Lên án công an an ninh Tỉnh Yên Bái và Bộ công an Việt Nam. - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
7 tháng 5, 2012

Lên án công an an ninh Tỉnh Yên Bái và Bộ công an Việt Nam.

Lê Nguyên Hồng - Hôm qua, một lần nữa tôi đã hỏi thăm người vợ cũ của tôi - cô Hà Hồng Nga, giáo viên dạy môn Vật Lý của trường phổ thông trung học Trần Nhật Duật Yên Bình, Yên Bái - về chuyện cô ấy không được Phòng xuất Nhập cảnh, công an Tỉnh Yên Bái cấp hộ chiếu phổ thông. Chuyện này đã xảy ra từ năm 2008, khi cô ấy được công ty Amway thưởng một chuyến du lịch ngắn ngày đi Singapore và Thailand, tất cả những người khác trong nhóm phân phối sản phẩm cho Amway đều lấy được hộ chiếu bình thường. Nhưng riêng cô ấy thì không được cấp hộ chiếu.

Khi cô Nga đến hỏi lý do tại Phòng xuất Nhập cảnh tại sao mình không được nhận hộ chiếu thì công an nói là họ đã gửi hồ sơ đi Hà Nội rồi. Nhưng chờ mãi sốt ruột nên cô ấy đã về tận Cục xuất Nhập cảnh, Bộ công an để hỏi, ở đó họ trả lời là hồ sơ công an Yên Bái chưa gửi xuống. Như vậy là đã có sự khuất tất, nhập nhèm mờ ám của công an. Sự việc đó làm cho cô Hà Hồng Nga đã mất không hơn 5 triệu đồng là tiền vé máy bay và một số chi phí khác.

Đây là một sự trả thù hèn hạ, và vô cớ, bởi vì vợ chồng tôi đã ly dị từ năm 2003, có giấy công nhận thuận tình ly hôn ngày 18/1/2004 của tòa án. Qủa thật chúng tôi vẫn coi nhau như những người bạn và chỉ liên lạc với nhau để trao đổi về vấn đề nuôi dạy con cái mà thôi. Điều này công an cũng biết, vì chắc chắn 100% các cuộc trao đổi qua điện thoại của hai chúng tôi thì công an đều sẽ nghe lén được hết. Nhưng thật khó lý giải là tại sao họ lại không những không cấp hộ chiếu phổ thông cho người vợ cũ của tôi, mà còn liên tục thẩm vấn cô ấy về rất nhiều vấn đề, hòng khai thác thông tin cá nhân của tôi. Nhưng thực sự cô ấy quả thật không biết gì về chuyện tôi đấu tranh (làm “phản động”) như thế nào…

Hàng chục lần, công an an ninh đã trực tiếp đến tận nhà uy hiếp người vợ cũ của tôi, họ còn liên tục đến trường gây áp lực, buộc cô ấy khai báo, nhưng cô ấy biết gì mà khai? Các con tôi kể lại, mỗi lần công an đến, họ yêu cầu mọi người (trong đó có con tôi) phải ra khỏi phòng khách để họ thẩm vấn mẹ của các cháu. Hiện nay mỗi tháng cô ấy vẫn phải tường trình về việc mình đã làm gì trong tháng vừa qua. Như vậy là một bức màn vô hình đã được giăng ra để cô lập và giam lỏng cô ấy. Đây là một sự tước đoạt quyền tự do hết sức vô lý và trắng trợn…

Gia đình cô Hà Hồng Nga là một gia đình có truyền thống Sư Phạm. Bố đẻ của cô ấy là một đảng viên ĐCS lâu năm, trước đây Ông từng là hiệu trưởng Trường Hành Chính và Trường Tổ Chức Cán Bộ. Ông cũng là một trong những cán bộ sư phạm đầu tiên xung phong lên miền núi xây dựng ngành Gíao Dục tỉnh Lào Cai. Tuy vậy nhưng cuối đời, Ông đã bị Đảng Cộng Sản đối xử bất công, điều chuyển hết nơi này đến nơi khác, chỉ vì Ông không chịu sống cúi luồn. Kết cục cuối cùng Ông bị đẩy về làm hiệu trưởng một trường cấp II và qua đời ngay sau đó trong uất ức, tủi hờn mà chưa được hưởng một ngày lương hưu trí nào…

Trước đây tôi cứ nghĩ công an họ làm việc cho nhà nước, họ phải tuân thủ pháp luật hơn ai hết để làm gương cho người dân. Nhưng chính sự đàn áp bất chấp tất cả của họ đối với tôi năm 2008 tại Sài Gòn, đã cho tôi thấy điều ngược lại: Công an an ninh coi rẻ mạng người, dùng nhiều thủ đoạn bẩn thỉu, và bất chấp pháp luật. Những sự kiện chính trong việc tôi bị đàn áp như thế nào, tôi đã viết ra trong bài “Tiếng nói một công dân phản đối Bộ Ngoại Giao Việt Nam”. Nhưng việc họ đã đàn áp luôn cả mẹ đẻ của tôi thì tôi chưa từng kể.

Mẹ tôi năm nay 90 tuổi, chỉ có duy nhất mình tôi là con (tôi là con độc nhất), bởi vậy khi tôi vào Sài Gòn sinh sống, cụ cũng phải khăn gói đi theo. Tại Sài Gòn, công an an ninh đã cam tâm lừa cụ để đột nhập trái phép vào nhà tôi: Một lần, khi tôi bị gọi lên thẩm vấn tại công an quận 8, họ yêu cầu tôi bỏ hết mọi thứ đồ dùng trong người ra, trong đó có cả ví tiền và chìa khóa nhà ở. Họ lấy lý do là họ sợ tôi có cài máy ghi âm (?) ghi lại cuộc thẩm vấn. Nhưng sau đó họ đã cử người bí mật đem chìa khóa nhà của tôi mở cửa, đột nhập vào trong nhà.

Khi hai viên công an, một mặc thường phục và một mặc đồ cảnh sát hẳn hoi đột nhập lên tầng 2 thì họ gặp mẹ tôi ở đó. Bất ngờ vì mẹ tôi la toáng lên thì họ chạy lại lấy tay bịt miệng mẹ tôi và nói là cô quản lý của tôi đã mở cửa cho họ vào. Và họ cử một người áp sát mẹ tôi để che mắt, còn người kia tiến hành lục soát như chỗ không người. Chẳng biết họ đã làm gì, hay chỉ đơn thuần là gắn máy nghe trộm. Nhưng thái độ và cách làm việc đó quả thật đúng như lối hành xử của lũ xã hội đen. Sau khi về nhà nghe mẹ tôi kể lại, tôi đã điện thoại nói với viên trung tá an ninh Trần Tiến Tùng chuyên thẩm vấn tôi là “ông hãy sống để đức cho con cho cháu nhé!”…

Nhiều lần khác, khi chúng tôi bị công an cướp mất tiệm cơm văn phòng và đồng thời là tiệm Gỏi Gà buổi tối tại số 65 đường Tuy Lý Vương P. 12 Q. 8 Sài Gòn, buộc phải chuyển đến thuê nhà số 18/29/4 P.15.Q 8 để ở, thì hàng đêm công an cứ nhằm lúc 1 – 2 giờ sáng gõ cửa để “kiểm tra hộ khẩu”. Nếu không mở cửa thì họ giật cửa sắt ầm ầm, buộc phải mở cửa ra, và lại ký biên bản kiểm tra hành chính rồi họ mới cho ngủ tiếp. Mẹ tôi chắc chắn là có thể già bằng hoặc hơn mẹ của những viên công an quấy rối đó, nhưng họ cũng coi như không có cụ vậy. Đó thực sự là những hành động nhẫn tâm. Không biết nếu người khác hành hạ mẹ của họ giống như họ đã làm với mẹ tôi thì họ nghĩ ra sao…

Đối với vấn đề của cô Hà Hồng Nga. Tôi xác nhận là cô ấy là người mạnh mẽ chứ cũng không dễ để người đời ăn hiếp. Công an cũng chẳng thể làm cho cô ấy sợ vì cô ấy đã từng đuổi thẳng cổ một nhóm công an hình sự khoảng gần 10 người xâm phạm trái phép nơi ở của gia đình tôi năm 1996. Nhưng có 2 điều cô ấy lo sợ mà phải chấp nhận nhịn nhục, đó là cô ấy sợ phải xa mẹ đẻ thì không có ai trông nom bà, vì mẹ cô ấy vốn bị bệnh tim rất nặng. Điều thứ 2 là cô ấy sợ mất việc làm. Nhiều năm qua nhà trường nơi cô ấy công tác đã nhiều lần dọa cho chuyển trường, chuyển vùng công tác. Cô ấy dạy học đã 23 năm nay, phần vì gắn bó với nghề, và cũng vì tiếc công phấn đấu, nên cô ấy buộc phải chấp nhận...

Tôi còn có một tài khoản tiết kiệm 30 cây vàng SJC tại Ngân hàng Phương Nam, Quận 11, đường Lý Thường Kiệt, Sài Gòn. Nhưng vừa qua tôi ủy nhiệm cho cô Nga lấy giúp, có đủ cả chữ ký và dấu vân tay cùng giấy căn cước của tôi, nhưng công an cũng không chịu đóng dấu xác nhận cho lấy. Việc này tôi buộc phải chấp nhận không thể làm gì hơn, cũng như trường hợp ngôi nhà tôi mua 21 cây vàng (năm 2006 quy ra tiền lúc đó chỉ có hơn 200 triệu, nhưng nay là gần 900 triệu) tại Thủ Đức – Sài Gòn, nhờ một người bạn đứng tên và cho thuê, nay cũng không bán được vì công an đã phát hiện tôi chính là chủ của ngôi nhà đó.

Uất ức hơn tất cả, đó chính là kể từ khi tôi tham gia đấu tranh dân chủ, mẹ tôi đã phải chịu nhiều áp lực quá sức. Để đảm bảo an toàn cho mẹ, tháng 4 năm 2008 tôi buộc phải đem mẹ đi gửi ở nhờ một người cháu gái họ ở mãi tận tỉnh Lâm Đồng. Nhưng chính quyền ở đó cũng làm khó dễ và cuối cùng họ dùng một tên đại úy đảng viên cựu chiến binh vô lại trong họ Lê của chúng tôi, từ Miền Bắc gây áp lực buộc người cháu gái họ của mẹ tôi (và là chị ruột của hắn) phải đuổi cụ về quê.

Nơi cuối cùng mà mẹ tôi có thể gửi thân, chính là quê cũ của cụ. Một cuộc hành trình bắt đầu từ Lâm Đồng, thân già tuổi yếu đi không nổi, mẹ tôi vẫn phải leo lên xe khách đường dài vạ vật mấy ngày đường mới ra đến tỉnh Thái Bình. Tại đây công an Tỉnh Thái Bình cũng đã mò tới theo dõi và hăm dọa vợ chồng người cháu (con của em ruột mẹ tôi) là không được liên hệ với tôi. Nhưng nếu không liên lạc thì họ làm cách nào để nhận tiền của tôi chu cấp cho mẹ mình hàng tháng? Đó là còn chưa nhắc đến chuyên, chỉ vì về Thái Bình cư trú, mẹ tôi đã mất hết toàn bộ tiền trợ cấp người già hàng tháng từ nhiều năm nay. Chắc là lũ cán bộ lao động thương binh xã hội tỉnh Yên Bái lại nuốt hết số tiền đó. Thôi cũng không cần quan tâm đến vài đồng bạc lẻ đó làm gì… 

Nhưng đau đớn hơn tất cả, chính là việc mẹ tôi đã phải nằm liệt giường vì bị ngã gãy chân 2 năm nay mà tôi và các con tôi ở xa không thể nào chăm sóc. Tủi cực hơn nữa, mẹ tôi và các em con của cậu tôi quá lo sợ bị công an trả thù bằng cách nếu cụ qua đời thì chính quyền ở đó sẽ bỏ mặc, nên họ đã phải nói dối với mọi người là cụ không có con cháu gì. Đây là điều khổ tâm nhất mà gia đình tôi đang phải gánh chịu. Gần đây tôi có điện thoại xin lỗi vì đã bất hiếu với mẹ, và nói với mẹ là đừng sợ, mẹ biết rõ con không làm gì sai, mẹ cứ đàng hoàng mà sống, không phải nói dối là không có con cháu gì, đau khổ lắm, con hứa sẽ lo đủ chuyện tài chính. Nhưng không biết mẹ tôi và mọi người có dám làm theo hay không, vì chỉ nghe hai từ “công an” là họ đã mất vía cả rồi… 

Như vậy cô Hà Hồng Nga – vợ cũ của tôi không phải là người duy nhất bị đàn áp một cách vô cớ. Mẹ tôi mới là người đáng thương nhất, đau khổ nhất, vì năm nay cụ đã 90 tuổi và đã rất yếu, lại phải sống thiếu con thiếu cháu bên mình. Trong tâm trạng day dứt và căm phẫn này, tôi cực lực lên án công an an ninh tỉnh Yên Bái và Bộ công an Việt nam đã trắng trợn vi phạm quyền con người. Mặt khác tôi kêu gọi lương tâm của tất cả lực lượng công an an ninh, hãy thức tỉnh và hãy đặt họ vào hoàn cảnh của tôi để họ biết thế nào là đau đớn. Nếu không, sau này họ sẽ buộc phải trả lời cho những thế hệ trẻ về những việc làm bất công vô nhân đạo của họ hôm nay đối với gia đình tôi, trước tòa án lương tâm.

Lê Nguyên Hồng

Lên án công an an ninh Tỉnh Yên Bái và Bộ công an Việt Nam. Reviewed by Hoài An on 5/07/2012 Rating: 5 Lê Nguyên Hồng - Hôm qua, một lần nữa tôi đã hỏi thăm người vợ cũ của tôi - cô Hà Hồng Nga, giáo viên dạy môn Vật Lý của trường phổ thôn...

Không có nhận xét nào: