Bài giáo lý thứ tư (8A 21) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 6, 2012

Bài giáo lý thứ tư (8A 21)

TNCG - Thính phòng Phaolô VI, buổi yết kiến ngày thư tư, 13.06.2012. 

SUY NIỆM VÀ SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN (2Cor 12,1-10) 

ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTUS XVI 

Anh Chị Em thân mến, 

việc gặp gỡ hằng ngày với Chúa và việc thường xuyên năng tới với các Phép Bí Tích cho phép chúng ta mở rộng ký trí và con tim chúng ta ra cho sự hiện diện, lời và động tác của Người. 

Cầu nguyện không phải chỉ là hơi thở của linh hồn, nhưng, để dùng một hình ảnh, cũng là ốc đảo của hòa bình, nơi đó chúng ta có thể múc lấy nước để nuôi sống đời sống thiêng liêng của chúng ta và biến đổi cuộc sống chúng ta. 

Và Thiên Chúa lôi kéo chúng ta hướng về Người, làm cho chúng ta trèo lên núi của sự thánh thiện, để chúng ta luôn luôn sát gần bên Người, bằng cách ban cho chúng ta ánh sáng và an ủi suốt dọc cuộc hành trình của chúng ta. Đó là kinh nghiệm mà Thánh Phaolồ đề cập đến trong chương 12 của Thư II gởi các tín hữu Côrintô, mà trên đó tôi được muốn dừng lại hôm nay. 

Trước những ai phản đối tính cách chính danh việc tông đồ của ngài, ngài không liệt kê ra bao nhiêu cộng đồng mà ngài đã thiết lập, bao nhiêu cây số ngài đã trải qua, không chỉ giới hạn dừng lại nhắc nhớ lại các khó khăn và chống đối mà ngài đã chạm trán để loan báo Phúc Âm, mà chỉ nói lên mối giao tiếp của ngài với Chúa, mối tương quan giao tiếp mãnh liệt đến nỗi được coi như là những lúc ngất trí, chiêm niệm sâu xa: 

- "Phải tự hào ư? Nào có ích gi ! Dầu thế tôi cũng xin nói về những thị kiến và mạc khải" (2 Cor 12,1). 

Như vậy không phải là để khoe khoang những gì ngài đã làm, về sức mạnh của ngài, về những hoạt động và thành công của ngài, mà là để khoe đông tác mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi ngài và qua trung gian của ngài. 

Thật vậy, với một thái độ mắc cở to lớn, ngài thuật lại thời điểm trong đó ngài đã sống kinh nghiệm cá biệt, là được bắt cướp đem đi đến tận trời của Chúa. 

Ngài nhớ lại rằng mười bốn năm trước khi gởi Thư đi, 

- "Tôi biết có môt người môn đệ của Chúa Kitô, trước đây mười bốn năm, đã được nhắc lên tới tầng trời thứ ba, có trong thân xác hay không, tôi không biết; có ở ngoài thân xác hay không, tôi cũng không biết, chỉ có Thiên Chúa biết" ( 2 Cor 12, 2). 

Bằng ngôn từ và phương thức diễn tả của người tường thuật lại điều không thể tường thuật, Thánh Phaolồ đề cập đến sự kiện bằng cách dùng cả đến ngôi thứ ba; ngài thuật lại rằng một người bị bắt cướp đi trong "vườn" của Thiên Chúa, ở trên thiên đàng. 

Việc chiêm niệm sâu đậm và mãnh liệt đến như vậy, khiến cho Vị Tông Đồ không còn nhớ cả đến nội dung của việc mạc khải nhận được, nhưng ngài vẫn còn nhớ ngày tháng và hoàn cảnh trong đó Chúa đã hoàn toàn nắm lấy ngài, Người đã kéo ngài về với Người, như đã thực hiện trên đường Damasco trong cuộc trở lại của ngài: 

- "Nói như vậy không phải là tôi đã đoạt giải hay đã nên hoàn thiện: nhưng tôi đã cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Chúa Giêsu Kitô chiếm đoạt" (Phl 3, 12). 

1 - Thánh Phaolô tiếp tục nói rằng bởi lẽ không để mình tự hào trở thành kiêu ngạo tự đắc về những gì cao cả đã được mạc khải cho, ngài còn mang nơi mình một " chiếc gai ", một sự đau đớn: 

- "Và để khỏi tự cao tự đại, về những mạc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như bị một cái dầm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại" (2 Cor 12, 7). 

Và bởi đó ngài mạnh mẻ van xin Chúa Phục Sinh giải thoát mình khỏi kẻ được Thần Dữ sai đến, gở cái gai nầy ra khỏi thân xác mình. Ngài còn cho biết, ngài đã van xin Chúa ba lần cất khỏi mình cơn thử thách đó. Và trong hoàn cảnh đó, trong lúc suy niệm sâu đậm về Chúa, ngài nghe được những lời nói, mà không ai được phép nói lại, khi ngài nhận được Chúa trả lời cho : 

- "...và người ấy được nghe những lời khôn tả, mà loài người không được phép nói lại" (2 Cor 12,4) 

Chúa Phục Sinh nói ngài một lời rõ ràng và trấn an: 

- "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối" (2 Cor 12, 9). 

Chú giải của Thánh Phaolồ về các lời vừa kể có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên,nhưng làm cho chúng ta biết tông đồ đích thực của Phúc Âm có nghĩa là gì. Thật vậy ngài kêu lên như sau: 

- "Bởi đó tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Chúa Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui mừng khi mình yếu đưối, bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Chúa Kitô. Vì khi tôi yếu đưối, chính là lúc tôi mạnh" (2 Cor 12, 9b-10). 

Nghĩa là ngài không tự khoe khoang về động tác của mình, mà về tác động của Chúa Kitô hoạt động chính trong sự yếu đuối của ngài. 

Chúng ta hãy dừng lại thêm một đôi chút nữa về sự kiện xảy ra trong những năm mà thánh Phaolồ còn sống trong thinh lặng và chiêm niệm, trước khi bắt đầu chạy đi khắp Tây Phương để loan truyền Chúa Kitô, bởi vì thái độ khiêm tốn sâu xa và tin cậy vào những gì Chúa tỏ ra cho biết là nền tảng cho lời cầu nguyện và đời sống chúng ta, cho mối liên hệ của chúng ta với Chúa và cho các yếu đuối của chúng ta. 

2 - Trước hết những yếu đuối nào là yếu đuối mà Vị Tông Đồ đề cập đến? 

"Cái gai" trong thân thể đó là loại gai gì? 

Chúng ta không biết được và ngài không nói rõ ra, nhưng thái độ của ngài làm cho chúng ta hiểu đó là mọi khó khăn trong việc đi theo làm môn đê Chúa Kitô và nhân chứng Phúc Âm của Người. Những khó khăn đó có thể vượt thắng được bằng cách mở rộng chúng ta ra với lòng tin tưởng vào động tác của Chúa. 

Thánh Phaolô rất ý thức rằng mình là một "người đầy tớ vô ích ": 

- "Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận mà thôi" (Lc 17, 10). 

Không phải ngài là người đã làm những việc trọng đại, mà là Thiên Chúa; ngài chỉ là một "bình sành", trong đó Chúa đặt vào sự giàu có và sức mạnh của ơn sủng Người: 

- "Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chớ không phải từ chúng tôi" (2 Cor 4, 7), 

Trong lúc cầu nguyện chiêm niệm đầy nồng độ đó, Thánh Phaolồ biết rõ phải đối đầu và sống thế nào đối với mọi biến cố, nhứt là đối với những cơn đau khổ, khó khăn, cơn bách hại: 

- bởi vì trong lúc mình có kinh nghiệm được sự yếu hèn của mình, 

- chính là lúc quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện. 

Thiên Chúa không bỏ bê, không để cho một mình lẻ loi, Người trở thành sự nâng đỡ và sức mạnh. 

Dĩ nhiên có lẽ Thánh Phaolồ thích được gỡ "cái gai" đó ra khỏi mình, gỡ sự đau đớn đó ra khỏi, nhưng Chúa nói "Không", con cần có cái gai đó. 

Con sẽ có đủ ơn sủng để chống lại và để làm những gì phải làm. 

Điều đó cũng có giá trị đối với chúng ta. Chúa không giải thoát chúng ta khỏi các sự dữ, mà giúp chúng ta trở nên trưởng thành trong các đau khổ, trong các khó khăn, trong các cơn bách hại. 

Đức tin nói cho chúng ta rằng, nếu chúng ta ở lại trong Chúa, 

- "..., dù con người bên ngoài chúng ta có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng ta ngày càng đổi mới trong các cơn thử thách" (2 Cor 4, 16). 

Vị Tông Đồ thông báo cho các tín hữu Corinto và cho cả chúng ta rằng: 

- "một chút gian truân tạm thời trong hiện tại, sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt với" (2 Cor 4, 17). 

Trên thực tế, nói theo bản tính nhân loại, trọng lượng của những khó khăn không phải nhẹ, thật rất là nặng nề; nhưng so với tình yêu thương của Thiên Chúa, với sự cao cả được Chúa yêu thương, trọng lượng đó có vẻ như nhẹ nhàng, vì chúng ta biết được khối lượng của vinh quang sẽ vượt lên khỏi mọi mức đo lường. 

Như vậy với tầm mức trong đó lớn lên mối thông hiệp của chúng ta với Chúa và trong đó làm cho lời cầu nguyện tăng cường độ, mặc dầu chúng ta đề cập đến những gì thiết yếu và chúng ta biết rằng không phải quyền lực các phương tiện, các đức tính của chúng ta, các khả năng của chúng ta là những gì thực hiện Nước Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa tác động các điều kỳ diệu chính qua sự yếu hèn của chúng ta, qua khả năng bất xứng của chúng ta đối với sứ mạng được ủy thác cho. 

Bởi đó, chúng ta cần phải khiêm nhường, không đơn sơ chỉ tin tưởng vào chính chúng ta, nhưng là làm việc, với sụ giúp đỡ của Chúa, trong vườn nho của Chúa, phó thác cho người như những "bình sành" mỏng dòn. 

3 - Thánh Phaolồ cho biết hai mạc khải cá biệt đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời của ngài. 

Điều, mạc khải đầu tiên, chúng ta đều biết, là câu hỏi có liên hệ trực tiếp với Phaolô trên đường đi Damas: 

- "Saul, Saul, tại sao ngươi bách hại Ta ?" (Cv 9, 4). 

Đó là câu hỏi đã làm cho Phaolô khám phá ra và gặp được Chúa Giêsu đang sống và hiện diện, và làm cho ngài được kêu gọi trở thành tông đồ Phúc Âm. 

Điều mạc khải thứ hai là những lời Chúa nói với ngài trong cầu nguyện suy niệm mà chúng ta suy tưởng đến: 

- "Ơn của Ta đủ cho con: thật vậy, sức mạnh được thể hiện hoàn hảo trong sự yếu đuối". 

Chỉ có đức tin, lòng tin cậy vào động tác của Chúa, vào lòng tốt lành của Chúa, Đấng không bỏ rơi chúng ta, là bảo đãm rằng chúng ta không làm việc vô ích. 

Như vậy, ơn Chúa đã là sức mạnh cùng đi với Thánh Phaolố trong các nặng nhọc vô tận để loan truyền Phúc Âm và trái tim của ngài đã hội nhập vào trái tim của Chúa Kitô, khiến cho ngài có khả năng dẫn dắt những người khác hướng về Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta. 

Trong cầu ngyện, chúng ta mở tâm hồn chúng ta ra cho Chúa để Người đến và cư ngụ trong sự yếu hèn của chúng ta, biến đổi yếu đưối đó thành sức mạnh bằng Phúc Âm. 

Có ý nghĩa rất dồi dào động từ mà Thánh Phaolồ dùng để diễn tả Thiên Chúa cư ngụ trong sự mỏng dòn của nhân tính ngài. Ngài dùng động từ episkenco, mà chúng ta có thể dịch được bằng "đặt chính lều trại" của Người . 

Thiên Chúa vẫn tiếp tục đặt lều trại của Người nơi chúng ta, ở giữa chúng ta: đó là Mầu Nhiệm Nhập Thể. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa, đã đến ở giữa nhân loại chúng ta, muốn ở trong chúng ta, đặt lều trại của Người trong chúng ta, để soi sáng và biến đổi đời sống chúng ta và thế giới. 

Sự suy niệm đầy cường độ về Chúa được Thánh Phaolồ kinh nghiệm nhắc nhớ lại kinh nghiệm của các môn đệ trên núi Tabor. Khi thấy Chúa Giêsu được biến dạng và sáng chiếu đầy ánh sáng, Thánh Phêrô nói với Người: 

- "Thưa Thầy, ở đây thì tốt lắm, chúng con làm ba chiếc lều, một cho Thầy, một cho Môisen và một cho Elia" (Mc 9, 5). 

Và Thánh Marco thêm: 

- "Thật vậy, ông không biết mình đang nói gì, bởi vì các ông đều khiếp đảm" ( id., 6). 

Chiêm ngắm Thiên Chúa đầy hứng khởi nhưng đồng thời cũng khiếp đảm. 

Đầy hứng khởi, bởi vì Người lôi kéo chúng ta đến với Người và chiếm lấy tim chúng ta hướng lên cao, đem tim chúng ta đến cao độ của Người, nơi mà chúng ta knh nghiệm được hoà bình, vẻ tươi đẹp của tình yêu. 

Đầy khiếp đảm, bởi vì cho thấy rõ nỗi yếu hèn nhân loại của chúng ta, tình trạng chúng ta không xứng đáng, sự mệt nhọc để thắng được Thần Dữ đang vây hảm đời sống chúng ta, cái gai đang cắm vào xác thịt chúng ta. 

Trong cầu nguyện, chiêm niệm Chúa hằng ngày, chúng ta nhận được sức mạnh tình yêu của Chúa và chúng ta cảm nhận được các lời của Thánh Phaolồ gởi cho các tín hữu Roma là những lời xác thực, khi ngài viết: 

- "Đúng vậy, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương qủy lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẩm, hay bất cư một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rom 8, 38-39). 

4 - Trong một thế giới mà trong đó có cái nguy là chúng ta chỉ biết phó thác vào hiệu năng và sức mạnh của các phương tiện con người, thì trong thế giới mới nầy chúng ta được mời gọi biết khám phá ra và nhân chứng cho quyền năng của Thiên Chúa, được ban cho trong cầu nguyện. Với quyền năng đó chúng ta được tiến triển mỗi ngày một lớn lên trong việc đồng dạng hoá đời sống chúng ta với đời sống của Chúa Kitô, là Đấng, như Thánh Phaolô xác nhận, 

- "đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa. Cả chúng ta nữa, trong Chúa Kitô, chúng ta mang thân phận yếu hèn, nhưng cùng với Người, chúng ta sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa để xử sự với anh em" (2 Cor 13, 4) 

Các bạn thân mến, trong thế kỷ qua, Albert Schweitzer, nhà thần học Tin Lành và người được thưởng giải Nobel hoà bình, xác nhận rằng: 

- "Thánh Phaolô là một nhà huyền bí và không có gì hơn là một nhà huyền bí", 

tức là một con người thực sự đã mến yêu Chúa Kitô và như vậy, kết hợp với Người, đến nỗi có thể nói rằng: Chúa Kitô sống trong tôi. 

Đặc tính huyền bí của Thánh Phaolô 

- không những chỉ đặt nền tảng trên những biến cố khác thường mà ngài đã sống, 

- nhưng còn trên cả mối tương quan hằng ngày và đầy nhiệt quyết với Chúa, Đấng vẫn luôn luôn nâng đỡ ngài bằng ơn sủng của Người. 

Đặc tinh huyền bí không làm cho ngài xa lánh thực tại, trái lại đã cho ngài sức mạnh để sống mỗi ngày cho Chúa Kitô và để kiến tạo Giáo Hội cho đến thời điểm cuối cùng thế giới của thời gian đó: 

- kết hợp với Chúa không làm cho con người xa lánh trần thế, 

- mà ban cho chúng ta sức mạnh để thực sự ở lại trong thế giới, để hành động những gì cần phải làm trong thế giới. 

Như vậy trong đời sống cầu nguyện của chúng ta, chúng ta cũng có thể 

- có những lúc với cường độ cá biệt, có lẽ đó là lúc chúng ta cảm nhận được sự hiện sống động hơn của Chúa, 

- nhưng điều quan trong là sự bền chí, trung thành trong mối tương quan với Chúa, nhứt là trong những hoàn cảnh khô khan, khó khăn, đau khổ, cảm thấy dường như Chúa vắng mặt. 

Chỉ có khi nào chúng ta được tình yêu của Chúa Kitô nắm lấy, chúng ta sẽ có thể chạm trán với mọi trở ngại như Thánh Phaolồ, xác tín rằng chúng ta có thể làm được tất cả trong Đấng ban cho chúng ta sức mạnh: 

- "Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu đưọc hết" (Phil 4, 13). 

Như vậy, 

- chúng ta càng dành thời gian cho cầu nguyện bao nhiêu, 

- chúng ta càng cảm nhận được đời sống chúng ta được hoán chuyển bấy nhiêu 

- và sẽ được năng động hoá bởi sức mạnh thực tế của tình yêu Chúa. 

Như vậy đã xảy ra, ví du như, cho Mẹ Chân Phước Teresa thành Calcutta, là vị trong khi chiêm niệm Chúa Giêsu và ngay cả chính trong khoảng thời gian khô khan lâu dài, Mẹ tìm được lý do cuối cùng và năng lực không thể tưởng tượng được để nhận ra được Chúa Giêsu trong người nghèo và trong những kẻ bị bỏ rơi, mặc cho diện mạo mỏng dòn của họ. 

Chiêm ngắm Chúa Kitô trong đời sống chúng ta 

- không phải là những gì làm cho chúng ta xa lạ - như tôi đã nói - đối với thực tại , 

- trái lại càng làm cho chúng ta tham dự hơn vào các biến cố con người, 

bởi vì Chúa lôi cuốn chúng ta đến với Người trong cầu nguyện, cho phép chúng ta làm cho mình hiện diện và gần gũi với mỗi anh em trong tình yêu thương của Người. 

Cám ơn Anh Chị Em. 

Phỏng dịch từ nguyên bản Ý Ngữ: Nguyễn Học Tập. thanhnienconggiao

( Thông tấn www.vatican.va, 13.06.2012).
Bài giáo lý thứ tư (8A 21) Reviewed by Em Binh on 6/15/2012 Rating: 5 TNCG - Thính phòng Phaolô VI, buổi yết kiến ngày thư tư, 13.06.2012.  SUY NIỆM VÀ SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN (2Cor 12,1-10)  ĐỨC...

Không có nhận xét nào: