Hai mươi năm sau ngày đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
14 tháng 12, 2011

Hai mươi năm sau ngày đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ

Radio Vatican - Phỏng vấn bà Marilisa Lorusso, giáo sư lịch sử Đông Âu tại Đại học Genova tây bắc Italia.

Cách đây 20 năm, ngày mùng 8 tháng 12 năm 1991, đế quốc cộng sản Liên Xô đã giãy chết trong âm thầm.

Bảy mươi tư năm trước đó, tức năm 1917, những người thành lập quốc gia rộng lớn nhất thế giới này là Lenin, Trotskij và Staline đã mơ ước biến Liên Xô thành một quốc gia kiểu mẫu, nơi công bằng xã hội ngự trị. Trong hơn 70 năm Liên Xô đã tự coi mình và được nhiều nước khác trên thế giới coi như trung tâm của ý thức hệ cộng sản quốc tế, và là quốc gia sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Để đạt mục tiêu đó, nhà nước cộng sản Liên Xô đã xâm lăng các quốc gia láng giềng nhỏ bé khác, bức tử nền độc lập của các dân tộc chung quanh, và thực thi một chính sách cai trị độc tài tàn bạo chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Sách lược thù hận, đấu tranh giai cấp, tàn phá qúa khứ để xây dựng xã hội mới đã khiến cho gần 70 triệu người bị tàn sát oan nghiệt: họ bị xử bắn, bị tra tấn, và chết vì đói khát và bệnh tật trong hàng trăm ngàn nhà tù và trại lao động cải tạo rải rác khắp nơi trong lãnh thổ Liên Xô, đặc biệt trong vùng Siberia băng giá. Thế nhưng sau hơn 70 năm thống trị, đế quốc sắt máu vĩ đại ấy đã giẫy chết và bị chôn vùi một cách nhục nhã, không vinh quang, không kèn trống.

Thật ra, cung cách cai trị độc tài, giáo điều, phản khoa học, ngu đần và tàn bạo của các lãnh tụ đỉnh cao trí tuệ cộng sản đã biến Liên Xô trở thành một xã hội băng hoại, rữa nát từ bên trong, như một căn bệnh ung thư không phương thuốc chữa trị.

Biểu tượng của sự rữa nát đó là biến cố bức tường Berlin tự dưng sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989. Bức tường ô nhục phân chia nước Đức này đã do lãnh tụ cộng sản Đông Đức Walter Ulbricht vâng lời đàn anh Liên Xô Nikita Krushchov dựng lên hồi tháng 8 năm 1961.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nhân dân các nước Đông Âu chuyển mình nổi lên giành độc lập, dẫn đến sự tan rã của khối Liên Bang Xô Viết.

Khách quan mà nói, ngay từ thập niên 1980, với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô hồi đó là ông Michail Gorbachiov đã thấy cần phải thay đổi cung cách cai trị và cải tổ cơ cấu xã hội liên xô. Vì thế ông đã phát động chiến dịch "Perestroika" có nghĩa là "triệt để tái thành lập" và "Glasnot" có nghĩa là "trong sáng".

Ông Gorbachiuov cũng chủ trương phải chấm dứt chiến tranh lạnh, ngưng cuộc chạy đua vũ trang và loại trừ nguy cơ của một cuộc chiến nguyện tử. Ngày 10 tháng 10 năm 1990 ông được quốc hội Liên Xô bầu làm tổng thống, nhưng sau đó ông đã phải từ chức để cho ông Boris Eltsin lên cầm quyền.

Ngày mùng 8 tháng 12 năm 1991, các tổng thống của ba cộng hòa Slave là Boris Eltsin của Nga, Leonid Kravciuk của Ucraine và Stanislav Shushkevich của Bielorussi đã nhóm họp tại một nhà nghỉ mát của chính quyền trong vùng rừng "Belovezhskaja Pushcha" gần thành phố Minsk, để quyết định giải tán Liên Bang Xô Viết. Để cứu vãn tình thế, ba người cũng đồng thời công bố việc thành lập "Cộng đồng các quốc gia độc lập" (CSI), là một loại Liên hiệp giống Liên Bang Xô Viết, nhưng không theo chủ nghĩa độc tài toàn trị và các dây ràng buộc chằng chịt của nạn bàn giấy hành chính rườm rà cộng sản.

Mười ba ngày sau đó, tức ngày 21 tháng 12 năm 1991, trong một cuộc họp tại Alma-Ata, khi đó là thủ đô Kazakhstan, các nước Azerbaigian, Armenia, Kazakhstan, Kirghigistan, Moldova, Tagikistan, Turkmenistan và Uzbekistan gia nhập Cộng đồng các quốc gia độc lập.

Vào tháng 10 năm 1993 nước Giorgia cũng là thành viên của tổ chức này, nhưng đã ra khỏi tổ chức, sau khi xảy ra chiến tranh Nga - Giorgia hồi tháng 8 năm 2008. Ba cộng hòa vùng Baltic là Estonia, Lettonia và Lituania đã không gia nhập "Liên hiệp các quốc gia độc lập", vì họ cảm thấy xa lạ đối với các dân tộc Liên Xô, và coi mình là các dân tộc bị Liên Xô xâm lăng sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Giới lãnh đạo mới của Nga hiện nay là thủ tướng Vladimir Putin và tổng thống Dmitrij Medvedev đã chỉ bất đắc dĩ chấp nhận biến cố đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ. Đề cập tới biến cố này ông Putin gọi nó là "một thảm họa chính trị địa lý lớn nhất" trong thế kỷ XX. Thật ra ông và ông Medvedev vẫn nuôi mộng tái lập khối Liên Xô, để cho nước Nga lại được mạnh mẽ và huy hoàng như xưa.

Chính vì thế trong bài xã luận đăng trên nhật báo Izvestija hồi đầu tháng 10 vừa qua, thủ tướng Putin đã hô hào thành lập "Liên Hiệp Âu Á" với các nước cựu cộng hòa Liên Xô. Tổng thống Medvedev lại còn tuyên bố rõ ràng hơn nữa: "Chúng ta là một quốc gia quen hành động một cách vĩ đại, vì đó là điều chúng ta có trong dòng máu. Đất đai rộng rãi mênh mông, các chiến thắng lớn lao: tất cả là của chúng ta. Người dân Nga ngày nay không chỉ sống các vấn đề thường ngày, mà cũng tin vào sứ mệnh lịch sử của nước Nga nữa. Vì thế chúng ta hãy mau chóng làm việc để trải rộng không gian kinh tế và văn hóa, đã bị giảm thiểu sau khi Liên Xô sụp đổ. Và quý vị biết là chúng ta sẽ thành công. Nhưng xem ra câu chuyện không đơn giản như vậy, vì sau cuộc đầu phiếu bầu quốc hội ngày 4-12-2011, đảng cầm quyền của hai ông đã không đại thắng như họ mong ước, trái lại đã bị tố cáo là gian lận bầu cử. Và trong các ngày này, đã có hàng chục ngàn người thuộc các đảng phái quốc gia rầm rộ biểu tình phản đối. Các cuộc đụng độ đã khiến cho gần 300 người bị cảnh sát bắt giữ, và có người cho rằng sau "Mùa Xuân Ả-rập" bắt đầu "Mùa Xuân nước Nga".

Chắc chắn đã có rất nhiều lý do khiến cho cho đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ, nhưng tóm lại có hai lý do chính. Trước hết là sự kiệt quệ lịch sử và ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản, giáo điều, cổ hủ, lỗi thời, mù quáng, một chiều, cứng nhắc, không sáng kiến. Tiếp đến là sự chán nản mệt mỏi của người dân đối với chế độ độc tài toàn trị, sau hơn 70 năm bị tước đoạt mọi quyền tự do, phải sống trong cảnh nghèo túng khó khăn, trong khi chóp bu lãnh đạo và các đảng viên sống phung phí, xa hoa hơn tư bản, và giành cho mình mọi ưu đãi. Mộng bá chủ hoàn cầu đã khiến cho nhà nước cộng sản Matscơva đổ dồn tài lực và nhân lực cho cuộc chạy đua vũ trang, trải rộng biên cương, bành trướng thế lực, và gia tăng ảnh hưởng. Trong khi đó thì nền kinh tế tập thể quốc hữu hóa hoàn toàn thất bại, vì không có khả năng đáp ứng các nhu cầu của đại đa số nhân dân.

Bên cạnh đó là guồng máy hành chính nặng nề, trì trệ vì nạn bàn giấy rườm rà, cán bộ các cấp giáo điều, ngu dốt, và nạn gian tham hối lộ. Tuy là công dân của nước "Liên Xô vĩ đại", nhưng người dân Nga cảm thấy "bị tước đoạt", vì họ phải hy sinh "thắt lưng buộc bụng" để nhà nước Matcơva dùng tiền bạc trợ giúp các nước chư hầu xa xôi, sống trên mồ hôi nước mắt của họ. Còn người dân các nước khác thuộc khối Liên Xô thì tức giận vì có cảm tưởng bị người Nga bóc lột, bị bắt buộc phải trồng tỉa một loại ngũ cốc hay sản phẩm duy nhất để cung cấp cho đàn anh Nga. Tuy nhiên, chính sách toàn trị, dối trá, bưng bít, ngu dân, thông tin một chiều, đã không che giấu nổi các tiến bộ trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực truyền thông và tin học toàn cầu. Và chuyện gì phải đến đã đến: đế quốc cộng sản Liên Xô sup đổ, cáo chung.

Sau đây là một số nhận định của bà Marilisa Lorusso, giáo sư lịch sử Đông Âu tại Đại học Genova tây bắc Italia, và là chuyên viên phân tích tình hình các quốc gia Đông Âu, đặc biệt là các nước vùng Caucase như Armenia, Georgia và Azerbaigian.

Hỏi: Thưa giáo sư Marilisa Lorusso, 20 năm đã trôi qua, kể từ khi đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ tan tành, tình hình Đông Âu hiện nay ra sao?

Đáp: Từ thời Liên Xô sụp đổ tới nay, quang cảnh đã thay đổi rất nhiều, không phải chỉ vì nước Nga và các dụng cụ nằm dưới tầm tay của nó đã thay đổi. Chúng ta cứ nghĩ tới các nước gần với nước Nga xem: bên Tây thì Cộng đồng Kinh tế Châu Âu đã trở thành một Liên Hiệp và đã thu hút 3 nước thuộc khối cựu Xô Viết và các nước chư hầu; bên Đông thì Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng mạnh.

Hỏi: Hai mươi năm sau ngày Liên Xô sụp đổ, thủ tướng Vladimir Putin đã "phủi bụi bóng ma" của Liên Hiệp Âu Á. Đây có phải là nỗ lực tái xây dựng một đế quốc Liên Xô "mềm nhẹ" hơn xưa không, thưa giáo sư?

Đáp: Trong bối cảnh hiện nay nước Nga đang tìm cho mình một vai trò, và một cách im lặng, nó ý thức được rằng mình không còn quyền bính để có thể cưỡng bách các nước khác như xưa, cũng không còn mãnh lực thu hút của Liên Xô trước kia nữa. Vượt ngoài các suy tư chuyên môn, văn bản hay bài viết của thủ tướng Putin đăng tải trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua trên nhật báo Nga Izvestija, trở thành điểm quy chiếu. Trong bài báo này, ông Putin đề nghị một "hiệp hội vượt trên quốc gia", với ưu tiên thuộc trật tự kinh tế. Giờ đây mối dây nối kết là kinh tế chứ không phải ý thức hệ chính trị. Sự hữu hiệu của nó sẽ là bằng chứng cho thấy các tham vọng của điện Kremlin.

Hỏi: Thưa giáo sư, các nước từng là thành viên của khối cựu Liên Xô có nhạy cảm đối với các đề nghị ve vuốt này của thủ tướng Putin hay không?

Đáp: Cũng còn tùy đấy. Nước Giorgia thì nhất định không là chú ý đến bất cứ sáng kiến nào của Nga, vì đã cắt đứt các liên lạc ngoại giao với Nga từ khi xảy ra chiến tranh giữa hai nước hồi năm 2008. Armenia thì sẵn sàng lắng nghe hơn, vì mới ký thỏa hiệp trao đổi tự do giữa các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập. Từ Azerbaigian cho tới các quốc gia Trung Á thì tình hình phức tạp hơn. Mặc dù có sự can thiệp quân sự hồi năm 2008, xem ra không có nước nào sẵn sàng chấp nhận các đề nghị của nước Nga, mà không dành cho mình một khoảng trống để có thể thương lượng.

Hỏi: Sự tan rã của khối cộng sản Liên Xô đã được các nước cựu thành viên muốn, hay là họ đã nhận chịu như vậy, thưa giáo sư?

Đáp: Cả liên quan tới điều này cũng có các phân biệt. Chắc chắn các nước từng là các quốc gia có chủ quyền tối thượng trước khi bị sát nhập vào Liên Xô, thì có khuynh hướng giành lại nền độc lập của họ, nền độc lập mà họ đã có nhưng đã bị gián đoạn bởi sự áp chế và xâm lăng của Liên Xô. Đây là trường hợp của các cộng hòa vùng Baltic hay vùng Caucase. Đối với các nước vùng Trung Á thì thách đố lớn hơn. Tuy đã có các hình thái bất đồng ý kiến, các quốc gia vùng này đã không nỗ lực hoạt động để giải tán khối cựu Xô Viết, và họ đã sống tình trạng bất ổn định nảy sinh từ sự tan rã ấy, cũng như sự ra đi của các chuyên viên và các nhà kỹ thuật Nga. Những người này từ từ về nước và giảm sự hiện diện của họ ở ngoại quốc.

(Avvenire 7-12-2011)

Linh Tiến Khải

(Nguồn: R.Vatican)
Hai mươi năm sau ngày đế quốc cộng sản Liên Xô sụp đổ Reviewed by Admin on 12/14/2011 Rating: 5 Radio Vatican - Phỏng vấn bà Marilisa Lorusso, giáo sư lịch sử Đông Âu tại Đại học Genova tây bắc Italia. Cách đây 20 năm, ngày mùng 8...

Không có nhận xét nào: