Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh chụp ngày 17/07/2011, khi ông Kiên đến xem một trận bóng đá ở Hà Nội. |
Thụy My(RFI) - Lãnh vực tài chính Việt Nam hôm nay 21/08/2012 đã rúng động sau vụ ông Nguyễn Đức Kiên, một trong những nhà tài phiệt mạnh mẽ nhất trong ngành ngân hàng, đã bị bắt vì kinh doanh trái phép. Ngân hàng Trung ương đã phải công khai can thiệp để tránh tình trạng hoảng loạn. Theo các chuyên gia, thì vụ này có thể liên quan đến đấu đá trong nội bộ Đảng.
Ông Nguyễn Đức Kiên, 48 tuổi, « đã bị bắt vì kinh doanh trái phép ». Hãng tin AFP cho biết trang web chính phủ cho biết như trên, mà không có thêm chi tiết nào khác. Nhật báo Tuổi Trẻ online nói rằng ông Kiên đã bị câu lưu hôm thứ Hai 20/8, sau khi công an đã khám xét nhà ông ở gần Hồ Tây, một khu phố giàu có của thủ đô Hà Nội.
Là người sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), một trong những ngân hàng cổ phần quan trọng nhất của Việt Nam, trong đó tập đoàn Anh Standard Chartered có nắm cổ phần, Nguyễn Đức Kiên được tờ Vietnamnet mô tả là một trong những người giàu nhất Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ cho rằng vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt đã tạo ra « một cơn sốc » tại Việt Nam. Cổ phiếu ACB trên thị trường chứng khoán Hà Nội đã sụt giá gần 7%, mức sụt giảm cao nhất cho phép trong ngày, trước khi bị ngưng giao dịch. Chỉ số HNX của thị trường chứng khoán Hà Nội cũng bị sụt 5,24% vào thời điểm đóng cửa.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nguyễn Văn Bình đã phát biểu trên truyền hình nhằm trấn an dư luận. Ông tuyên bố : « Nhằm đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống, Ngân hàng Trung ương Việt Nam đã sử dụng các biện pháp có được để bảo đảm thanh khoản cho ACB và các ngân hàng khác trong trường hợp bị rút tiền hàng loạt ».
Trước đó ngân hàng ACB đã ra thông báo khẳng định vụ này không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB nói rằng : « Đó là chuyện riêng của ông Kiên », và cho biết ông Kiên chỉ nắm dưới 5% cổ phần.
Theo báo chí trong nước hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Nhà nước, thì ông Nguyễn Hữu Kiên cũng nắm nhiều cổ phần trong các ngân hàng Sacombank, Eximbank, Vietbank và nhiều định chế tài chính khác nhau. Một số trong các ngân hàng này cũng nhấn mạnh việc ông Kiên chỉ nắm một phần nhỏ trong số vốn của họ.
Ông Nguyễn Đức Kiên là người từng cổ vũ cho việc cải cách hệ thống ngân hàng, được chính quyền khởi động từ năm 2011 nhằm làm lành mạnh hóa một lãnh vực đang gặp khó khăn, chủ yếu do nợ xấu và phương pháp quản lý không thích hợp theo kiểu thời bao cấp trước đây.
AFP cho biết, tuy vậy một số nhà phân tích cho rằng vụ này trước hết có liên quan tới các vụ đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Một quan sát viên ngoại quốc khẳng định : « Chỉ là vấn đề đó mà thôi !».
Từ vài tháng qua, chính quyền Việt Nam liên tục đưa ra những lời tuyên bố chống tham nhũng, mà AFP cho rằng mục đích cuối cùng là chính trị.
Ông Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam của đại học New South Wales tại Úc nhận định: “Cái không khí hiện nay dường như là tóm những con cá lớn để chứng tỏ là Đảng quyết đối mặt với tham nhũng ».
Theo ông thì vụ bắt Nguyễn Đức Kiên chủ yếu nhắm vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật thực sự quyền lực số một trong Đảng Cộng sản. « Các thành viên khác trong Đảng lo sợ ông Nguyễn Tấn Dũng nắm quá nhiều quyền hành, và cho rằng ông cần phải được đặt lại đúng chỗ ».
Nhiều blog uy tín khẳng định ông Nguyễn Đức Kiên đã cùng làm ăn với con gái của Thủ tướng. Ông Thayer nhấn mạnh : « Có rất nhiều tin đồn về đề tài này. Điều đó có thể cũng không liên quan gì đến vụ ông Kiên bị bắt (…) nhưng cũng đủ để gởi đi một thông điệp ».
AFP nói thêm, ngoài ra công chúng còn biết đến ông Nguyễn Đức Kiên với tư cách « ông bầu » của câu lạc bộ bóng đá Hà Nội. Năm ngoái, ông đã đả kích nạn tham nhũng trong ngành bóng đá, phản đối cách quản lý của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong việc tổ chức các giải chuyên nghiệp.
Không có nhận xét nào: