Sức mạnh của tư tưởng tích cực và tinh thần lạc quan - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
23 tháng 3, 2012

Sức mạnh của tư tưởng tích cực và tinh thần lạc quan

NEW CONDENSED EDITION
THE POWER OF POSITIVE THINKING
NORMAN VINCENT PEALE

Bản dịch
SỨC MẠNH CỦA TƯ TƯỞNG TÍCH CỰC VÀ TINH THẦN LẠC QUAN
Hà Hoàng Tâm, Cao học hướng dẫn tâm lý

LỜI GIỚI THIỆU

“THE POWER OF POSITIVE THINKING” của Dr. Norman Vincent Peale là một cuốn sách nổi tiếng có giá trị bồi dưỡng tâm linh thật cao ở Hoa Kỳ và trong thế giới Anh Ngữ. Cuốn sách được dịch giả Thụ Nhân chuyển ngữ trong 400 trang giấy khổ 5 x 8 và Phương Tây xuất bản vào đầu thập nên 70 tại Việt Nam. Mặc dầu có một cuốn sách trong tay, chúng tôi không biết Thụ Nhân là ai để liên lạc và nói chuyện ngõ hầu hiệu đính lại bản dịch mà xuất bản. (Dịch giả Thụ Nhân chuyển ngữ tựa đề cuốn sách là “SỨC MẠNH CỦA TƯ TƯỞNG”, còn chúng tôi nhận thấy phải dài dòng dùng những chữ “SỨC MẠNH CỦA TƯ TƯỞNG TÍCH CỰC VÀ TINH THẦN LẠC QUAN”, mà vẫn chưa hài lòng vì từ cốt yếu “positive” chưa được diễn tả trọn vẹn).

Dịp may hiếm có đến khi Dr. Norman Vincent Peale nhờ ông Ric Cox của nguyệt san Reader’s Digest cho thu gọn cuốn sách lại vào năm 1987. Chúng tôi đã được tác giả cho phép chuyển ý cuốn sách giá trị này.

Xin thành thực cống hiến bản dịch. Chúc quý bạn luông sống an vui hạnh phúc.

Hà Hoàng Tâm

NỘI DUNG

Lời giới thiệu
Nội dung

Lời dẫn nhập
Chương 1: tin tưởng nơi chính mình
Chương 2: tâm trí bình an sẽ tạo nên nghị lực
Chương 3: làm sao để có nghị lực bền bỉ
Chương 4: sức mạnh của cầu nguyện
Chương 5: làm sao tạo dựng được hạnh phúc cho chính
Chương 6: ước vọng những gì tốt nhất
Chương 7: tôi không tin vào thất bại
Chương 8 : làm sao để tránh thói quen lo lắng
Chương 9: sức mạnh để giải quyết các vấn đề cá nhân
Chương 10: khi thấy hết sức, hãy dùng công thức sức khoẻ này
Chương 11: làm sao để người ta thích bạn
Chương 12: liều thuốc chữa bệnh đau tim
Chương 13: làm sao múc được sức mạnh từ nguồn mạch năng lực trên cao

LỜI DẪN NHẬP

Trước khi gửi bản thảo cuốn sách SỨC MẠNH CỦA TƯ TƯỞNG TÍCH CỰC VÀ TINH THẦN LẠC QUAN cho nhà xuất bản, hai vợ chồng chúng tôi ngồi trong phòng họp của gia đình, ôn lại những năm tháng chuẩn bị để viết cuốn sách này. Trong thời kỳ đó, chúng tôi đã cầu nguyện rất nhiều để xin được Ơn Trên soi sáng hướng dẫn. Nhiều lần tôi cảm thấy rằng chính nhờ được ơn linh nghiệm, tôi mới có thể viết ra những chữ sứ điệp gói ghém trong cuốn sách, bởi lẽ trong khi viết, lúc nào tôi cũng phải cố gắng tìm hiểu xem nhu cầu đích thực của con người là gì.

Giờ đây cuốn sách kỷ niệm được 35 năm tuổi đời, nhà xuất bản cho biết cuốn sách đã được dịch ra 33 ngôn ngữ trên thế giới, bán được trên 13 triệu cuốn, và sứ điệp của cuốn sách đã được ghi vào băng thu thanh và thu hình.

Một trong các điều làm tôi hài lòng nhất là nhìn thấy các bạn trẻ vẫn tiếp tục đáp lại sứ điệp của cuốn sách đó. Tôi vẫn thường viết rằng: tất cả vấn đề tư tưởng tích cực và tinh thần lạc quan là thành quả của nhu cầu cá nhân tôi tìm hiểu thực tập, bởi lẽ khi còn nhỏ tôi rất bẽn lẽn thẹn thùng. Vì thế tôi rất phấn khởi khi được biết POSITIVE THINKING CENTER (Trung tâm Tư tưởng Tích cực) mở cửa từ năm 1987 để khám phá thêm những phương pháp mới truyền đạt chân lý, đã quyết định phát hành bản văn thu gọn như là dự án toàn quốc đầu tiên.

Bản văn thu gọn được ông Ric Cox, một nhà văn làm việc cho tạp chí Reader’s Digest biên soạn. Ông đã giữ lại những kỹ thuật và những thí dụ trong nguyên bản, những kỹ thuật và những thí dụ giúp bạn không bị thất bại vì bất cứ một nguyên cớ nào. Bạn có thể tạo được an vui trong tâm hồn, sức khoẻ khả quan và nghị lực dồi dào không bao giờ thiếu. Nói tóm lại, đời bạn sẽ tràn đầy niềm vui thoải mái.

Nền văn hoá chúng ta cũng đầy tràn những quan niệm về tư tưởng tích cực và tinh thần lạc quan. Đây là một triết lý và một cách biểu lộ niềm tin không chối bỏ các vấn đề của cuộc sống, nhưng giảng giải một đường lối thực tế và dứt khoát đáp ứng với khả năng dồi dào của cuộc sống. Đây là một hệ thống giúp sống sáng tạo tựa trên các phương pháp tinh thần. Cuộc sống của bao nhiêu ngàn người đã chứng minh hùng hồn rằng đây là một phương pháp hữu hiệu. Qua bao nhiêu năm, những nguyên lý này đã tỏ ra thật hữu hiệu nên bây giờ được coi như là những chân lý đã được kiểm chứng hẳn hòi.

Chúng tôi xin cống hiến cho tất cả quý bạn bản văn rút gọn này, bởi vì những chân lý ngàn đời này luôn luôn hữu hiệu ngày nay cũng như mai ngày. Chính vị Tôn sư vị đại nhất đã ban cho chúng ta những nguyên lý tạo nên sức mạnh này. Ngài đã sống và vẫn sống. Cuốn sách này giảng dạy một hệ thống những kỹ thuật thực tế, tuy đơn giản mà lại rất khoa học giúp chúng ta sống thành công. Hệ thống này quả thật là hữu hiệu.

Vancouver, Washington
Ngày 13 tháng 6 năm 1998
Hà Hoàng Tâm

Chương 1: Tin Tưởng Nơi Chính Mình

Bạn hãy tự tin nơi chính mình! Hãy tin tưởng nơi các khả năng bạn có. Nếu như bạn không khiêm tốn và có lý do đủ để tin tưởng nơi các khả năng nghị lực của chính bạn, không bao giờ bạn có thể thành công hoặc được hạnh phúc. Với niềm tự tin chắc chắn, bạn sẽ có thể thành công. Khi nào cảm thấy không đủ sức, không đủ khả năng, dĩ nhiên bạn sẽ bị ảnh hưởng chi phối và khó có thể đạt được các nguyện vọng của bạn; còn khi nào hoàn toàn tự tin, bạn sẽ được toại nguyện và thành đạt mỹ mãn. Chính vì thái độ tâm trí này có ảnh hưởng rất quan trọng trên cuộc đời của bạn, nên chúng tôi cống hiến bạn cuốn sách này với mục đích giúp bạn tin tưởng nơi chính mình và tận dụng các khả năng nội tâm.

Có rất nhiều người đã sống khổ sở đáng thương chỉ vì một mặc cảm tự ti, nhưng tôi không muốn bạn cũng phải rơi vào tình trạng tội nghiệp đó. Bạn có thể phát triển niềm tin tưởng nơi chính mình.

Sau một đại hội kia, có người đến nói với tôi rằng “xin cho tôi được phép nói chuyện riêng với quý ông, vì đây là một vấn đề rất quan trọng đối với tôi”.

Chúng tôi đi vào phía sau hội trường rồi cùng ngồi xuống. Ông giải thích: “Tôi tới thành phố này để đối phó với một dịch vụ quan trọng nhất cuộc đời của tôi, nhưng tôi không tin rằng tôi có thể vượt qua được. Tôi gần như tuyệt vọng vậy. Tôi không hiểu tại sao suốt đời lúc nào tôi cũng bị ám ảnh bởi một mặc cảm tự ti hành hạ. Tối nay, tôi lắng nghe bài diễn thuyết của quý ông về đề tài ‘SỨC MẠNH CỦA TƯ TƯỞNG TÍCH CỰC VÀ TINH THẦN LẠC QUAN’, và tôi muốn hỏi ông cho biết làm sao để tôi có thể có được một chút tin tưởng nơi chính mình.”

Tôi trả lời: “Cần phải có 2 bước. Bước 1: điều quan trọng nhất là phải khám phá ra cho biết tại sao ông có những tâm tình tự ti mặc cảm. Dĩ nhiên công việc này đòi hỏi phải có thời giờ để tìm hiểu và phân tích, cũng như cần phải chữa trị tuyệt căn. Tuy nhiên để giúp ông giải quyết vấn đề tức thời, tôi xin đưa ra một công thức. Tối nay trên đường về nhà, xin ông đọc đi nhẩm lại mấy lời tôi sắp đề nghị cho ông đọc sau đây. Đọc đi đọc lại nhiều lần trước khi có giờ hẹn gặp quan trọng. Cứ tin tưởng làm như vậy, chắc chắn ông sẽ có khả năng giải quyết vấn đề. Đây là những lời quyết tâm tôi muốn trao gửi cho ông: ‘Tôi có khả năng làm được mọi sự trong Đức Kitô là Đấng đã ban sức mạnh nghị lực cho tôi’ (Pl 4: 13). Bây giờ xin ông cứ nghe theo lời chỉ dẫn và mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp”.

Ông đứng dậy, đứng đó trầm lặng một lúc rồi phát biểu với một tâm tình đáng kể: “Vâng được rồi, được rồi!” Tôi nhìn ông vươn vai ra đi. Trông hình dáng ông thật não nề; tuy nhiên cung cách của ông hiện thời cũng đã cho thấy niềm tin của ông bắt đầu hoạt động trong tâm trí của ông rồi. Sau đó ít lâu, ông cho tôi biết rằng công thức đơn giản vắn gọn đó đã có công hiệu lạ lùng, và ông nói thêm rằng: “Thật không ngờ chỉ có mấy chữ trong Sách Thánh mà đã tạo được nhiều kết quả tốt đẹp”.

Trong số các căn nguyên tạo nên mặc cảm tự ti phải kể đến một số bắt nguồn từ thuở nhỏ. Tôi có thể dùng cuộc đời cá nhân riêng của tôi để chứng minh cách thức nhiều bạn trẻ hấp thụ mặc cảm tự ti.

Khi còn nhỏ, tôi có thân hình nhỏ bé một cách thảm thương. Tuy tôi có nhiều nghị lực, chơi thể thao, sức khoẻ dồi dào, và thân hình cứng cáp nhưng vẫn mảnh khảng. Tôi chỉ muốn sao cho được to lớn mập mạp. Tôi ăn thật nhiều cà-rem, bánh xúc-cù-là, bánh ngọt đủ thứ nhưng vẫn không thay đổi gì. Tôi vẫn nhỏ bé mảnh khảnh. Nhiều đêm, tôi nằm trằn trọc không ngủ được, vì cứ nghĩ ngợi buồn rầu về chuyện đó. Tôi vẫn cố gắng làm sao cho thân hình mập mạp vạm vỡ cho tới khi lên 30 tuổi, quần áo của tôi bỗng dưng nứt đường chỉ may. Khi đó, tôi mới nhận thức được rằng mình béo mập quá rồi, nên quyết định phải giảm bớt 15 cân để giữ đúng cán cân quân bình. Lần này tôi cũng lo âu không kém.

Chuyện thứ hai là mỗi người trong gia đình tôi đều có tài hùng biện trước công chúng, còn tôi chẳng bao giờ muốn như vậy cả. Họ có thói cứ bắt buộc tôi pải nói trước đám đông cho dù biết tôi líu lưỡi cứng cổ họng luôn. Tôi p hải dùng đủ mọi cách để tạo nên một chút tin tưởng vào khả năng Chúa đã ban cho tôi.

Tôi đã tìm ra được giải pháp thoả đáng trong những kỹ thuật đơn giản mà từ lâu Sách Thánh đã dạy chúng ta. Những nguyên tắc đó rất khoa học và có thể chữa được mọi mặc cảm tự ti. Xin cứ dùng những kỹ thuật và nguyên tắc đó đi, bạn sẽ giải quyết được hết mọi mặc cảm bất lực.

Đây là một vài nguồn gốc tại sao chúng ta có mặc cảm tự ti, mặc cảm đã tạo nên những bức tường ngăn cản không cho con người chúng ta phát triển. Có thể là do một va chạm tình cảm nào đó từ thuở nhỏ, có thể là do hậu quả của nghịch cảnh và trường hợp éo le, cũng có thể là do việc gì chính chúng ta làm. Tình trạng bệnh hoạn này xuất hiện từ một quá khứ mờ ảo trong tiềm thức của chúng ta.

Chẳng hạn như bạn có người anh, người chị hoặc người em học thật giỏi lúc nào cũng đứng đầu lớp, còn bạn chỉ đủ điểm trung bình thôi. Thế là bạn tưởng rằng mình sẽ khong bao giờ có thể thành công như người anh người chị người em trên đường đời này được. Về học vấn sách vở, người anh chị em đó đứng đầu, còn bạn chỉ được trung bình, nên bạn lý luận rằng trên đường đời bạn cũng sẽ chỉ có thể được trung bình thôi. Hình như bạn quên rằng nhiều người thất bại trên đường học vấn, nhưng lại trở nên những người rất thành công trên đường đời. Một người luôn đứng đầu lớp không nhất thiết luôn luôn đứng đầu tất cả các bộ môn, và như vậy đứng đầu để lãnh mảnh bằng cũng chưa có nghĩa là đứng đầu trong khi xin việc và trong sở làm.

Bí quyết quan trọng nhất để khử trừ mặc cảm tự ti (hoặc nói cách khác là tự nghi ngờ khả năng của mình quá đáng) là làm sao để tâm trí bạn tràn đầy niềm tin: tin tưởng mãnh liệt và sâu xa nơi Chúa để rồi tin tưởng thực tế nơi chính mình.

Muốn có niềm tin thực tế và hoạt động, bạn phải biết cầu nguyện, đọc Sách Thánh và thực hành những nguyên lý đức tin. Xin bạn hãy đi gặp một giáo sĩ hoặc cố vấn tâm lý, người khải đạo, để học hỏi tìm hiểu sao cho được niềm tin. Phải học hỏi và thực tập mới có được niềm tin thực tế và hoạt động.

Muốn có được những tâm tưởng tự tin, bạn phải tập trau dồi những ý nghĩ, luyện những lời nói đầy tin tưởng vào trong đầu óc của bạn. Ngay cả trong khi làm việc, bạn cũng có thể dồn những tư tưởng tự tin vào trong ý thức của bạn. Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện một người đã thực hành như vậy. Lần kia có người lái xe đưa tôi đi tới một nơi thuyết trình. Ông nói: “Trước kia, tôi cũng đầy tư tưởng do dự và ý nghĩ lo lắng. Nhưng rồi bất ngờ tôi tìm được một kế hoạch đánh tan mọi ý nghĩ tư tưởng đó ra khỏi đầu óc tâm trí, và bây giờ tôi cảm thấy rất thoải mái và tự tin”.

Đây là kế hoạch kỳ diệu đó. Ông chỉ cho tôi nhìn thấy chỗ có cắm 2 tấm danh thiệp găm vào thành xe, rồi sau đó mở ngăn kéo ra đưa cho tôi một xấp tấm danh thiệp. Ông rút ra một tấm và găm vào thành xe. Tấm danh thiệp đó có câu: “Nếu bạn có lòng tin, không có việc gì mà bạn không làm được” (Mt 17: 20). Ông cất tấm danh thiệp đó đi và rút ra một tấm danh thiệp khác, găm vào thành xe. Tấm danh thiệp này có câu: “Nếu Chúa ở về phía bên ta, nào ai có thể chống lại nổi ta” (Rm 8: 31).

Ông giải thích: “Tôi là một người đi buôn bán dạo. Tôi có thói quen lái xe chạy lòng vòng, lúc nào cũng có tư tưởng sợ sệt và ý nghĩ thất bại. Chính vì vậy mà tôi chẳng bán được bao nhiêu. Nhưng từ khi tôi dùng những tấm danh thiệp này và tập đọc thuộc lòng các câu Sách Thánh đó, tôi hết lo lắng sợ hãi. Thay vì nghĩ tới những thất bại, bất lực, bây giờ tôi chỉ nghĩ tới những thành công, can đảm và tự tin. Kế hoạch kỳ diệu đó đã thay đổi con người tôi một cách thật lạ lùng. Nhờ đó mà việc buôn bán của tôi cũng thành công kết quả hơn nữa”.

Kế hoạch của ông bạn này thật là khôn ngoan! Nhờ tâm trí tràn đầy niềm tin tưởng vào Chúa mà ông đã hết do dự lo lắng. Tiềm năng nghị lực của ông được tự do hoạt động.

Một trong các vấn đề làm cho người thời nay mất quân bình đó là vì thiếu tự tin. Người ta có làm một bản điều tra 600 sinhv iên tâm lý của một trường đại học: người ta hỏi các sinh viên cho biết vấn đề nào là vấn đề cá nhân khó khăn nhất, 75% nói rằng đó là vấn đề thiếu tự tin. Chúng ta cũng có thể suy diễn được rằng đa số dân chúng cũng vậy thôi. Đâu đâu bạn cũng gặp thấy những người co ro nhút nhát, không dám ra mặt với đời, lúc nào cũng tưởng mình thiếu khả năng, không đủ tự tin, nghi ngờ chính khả năng của mình. Trong thâm tâm, họ không tin được rằng họ có khả năng thực thi dự tính, chu toàn trách nhiệm và nhận định thời cơ. Lúc nào họ cũng nơm nớp sợ hãi một cách mơ hồ vớ vẩn rằng thế nào cũng có điều gì bất trắc xảy ra. Họ không dám tin rằng họ có đủ khả năng làm được việc họ dự tính, do đó họ tìm cách để bằng lòng với việc gì đó thua kém một chút. Hằng ngàn hằng vạn người đã bò lê bò lết qua cuộc đời với thất bại và sợ sệt. Đa số đã để uổng phí nghị lực và tiềm năng một cách vô ích.

Những phũ phàng của cuộc đời, những trở ngại khó khăn chồng chất, những vấn đề dồn dập: tất cả có khuynh hướng làm bạn mất hết nghị lực và bị chán nản ngã lòng. Trong tình trạng như thế, khó mà biết được thật sự bạn có bao nhiêu nghị lực, để rồi bạn dễ nhượng bộ cho chán nản một cách thật vô lý chẳng đúng các dữ kiện chút nào. Chính vì thế điều cần thiết là bạn pahỉ biết nhận định giá trị con người của bạn.

Bác sĩ Karl Menninger, một bác sĩ tâm lý thời danh đã nói: “Tâm tình thái độ thường quan trọng hơn sự việc dữ kiện”. Bạn nên lặp đi lặp lại câu nói trên cho đến khi nào thấm nhuần được chân lý này. Dù chúng ta có phải đối phó với sự kiện hoàn cảnh thất vọng đi chăng nữa, điều đó cũng không quan trọng bằng tâm tình thái độ chúng ta có đối với sự kiện hoàn cảnh đó. Có khi bạn đã để cho hoàn cảnh sự kiện lấn át tâm trí của bạn trước khi bạn bắt đầu đối phó. Ngoài ra có khi mẫu mực tâm tình an hoà có thể ảnh hưởng thay đổi hoàn cảnh sự kiện trên thực tế.

Vì thế khi nào bạn cảm thấy thất bại, mất hết tin tưởng, không còn đủ khả năng để chiến thắng nữa, xin bạn hãy ngồi xuống, lấy một miếng giấy liệt kê ra những yếu tố thuận lợi cho bạn, chứ đừng liệt kê những yếu tố nghịch lại bạn. Nếu như chúng ta luôn nghĩ đến những sức lực chống đối chúng ta, vô tình chúng ta đã thêm sức mạnh cho chúng rồi vậy. Còn nếu bạn dùng tâm trí để hình dung được những giá trị của bạn, để bạn bảo vệ và củng cố các giá trị đó, chắc chắn bạn sẽ thoát ra khỏi mọi khó khăn. Những sức mạnh nội tâm của bạn sẽ được kiên vững hơn để rồi nhờ Thượng đế giúp đỡ, bạn sẽ chiến thắng.

Một phương thức thần diệu để chữa bệnh thiếu tin tưởng: đó là tư tưởng giúp bạn tin rằng Thượng đế ở cùng bạn và đang giúp bạn. Đây là một giáo huấn đơn giản nhất: Thượng đế toàn năng sẽ hướng dẫn bạn trong mọi sự. Không có tư tưởng nào mạnh hơn nữa để giúp bạn tự tin là thực hành câu nói đơn giản này: “Chúa (Thượng đế) ở với tôi. Chúa giúp đỡ tôi. Chúa hướng dẫn tôi”. Mỗi ngày bạn nên dành ra ít phút để hình dung Thượng đế đang hiện diện, rồi thực hành câu nói tin tưởng trên. Sau đó làm mọi việc với niềm tin mà bạn vừa phát biểu và tin là có thật. Hãy thực tập củng cố niềm tin. Hãy hình dung ra niềm tin đó. Hãy tin thật như vậy rồi mọi sự sẽ xảy ra đúng như thế trong thực tế. Bạn sẽ ngạc nhiên thích thú khi thấy phương pháp này tăng thêm rất nhiều nghị lực cho bạn.

CHƯƠNG 2: TÂM TRÍ BÌNH AN SẼ TẠO NÊN NGHỊ LỰC

Trong bữa ăn sáng tại một khách sạn kia, có một ông phàn nàn về việc suốt đêm qua ông không ngủ được. Ông trằn trọc suốt đêm, lăn qua lăn lại cho dù ông cảm thấy rất mệt trước khi đi ngủ. Ông nhận định: “Có lẽ tôi nên thôi không nghe giờ tin tức trước khi đi ngủ, vì tối qua tôi mải mê nghe giờ tin tức và toàn là những tin tức lộn xộn không thôi à”.

Một ông khác nói: “Còn tôi thì ngủ được một đêm thật ngon. Dĩ nhiên tôi phải dùng kế hoạch đi ngủ của tôi, và bao giờ tôi cũng ngủ được ngon lành”.

Tôi dò hỏi xin ông cho biết kế hoạch đi ngủ của ông, và ông giải thích như thế này: “Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi làm nông trại, và Ba tôi có thói quen tụ họp gia đình trong phòng họp sinh hoạt chung gia đình rồi đọc Sách Thánh và cầu nguyện cho chúng tôi trước khi đi ngủ. Sau khi nghe đọc Sách Thánh và cầu nguyện xong rồi, tôi chỉ việc lên giường và ngủ thẳng cẳng. Nhưng khi sống xa gia đình, tôi cũng bắt đầu sống xa việc đọc Sách Thánh và cầu nguyện.

“Nhiều năm trôi qua và tôi nhớ lại rằng tôi chỉ cầu nguyện khi nào bị két chuyện gì thôi. Cách đây ít tháng, vợ chồng tôi có một vài chuyện trắc trở khó khăn, thế là chúng tôi quyết định thử lại xem sao. Chúng tôi nhận thấy làm như vậy rất hữu ích, nên kể từ đó mỗi đêm trước khi đi ngủ, chúng tôi cùng đọc Sách Thánh và cùng cầu nguyện. Tôi không biết rõ lý do tại sao, nhưng có một điều chắc chắn là tôi ngủ ngon hơn và mọi việc cũng tốt đẹp hơn. Hơn thế nữa, kể cả khi đi đây đó, tôi cũng vẫn dành thời giờ để đọc Sách Thánh và cầu nguyện. Tối hôm qua, tôi đã đọc lớn tiếng ca vịnh (thi thiên) 23 (Chúa là mục tử).”

Sau đó ông quay về phía người kia và nói: “Tôi không để tai tôi nghe đầy những tin tức lộn xộn trước khi đi ngủ, nhưng tôi đi ngủ với một tâm hồn thật bình thản”.

Chính đó là sự lựa chọn: “Tai đầy những tin tức lộn xộn”, hoặc “tâm hồn thật bình thản”. Bạn muốn lựa chọn đằng nào?

Điểm chính yếu của bí quyết đó hệ tại chỗ thay đổi thái độ và tinh thần trong tâm trí. Ta phải học biết cách thức để sống theo một hệ thống tư tưởng khác hẳn, và cho dù thay đổi hệ thống suy tư như vậy sẽ đòi hỏi nhiều cố gắng, nhưng dù có khó khăn mấy đi chăng nữa cũng vẫn còn dễ dàng hơn nếp sống bạn đang có. Sống lúc nào cũng căng thẳng thật là khó khăn! Sống với bình an nội tâm, sống hoà đồng không bị áp lực nào đè nén là nếp sống dễ dàng thoải mái hơn nhiều. Việc bạn phải phấn đấu cam go nhất để có được sự bình an trong tâm hồn chính là cố gắng điều chỉnh lối suy tư của bạn, để bạn có được thái độ an hoà chấp nhận ân phúc và bình an của Chúa.

Một bác sĩ y khoa đã nhận xét như sau: “Đa số các bệnh nhân của tôi chẳng có đau bệnh tật gì cả ngoại trừ bệnh tưởng tượng. Chính vì thế tôi thường viết cho họ liều (toa) thuốc thật ưng ý nhất như sau. Đây là một câu trích dẫn từ Sách Thánh, từ thư gửi Rôma 12: 2. Tôi không viết câu Sách Thánh đó ra cho mỗi bệnh nhận, nhưng muốn chính mỗi người phải tìm ra câu đó mà đọc trong Sách Thánh. Câu đó như sau: “Hãy cải hoá qua việc canh tân tâm hồn”. Những ai muốn sống hạnh phúc hơn, khoẻ mạnh hơn, nhất quyết phải canh tân tâm hồn, có nghĩa là phải thay đổi tư tưởng. Khi chấp nhận liều thuốc này, họ đã được tâm trí bình an thật sự rồi. Nhờ đó mà họ được sức khoẻ dồi dào hơn, mọi sự tốt đẹp hơn.

Phương pháp căn bản nhất để có được tâm hồn bình an: đó là phải thực tập làm cho tâm trí thật trống rỗng. Mỗi ngày hai lần bạn hãy làm cho tâm trí thật trống rỗng không còn sợ hãi, ghen ghét, bất an, tiếc nuối, mặc cảm tội lỗi gì nữa. Để tránh các tư tưởng bất hạnh tìm cách lẻn vào tâm trí, bạn hãy lập tức tìm cách làm đầy tâm trí với các tư tưởng sáng tạo và lành mạnh. Trong ngày, thỉnh thoảng thực tập suy nghĩ tới một loạt những tư tưởng bình an. Bạn hãy tưởng tượng trong tâm trí hình ảnh một quang cảnh bình an nhất mà bạn đã có dịp chứng kiến, chẳng hạn như ánh trăng vàng trên mặt hồ gợn sóng, sóng biển vỗ nhẹ vào bờ cát dài. Những hình ảnh bình an đó sẽ có tác động vào tâm trí như một liều thuốc thật công hiệu.

Xin bạn hãy nói nhè nhẹ những lời nói bình an đủ để bạn nghe được. Lời nói có sức lôi cuốn hấp dẫn sâu xa, và nói ra được những lời đó sẽ có sức chữa lành. Bạn hãy dùng những chữ như “thanh bình”: vừa nói vừa hình dung ra cảnh thanh bình. Lặp đi lặp lại một cách chậm rãi theo như tâm tình mà lời nói đó gợi lên.

Những vần thơ, những đoạn trích trong Sách Thánh cũng đều hữu ích. Tôi quen biết một người có thái độ bình thản: ông có thói quen viết trên danh thiệp những danh ngôn tư tưởng đem lại bình an. Lúc nào ông cũng để vào túi (bóp) một tấm danh thiệp và lặp đi lặp lại danh ngôn tư tưởng đó cho đến khi nào thuộc lòng được mới thôi. Ông cho biết rằng làm như thế cũng giống như là “vô dầu mỡ” bình an vào tâm trí vậy. Một trong các danh ngôn ông thường dùng là tư tưởng của một huyền sĩ thế kỷ 16: “Đừng bối rối chi! Đừng sợ hãi gì! Mọi sự sẽ qua đi ngoại trừ Thượng đế. Chỉ mình Ngài là đủ rồi!”.

Có những cách thực tế khác để tạo nên thái độ an hoà và bình thản. Một trong những cách đó là qua cách bạn nói chuyện. Nếu trong nhóm bạn đang nói chuyện mà có khuynh hướng làm mất an vui, bạn hãy thử gieo tư tưởng bình an vào câu chuyện. Muốn tâm hồn được bình an, bạn hãy nói những lời vui tươi, hạnh phúc, lạc quan, thoải mái, tích cực trong câu chuyện riêng tư cũng như công cộng.

Một kỹ thuật hiệu nghiệm khác nữa để tạo nên tâm trí bình an: đó là mỗi ngày thực tập yên lặng. Mỗi ngày hãy quyết tâm để dành ít nhất là 15 phút hoàn toàn thinh lặng. Bạn hãy đi tới một nơi nào thật vắng vẻ, ngồi hoặc nằm xuống và giữ yên lặng hoàn toàn trong ít nhất là 15 phút. Đừng đọc sách hoặc viết lách gì cả. Cũng đừng suy nghĩ gì hết. Hãy để tâm trí ở vào tâm thức vô vi. Hãy tưởng tượng coi như tâm trí bạn là mặt nước hồ phẳng lặng, không một chút gợn sóng. Khi bạn đã đạt tới tâm trạng thanh thản đó rồi, hãy lắng nghe những âm thanh hoà hợp kỳ thú, những âm thanh Thượng đế dành cho bạn và bạn chỉ có thể nghe được trong thinh lặng.

Bạn hãy để cho tư tưởng của bạn tích luỹ chứa chất đầy những kinh nghiệm bình an, những lời nói an hoà, những tư tưởng thư thái ngõ hầu chung cuộc là bạn sẽ có một kho tàng đầy những kinh nghiệm kiến tạo bình an, để rồi khi nào cần, bạn cứ trở lại vào đó mà khai thác để canh tân bồi bổ tâm trí bạn. Chính đó là nguồn sinh lực vô biên vậy.

CHƯƠNG 3: LÀM SAO ĐỂ CÓ NGHỊ LỰC BỀN BỈ

Cách thức ta nhận định thấy ta có cảm giác thế nào rất có ảnh hưởng trên cách thức ta cảm giác trên thực tế. Nếu như trí óc bạn bảo rằng bạn mệt nhọc, các cơ năng thể xác và những giây thần kinh cũng như những bắp thịt chấp nhận thực tế đó. Nếu tâm trí của bạn lúc nào cũng chú ý quan sát tinh tường, bạn sẽ có sức làm việc vô hạn. Tôn giáo cũng hoạt động như vậy qua hệ thống tư tưởng của ta. Thật ra tôn giáo là một hệ thống tư tưởng có kỷ luật. Tôn giáo giúp bạn thực hiện được những hoạt động kỳ diệu, vì tôn giáo nhắc nhở cho biết rằng bạn có nguồn hỗ trợ vô biên và năng lực thật dồi dào.

Một người bạn của tôi, một người rất hoạt động, đầy hăng say và sức sống, thường hay nói rằng ông đi nhà thờ thường xuyên đều đặn để “sạch bình điện” của ông. Quan niệm của ông thật đúng! Thượng đế chính là nguồn mọi năng lượng trong vũ trụ: năng lượng nguyên tử, ngăng lượng điện lực, năng lượng tinh thần.

Tiếp xúc với Thượng đế sẽ cung cấp cho ta cùng một nguồn năng lượng tái tạo vũ trụ và canh tân bộ mặt trái đất mỗi độ xuân về. Khi tinh thần của ta tiếp xúc với Thượng đế, nguồn năng lượng thần linh sẽ tuôn trào vào toàn thể con người của ta, sẽ tự động làm sống lại hành động sáng tạo y như thuở ban đầu. Những nguyên lý của Kitô giáo nếu được áp dụng một cách nghiêm chỉnh và khoa học, sẽ có thể tạo nên nguồn sinh lực liên tục trong tâm trí và thể xác con người.

Tất cả những vĩ nhân mà tôi biết, những người đã chứng tỏ khả năng hoạt động kỳ diệu đều là những con người biết sống hoà hợp với Đấng Vô Biên. Những con người đó đều sống hoà hợp với thiên nhiên. Không nhất thiết là họ phải tỏ ra mộ đạo, nhưng tất cả đều chứng tỏ có một nếp sống đặc biệt có tổ chức trật tự về phương diện tình cảm cũng như tâm lý. Bản tính quân bình tự nhiên chỉ bị mất đi vì những sợ hãi, vì những uất ức, vì những đổ lỗi cho cha mẹ khi mình còn nhỏ, vì những mâu thuẫn, vì những ám ảnh nội tại khi mất quân bình: khi đó hao tổn sức lực tự nhiên là việc phải xảy đến.

Tôi tin rằng chúng ta không mất nghị lực hoặc năng lượng vì tuổi tác hoặc hoàn cảnh. Mỗi trang giấy trong Sách Thánh đều nói tới năng lượng, nghị lực và sức sống. Ngôn từ quan trọng nhất ở trong Sách Thánh là chữ “sống”, mà “sống” có nghĩa là nghị lực, là đầy năng lượng. Nói như thế không có nghĩa là ta tránh được mọi đau khổ và khó khăn trở ngại, nhưng có nghĩa là: nếu ai thực hiện được những nguyên lý của Kitô giáo một cách sáng tạo và quyền biến, người đó có thể sống đầy chí khí và nghị lực.

Việc thực hiện những nguyên lý của Kitô giáo sẽ giúp con người sống hoà hợp tự nhiên. Chúng ta mất nghị lực chỉ vì sống một cách bất thường không theo nhịp điệu tự nhiên. Muốn duy trì được nghi lực, chúng ta phải hoạt động vận chuyển theo nhịp điệu của Thượng đế. Ngài ở trong bạn. Nếu bạn đi theo một nhịp, Ngài đi theo một điệu, bạn sẽ bị lạc lõng xét lẻ. Khi nào bạn sống hoà nhịp với Thượng đế, bạn sẽ sống hoà nhịp với chính mình va fnhờ đó nguồn sinh lực sẽ tuôn trào một cách tự nhiên.

Muốn được hoà nhịp với Thượng đế, một ngày đẹp trời nào đó, xin bạn hãy ra khỏi gian phòng chật hẹp, hãy đi tới một bãi cỏ xanh rờn, rồi xin bạn nằm trên đó và ghé tai sát mặt đất để mà lắng nghe. Bạn sẽ nghe thấy tiếng gió rì rào qua lá cây rung rinh, tiếng côn trùng nỉ non, rồi bạn sẽ nhận thấy trong tất cả những thứ tiếng đó có một nhịp điệu hoà hợp. Bạn không tài nào nhận ra nhịp điệu hoà hợp đó khi nghe tiếng xe cộ vận chuyển trong phố xá đông người, vì tiếng xe cộ rất hỗn độn lộn xộn. Bạn có thể nhận ra nhịp điệu hoà hợp này khi bạn lắng nghe Lời Chúa và tiếng ca hát trong Nhà Thờ. Trong Nhà Thờ, chân lý âm vang theo nhịp điệu của Thượng đế.

Để tránh mệt nhọc và muốn có nghị lực, bạn hãy tìm ra đường lối đi vào nhịp điệu thiết yếu của Thượng đế toàn năng và các công trình của Ngài. Muốn thực hiện được như vậy, xin bạn hãy để thể xác bạn nghỉ ngơi tĩnh dưỡn. Rồi nghĩ rằng tâm trí bạn cũng nghỉ ngơi tĩnh dưỡn như vậy. Cứ để tâm trí nghỉ ngơi tĩnh dưỡng như vậy, trong khi đó hình dung ra linh hồn cũng nghỉ ngơi thoải mái, rồi cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, Ngài là nguồn mọi năng lượng. Ngài là nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng nguyên tử, năng lượng trong thể xác, năng lượng trong mạch máu, năng lượng trong tâm trí. Giờ đây xin cho con nhận được một chút năng lượng từ nơi Ngài là nguồn năng lượng vô tận”. Rồi bạn hãy thực tập tin tưởng rằng bạn đang lãnh nhận một chút năng lượng đó. Xin bạn hãy sống hoà nhịp với Đấng Vô Biên.

Muốn sống với nguồn năng lượng vô tận bền bỉ, điều quan trọng là bạn phải sửa sai những lỗi lầm về tình cảm. Chỉ khi nào sửa sai xong những lỗi lầm đó, bạn mới có được đầy đủ năng lượng. Một nhà thể thao thời danh có nói rằng không lực sĩ nào có được đầy đủ năng lượng nếu như không có tinh thần đạo hạnh. Thật ra ông chẳng muốn đội thể thao của ông có một lực sĩ nào không thân thiện với bạn đồng đội. Ông nói: “Tôi muốn mỗi người đều có năng lượng tối đa, và tôi khám phá ra rằng ai giận ghét người khác, người đó không thể nào có được năng lượng tối đa. Giận ghét gây trở ngại cho năng lượng phát triển. Chỉ khi nào bỏ được lòng thù hận giận ghét, để phát triển tình thân thiện, người ta mới có cơ hội phát triển được năng lượng”. Nhiều người thiếu ý chí nghị lực là vì họ có những mâu thuẫn sâu xa căn bản về đời sống tình cảm và tâm lý, chẳng hạn như mặc cảm tội lỗi và sợ hãi lo lắng. Tuy nhiên vẫn có thể chữa lành được tất cả.

Cách thức chắc chắn nhất để khỏi mệt nhọc chính là bạn hãy dấn thân làm công việc gì mà bạn tin tưởng xác tín nhất.

Một nhà chính trị thời danh mỗi ngày diễn thuyết 7 lần mà vẫn con tràn đầy năng lượng. Có lần tôi đặt câu hỏi: “Tại sao ông không mệt mỏi gì sau khi diễn thuyết 7 lần như vậy?” Ông trả lời: “Tại vì tôi tin tưởng một cách tuyệt đối vào những điều tôi thuyết trình. Tôi cảm thấy phấn khởi vì lòng tin tưởng của tôi”.

Chính đó là bí quyết của ông. Làm việc gì ông cũng hăng say. Ông tỏ ra hết mình và không bao giờ thiếu năng lượng hoặc sinh lực. Bạn chỉ mất năng lượng khi tâm trí bạn nhận thấy cuộc đời buồn chán. Khi tâm trí chán chường rồi, bạn sẽ cảm thấy mệt nhọc chẳng còn muốn làm gì nữa. Đâu có ai bắt buộc bạn phải mệt nhọc. Bạn hãy cảm thấy hứng thú phấn khởi làm một việc gì đi. Bạn hãy quyết định dứt khoát làm một việc gì đi. Bạn hãy hoàn toàn dấn than làm việc hết mình đi. Bạn hãy ra khỏi cái vỏ ích kỷ của chính mình. Bạn hãy tỏ ra bạn là một con người đáng giá. Hãy làm một việc gì. Đừng chỉ ngồi không rồi than vắn thở dài về chuyện này chuyện khác. Đừng đọc báo rồi thắc mắc “tại sao không ai làm việc gì cả?” Người nào ham hoạt động sẽ không bao giờ biết mệt. Bạn có mệt nhọc cũng đâu có gì là lạ vì bạn không có một lý do nguyên cớ cao thượng nào để sống. Sống không có mục đích hoặc hy vọng gì, bạn sẽ dễ tiêu tan, dễ chết mòn và chết non. Càng dấn thân làm việc hết mình vì một công việc cao thượng tốt đẹp hơn chính mình bao nhiêu, bạn càng có được nhiều năng lượng nghị lực bấy nhiêu.

CHƯƠNG 4: SỨC MẠNH CỦA CẦU NGUYỆN

Khi cầu nguyện, bạn được tiếp xúc với quyền lực mạnh mẽ nhất trên thế giới này. Bí quyết của cầu nguyện là tìm ra cách thức cầu nguyện hữu hiệu nhất giúp bạn khiêm nhường, cởi mở tâm trí hướng về Thượng đế. Hễ có cách thức nào giúp bạn khai thông được quyền lực của Thượng đế tuôn trào vào tâm trí bạn, chính đó là cách thức chính đáng.

Đây là trường hợp chứng tỏ cách dùng lời cầu nguyện một cách khoa học do kinh nghiệm của một nhà tiểu thương ở Nữu ước cách đây ít năm bằng cách dùng chữ “có một lỗ nhỏ trong tường”. Lúc đâu ông chỉ có một nhân viên, nhưng chỉ vài năm sau họ di chuyển sang một phòng lớn hơn, rồi tới một cơ sở vĩ đại. Mọi hoạt động chứng tỏ ông rất thành công.

Cách thức ông dùng trong nghề nghiệp được ông diễn tả như là dùng lời cầu nguyện để lấp trống “lỗ nhỏ trong tường” đó. Ông tuyên bố cho biết rằng bí quyết của thành công là chịu khó làm việc, tư tưởng lạc quan, xử sự công bình, đối xử tử tế với người, và cầu nguyện đàng hoàng. Ông đã tìm ra công thức sức mạnh của lời cầu nguyện. Công thức đó như sau: 1. Cầu nguyện, 2.Hình dung, 3. Hình thành.

Ông hiểu “cầu nguyện” có nghĩa là môt hệ thống giúp cầu nguyện mỗi ngày một cách sáng tạo. Khi có vấn đề, ông nói thẳng vấn để đó trực tiếp với Chúa. Hơn thế nữa, ông quan niệm rằng Thượng đế luôn ở bên ông trong sở, ở nhà, ngoài phố, cùng đi xe y như một người bạn đường hoặc bạn đời. Ông có quan niệm nghiêm chỉnh vì lời Sách Thánh khuyên “phải cầu nguyện luôn không khhi ngừng” (Mt 26: 41). Ông giải thích rằng như thế có nghĩa là mỗi ngày cần thảo luận với Thượng đế về mọi vấn đề gặp phải trong ngày một cách bình thường tự nhiên. Ông không quỳ gối xuống đọc kinh, nhưng thường tâm sự với Thượng đế những lời như: “Lạy Chúa, con phải làm sao đây?”, hoặc “Xin soi sáng hướng dẫn cho con một đường lối mới để đi.”

Điểm thứ hai của công thức đó là “hình dung”. Nguyên lý căn bản của vật lý là “sức lực”. Khi nào bạn “hình dung” thành công hay thất bại thất mãnh liệt y như thể sự thật, trên thực tế thành công hay thất bại sẽ được “hình thành” như bạn hình dung ra trong tâm trí vậy.

Muốn cho chắc chắn có được một điều gì đáng giá xảy ra, trước hết phải cầu nguyện cho được điều đó, rồi thử xem điều đó có phải là thánh ý Chúa hay không, rồi hình dung ra điều đó, dùng tâm trí thấy hình tượng điều đó xảy ra ý như trên thực tế, bảo vệ hình tượng đó trong tâm thức. Phó thác hình tượng đó cho thánh ý Chúa, có nghĩa là để cho bàn tay Chúa làm việc, và theo như lời Ngài hướng dẫn. Hãy chịu khó kiên tâm làm việc, như vậy là bạn đã đóng góp phần của bạn vào việc tạo dựng thành công. Hãy thực tập tin tưởng và bảo vệ hình tượng đó trong tư tưởng. Cứ làm như vậy, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi chứng kiến được hình tượng đó trở thành sự thật một cách kỳ diệu. Đó là cách hình tượng trở thành hành động cụ thể. Bạn đã cầu nguyện thế nào, hình dung ra thế nào, giờ đây hình thành y như thế đó, y như lòng bạn mong ước khi bạn cầu xin quyền lực của Thượng đế và phó thác tín nhiệm để dấn thân trọn vẹn để thực hiện.

Tôi đã thực hành đường lối cầu nguyện này và nhận được nhiều sức mạnh. Nhiều người khác cho biết cầu nguyện như vậy giúp cho họ cảm nghiệm được nhiều sinh lực sáng tạo.

Chẳng hạn như có một bà kia khám phá ra rằng chồng bà đang tìm cách lìa xa bà. Cuộc đời hôn nhân của họ lúc đầu thật hạnh phúc, nhưng rồi người vợ quá lo các vấn đề xã hội, còn người chồng chỉ bận rộn ham làm ăn. Khi biết được rằng mối tình lứa đôi thân mật thuở ban đầu không cò nữa, họ cũng biết có lẽ cũng đã khá muộn. Một ngày kia bà khám phá ra được chồng để ý tới một người đàn bà khác. Thế là bà hoảng hốt. Bà hỏi ý kiến giáo sĩ. Vị giáo sĩ này dạy bà phương pháp cầu nguyện “hình dung”. Ngài cũng khuyên bà giữ vững trong tâm trí hình tượng cảnh thân tình ấm cúng thuở xưa, luôn tin tưởng vào các đức tính tốt của chồng, và tưởng nhớ đến ngày hai bên hoà giải kết hợp lại. Ngài khuyên bà cứ giữ vững hình ảnh đó với niềm tin.

Đến lúc này, chồng bà cho bà biết rằng ông muốn ly dị. Bà trán tĩnh bình thản trả lời rằng nếu thật sự ông muốn ly dị, bà cũng đồng ý, nhưng bà xin đề nghị ông hoãn lại quyết định đó ít ngày. Bà nói: “Nếu sau 90 ngày mà ông vẫn còn muốn ly dị, tôi cũng sẵn sàng chấp thuận”. Ông nguýt bà một cách kỳ cục vì cứ tưởng rằng bà sẽ làm bù lu bù loa.

Đêm này qua đêm khác, ông đều đi biền biệt không có mặt ở nhà. Mỗi đêm vò võ một mình ngồi ở nhà, bà hình dung ra ông ngồi trong chiếc ghế cổ cũ của gia đình. Bà hình dung ra ông lau bát đĩa khi hai người mới cưới. Bà hình dung ra những ngày hai người cùng chơi thể thao trên sân cỏ.

Bà bảo vệ hình tượng đó với niềm tin mãnh liệt, và bỗng một đêm, thật sự ông đã ngồi trên chiếc ghế cổ của gia đình. Rồi ông vẫn tiếp tục vắng nhà nhưng nhiều đêm ông về nhà ngồi trên chiếc ghế cổ đó. Rồi vào một buổi chiều thứ bảy, ông nói: “Bà nghĩ gì về một giờ đi dạo trên sân cỏ?”

Ngày qua ngày mọi sự diễn tiến tốt đẹp cho đến khi bà thấy cuốn lịch ghi ngày 90 đã tới. Chiều hôm đó bà nói với ông một cách nhỏ nhẹ: “Hôm nay là ngày thứ 90 rồi đó!” Ông tỏ vẻ bối rối hỏi lại: “Ngày thứ 90 vì vậy?” Bà trả lời: “Anh không còn nhớ ra sao? Chúng mình đã đồng ý là chờ 90 ngày cho qua rồi sẽ quyết định dứt khoát nên ly dị hay không mà!”

Ông nhìn thẳng vào bà một lúc; sau đó ông che mặt sau trang sách ông vừa mở rồi nói: “Nói gì kỳ cục vậy? Làm sao anh có thể sống vắng bóng em được. Tại sao em có tư tưởng bỏ anh vậy?”

Tôi biết khá nhiều người đã dùng phương pháp đó một cách thành công. Nếu biết áp dụng phương pháp này một cách thành tâm và chuyên chăm, bạn sẽ nhận thấy đây là một phương pháp cầu nguyện hữu hiệu lạ lùng, và kết quả thật đặc biệt. Những ai dùng phương pháp này một cách chuyên chăm cũng sẽ thu lượm được kết quả kỳ thú.

CHƯƠNG 5: LÀM SAO TẠO DỰNG ĐƯỢC HẠNH PHÚC CHO CHÍNH MÌNH

Ai là người có quyền làm cho bạn vui sướng hay khổ sở? Thưa: người đó không phải là ai khác ngoài chính mình bạn.

Trong một chương trình truyền hình, người điều khiển chương trình mời một cụ già phát biểu cảm tưởng về cuộc sống. Quả thật đây là một cụ già hiếm có. Tất cả những điều cụ phát biểu chỉ là bộc trực đột xuất hoàn toàn, không có đắn đo suy nghĩ chuẩn bị gì trước. Tất cả những lời nói, những cảm tưởng đều phát xuất từ con người hớn hở vui tươi và hạnh phúc. Bất cứ điều gì cụ nói cũng tỏ ra cụ rất chân thành cởi mở, đúng lúc, thích hợp làm cho cử toạ cười vui thoải mái. Dĩ nhiên ai cũng thích cụ. Người điều khiển chương trình cùng vui hưởng những lời nói, những cảm nghĩ với mọi người và rất cảm phục cụ già.

Cuối cùng ông hỏi cụ già lý do gì đã giúp cụ được an vui hạnh phúc như vậy. Ông gợi ý: “Chắc thế nào cụ cũng phải có một bí quyết kỳ diệu để sống an vui hạnh phúc chứ?”

Cụ già trả lời: “Đâu có. Tôi chẳng có bí quyết gì hết. Nếu có phải là bí quyết gì đi chăng nữa, việc đó cũng dễ như trở bàn tay, như uống nước lã vậy thôi. Khi tôi thức dậy mỗi buổi sáng, tôi chỉ có 2 điều để lựa chọn: một là sống an vui hạnh phúc, hai là sống lầm than khổ sở. Dĩ nhiên tôi đã chọn sống an vui hạnh phúc”.

Lời nhận xét của cụ già nghe có vẻ tầm thường giả tạo, nhưng tôi nhớ lại lời Tổng thống Abraham Lincoln, một người được công nhận là không giả tạo, không đóng kịch. Tổng thống Lincoln nói: “Tâm trí muốn an vui hạnh phúc bao nhiêu, ta được an vui hạnh phúc bấy nhiêu.”

Nếu ai muốn sống lầm than khổ sở, đương nhiên sẽ bị lầm than khổ sở. Đó là bí quyết dễ thực hiện nhất trên đời này. Nếu bạn muốn sống lầm than khổ sở, xin bạn cứ đi nói với hết người này đến người kia rằng chuyện gì cũng bị xui xẻo hư hỏng hết, không có gì là được vừa ý: tất nhiên bạn chắc chắn sẽ trở nên bất hạnh. Còn nếu bạn tự nhủ lòng mình rằng bạn muốn sống an vui hạnh phúc vì cuộc sống dễ dàng thoải mái, mọi sự diễn tiến tốt đẹp, tôi xin đoan chắc bạn sẽ được như ý sở nguyện. Muốn được an vui hạnh phúc, xin bạn hãy giữ tâm hồn trong sạch, để bạn có thể nhận được tình tứ rung cảm trong những công việc thường ngày, cảm nhận được nhịp tim trẻ thơ đập, và tinh thần đơn sơ.

Nhiều người đã tự tạo bất hạnh cho chính mình. Dĩ nhiên không phải mối bất hạnh nào cũng là do chính mình tự tạo ra cho mình, bởi lẽ hoàn cảnh sống, môi trường xã hội cũng gây nên không ít những khốn khó cho chúng ta. Tuy nhiên phải công nhận rằng một phần lớn chúng ta đã thu lượm và liên kết các yếu tố làm cho chúng ta bất hạnh qua tư tưởng, lời nói và tâm tình thái độ. Bất cứ ai muốn hạnh phúc cũng có thể học biết cách thức để được hạnh phúc, miễn là áp dụng thực tế vào cuộc sống mỗi ngày.

Nếu như tư tưởng là yếu tố quyết định an vui hạnh phúc của chúng ta, điều cần thiết là chúng ta phải loại bỏ tất cả những tư tưởng làm chúng ta chán nản ngã lòng. Giai đoạn thứ nhất là phải quyết tâm dứt khoát như vậy. Giai đoạn thứ hai là áp dụng kỹ thuật đơn giản mà tôi đã đề nghị với nhà thương gia. Điều làm khổ ông nhất là vì ông cứ theo khôn mẫu các tư tưởng yếm thế bi quan. Ông cần nhiều ánh sáng đức tin soi chiếu thật dồi dào.

Vì thế tôi đã mạnh dạn nói với ông: “Chỉ khi nào ông muốn hết khốn nạn khổ sở mà được an vui hạnh phúc, tôi mới có thể đưa ra một giải pháp cứu giúp ông”.

Ông tò mò: “Ông mà làm được gì? Phải chăng ông có tài làm phép lạ?”

Tôi trả lời: “Không, tôi không có tài làm phép lạ, nhưng tôi sẽ đưa ông tới gặp Đấng có quyền làm phép lạ: Ngài sẽ gột bỏ hết mọi nỗi lo âu bất hạnh của ông, và sẽ cho ông một nếp sống mới. Tôi dám quả quyết bảo đảm với ông như vậy”.

Sau khi chấm dứt những lời đó, chúng tôi từ giã nhau.

Dĩ nhiên người thương gia này trở nên tò mò, nên sau đó, ông tiếp xúc với tôi, và tôi đã tặng ông cuốn sách nhỏ của tôi với tựa đề “THOUGHTS CONDITIONERS” (NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ SUY TƯ). Cuốn sách nhỏ này gồm có 40 tư tưởng giúp bạn suy tư lành mạnh và yêu đời. Cuốn sách nhỏ mọn này có thể bỏ tuius được, nên tôi đề nghị ông đem theo trong mình luôn, để dễ đọc đi đọc lại, và tôi khuyên ông mỗi ngày chỉ nên dùng một tư tưởng để suy tư, cứ như vậy cho đủ 40 ngày. Tôi cũng đề nghị ông nên cố gắng học thuộc lòng từng tư tưởng một, và cố gắng dùng hình ảnh để diễn tả biểu lộ tư tưởng lành mạnh trong tâm trí. Tôi bảo đảm với ông rằng nếu ông theo đúng chương trình đó, những tư tưởng lành mạnh sẽ xua đuổi hết những tư tưởng bệnh hoạn đã làm ông mất vui, làm tiêu tán nghị lực và không còn khả năng sáng tạo nữa.

Lúc đầu ông có vẻ nghi ngờ do dự, nhưng ông cũng đã theo lời chỉ dẫn của tôi. Sau đó khoảng 3 tuần lễ, ông gọi điện thoại cho tôi và reo lên: “Thật không ngờ lại được việc! Thật là kỳ diệu! Tôi đã thoát khỏi tình trạng bế tắc mà tôi không bao giờ ngờ có thể được như vậy”.

Ngày mai khi bạn thức dậy, xin bạn nói lớn tiếng 3 lần câu Sách Thánh sau: “Hôm nay là ngày Thiên Chúa dựng nên, chúng tôi vui mừng sung sướng triền miên” (Tv 118: 24). Chỉ xin bạn hãy đọc câu đó với tâm tình riêng tư, thay vì “chúng tôi”, hãy đọc là “tôi”. Xin bạn hãy đọc câu đó với tiếng nói mạnh mẽ, rõ ràng, với giọng điệu nhấn mạnh và cương quyết.

Khi sửa soạn mặc đồ cũng như ăn điểm tâm sáng, xin bạn nói lớn tiếng một vài lời như: “Tôi tin tưởng rằng tôi có thể giải quyết được các vấn đề của ngày hôm nay. Tôi cảm thấy khoẻ mạnh trong thể xác, tâm trí và tình cảm. Tôi được sinh sống: thật là kỳ diệu! Tôi xin dâng lời cảm tạ về tất cả những gì tôi đã có, về tất cả những gì tôi đang có, và về tất cả những gì tôi sẽ có. Chẳng có gì là đổ vỡ cả, vì Thượng đế đang hiện diện nơi đây: Ngài đang ở với tôi, và Ngài sẽ giúp tôi thông qua mọi sự. Tôi cảm tạ Ngài về mọi ơn lành Ngài đã ban cho tôi.”

Trong suốt cả ngày, xin bạn hãy áp dụng những nguyên lý căn bản để sống hạnh phúc vào các hành động, các thái độ của bạn. Một trong những nguyên lý căn bản nhất là tình yêu nhân bản và thiện chí của con người. Cứ thành thật biểu lộ tình thông cảm và hoà dịu, bạn sẽ ngạc nhiên được hạnh phúc thật kỳ diệu.

Ông H.C.Matters, một người bạn của tôi, đã sống rất hạnh phúc cùng với người vợ cũng rất hạnh phúc. Hai ông bà đi du lịch khắp nơi. Ông H.C.Matters luôn đem theo một tấm danh thiệp cá nhân thật đặc biệt. Mặt sau của tấm danh thiệp in những lời lẽ triết lý đã đem lại hạnh phúc cho hai ông bà, cũng như cho trăm ngàn người khác qua ảnh hưởng con người của hai ông bà.

Những lời lẽ đó như sau: “Đường đưa tới hạnh phúc là đừng để con tim phải giận ghét, đừng để tâm trí phải lo lắng. Hãy sống thật đơn giản. Đừng kỳ vọng nhiều quá. Hãy cho đi thật nhiều. Hãy sống cuộc đời tràn đầy yêu thương. Hãy gieo rắc ánh mặt trời tươi sáng. Hãy biết quên mình và nghĩ đến người khác. Hãy làm cho người điều mình muốn người ta làm cho mình.”

Bạn hãy thử một tuần như vậy và kết quả sẽ làm bạn thật ngạc nhiên.

Đọc qua những lời đó bạn có thể đã nói: “Những lời nói đó đâu có gì là lạ?” Thật ra nếu bạn chưa bao giờ thử áp dụng những lời nói đó, như vậy cũng là có điều gì mới lạ đối với bạn rồi. Khi nào bắt đầu thực hành những lời nói đó, bạn mới nhận thấy đây là phương pháp sống hạnh phúc hữu hiệu nhất và kỳ lạ nhất mà bạn chưa bao giờ dùng đến. Nếu như biết tất cả những nguyên lý căn bản này mà suốt đời bạn không áp dụng vào thực tế, nào có được ích gì cho bạn? Cuộc sống như vậy thật vô ích và thê thảm! Như vậy cũng y như thể một người suốt đời sống nghèo khổ chỉ vì họ không biết trong nhà có mỏ vàng. Thật là khó hiểu!

Dĩ nhiên để cho những nguyên lý này có hiêu lực tạo dựng hạnh phúc, bạn cần phải có một tâm trí hoạt động hữu hiệu. Cũng như bạn không thể có những thành quả cụ thể từ những nguyên lý tinh thần nội tâm nếu như bạn không có những năng lực tinh thần nội tâm. Khi chúng ta có được năng lực tinh thần nội tâm chắc chắn chúng ta sẽ dễ thành công trong việc sản xuất ra các tư tưởng xây dựng hạnh phúc. Nếu bạn bắt đầu dùng những nguyên lý tinh thần cho dù là có khi khờ khoạng vụng dại đi chăng nữa, bạ cũng sẽ dần dần cảm nghiệm được sức mạnh tinh thần nội tâm. Nhờ đó bạn sẽ bông dưng có được niềm an vui hạnh phúc khôn tả, niềm vui bạn sẽ có suốt đời bao lâu bạn sống cuộc đời hướng về Thượng đế.

CHƯƠNG 6: ƯỚC VỌNG NHỮNG GÌ TỐT ĐẸP NHẤT ĐỂ MÀ CHIẾM HỮU

Nhà tâm lý học thời danh, William James, đã nói: “Khi làm một việc gì mà khởi đầu có nghi nan, rồi sau đó được tin tưởng, chính đó là một điều kiện bảo đảm cho cuộc mạo hiểm thành công”. Khi muốn những gì tốt nhất, hay nhất, bạn tạo thành một sức hấp dẫn thu hút trong tâm trí, để rồi theo luật hấp dẫn, bạn sẽ có được những gì tốt nhất.

Như thế không có nghĩa là lúc nào cũng cần phải có tất cả những gì bạn muốn hoặc tưởng rằng bạn cần. Biết đâu có thể những điều đó chẳng có ích lợi gì cho bạn. Khi bạn tin tưởng vào Thượng đế, Ngài sẽ hướng tâm trí bạn để bạn không thích và không muốn những gì không tốt cho bạn. Tin tưởng vào Thượng đế có nghĩa là bạn học biết tin tưởng để những gì coi bộ như không thể cũng sẽ trở thành có thể được. Bạn sẽ thấy bạn có thể làm được cả những việc lớn nữa.

Một nhà ảo thuật (làm xiếc) thời danh mở lớp huấn luyện học sinh biểu diễn viên tren giây cao. Sau khi đã chỉ bảo đủ điều về những tài khéo đó, ông bảo các môn sinh hãy biểu diễn tài năng.

Có một học sinh nhìn sợi giây mắc trên cao treo toòng teng mà cậu nghĩ cậu sắp phải leo lên để biểu diễn, cậu sợ hãi quá sức. Cậu đứng cứng đơ người luôn. Cậu cứ sợ hãi hình dung ra y như cậu sắp rơi rớt xuống đất không bằng. Cậu lo sợ đến nỗi không thể cử động gân cốt được nữa. Cậu thở dài: “Con không thể làm được”. Huấn luyện viên vòng vai bá cổ cậu rồi nói: “Này trò, chắc chắn trò sẽ trình diễn được, và để thầy chỉ cho một cách thức mà làm”. Rồi ông đưa ra một nhận xét thật khôn ngoan tôi chưa từng nghe biết: “Trò hãy để cho trái tim của trò qua phía bên kia trước, rồi thân xác sẽ theo sau”.

Xin bạn hãy ghi chép lại cậu nói đó. Hãy viết vào một tờ phiếu nhỏ rồi bỏ vào túi. Nếu ghi khắc được vào tâm trí bạn thì còn tốt hơn nữa, vì thật sự bạn muốn làm được một chút gì cho đời bạn. Câu nói đó thật đầy nghị lực: “hãy để cho trái tim qua phía bên kia trước rồi thân xác sẽ theo sau.”

Trái tim là biểu tượng cho các hoạt động sáng tạo. Xin hãy làm cho trái tim bạn đầy nhiệt huyết, hướng về nơi bạn muốn tới và điều bạn muốn được. Xin hãy ghi sâu vào tiềm thức của bạn bầu nhiệt huyết đó để bạn không chấp nhận giải pháp đầu hàng. Nhờ đó toàn thể con người của bạn sẽ đi tới hướng mà trái tim bạn đã khởi sự. “Hãy để trái tim vào sợi giây” có nghĩa là hãy để vào tinh thần của bạn, rồi con người vật chất của bạn sẽ theo vào các đường chiến thắng do tâm trí đầy niềm tin tạo cho bạn. Bạn hãy cứ ước vọng những điều tốt nhất, chứ đừng nghĩ đến những gì xấu xa, tất nhiên bạn sẽ đạt được như điều bạn mong ước.

Hễ khi nào có một trở ngại nào trước mắt, xin bạn hãy dừng lại, nhắm mắt vào, rồi hình dung ra những gì vượt qua chướng ngại vật đó, chứ đừng nghĩ đến những gì ở dưới chướng ngại vật đó. Rồi tưởng tượng như bạn đưa trái tim bạn qua cái đà chắn để được bạn đang cảm nghiệm nguồn sức mạnh đó, rồi bạn sẽ được ngạc nhiên thích thú nhận được sức mạnh nâng bổng con người bạn lên.

Bạn có thể lướt thắng bất cứ một trở ngại nào. Quyền năng sức mạnh của niềm tin có thể giúp bạn làm được nhiều việc thật lạ lùng. Nhưng làm thế nào để có được sức mạnh của niềm tin? Thưa: bằng cách dùng những lời trong Sách Thánh để tràn ngập tâm trí của bạn. Nếu mỗi ngày bạn để một giờ đọc Sách Thánh và quyết định cố gắng học thuộc lòng những đoạn quan trọng, bạn sẽ cảm thấy sự thay đổi đến với bạn yt như phép lạ vậy.

Xin bạn hãy đọc Tân Ước. Chọn lựa chừng 10-12 câu thật mạnh về đức tin, rồi học thuộc lòng những câu đó. Đọc đi đọc lại nhiều lần, nhất là trước khi đi ngủ. Rồi ra thế nào những câu nói đó cũng thay đổi hệ thống tư tưởng của bạn. Làm như thế bạn sẽ trở thành một con người tin tưởng, một con người biết hy vọng, và nhờ đó sẽ trở thành con người thành công. Khi đó bạn sẽ có sức mạnh mới để biết đạt được điều mà Chúa cũng như bạn muốn thật sự cho đời bạn.

Đây không phải là lý thuyết suông tôi nghĩ ra, nhưng là nguyên lý được Chúa giảng dạy trong cuốn sách đáng tin cậy nhất của loài người. Hết thế hệ này qua thế hệ khác, cho dù kiến thức nhân loại và khoa học vật chất có tiến bộ bao nhiêu chăng nữa, Sách Thánh vẫn là cuốn sách được nhiều người đọc hơn hết bất cứ cuốn sách nào khác. Người ta có lý để tin tưởng nơi Sách Thánh dạy cho biết rằng đức tin có quyền năng thực hiện những sự việc lạ lùng.

Quyền năng mạnh mẽ nhất nơi bản tính loài người chính là quyền lực tinh thần được Sách Thánh chỉ dạy. Sách Thánh thật khôn ngoan đã nhấn mạnh tới phương pháp giúp cho một con người có thể làm được việc này việc khác.

Hãy tin tưởng: tin nơi chính mình, tin nơi Thượng đế, tin nơi người khác, tin nơi cuộc sống, tin tưởng tích cực và lạc quan. Chính đây là kỹ thuật chính yếu của Sách Thánh chỉ dạy. “Nếu bạn có lòng tin, việc gì cũng có thể được đối với người biết tin tưởng” (Mc 9: 23). “Nếu bạn có lòng tin, không có gì mà bạn không làm được” (Mt 17: 20). “Bạn sẽ được y như lòng bạn tin tưởng” (Mt 9: 29). Hãy tin tưởng, cứ tin đi, tin với niềm tin chuyển núi rời non.

Một bà kia vì rủi ro mà phải đi làm nghề bán dạo (hàng rong). Bà có nhiệm vụ đi tới từng nhà để trình diễn mấy máy hút bụi. Tuy nhiên bà có thái độ tiêu cực và bi quan về chính mình bà cũng như về công việc của bà. Bà cứ suy đoán rằng bà sẽ thất bại. Ngay cả có lần người ta yêu cầu bà tới nhà để trình bày mà bà cũng còn sợ vào nhà người ta. Bà cứ đinh ninh rằng bà sẽ không thể bán được. Và hậu quả là bà đã thất bại khá nhiều khi đi chào hàng bán dạo cho người ta.

Một ngày kia bà ghé nhà một khách hàng tỏ vẻ chăm chú ân cần hơn mọi người. Thế là bà thổ lộ tâm sự tất cả về những thất bại và những bất khả kháng. Thân chủ chăm chú nghe rồi nói một cách thật bình thản rằng: “Nếu chị chờ đợi thất bại, thất bại sẽ đến với chị. Nếu chị muốn thành công, tôi tin chị sẽ thành công”. Rồi thân chủ nói tiếp: “Để tôi mách cho chị công thức giúp cho chị sửa đổi lại lối suy tư, giúp chị có niềm tin mới, và giúp chị đạt được mục tiêu. Xin chị cứ đọc đi đọc lại công thức này trước khi đi tới gặp một thân chủ mới. Xin chị cứ tin những lời này đi, chị sẽ ngạc nhiên vì thực hiện được những điều lạ lùng. Công thức đó như sau: “Nếu Chúa ở về phía bên ta, nào ai có thể chống lại nổi ta” (Rm 8: 31). Nhưng xin chị thay đổi câu đó một chút và đọc như sau: “Nếu Chúa ở về phía bên tôi, nào ai có thể chống lại nổi tôi?” Chúa biết rằng chị cần phải bảo đảm và cấp dưỡng cho con cái chị cũng như cho chính mình chị. Xin chị cứ thực hành phương pháp tôi đề nghị với chị, tôi bảo đảm chị sẽ có sức mạnh thực hiện được những điều chị vẫn ước muốn.” Bà đã học biết cách để đi tới mỗi nhà với hy vọng bán được một chiếc máy, hình dung và tưởng tượng ra những thành quả khả quan. Nhờ dùng phương pháp này bà đã tự tạo cho mình một niềm tin và can đảm mới, và tự tin nơi khả năng của mình nhiều hơn. Bây giờ bà ấy nói rằng: “Chúa đã giúp tôi bán được máy hút bụi”, và dĩ nhiên chẳng ai phủ nhận điều đó.

Đó là một nguyên lý chính cống và thật rõ ràng minh bạch: trong thẳm sâu tâm trí bạn muốn điều gì, bạn sẽ được y như vậy. Điều đó có lẽ đúng là vì bạn mong chờ điều gì, bạn cũng muốn được như vậy. Chỉ khi nào thật sự muốn có được một điều gì, bạn mới tìm cách tạo nên cơ hội và hoàn cảnh thuận tiện cho điều đó có thể xảy ra, nếu không thì chỉ là chờ đợi uổng phí. Bí quyết của thành công là thực tâm bạn muốn được điều đó, có nghĩa là bạn cố gắng hết mình, dùng đủ mọi phương pháp, sáng kiến để tạo điều kiện và đạt được điều bạn muốn, và những cố gắng vươn tới đó không phải là uổng công vô ích.

Mỗi ngày, xin bạn hãy tâm niệm câu này 10 lần: “Tôi muốn điều hay điều tốt, và với ơn Chúa giúp, tôi sẽ đạt được điều hay điều tốt đó!” Tâm niệm như vậy, tư tưởng của bạn sẽ xoay quanh những điều hay điều tốt và tạo nên điều kiện thuận tiện để có thể có được điều hay điều tốt đó. Thực tập như thế sẽ quy tụ năng lực của bạn vào một chủ đích: được điều hay điều tốt. Dĩ nhiên kết quả sẽ thành công y như bạn mong muốn.

CHƯƠNG 7: TÔI KHÔNG TIN VÀO THẤT BẠI

Không có một khó khăn trở ngại nào mà bạn không thể vượt qua được. Tôi có hỏi một người rất khôn ngoan và đầy triết lý về bí quyết lướt thắng các khó khăn trở ngại thì được trả lời như sau: “Làm sao mà tôi qua khỏi được mọi rắc rối ư? Dĩ nhiên trước hết, tôi thử vòng vo tam quốc cố gắng bỏ qua vấn đề qua một bên để tôi đi trên vấn đề hoặc dưới vấn đề, hoặc không được nữa thì cuối cùng đi thẳng vào vấn đề luôn”. Rồi ông nói thêm: “Chúa cùng tôi đi thẳng, chọc thủng vào vấn đề!”

Một phương pháp hiệu nghiệm để làm cho tâm trí bạn được lạc quan tin tưởng đó là loại bỏ một vài lối suy nghĩ và cách nói tạm gọi là “tiêu cực bi quan” nho nhỏ. Những cái “tiêu cực bi quan nho nhỏ” này thường thấy đầy dẫy trong các câu chuyện trao đổi thường ngày: thật ra xét từng lời một, cũng không quan trọng bao nhiêu, nhưng cứ hết câu này lặp qua câu kia, tổng kết lại tâm trí con người cũng bị ảnh hưởng tiêu cực tai hại. Lần đầu tiên nghĩ tới những cái “tiêu cực bi quan nho nhỏ” này, tôi bắt đầu phân tích chính những lời nói tôi thường quen dùng và cảm thấy ngạc nhiên sửng sốt về những điều tôi khám phá ra. Tôi hay nói những câu như: “Tôi sợ sẽ bị trễ giờ! Lỡ tôi bị xe hư thì sao đây? Tôi không tin rằng mình có thể làm được điều đó!”

Những cái “tiêu cực bi quan nho nhỏ” này dĩ nhiên là nhỏ mọn, và một tư tưởng mạnh có thể lấn át được những cái nho nhỏ đó. Nhưng nên nhớ rằng các cây đại thụ đã mọc lên từ những hạt gióng nho nhỏ, nhưng nếu bạn cứ để cho những cái “tiêu cực bi quan nho nhỏ” đó chi phối lời nói của bạn, thế nào dần dà tâm trí của bạn cũng bị ảnh hưởng. Cứ từ từ không ngờ các cái “tiêu cực bi quan nho nhỏ” đó kết tụ lại thành một khối lượng đáng kể, để rồi đúng lúc bạn không ngờ chúng sẽ biến thành những cái “tiêu cực bi quan thật lớn”. Chính vì thế tôi đã quyết định loại trừ tận căn những cái “tiêu cực bi quan nho nhỏ” ấy ra khỏi cách tôi nói chuyện. Tôi nhận thấy rằng cách tốt nhất để gạt bỏ những cái “tiêu cực bi quan nho nhỏ” là thay thế vào bằng một lời nói “tích cực lạc quan” trong tất cả mọi sự. Khi bạn cứ cương quyết minh xác rằng mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp, tất nhiên kết quả sẽ tốt đẹp.

Tôi có đọc được một bảng quảng cáo ở lề đường về một loại dầu máy như sau: “Máy sạch luôn sản xuất năng lực tốt!” Tâm trí không có tiêu cực bi quan cũng hoạt động giống như vậy. Chính vì thế xin bạn hãy tống khứ ra ngoài tất cả các tư tưởng của bạn, rồi bạn hãy tạo cho mình một đầu máy tâm trí trong sạch, và xin nhớ cho rằng đầu óc trong sạch cũng như đầu máy sạch sẽ luôn sản xuất năng lực tốt.

Nếu muốn tránh các trở ngại, và muốn sống triết lý không chấp nhận thất bại, xin bạn hãy trau dồi tư tưởng tích cực lạc quan. Cách chúng ta đối phó với các trở ngại thật ra chỉ hoàn toàn tuỳ thuộc thái độ của tâm trí. Đa số các trở ngại chỉ là do tâm trí suy nghĩ mường tượng ra mà thôi.

Bạn thắc mắc: “Ồ không! Các trở ngại của tôi là trở ngại thật sự chứ không phải do tâm trí!”

Có thể có những trở ngại thật sự, nhưng thái độ đối với các trở ngại đó thế nào lại là do tâm trí của bạn. Thông thường mà nói: tuỳ như bạn nghĩ thế nào về các trở ngại của bạn mà bạn tìm cách đối phó ứng biến. Nếu bạn có thành kiến cho rằng bạn không thể loại bỏ các trở ngại đó được, đương nhiên bạn sẽ không làm gì được để lướt thắng các trở ngại đó. Trái lại nếu trong tâm trí bạn tin tưởng rằng bạn có đủ khả năng làm một chút gì để vượt qua các trở ngại đó, bạn sẽ tạo nên được những kết quả lạ lùng. Bỗng dưng bạn khám phá ra rằng bạn có những nghị lực mà trước kia bạn không biết đến nữa.

Tôi có chơi banh cù với một người kia chẳng những chơi banh giởi mà triết lý cũng hay nữa. Trong khi chúng tôi đi vòng quanh sân cù, thỉnh thoảng ông bộc lộ cho tôi những lời vàng ngọc mà tôi uôn tỏ lòng mộ mến tri ân.

Khi tôi đi một đường banh dở, và chúng tôi chờ đợi tới chỗ lượm banh, tôi nói có vẻ bực tức: “Thế đó! Thấy chưa? Tôi bị xui xẻo quá mà! Làm sao mà khỏi thế kẹt này bây giờ?”

Ông bạn của tôi mỉm cười trả lời: “Ồ phải chăng tôi đã không đọc được trong mấy cuốn sách ông bạn viết về tinh thần tích cực và tư tưởng lạc quan đó sao?”

Tôi phải nhìn nhận sự thật một cách miễn cưỡng.

Ông nói: “Tôi không coi chuyện ông bạn vừa nói dối quanh như là một ý nghĩ tiêu cực đâu. Tôi chỉ xin hỏi ông bạn rằng ông bạn có nghĩ rằng mình sẽ chơi khá hơn nếu trái banh ở chỗ ngon hơn không?”

Tôi trả lời cho biết tôi cũng nghĩ như vậy. Ông nói tiếp: “Vậy tại sao ông lại nghĩ rằng ông chơi ở một chỗ khác hay hơn chỗ này?”

Tôi trả lời: “Tại vì chỗ kia cỏ phẳng phiu hơn nên đường banh đi dễ hơn.”

Rồi ông làm một việc thật kỳ diệu. Ông đề nghị: “Chúng ta thả nằm rạp xuống xem trái banh ở vị thế nào trên sân cỏ.”

Thế là cả hai chúng tôi cùng nằm rạp xuống trên sân cỏ để ngắm nghía, rồi ông nói: “Ông hãy nhìn mà xem vị trí của trái banh ở đây với vị trí ở chỗ cỏ phẳng kia không có khác nhau bao nhiêu: trái banh cũng cách xa mặt đất gần như nhau, chỉ có cỏ thêm một chút nữa thôi.”

Rồi ông lại làm một việc còn kỳ lạ hơn nữa. Ông nói: “Hãy nhận định về loại cỏ và điều kiện của cỏ”. Rồi ông bứt một ngọn cỏ và đưa cho tôi. Ông bảo: “Hãy nhai thử đi.”

Tôi nhai xong, ông nói tiếp: “Cỏ có mềm không?”

Tôi trả lời: “Cỏ mềm, nhưng hỏi làm chi vậy?”

Ông tiếp tục: “Cỏ mềm như thế, ông chỉ dùng đòn côn số 5 là cắt cỏ y như dao bén vậy!” Rồi ông nói cho tôi một câu mà tôi ghi nhớ suốt đời, và tôi cũng hy vọng bạn nhớ suốt đời nữa.

“Khó hay dễ là tuỳ như bạn nghĩ”.

Nói cách khác: bạn nghĩ khó thì nó ra khó. Tâm trí bạn phác hoạ ra nhất định phải có trở ngại, thế là có khó khăn trở ngại. Chỉ có tâm trí bạn mới lướt thắng được trở ngại đó thôi. Nếu như bạn hình dung được bạn có khả năng đánh trái banh đó ra khỏi điểm khó khăn, nếu bạn tin tưởng bạn làm được, tâm trí bạn sẽ giúp bạn trở nên nhịp nhàng, uyển chuyển và các nghị lực sẽ dồn vào đường gân bắt thịt của bạn để bạn đi một đường côn đưa trái banh ra khỏi điểm khó khăn này trong một đường banh tuyệt diệu. Chỉ có một điều bạn cần làm là phải chú ý vào trái banh đó và tự nhủ lòng mình rằng bạn sẽ đi một đường banh thật đẹp để đưa trái banh ra khỏi đám cỏ. Hãy để cho những cứng nhắc, những căng thẳng đi ra khỏi bạn. Hãy đi đường banh ấy với sức mạnh và phấn khởi. Nên nhớ rằng “khó hay dễ chỉ là tuỳ như bạn nghĩ” mà thôi.

Tới bây giờ mà tôi vẫn còn nhớ được cảm giác hứng thú, sức mạnh và khoái chí tôi đã nhận được khi đi xong đường banh tuyệt vời hôm đó.

Xin bạn hãy tin tưởng rằng Thượng đế toàn năng đã cho bạn đủ nghị lực và khả năng để lướt thắng các trở ngại khó khăn: chỉ xin bạn nhớ chăm chú nhìn vào nguồn mạch nghị lực của bạn. Hãy tự nhủ lòng mình rằng bạn có thể làm được mọi sự bạn muốn nhờ sức mạnh của Ngài. Hãy tin rằng quyền lực của Ngài sẽ làm cho bạn hết căng thẳng, và quyền lực đó sẽ tuôn tràn vào người bạn.

Xin bạn cứ vững tin như thế. Chắc chắn sẽ có chiến thắng và thành công cho bạn.

CHƯƠNG 8: LÀM SAO ĐỂ TRÁNH THÓI QUEN LO LẮNG

Bạn đừng để cho mình trở nện nạn nhân của lo lắng. Vậy nói cho cùng: lo lắng là gì? Thật ra lo lắng chỉ là một thói quen tệ hại và phá hoại trong tâm trí. Không ai từ bẩm sinh đã biết lo lắng. Bạn bị tiêm nhiễm chứng lo lắng. Bạn có thể gột bỏ hết những lo lắng khỏi tâm trí cũng như có thể thay đổi bất cứ tập quán, thói quen, thái độ nào của bạn như vậy.

Muốn trừ khử các lo lắng bất thường, trước hết mỗi ngày bạn hãy dốc cạn tâm trí của bạn ra. Tốt hơn hết là nên làm như vậy trước khi đi ngủ để giấc ngủ của bạn khỏi bị phiền hà vì những lo lắng còn ám ảnh vấn vương trong đầu óc. Trong khi ngủ, các ý nghĩa có khuynh hướng đi sâu vào tiềm thức. Năm phút trước khi đi ngủ là thời gian rất quan trọng đặc biệt, vì chính trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, tâm trí của bạn dễ đón nhận những ý tưởng cuối cùng khi bạn còn đang tỉnh thức trước khi đi ngủ.

Phương pháp dốc cạn tâm trí như vậy là một điều rất quan trọng để loại bỏ các lo lắng phiền muộn, bởi vì nếu không loại bỏ được hết các ý nghĩa sợ hãi, tâm trí bạn sẽ bị trở ngại án ngữ không cho sức mạnh của tâm trí và tinh thần lưu thông nữa. Muốn dốc cạn tâm trí, xin bạn hãy dùng phương pháp trí tưởng tượng sáng tạo. Bạn thử hình dung ra con người bạn đang dốc can tâm trí khỏi tất cả lo lắng sợ hãi. Hãy nhìn hình ảnh bạn đang để cho các ý nghĩ lo lắng thoát ra khỏi con người bạn y như bạn tháo nút cống ra vậy để cho nước chảy tự do. Trong lúc hình dung ra cảnh tượng đó, hãy lặp đi lặp lại lời nói quả quyết sau đây: “Nhờ ơn Chúa giúp, tôi đang dốc cạn mọi lo lắng, sợ hãi, mọi nỗi bất an ra khỏi con người của tôi”. Hãy làm như vậy 5 lần thật chậm rãi, rồi nói thêm: “Tôi tin rằng tâm trí tôi bây giờ đã trống rỗng không còn lo lắng sợ hãi hoặc bất an gì nữa!” Lặp đi lặp lại 5 lần nữa, trong khi hình dung ra tâm trí bạn đã trống rỗng không còn lo lắng sợ hãi gì nữa. Rồi dâng lời cảm tạ Chúa đã giải thoát bạn khỏi lo lắng sợ hãi. Sau đó lên giường đi ngủ ngon lành. Khi mới bắt đầu thực tập phương pháp chữa trị này, bạn nên dùng cách thức trên vào ban sáng, ban chiều và ban tối. Hãy đi tới một nơi yên tĩnh và ở đó chừng 5 phút để thực hiện như trên. Xin bạn kiên trì thực tập phương pháp đó mới mau thấy kết quả hữu ích.

Sau khi dốc cạn tâm trí cho trống rỗng rồi, bạn lại phải thực tập làm đầy tâm trí lại. Hãy làm đầy tâm trí với những ý nghĩ đầy niềm tin, hy vọng, can trường, trông cậy. Hãy nói to lên những lời như: Chúa đang đổ tràn đầy tâm trí tôi với can đảm, bình an, vững tâm. Chúa đang che chở những người thân yêu của tôi khỏi mọi tai hại. Chúa đang hướng dẫn tôi biết quyết định đúng. Chúa sẽ giúp tôi qua khỏi tình trạng này”.

Mỗi ngày chừng 5-6 lần, bạn hãy làm đầy tâm trí bạn với những ý nghĩ như vậy để tâm trí bạn tràn ngập các ý nghĩ trên. Rồi những ý nghĩ đầy niềm tin này sẽ đẩy những lo lắng ra ngoài xa. Sợ hãi là ý nghĩ có sức mạnh ghê gớm nhất, ngoại trừ một trường hợp đó là trường hợp niềm tin. Niềm tin luôn luôn chiến thắng sợ hãi. Niềm tin chính là sức mạnh mà sợ hãi không làm gì được. Nếu như ngày này qua ngày khác bạn làm đầy tâm trí bạn với niềm tin, cuối cùng sợ hãi sẽ hết chỗ đứng. Đây là một sự kiện quan trọng mà không ai có quyền quên được. Hãy làm chủ niềm tin, tự động bạn sẽ làm chủ được cả sợ hãi.

Cách thế là như vậy: dốc cạn tâm trí rồi dùng ơn Chúa để làm đầy tâm trí với niềm tin, đương nhiên bạn sẽ phá vỡ được tập quán lo lắng.

Sau đây là một thí dụ rõ ràng nhất để cho thấy chiến thuật chống lo lắng do một thương gia suy nghĩ và đề nghị. Trước kia ông là một người đã rơi vào tình trạng sức khoẻ yếu kém và tinh thần suy nhược. Điều ông lo lắng nhất là luôn luôn nghi ngờ không biết mình có nói cho đúng lời hoặc làm cho đúng việc không. Ông luôn bàn lui tính tới về các quyết định của ông với hy vọng cảm thấy khỏi căng thẳng về những quyết định đó.

Cuối cùng ông đã phá vỡ được thói quen đó bằng một nghi thức nho nhỏ mà ông thực hiện mỗi tối trước khi bỏ sở làm. Ông giơ tay xé tấm lịch của ngày hôm đó, vo tròn lại như trái banh, ném ngay vào thùng rác, rồi ông cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã cho con ngày hôm nay. Con đã làm hết sức con và Chúa đã giúp con, con xin cám ơn Chúa. Con cũng đã vấp phạm một vài sai lỗi: đó là khi con không nghe theo lời Chúa chỉ dẫn. Con thực tâm sám hối. Xin Chúa tha thứ cho con. Nhưng con cũng thành công được một ít và con xin ghi nhận công ơn Chúa đã hướng dẫn. Nhưng giờ đây, lạy Chúa, dù thành công hay lầm lỗi, một ngày cũng đã qua đi, và đối với con như thế là xong. Con xin trao gửi ngày hôm nay lại cho Chúa. Amen”.

Có thể đây không phải là một lời cầu nguyện chính cống, nhưng thực tế là một lời cầu nguyện rất hiệu nghiệm. Ông đã biết làm sống động giờ phút cuối ngày và hướng mắt về tương tai với hy vọng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn. Nhờ phương pháp đó mà các lỗi phạm hoặc quên sót không còn ảnh hưởng gì tới ông nữa. Ông đã thoát khỏi mọi lo lắng đã chồng chất từ mấy ngày qua. Nhờ kỹ thuật này ông đã thực hiện được một trong các công thức hiệu nghiệm nhất để chống lo lắng: công thức đó đã được diễn tả bằng những lời sau đây: “… tôi chỉ có làm một điều này thôi, đó là quên đi những gì đã qua, và tiến tới những gì sắp đến. Tôi cố gắng tiến tới lằn mức ấn định phần thưởng của tiếng gọi từ cao của Chúa trong Đức Kitô” (Pl 3: 13-14),

Để phá vỡ tập quán lo lắng, xin bạn hãy tập theo công thức sau đây:

1. Hãy tự nhủ: “Lo lắng chỉ là một tập quán xấu trong tâm trí. Với ơn Chúa, tôi có thể thay đổi bất cứ tập quán nào”.

2. Mỗi sáng trước khi thức dậy, việc đầu tiên bạn phải làm là nói lớn tiếng 3 lần câu: “tôi tin”.

3. Dùng công thức sau đây để cầu nguyện: “Ngày hôm nay, con xin đặt vào trong tay Chúa: sự sống của con, những người thân yêu của con, công việc của con. Bất cứ việc gì xảy ra, bất cứ hậu quả thế nào, mà nếu như con ở trong bàn tay của Chúa, âu đó cũng là thánh ý Chúa và cũng là điều tốt thôi”.

4. Hãy tập nói một lời tích cực lạc quan về bất cứ sự gì mà trước kia bạn có thói quen nói lời tiêu cực bi quan. Chẳng hạn như đừng nói: “Tôi sẽ chẳng bao giờ làm được như vậy”, mà hãy nói “với ơn Chúa, tôi sẽ có thể làm được”.

5. Đừng bao giờ tham dự vào một cuộc nói chuyện bi quan lo lắng.

6. Hãy ghi nhận các đoạn trong Sách Thánh có nói về niềm tin, hy vọng, hạnh phúc, vinh quang, ánh sáng. Tập học thuộc lòng từng câu. Đọc đi đọc lại để cho những lời sáng tạo đó tràn ngập tâm trí tiềm thức của bạn để rồi tâm trí tiềm thức sẽ trả lại cho bạn những gì bạn đã trao gửi vào đó: lạc quan chứ không phải lo lắng.

7. Làm bạn với những người đầy hy vọng. Làm quen kết thân với những người có tư tưởng lạc quan, có ý nghĩa đầy tin tưởng, và những ai tạo nên bầu khí sáng tạo. Làm như vậy bạn sẽ được phấn khởi bởi những thái độ đầy niềm tin.

8. Coi xem bạn có thể giúp ai bỏ tập quán lo lắng. Khi giúp người khác hết lo lắng, bạn tự tạo cho mình nhiều nghị lực để lướt thắng.

9. Mỗi ngày trong suốt đời bạn, hãy quan niệm như bạn cùng sống, cùng làm bạn với Đức Giêsu Kitô. Nếu như thật sự có Chúa đi bên cạnh, thử hỏi bạn có còn lo lắng sợ hãi gì nữa không? Nếu câu trả lời là không, xin bạn hãy tự nhủ lòng mình “Ngài đang ở cùng tôi”. Hãy nhắc lại thật to lời Ngài đã hứa “Ta ở cùng các con mọi ngày” (Mt 28: 20), rồi đổi lời đó thành “Ngài ở cùng tôi bây giờ đây”. Mỗi ngày lặp lại lời đoan quyết đó ít nhất 3 lần.

CHƯƠNG 9: SỨC MẠNH ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ CÁ NHÂN

Một trong các kỹ thuật hiệu nghiệm nhất để giải quyết các vấn đề là một đường lối thật đơn giản: hãy quan niệm và hình dung Chúa như là người đồng hành, bạn đường, bạn đồng nghiệp. Một trong các chân lý căn bản của Sách Thánh dạy: đó là Chúa ở cùng ta. Thật ra Kitô giáo bắt đầu từ quan niệm đó, bởi vì khi Đức Giêsu sinh ra, Ngài được đặt tên là Emmanuel, có nghĩa là “Chúa ở cùng ta”.

Kitô giáo dạy rằng trong mọi khó khăn, mọi vấn đề và mọi hoàn cảnh của cuộc sống, ta đều có Chúa luôn ở gần bên. Chúng ta có thể nói chuyện với Chúa, nép mình bên Chúa, xin Chúa giúp đỡ, lưu tâm, hỗ trợ, để ý. Trên thực tế nói chung chung, ai cũng tin như vậy là đúng, và có nhiều người đã cảm nghiệm thật sự được niềm tin đó.

Tuy nhiên muốn có được những lối giải quyết chính xác cho các vấn đề cá nhân, bạn cần phải tiến thêm một bước nữa, ngoài việc có niềm tin như trên: đó là phải thực hành thật sự ý tưởng Chúa hiện diện. Phải thật sự tin tưởng Chúa hiện diện cũng ý như người bạn cùng sở làm, như người vợ người chồng trong nhà, như người bạn thân thiết nhất. Phải tập nói chuyện với Ngài về mọi sự: hãy tin tưởng rằng Ngài đang nghe bạn và đang tìm cách giải quyết vấn đề cho bạn. Hãy nghĩ rằng Ngài sẽ gieo vào tâm trí bạn các tư tưởng, ý nghĩ, sáng kiến cần thiết để giúp bạn giải quyết các vấn đề. Hãy nhất định tin rằng trong cách giải quyết này sẽ không có sai lầm, và bạn sẽ được hướng dẫn để hành động theo sự thật mà kết quả là những việc đúng.

Có lần kia tôi đi giải thuyết ở phù luân hội trong một tỉnh miền Tây. Sau khi thuyết trình xong, có nhà doanh thương tới gặp tôi và cho biết rằng ông có dịp đọc được mấy bài báo tôi viết và học được một điều như ông nhận định là đã “hoàn toàn cách mạng hoá thái độ của ông và đã cứu vãn sự nghiệp của ông”.

Dĩ nhiên tôi lấy làm thích thú và muốn biết xem lời nhỏ mọn nào đó tôi đã viết mà đã tạo nên kết quả lạ lùng này.

Ông nói: “Tôi bắt đầu có khó khăn trong công việc làm ăn của tôi. Thật ra tình trạng đã trở nên trầm trọng đến nỗi tôi không biết có còn cách nào cứu vãn nổi nữa không. Một chuỗi những hoàn cảnh bất lợi cùng với điều kiện của thị trường, rồi phải điều chỉnh những thủ tục hánh chánh, và nền kinh tế có ảnh hưởng đến hãng của tôi thật nhiều. Tôi đọc bài của mục sư viết về việc phải chấp hành ý tưởng nhận Chúa là bạn đồng nghiệp. Tôi nghĩ rằng mục sư đã dùng kiểu nói “sáp nhập với Chúa”.

Khi mới đọc, tôi có cảm tưởng như một ý nghĩ làm nát óc: làm sao một con người trên trần gian, một loài thụ tạo có thể nhận Chúa làm bạn đồng nghiệp được? Ngoài ra tôi luôn nghĩ đến Thượng đế như là Đấng bao la vô biên, vĩ đại đến nỗi con người chỉ là một côn trùng nhỏ bé trước nhan Ngài, thế mà mục sư lại bảo phải coi Ngài như là bạn đồng nghiệp. Ý tưởng đó coi bộ ngạo nghễ quá! Rồi một người bạn đưa cho tôi một cuốn sách do mục sư viết mà tôi cũng thấy các tư tưởng tương tự rải rắc đó đây khắp các trang sách. Mục sư kể chuyện cuộc sống của những người đã thực hiện lời khuyên đó. Mấy người đó coi bộ ai cũng là người có lý đáng tin, nhưng tôi vẫn chưa chịu lý. Tôi luôn có ý nghĩ rằng các vị giáo sĩ là những người giảng thuyết lý thuyết trừu tượng lý tưởng, rằng các ngài chẳng biết gì đến việc làm ăn buôn bán và các vấn đề thực tế (Ông nói với một nụ cười). Do đó tôi như là bỏ qua lời khuyên của mục sư.

Tuy nhiên một ngày kia, có một chuyện buồn cười xảy ra cho tôi. Tôi tới văn pòng với tâm hồn thật thiểu não thậm chí tôi đã có ý nghĩ muốn kết liễu cuộcd dời của mình cho xong quách đi rồi để đỡ phải lo lắng buồn bực với những vấn đề bao phủ tôi. Rồi chính trong đầu óc tôi nảy ra ý tưởng nhận Chúa làm bạn cộng sự. Tôi đóng cửa phòng lại, ngồi trên ghế, gục đầu xuống trên hai tay khoanh lại trên bàn viết. Bao nhiêu năm qua tôi chưa cầu nguyện lấy được vài lần. Tuy nhiên có điều chắc chắn là lần đó tôi cầu nguyện thật sốt sắng. Tôi nói với Chúa rằng tôi có nghe nói tới tư tưởng nhận Chúa làm bạn cộng sự, nhưng tôi không hiểu ý nghĩa tư tưởng đó và cũng không biết những người khác nhận Chúa như thế nào. Tôi nói với Chúa rằng tôi đang bị phong ba bão táp, y như điên dại ngông cuồng và rất chán nản não nề. Tôi nói: “Lạy Chúa, con không thể làm gì để Ngài cộng tác với con như một người bạn, nhưng xin Ngài đến và giúp con. Con không biết rõ được Ngài có cách gì để giúp con hay không, nhưng con rất cần được Ngài giúp đỡ. Chính vì thế giờ đây, con xin đặt vào bàn tay của Ngài công việc của con, gia đình của con, tương lai của con và chính mình con nữa. Ngài muốn làm gì, đó là tuỳ ý của Ngài. Con cũng chẳng biết Ngài sẽ bảo con phải làm gì nữa, nhưng có điều là con sẵn sàng nghe lời Ngài và làm theo đúng lời chỉ giáo Ngài ban, khi con biết rõ đó là thánh ý của Ngài”.

Ông nói tiếp: “Đó là lời tôi cầu nguyện. Sau khi tôi cầu nguyện xong, tôi vẫn còn ngồi ở ghế văn phòng. Tôi đoán rằng lúc đó tôi phải mong đợi một phép lạ xảy đến, nhưng chẳng có gì hết. Tuy nhiên tôi cảm thấy con người của tôi được yên hàn bình thản thật sự. Tối hôm đó, ngày đó chẳng có gì khác thường xảy đến, nhưng ngày hôm sau khi tôi tới văn phòng, tôi cảm thấy niềm vui tươi trong sáng hơn mọi khi. Tôi bắt đầu cảm thấy rằng thế nào rồi mọi sự cũng sẽ trở lại bình thường. Thật khó mà giải thích lý do tại sao tôi cảm thấy như vậy, vì thật ra mọi sự vẫn như thường chẳng có gì khác lạ. Thật ra công việc làm ăn có vẻ hơi xuống một chút, nhưng tôi đã trở nên con người khác.”

“Tôi vẫn còn nuôi dưỡng được tâm tình yên hàn và bắt đầu cảm thấy khá hơn. Tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện mỗi ngày và nói chuyện với Chúa như nói chuyện với một cộng sự viên. Dĩ nhiên đây không phải là những lời cầu nguyện như cầu nguyện ở Nhà Thờ, mà chỉ là những lời nói chuyện trao đổi tâm sự y như giữa bạn với bạn vậy thôi. Rồi một ngày kia trong văn phòng của tôi bỗng dưng nảy bật ra trong tâm trí một tư tưởng. y như miếng bánh nướng xong bật ra ngoài dàn nướng vậy. Tôi tự nhủ: “Làm sao mà người biết được chuyện đó? Bởi vì trước kia chưa bao giờ tôi thấy có như vậy, nhưng bây giờ trong khoảnh khắc tôi biết ngay chính đó là phương pháp tôi phải theo. Tôi vẫn không mảy may có ý nghĩa tại sao trước kia không bao giờ tôi nghĩ như vậy nữa. Tôi đoán chừng là vì tâm trí của tôi trước kia đã bị gò bó quá. Bây giờ tâm trí tôi hoạt động bình thường.”

Lập tức tôi theo đuổi tư tưởng đó. Rồi ông dừng lại: “Đúng ra chẳng có tư tưởng ý kiến gì cả. Chính Người Cộng sự viên mới của tôi nói với tôi đó. Lập tức tôi đem ra thi hành tư tưởng đó và mọi sự bắt đầu diễn tiến tốt đẹp. Từ đầu có tôi phát xuất ra những tư tưởng ý nghĩ mới, và mặc dầu tình trạng hiện tại, tôi bắt đầu nhận thấy mọi việc trở lại điều hoà hơn. Tình trạng chung bây giờ khả quan hơn nhiều, và tôi đã thoát khỏi nơi rừng vắng”.

Rồi ông nói: “Tôi không biết gì về giảng thuyết hay viết lách, nhưng tôi xin nói cho mục sư biết điều này: bất cứ dịp nào mục sư nói chuyện với các nhà kinh doanh, xin nói cho họ rằng nếu họ biết nhận Thượng đế làm cộng sự viên, họ sẽ có được nhiều tư tưởng thật hay, dùng chẳng bao giờ hết, và xin họ hãy đem ra thực hành những tư tưởng đó.”

Ông nói: “Tôi không muốn chỉ đề cập đến tiền bạc mà thôi, cho dù một cách thu lượm được kết quả do việc đầu tư là có được những tư tưởng của Thượng đế. Nhưng xin hãy nói cho họ biết rằng phương pháp nhận Thường đế làm cộng sự viên là cách giải quyết vấn đề đúng nhất”.

Câu chuyện vừa kể chỉ là một trong nhiều trường hợp cụ thể chứng minh rằng: ngay cả trong các vấn đề thực tế, liên hệ cộng tác giữa Thượng đế và loài người luôn đưa đến thành công. Tôi không thể không nhấn mạnh rằng chính đây là phương pháp giải quyết vấn đề hữu hiệu hơn cả. Kết quả thật là lạ lùng trong nhiều trường hợp.

CHƯƠNG 10: KHI THẤY HẾT SỨC, HÃY DÙNG CÔNG THỨC SỨC KHOẺ NÀY

Bác sĩ Franklin Ebaugh, giáo sư trường đại học y khoa Colorado, chủ trương rằng bệnh nhân trong các bệnh viện toàn khoa một phần ba bắt nguồn rõ ràng từ căn bệnh thể xác, một phần ba do tâm linh và thể xác, còn một phần ba do tâm linh hoàn toan. Bác sĩ Flanders Dunbar, tác giả cuốn sách MIND AND BODY (TÂM TRÍ VÀ THỂ XÁC) noi: “Vấn đề không phải là chẩn bệnh xem căn bệnh phát nguồn từ thể xác hay tâm linh, nhưng là xem bao nhiêu phần từ thể xác, bao nhiêu phần từ tâm linh”.

Những ai quan tâm tới vấn đề và suy nghĩ một chút, cũng nhận thấy lời nhận định của các bác sĩ trên là đúng khi họ bảo cho chúng ta biết rằng ấm ức, giận ghét, hờn dỗi, ý xấu, ghen tương, trả thù đều là những thái độ làm cho con người suy yếu đến thành bệnh. Hãy thử giận dữ một phen mà coi, bạn sẽ cảm thấy dạ dày co thắt kỳ cục. Những phản ứng hoá chất trong cơ thể sẽ do các phát lộ tình cảm điều hành mà kết cục là những cảm xúc khó chịu đau đớn. Nếu tình trạng đó kéo dài một thời gian hoặc bộc phát dữ dội, tình trạng sức khoẻ chung của cơ thể sẽ bị suy giảm.

Tôi và một bác sĩ cùng quen biết một người đã quá cố. Ông bác sĩ bạn cho tôi biết rằng người đó chết vì bệnh giận hờn. Ông bác sĩ cảm thấy thật sự người đó đã chết đi vì họ thù hận quá lâu đời. Lòng thù hận của họ đã làm cho thể xác hết sức chống cự. Bác sĩ giải thích: “Khi cơn bệnh tấn công thể xác, họ không còn đủ sức chống cự lại nữa. Ý hướng xấu xa đã làm cho thể xác suy nhược”.

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, xin hãy thành thật tự hỏi lòng mình xem bạn có nuôi dưỡng một ý hướng xấu xa nào không, một bực tức giận hờn nào không, và nếu có, xin hãy loại bỏ các ý tưởng đó đi ngay lập tức. Những ý tưởng đó chẳng những chẳng có thể làm gì tới được người bạn ghét hoặc tức, mà lại chỉ có một điều chắc chắn này là những ý tưởng đó đêm ngày lẩn quẩn ở trong đầu óc của bạn sẽ làm cho bạn càng thêm “tức mình”. Nhiều người bị sức khoẻ yếu kém không phải vì những đồ ăn thức uống họ đã dùng, nhưng là vì những gì đó vẫn tiếp tục ăn dần ăn mòn con người của họ. Những cảm xúc xấu sẽ ảnh hưởng tới chính con người của bạn, làm bạn mất nghị lực, hết chí khí, giảm sút sức khoẻ, và dĩ nhiên làm bạn mất an vui hạnh phúc.

Tuy nhiên nhiều người vẫn nghĩ rằng Sách Thánh chỉ giảng những lời lý thuyết lý tưởng suông khi khuyên bạn đừng giận hờn ghen ghét. Sách Thánh không phải là một mớ lý thuyết suông. Đây là một cuốn sách tuyệt hảo dạy miễn phí trên đời này. Sách Thánh đầy dẫy những lời khuyên thực tế giúp ta sống vui và sống khoẻ. Các bác sĩ thời nay nói cho ta biết rằng giận dữ, bực tức, mặc cảm tội lỗi chỉ làm cho bạn đau yếu mà thôi: lời nhận định lại chứng tỏ một lần nữa Sách Thánh là cuốn sách hợp thời nhất về việc giữ gìn bảo vệ sức khoẻ cá nhân, cho dù nhiều người coi đây chỉ là cuốn sách thuần tuý tôn giáo và không thực tế bao nhiêu. Đó là lý do tại sao người ta đọc Sách Thánh nhiều hơn sách nào hết. Trong Sách Thánh chúng ta khám phá cho biết những gì chúng ta sai lầm mà biết cách thức để sửa sai.

Giận dữ, bực tức, ghen ghét, hờn dỗi có ảnh hưởng lớn lao trên sức khoẻ con người: vậy phải làm gì để chống lại ảnh hưởng tai hại đó? Dĩ nhiên, điều quan trọng đầu tiên là lắp đầy tâm trí bằng các tư tưởng thiện chí, tha thứ, tin tưởng, yêu thương và tinh thần bình an. Nhưng làm thế nào đây? Sau đây là mấy lời chỉ dẫn thực hành. Nhiều người đã thành công áp dụng những lời này để chống lại những cảm xúc giận dữ. Áp dụng những lời chỉ dẫn vào đời sống thực tế sẽ tạo nên những cảm xúc lành mạnh.

1. Nên nhớ rằng giận dữ là một cảm xúc, và cảm xúc nào cũng nóng hổi và có khi còn nóng bỏng nữa. Do đó nếu muốn giảm bớt hiệu lực của giận dữ, bạn phải tập bình thản tỉnh bơ. Nhưng làm thế nào để có thể bình thản tỉnh bơ? Khi giận dữ, chúng ta đưa cánh tay giơ cao, dùng tiếng nói đay nghiến, rồi gân cốt căng thẳng, toàn thân cứng đơ. Tâm tư bạn sắp chiến đấu nên chất “adrenalin” tuôn ra khắp trong cơ thể. Đây là hình ảnh và tâm trạng của con người “ăn lông ở lỗ” còn ở trong hệ thống thần kinh của bạn. Vậy bạn phải chống cự lại cảm xúc nóng hổi này bằng một thái độ bình thản: coi mọi sự tỉnh bơ y như thường. Bạn phải có ý chí cương quyết không nắm tay quả đấm lại. Giơ bàn tay với các ngón tay duỗi thẳng. Quyết chí giữ giọng nói nhỏ nhẹ: nói thì thầm đủ nghe. Ngồi xuống ghế hoặc nằm xuống ghế dài. Thật khó mà giận dữ ai được khi bạn đang đứng mà ngồi hoặc nằm dài xuống.

2. Giận dữ là hậu quả dữ dội của nhiều cái bực dọc nho nhỏ. Những cái bực dọc nho nhỏ này tuy tự mình chúng là nho nhỏ, nhưng gom góp lại có thể tạo nên sức mạnh làm hại con người chúng ta, đúng y như câu nói “góp gió thành bão”. Do đó xịn bạn làm một danh sách liệt kê những gì nhỏ mọn làm bạn bực dọc: dù những điều nhỏ mọn vô lý vô nghĩa chẳng đáng kể gì, nhưng xin bạn cứ ghi danh sách trên giấy trắng mực đen. Làm như vậy bạn sẽ cắt đi những lạch nước nho nhỏ có thể tụ hội tạo thành con sông lớn.

3. Mỗi khi cảm thấy giận dữ, xin bạn hãy nói: “khôgn có lý gì để tốn phí một ngàn đồng giận dữ chỉ vì năm ba xu bực dọc”.

4. Khi có một điều gì xảy đến làm bạn khó chịu, xin hãy giải quyết vấn đề càng sớm càng hay. Hãy đi tìm nói chuyện với người nào bạn thật tín nhiệm: nói tất cả mọi sự để không còn gì khó chịu trong con người của bạn nữa. Rôi hãy quên hết mọi sự.

5. Hãy cầu nguyện cho người nào đó đã làm khổ bạn. Hãy cầu nguyện cho đến khi bạn thấy hết không còn khổ đau gì nữa. Đôi khi bạn phải cầu nguyện một thời gian khá lâu mới đạt được kết quả như vậy.

Có người đã áp dụng phương pháp này và cho tôi biết họ ghi sổ những lần họ phải cầu nguyện cho qua đi cơn đau buồn và cho bình an tới. Con số lên tới 64 lần đúng ý như chang. Chắc chắn phương pháp đó sẽ đem lại kết quả tốt đẹp.

CHƯƠNG 11: LÀM SAO ĐỂ NGƯỜI TA THÍCH BẠN

Phải thành thực mà công nhận rằng chúng ta ai cũng muốn được mọi người ưa thích quý trọng mộ mến. Nếu có ai nói rằng mình không cần ai và cũng chẳng cần ai thích mình, có một điều chắc chắn là người đó đã không nói lên sự thật đàng hoàng.

Người ta có làm một bản điều tra các học sinh trung học xem “bạn muốn gì nhất?”, kết quả là đại đa số học sinh muốn được “thầy yêu bạn quý”. Cả người già cũng muốn như vậy nữa.

Tôi phải có lời cảnh cáo bạn ngay rằng không bao giờ bạn có thể làm cho ai cũng yêu cũng mến bạn được đâu. Có một cái gì kỳ cục nơi bản tính con người, nên có một số người chẳng bao giờ ưa thích bạn cả. Có thể chỉ là vì không có cơ hội “bố ráp” với nhau, không làm sao để cho người ta “hợp gu”, “hợp nhãn” với mình đó thôi.

Cho dù bạn là con người khó tính, hoặc bản tính e thẹn, rụt rè, không thích giao tế, bạn cũng vẫn có thể có bạn bè vui vẻ, nếu bạn chịu khó thực tập một vài kỹ thuật đơn giản, tự nhiên và thật dễ dàng.

Trước hết bạn phải là con người an vui thoải mái, dễ chịu và vui vẻ.

Đạo giáo dạy cho biết một đức tính căn bản giúp bạn rất nhiều để bạn được người ta ưa thích. Đó là đức tính thành thật chú ý tới người khác, yêu mến người một cách tự nhiên không gò bó. Khi bạn tập luyện được đức tính căn bản này rồi, đương nhiên các đức tính khác sẽ triển nở tiếp nối.

Nếu bạn là con người thoải mái vui tươi, xin đừng vội suy đoán rằng lý do người ta không ưa thích bạn là vì người ta có điều gì đó kỳ cục hoặc khiếm khuyết. Trái lại xin bạn hãy suy đoán rằng có thể lỗi đó là ở chính bạn và bạn hãy tìm cách nhận định ra lỗi lầm đó mà sửa sai.

Có một ông kia đến bệnh viện của chúng tôi ở Nữu Ước để xin giúp về vấn đề liên hệ tình nghĩa. Ông chừng 35 tuổi đời. Thân hình rất cân đối và tư cách đàng hoàng. Người ta không ưa thích ông thì đó là một điều kỳ lạ. Nhưng rồi ông mô tả ra một chuỗi những hoàn cảnh bất hạnh đã xảy ra để chứng tỏ tại sao ông thất bại về liên hệ tình cảm.

Sau khi nói chuyện với ông, tôi thấy không có gì khó hiểu tại sao ông đã có vấn đề. Điều hiển nhiên là ông có một thái độ tự cao tự đại đáng kể. Ông là con người hay nói lý, quy mọi sự về mình và ích kỷ. Con người trẻ này dễ bực mình với người và trong tâm trí ông tìm cách trêu chọc người ta không thôi à. Trong thâm tâm, ông cố gắng làm cho mọi người phải theo ý của ông. Lẽ tất nhiên người ta dễ nhận ra được điều đó và đương nhiên có những bức tường ngăn cách trong tâm trí họ đối với ông.

Trong tư tưởng, ông tỏ ra khó chịu đối với người khác, nên kết quả là ông không có thân mật ấm cúng trong cung cách cử chỉ. Ông chỉ yêu mình, nên phải chịu hậu quả đau thương. Chỉ có một phương dược trị được: đó là phải tập luyện làm sao biết yêu mến người.

Ông cảm thấy khó chịu và sửng sốt khi chúng ta phân tích giải thích vấn đề khó khăn của ông. Nhưng ông rất cởi mở và thành thật và quyết định thực hành những kỹ thuật chúng tôi đề nghị ông dùng để phát triển lòng yêu thương người khác. Dĩ nhiên, ông cần phải thay đổi một số điều căn bản, tuy nhiên cuối cùng ông đã thành công.

Chúng ta đã đề nhị ông dùng một phương pháp này: tối trước khi đi ngủ, ông hãy dùng trí tưởng tượng hình dung ra mỗi người ông đã gặp trong ngày. Mỗi lần ông nhớ tới một khuôn mặt trước mắt, ông phải nghĩ tới người đó và phải cầu nguyện cho người ta.

Người đầu tiên ngoài những người trong gia đình mà ông gặp mỗi buổi sáng là người coi thang máy trong chung cư ông ở. Ngoài lời chào buổi sáng, ông chưa bao giờ có thói quen nói chuyện gì khác. Bây giờ ông quyết định bắt đầu nói chuyện với người đó. Ông hỏi thăm về gia đình, về những sở thích. Chẳng bao lâu ông bắt đầu thích người coi thang máy, và đáp lại người này bắt đầu suy nghĩ lại về những nhận định về ông khác quen, cho dù trước kia ông đã nghĩ khá đúng về ông khác trẻ tuổi này. Họ bắt đầu tỏ ra thân thiện vui vẻ. Và cứ như vậy diễn tiến từ người này tới người khác.

Một ngày kia ông nói với tôi rằng: “Bây giờ tôi mới nhận thấy rằng thế giới có đầy dẫy những người dễ thương dễ mến mà trước kia tôi không nhận ra”.

Khi nhận định được như vậy, ông chứng tỏ ông đã để mất đi con người cũ, và khi làm như lời Sách Thánh dạy, ông đã tìm lại được con người thật của chính mình. Khi ông để cho mình mất đi, ông đã gặp lại được chính mình và đã có thêm được rất nhiều bạn bè. Người ta biết cách để ưa thích quý mến ông.

Trong việc phục hồi nhân cách, việc quan trọng là ông đã học biết cách cầu nguyện cho người khác, bởi vì khi cầu nguyện cho người khác, bạn sẽ có chiều hướng thay đổi quan điểm nhận định về người đó. Bạn nâng cao liên hệ tình nghĩa giữa hai người lên tới Chúa. Khi đó, những gì hay nhất tốt nhất của người ta sẽ tuôn trào từ họ tới bạn, và những gì hay nhất tốt nhất của bạn cũng sẽ thông ra chuyền tới họ. Khi mỗi người đưa ra những gì hay nhất tốt nhất của mình, tình nghĩa thông cảm hiệp nhất sẽ được thiết lập. Dĩ nhiên trên thực tế, có người có tính tình dễ thương hơn người khác, nhưng nếu thực tâm tìm cách để hiểu người ta, bạn cũng sẽ khám phá ra được nhiều đức tính tốt của người, những đức tính đáng khâm phục, đáng yêu mến.

Một người kia cảm thấy có vấn đề khó khăn không biết làm sao để lướt thắng được các tâm tình bực dọc đối với những người ông có liên hệ. Có người ông ghét cay ghét đắng: những người đó dễ làm ông bực dọc vô chừng. Cuối cùng, ông đã lướt thắng tất cả những bực dọc đó bằng cách làm một danh sách chi tiết ghi rõ tất cả những gì ông có thể ưa thích về mỗi người đã làm ông bực dọc. Mỗi ngày ông lại ghi thêm chi tiết cho danh sách đó. Ông lấy làm ngạc nhiên mà khám phá ra rằng những người trước kia ông không ưa thích thật ra có nhiều đức tính đáng yêu đáng quý lắm. Thế rồi ông cảm thấy mất mát rất nhiều vì không hiểu tại sao trước kia ông đã không ưa thích họ. Dĩ nhiên trong thời gian ông khám phá những kỳ thú về những người này, họ cũng lại nhận ra những đức tính dễ thương về ông.

Một yếu tố khác làm cho người ta ưa thích bạn là nên thực tập giúp cho người ta thăng tiến con người cá nhân của họ. Bất cứ ai đã được bạn giúp trở nên một con người tốt hơn, hay hơn, can đảm hơn, dễ thương hơn, cũng sẽ quý mến bạn không cùng.

Xin bạn hãy cố gắng giúp càng nhiều người càng tốt. Hãy giúp người một cách vô vị lợi. Hãy giúp người vì lý do bạn ưa thích người và vì bạn nhìn thấy những khả năng ưu điểm nơi người. Hãy thực tập giúp đỡ người khác rồi bạn sẽ không bao giờ thiếu bạn bè. Người ta sẽ luôn nghĩ tốt về bạn. Hãy giúp đỡ người và yêu thương người một cách thật chân thành. Hãy làm tốt cho người và người sẽ nghĩ tốt, hiểu tốt, làm tốt cho mình.

CHƯƠNG 12: LIỀU THUỐC CHỮA BỆNH ĐAU TIM

“Xin ngài cho tôi một liều thuốc chữa bệnh đau tim”. Đó là lời yêu cầu kỳ lạ của một bệnh nhân xin khi bác sĩ cho ông biết rằng những tâm tưởng bất lực của ông không phải là do thể xác vật lý. Vấn đề rắc rối của ông là không thể lướt thắng qua được các phiền muộn. Ông bị chứng bệnh “đau trong người”, hậu quả của nhiều ưu tư.

Bác sĩ khuyên ông này hãy đi gặp vị linh hướng khải đạo mà tìm cách chữa trị bệnh tinh thần. Do đó ông suy nghĩ theo danh từ y khoa và đặt lại câu hỏi: “Như vậy có một phương pháp trị liệu tinh thần nào để giảm bớt những đau khổ nội tâm không? Tôi nhận thấy rằng ai cũng có phiền muộn ưu tư hết, và tôi tưởng rằng tôi cũng có khả năng đối phó như ai chứ, ai ngờ đằng này tôi đã cố gắng hết sức mà chẳng bao giờ được bình an”.

Rồi ông nở một nụ cười thật chậm thật buồn: “Xin ngài cho tôi một liều thuốc chữa bệnh đau tim”.

Tất nhiên phải có một phương dược trị bệnh đau tim chứ. Yếu tố đầu tiên là hoạt động thể thao. Người đau khổ phải tránh ngồi một chỗ rồi than vắn thở dài. Một chương trình hữu hiệu dùng hoạt động thể thao thay thế việc ngồi nghĩ ngợi vớ vẩn vô ích sẽ làm cho thần kinh bớt căng thẳng chỗ óc não, nơi chúng ta suy nghĩ, triết lý, hoặc đau khổ tâm lý. Bắp thịt hoạt động sẽ dùng một chỗ khác của óc não, và như thế làm cho thần kinh boắt căng thẳng mà tạo nên sự thoải mái.

Cho dù bạn đau tim cách nào đi chăng nữa, một trong các bước đầu tiên bạn phải thực hiện là quyết định trở về các sinh hoạt bình thường trong cuộc sống.

Hãy liên tưởng tới các công việc cũ. Hãy nghĩ tới các công việc mới. Hãy đi bộ, cỡi ngựa, bơi lội, chơi thể thao, làm cho máu lưu thông trong huyết quản và thân thể. Hãy để thả lỏng bạn theo dõi một dự án gì đáng kể. Hãy có óc sáng tạo hoạt động suốt ngày. Hãy để ý tới các hoạt động thể thao của mọi công việc. Hãy làm các công việc giúp tâm trí thư thái. Hãy đoan chắc mỗi công việc đều có tính cách xây dựng và đáng giá. Những lối thoát giả tạo qua các hoạt động nhất thời, chẳng hạn như ăn uống say sưa, cờ bạc hút sách, chỉ có thể làm cho đau khổ tạm chết đi một khoảnh khắc chứ không bao giờ có sức chữa lành.

Một phương pháp bình thường và tuyệt hảo để khỏi đau tim là mở đường cho phiền muộn giải toả đi. Chẳng hạn như khi bị đau khổ buồn sầu, xin hãy cứ khóc một cách tự nhiên đi. Thượng đế toàn năng đã tạo dựng nên thân xác có cơ cấu giải toả bế tắc như vậy, và nên dùng các cơ cấu đó. Khóc một cơn nên thân có thể làm cho con tim hết đau nhói. Tuy nhiên tôi cũng muốn cảnh cáo ngay rằng không nên lạm dụng các cơ cấu đó hoặc để chúng trở thành tập quán. Nếu bị lạm dụng quá hoặc bị trở nên tập quá, con người có thể bị thác loạn thần kinh.

Nhiều độc giả viết thư cho tôi sau khi có người thân yêu qua đời và cho biết rằng họ khó đi tới những chỗ xưa kia hai người có thói quen cùng đi, hoặc gặp gỡ những người xưa kia cả hai cùng quen biết. Vì thế họ tránh những bạn bè cũ, những địa điểm xưa.

Tôi nghĩ rằng đó là một lầm lẫn đáng tiếc. Một trong các bí quyết để chữa bệnh đau tim là phải sinh hoạt bình thường tự nhiên hết sức. Như thế không có nghĩa là thờ ơ lãnh đạm hoặc bất tín với người xưa. Phương pháp vừa nói trên thật quan trọng để muốn giúp chúng ta tránh tình trạng thương tiếc bất bình thường. Thương tiếc bình thường là phương thế bình thường, và cách bình thường nhất là chúng ta phải tỏ ra rằng mình có thể trở lại làm mọi công việc bình thường, với các trách nhiệm bình thường, và mọi sự vẫn như thường.

Dĩ nhiên liều thuốc tốt hơn cả để chữa bệnh đau tim là niềm an vui có sức chữa lành cho lòng tin tưởng nơi Chúa. Tất nhiên liều thuốc căn bản để chữa bệnh đau tim là phải có thái độ tin tưởng hướng về Chúa và trút rỗng hết mọi sự trong tâm hồn và trái tim cho Chúa. Cứ kiên trì trong việc làm trống rỗng con người nội tâm của mình, trái tim bị thương tích cũng sẽ được chữa lành.

Một yếu tố thâm thuý có thể chữa bệnh đau tim là phải có quan niệm triêt slý đứng đắn thoả đáng về cuộc đời, về cái chết và niềm tin trường sinh bất tử. Về phần tôi, khi tôi có được niềm tin tưởng rằng thật sự, chết không phải là hết, rằng mọi cuộc sống hiện tại và tương lai cũng chỉ là một, rằng thời gian hiện nay và thời gian vĩnh cửu không thể chia lìa được, rằng đây chỉ là một vũ trụ không bị cái gì cản trở, tôi tin tôi đã tìm thấy một triết lý thoả đáng nhất, đáng tin nhất trên đời tôi rồi vậy.

Triết lý đó không làm cho bạn bớt buồn sầu khi có một người thân yêu giã từ cõi thế hoặc mất đi. Nhưng triết lý đó đã nâng cao cơn phiền muộn và làm tan biến đi. Nhờ đó tâm trí có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa hơn tại sao có những sự kiện xảy ra mà bạn không thể tránh nổi. Nhờ đó bạn sẽ tin chắc rằng bạn không mất đi người thân yêu. Hãy sống với niềm tin đó, bạn sẽ được bình an, và tim bạn sẽ hết đau nhói.

Một ông bạn già của tôi đã làm kiến trúc sư nhiều năm: đi khắp năm châu bốn bể vì công việc đòi hỏi. Ông có một bộ óc khoa học, một mẫu người biết tự kiềm chế, ít cảm xúc và rất thực tế. Một đêm kia, bác sĩ của ông có gọi điện thoại nói cho tôi biết rằng ông bạn đó không sống được bao lâu nữa: tim chỉ còn đạp thoi thóp, huyết áp thật thấp. Bác sĩ không còn hy vọng nào, vì không nhận thấy phản xạ đáp ứng gì cả.

Tôi cùng những người thân yêu bắt đầu cầu nguyện cho ông bạn. Ngày hôm sau ông mở mắt ra được, rồi mấy ngày sau nữa ông bắt đầu nói được. Tim trở lại hoạt động bình thường. Sau khi được sức khoẻ bình phục, ông cho biết: “Trong suốt thời gian đau yếu có một lúc nào đó tôi cảm thấy có một điều gì đó đặc biệt đã xảy đến cho tôi. Tôi không thể giải thích làm sao được. Hình như tôi ở một nơi thật xa. Tôi thấy mình ở nơi thật xa đó mà thật đẹp, thật thần tiên mà tôi chưa bao giờ thấy. Quanh tôi đầy ánh sáng, ánh sáng thật huy hoàng. Tôi nhìn thấy các khuôn mặt xuất hiện lờ mờ, những khuôn mặt thật tử tế, và tôi cảm thấy bình an hạnh phúc. Thật ra suốt đời tôi chưa bao giờ được bình an hạnh phúc như vậy”.

“Rồi tôi có một tư tưởng này: có lẽ tôi chết đây. Tôi chợt có một ý nghĩ: có lẽ tôi đã chết thật. Tôi cười thật to và tự hỏi: tại sao suốt đời tôi lại phải sợ chết? Đâu có gì phải sợ?”

“Phải chăng đó là ảo tưởng? Là mộng mở? Là viễn tượng? Là hoài bão? Tôi không tin như vậy. Nhiều năm qua tôi đã có dịp nói chuyện với nhiều người có những kinh nghiệm tương tự: họ đã tới miền giới tuyến của một cái gì đó, đã nhìn thông suốt tất cả, đã có cùng một cảm nghiệm: họ đã cho biết đã nhìn thấy vẻ đẹp ánh sáng và bình an. Thật không còn gì làm tôi nghi ngờ trong tâm trí nữa”.

Xin bạn hãy đọc Sách Thánh, vì Sách Thánh cho biết Thượng đế tốt lành và linh hồn bất tử. Hãy tập cầu nguyện và luyện tin tưởng như một tập quán trong đời bạn. Hãy thật sự kết bạn với Thượng đế, với Đức Giêsu Kitô. Làm như vậy, bạn sẽ có được niềm tin sâu xa trong tâm trí của bạn, để rồi những kỳ diệu sẽ trở thành sự thật trong đời bạn.

Chính trong niềm tin đó mà bạn tìm được liều thuốc chữa bệnh đau tim: một niềm tin chính đáng, thành thật và hữu lý về cuộc đời này và về cõi trường sinh.

CHƯƠNG 13: LÀM SAO MÚC ĐƯỢC SỨC MẠNH TỪ NGUỒN MẠCH NĂNG LỰC TRÊN CAO

Khi còn trẻ, tôi được mời phụ trách một nhà thờ lớn trong một cộng đồng sinh viên đại học, và có nhiều người trong đám tín đồ của tôi là giáo sư đại học hoặc những công dân vị vọng trong thành phố. Tôi muốn chứng tỏ tôi xứng đáng được trao phó trọng trách này, nên tôi làm việc thật hăng hái. Hậu quả là tôi bắt đầu cảm thấy dễ mệt, hay căng thẳng và không thấy sức mạnh bình thường.

Một ngày kia tôi quyết định đi thăm một giáo sư bạn khá thân. Ông là một giáo sư thật giỏi nhưng cũng lại thích đi câu và đi săn. Ông là một người bạn tốt, thích hoạt động ngoài trời. Tôi biết rằng nếu tôi không tìm thấy ông ở đại học, chắc thế nào ông cũng ra hồ ra sông câu cá. Mà đúng y như vậy: ông đang ở ngoài đó. Ông thấy tôi liền ghé vào bờ. Ông nói: “Lên đây đi, cá đang cắn câu!” Tôi leo lên thuyền của ông và cùng đi câu một lúc.

Ông hỏi tôi với một giọng hiểu biết: “Có chuyện gì vậy?” Tôi nói cho ông biết rằng tôi đã cố gắng rất nhiều mà vì thế thần kinh của tôi bị chùng xuống không còn cảm thấy nghị lực nào nữa”.

Ông cười như nắc nẻ: “Có lẽ mi cố gắng quá cỡ thợ mộc đó!”

Khi thuyền cập bến rồi, ông nói: “Về nhà với tôi đi”. Khi vào trong nhà rồi, ông ra lệnh: “Hãy nằm xuống ghế dài này để ta đọc đoạn sách này cho mà nghe. Hãy nhắm mắt lại, an vui thư thái để ta kiếm ra đoạn sách đó.”

Tôi làm y như lệnh truyền, và cứ tưởng ông sẽ đọc cho tôi một đoạn văn triết lý hoặc giải trí, nhưng không, ông nói: “Đây rồi. Hãy lắng nghe thật kỹ lời ta đọc cho bạn nghe. Và cứ để những chữ đó thấm vào trong đầu óc.

“Phải chăng bạn chưa biết hoặc chưa nghe nói rằng Thượng đế, Thiên Chúa, Đấng Tạo hoá dựng nên trời đất, không bao giờ biết mỏi mệt lo lắng sao? Không cần phải lo tìm kiếm để hiểu biết Ngài. Ngài ban sức mạnh cho người yếu liệt, ban nghị lực cho những ai không còn sức. Kể cả trai trẻ cũng sẽ bị mệt mỏi và lo lắng, và người trẻ chắc chắn cũng sẽ vấp ngã. Còn những ai tin tưởng vào Chúa sẽ được bồi bổ sức mạnh. Họ sẽ vươn lên như phượng hoàng tung cánh. Họ sẽ chạy đua mà không đuối sức. Họ sẽ đi hoài mà không quỵ chân!” (Is 40).

Rồi ông hỏi tôi: “Bạn có biết ta đọc từ sách nào không?”

Tôi trả lời: “Sách tiên tri Isaia đoạn 40”.

Ông giải thích: “Ta mừng là vì bạn biết Sách Thánh. Nhưng tại sao bạn lại không đem áp dụng vào cuộc sống thực tế? Bây giờ xin bạn hãy an vui thư thái, nghỉ cho khoẻ. Hãy thử thở 3 cái thật dài: thở ra và thở vào thật chậm rãi. Hãy tập lệ thuộc vào Chúa để có sức mạnh và được sự nâng đỡ. Hãy tin rằng Ngài đang ban sức mạnh đây và đừng để mất sức mạnh đó. Hãy phó thác bạn cho sức mạnh của Ngài và để sức mạnh đó chuyền vào con người của bạn.”

“Dĩ nhiên bạn phải làm việc hết sức mình, nhưng phải làm việc với tinh thần dễ chịu thoải mái giống như người chơi banh: cứ đánh banh như trò chơi vậy: thua keo này lại bầy keo khác, vì biết rằng mình vẫn còn sức lực tiềm tàng.”

Rồi ông lặp lại lời Sách Thánh: “Những ai tin tưởng nơi Chúa sẽ được bồi bổ sức mạnh!”.

Câu chuyện trao đổi đó xảy ra cách đây đã lâu rồi, nhưng không bao giờ tôi có thể quên được bài học hôm đó. Ông đã dạy cho tôi biết cách múc sức mạnh được từ nguồn mạch năng lực trên cao. Xin cứ tin tôi đi: những lời khuyên bảo đó sẽ đem lại kết quả tốt. Tôi tiếp tục theo lời ông bạn khuyên bảo và chưa bao giờ thấy thất bại cả. Cuộc đời của tôi đầy ặp các hoạt động, tuy nhiên công thức sức mạnh đó bao giờ cũng đem lại nghị lực tôi cần.

Phương pháp thứ hai để múc được sức mạnh từ trên cao là phải học biết có thái độ tích cực và tinh thần lạc quan đối với mọi vấn đề. Càng chứng tỏ có niềm tin mạnh mẽ bao nhiêu, bạn càng lãnh nhận được nghị lực để đối phó với hoàn cảnh của bạn bấy nhiêu.

Nguyên tắc để sống thành công là: “Bạn sẽ được ý như lòng bạn tin tưởng” (Mt 9: 29).

Chắc chắn có một nguồn sức mạnh từ trên cao và sức mạnh đó có thể làm được mọi sự cho bạn. Hãy múc lấy nghị lực từ sức mạnh trên cao đó và hãy cảm thấy hiệu lực của sự giúp đỡ từ trên cao. Tại sao bạn lại phải chịu thất bại khi bạn được tự do múc lấy nghị lực từ sức mạnh trên cao? Xin bạn hãy trình bày vấn đề khó khăn của bạn. Hãy xin được một câu trả lời. Hãy tin rừng bạn sẽ nhận được câu trả lời đó. Hãy tin rằng ngay bây giờ nhờ ơn Chúa giúp bạn cũng đang có nghị lực để lướt thắng khó khăn của bạn được.

Sức mạnh trên cao lúc nào cũng sẵn sàng giúp bạn. Nếu bạn mở rộng lòng chờ đón, sức mạnh đó sẽ tuôn tràn đến bạn như thác lũ. Sức mạnh đó sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong mọi hoàn cảnh mọi điều kiện. Sức mạnh hùng vĩ này mạnh mẽ đến nỗi có thể xoá bỏ tất cả mọi sự trên đường tới bạn: như xoá bỏ sợ hãi, ghen ghét, bệnh tật, yếu đau, thất bại luân lý. Sức mạnhđó làm tất cả những thứ đó tiêu tan y như thể chưa bao giờ ảnh hưởng tới bạn, để rồi đời bạn được đổi mới và thêm nghị lực với đầy đủ sức khoẻ, hạnh phúc và trọn hảo.

Vậy tại sao bạn lại không múc lấy sức mạnh từ Nguồn mạch Năng lực Trên cao ấy?

Nguồn: Giáo hoàng học viện Pio X, Đà lạt, Việt Nam
Sức mạnh của tư tưởng tích cực và tinh thần lạc quan Reviewed by Hoài An on 3/23/2012 Rating: 5 NEW CONDENSED EDITION THE POWER OF POSITIVE THINKING NORMAN VINCENT PEALE Bản dịch SỨC MẠNH CỦA TƯ TƯỞNG TÍCH CỰC VÀ TINH THẦN ...

Không có nhận xét nào: