văn kiện phải công khai, làm công việc ghi nhận, tổng hợp, báo cáo kết quả các cuộc góp ý có công tâm, làm đúng y như bản hướng dẫn của Bộ Chính trị đã gửi xuống các cấp như đã ghi ở trên, làm đúng theo điều chính Bộ Chính trị đã chỉ thị. Tôi không tin rằng lần này sự thật vẫn sẽ là như trước.
Bùi Tín: Việc Góp Ý Kiến Cho Văn Kiện Đại Hội XII Reviewed by Unknown on 7/21/2015 Rating: 5 Bùi Tín: Chỉ còn hơn 6 tháng nữa là Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) họp Đại hội toàn quốc lần thứ XII (trong quý 1/2016). Bộ Chính trị đã ...

Không có nhận xét nào: