QCN&T000004 - Lâu nay hai chữ nhân quyền tồn tại trong tôi cứ như một thuật ngữ tội phạm vậy. Mà là dạng tội phạm chính trị ghê gớm mới đáng sợ chứ. Tôi thậm chí cũng không có chổ trong não để liên tưởng đến cái nghĩa tiếng Việt thông thường là quyền con người. Cái não trạng đó không chỉ của riêng tôi đâu mà là hầu hết của những người xung quanh mà tôi biết. Ba tôi, má tôi, anh chị em, bà con lối xóm... đều co rúm lại khi nghe nói về đề tài này. Nghe nhiều nhất là từ các báo đài nhà nước bảo là "lợi dụng dân chủ, nhân quyền" thế này thế nọ. Mà hầu hết là từ các vị to nhất của Đảng và Nhà nước thì sao mà không hãi chứ. Lâu lâu lại xuất hiện một vụ án nổi đình nổi đám. Báo đài đồng loạt lên án một số người đã lợi dụng nhân quyền, quyền tự do dân chủ để tuyên truyền chống nhà nước, lật đổ chính quyền của nhân dân. Họ bị nhận những bản án mà nếu là mình thì chắc là tôi phải vãi mất linh hồn. Cứ như vậy nhân quyền đồng nghĩa với phản động và khắc sâu vào tâm trí của mọi người. Vậy thì ai mà dám nhắc tới nó.
Tôi lớn lên ở vùng quê xa xôi lên tỉnh lập nghiệp. Lúc ở quê tôi thân thiết với một chị lớn hơn tôi 15 tuổi. Chị là gia đình cách mạng. Ba là liệt sỹ khi chị mới 7 tuổi và em trai vừa lọt lòng. Bản thân là Đảng viên và chồng chị cũng là Đảng viên. Gia đình họ sống đàng hoàng, chẳng giàu có gì nhưng được láng giềng tôn trọng. Có những dịp 27 tháng 7 Phó chủ tịch tỉnh còn về tặng quà cho má chị. Báo đài địa phương còn đi theo phát tin những lời ca ngợi gia đình chị hết lời. Chị là một viên chức bưu điện địa phương. Còn chồng là một quan chức nhỏ trên tỉnh. Em trai chị cũng là một Đảng viên làm việc cho một nông trường ở tỉnh lân cận.
Cách đây hơn 3 năm tôi về quê ăn Tết, định qua nhà thăm chị nhưng ba tôi bảo chị chuyển lên tỉnh sống rồi, chỉ còn một mình má chị sống ở nhà. Tôi đến thăm. Bà cụ đã hơn 80 tuổi lui cui một mình. Tôi hỏi thăm chị thì bác nói trước Tết chị có về nhưng không ở lại vì có công tác gì đó mấy ngày này nên không ở lại được. Tôi hỏi thăm em trai chị thì bác nói anh cũng bận không về. Lòng băn khoăn sao chị ấy lên tỉnh mà không gọi cho mình. Chị biết rõ là tôi làm việc trên đó mà. Mấy tháng trước tôi điện thoại cho chị thấy tắt máy. Không có việc gì quan trọng nên tôi không gọi lại. Tôi lấy máy điện cho chị thì nghe bảo số thuê bao này không còn. Tôi hỏi bác chị có đổi điện thoại không? Bác bảo có nhưng không nhớ số.
Sau Tết vài tháng tôi tình cờ gặp chị trên tỉnh. Dù rất thân thiết nhưng tôi phải gặng hỏi mãi mới nghe chị trút bầu tâm sự.
Chị nói gần một năm trước, em trai chị bị bắt và sau đó bị kết án ba năm tù vì lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước. Chuyện xảy ra ở tỉnh lân cận nơi anh ấy làm việc cho nông trường. Tôi hỏi nguyên cớ gì thì được biết do anh ấy giúp nhiều người viết đơn và kéo nhau đi khiếu kiện về đất đai. Tôi khá ngạc nhiên vì từ nhỏ tôi đã biết anh ấy là người ít nói, không thích giao du. Nhưng ai cũng phải công nhận là anh rất lành tính và tốt bụng. Chị kể tiếp rằng đã phải chạy vạy các kiểu để người ta không đưa tin rộng rãi về chuyện em mình bị bắt. "Làm sao mà sống nổi nếu chính quyền địa phương và xóm giềng biết nhà có người phản động", chị nói mà nước mắt tuôn ra. Không những tốn tiền lo lót mà còn phải khuyên can em mình thành khẩn nhận tội, xin khoan hồng và hứa không tái phạm. Chị bảo khi nghe một cán bộ viện kiểm sát hứa là sẽ xét xử kín, không cho báo chí đưa tin thì chị mừng như được vàng. Thực tế đã xảy ra đúng như lời hứa đó. Nhưng chị vẫn không thoát khỏi kiếp nạn. Chồng chị trước khi xảy ra vụ án của người em đã có bất hòa công việc với cấp trên. Cũng đang kiện thưa nhau lùm xùm, không ngờ chuyện em vợ là phản động lại trở thành cái cớ để chồng chị bị quật ngã. Mất chức và bị khai trừ khỏi Đảng. Rồi anh ấy bị chuyển công tác đến một vùng xa. Chị vì vậy mà phải xin chuyển chổ làm để có thể ở gần chồng chứ không phải là lên tỉnh như má chị nói.
Tôi gặp chị ở đây là vì chị đang trên đường đi thăm nuôi người em trai ở tỉnh lân cận. Chị cho biết cứ hai ba tháng phải đi hàng trăm cây số đem tiền và đồ ăn cho em. Dù rất xa nhưng chị không dám gửi tiền và hàng bằng bưu điện. Chị làm ngành này, người ta mà biết chị có em đang ở tù thì làm sao mà yên ổn. Tôi hiểu và thông cảm cho chị. Tôi mà ở vào hoàn cảnh chị chắc cũng không làm khác được. Chị bảo mỗi lần đi như vậy mất hơn một ngày. Từ sáng sớm hôm nay đến gần trưa hôm sau mới về tới nhà. Phải đi xe chuyền qua nhiều chặng, không dám đi tuyến xe dịch vụ chở thân nhân đi thăm tù. Như thế sẽ bị phát hiện. Đi như vậy mà còn phải nhìn tới ngó lui, đội xụp nón lá suốt. Chia tay chị cho tôi số di động mới và dặn đừng nói chuyện gì về em trai chị trên điện thoại. "Công an nghe được hết đó, chị làm bưu điện nên biết mà". Tôi nhờ chị chuyển lời thăm anh ấy nhưng chị bảo không nên, "nói chuyện công an nghe thấy không hay cho em đâu".
Về nhà, hình ảnh ngươì con trai mà tôi đã từng để ý hồi nhỏ giờ là tù nhân phản động cứ ám ảnh tôi. Tôi lên mạng tìm nhưng không có một chút thông tin gì về anh. Cho nên tôi tìm đọc những vụ án tương tự. Tôi bắt đầu có chủ ý phải hiểu vì sao đó là những tội phạm. Lâu nay tôi cứ biết như vậy vì người ta tuyên truyền như thế. Tôi để những lời đó lọt qua tai mình mà không hề có chút ý thức tự phân tích nào đọng lại trong đầu. Mà ngược lại là dường như cái vùng sợ hãi trong não trạng tôi cứ tự nhiên lớn dần lên sau mỗi lần như thế. Tôi bắt đầu đọc những thông tin không thuộc dòng chính thống. Tức là những cái bị cho là phản động mà trước đây tôi chẳng bao giờ dám bén mảng tới. Tôi dần hiểu ra ý nghĩa đúng đắn của quyền con người rồi cảm thấy xót thương và phẫn uất. Những người như anh không phải là lợi dụng nhân quyền mà ngược lại bị xâm phạm quyền con người của mình. Cả gia đình anh cũng bị chà đạp lên cái quyền đó.
Quyền được xét xử công bằng, công khai là một quyền con người. Nhưng những người có quyền thế đã làm cho chị phải bỏ tiền ra để mong người ta ban ơn mà tước bỏ cái quyền đó của em trai mình. Vì sao? Vì chị và gia đình muốn được sống yên ổn. Quyền được sống mà không phải bị đe dọa đến an nguy là quyền thiêng liêng nhất trong các quyền con người. Nhưng tôi dám nói rằng, không riêng chị mà tất cả người dân đều bị đe dọa đến cái quyền đó nên buộc phải đánh đổi rất nhiều quyền con người khác của mình để được yên ổn. Chỉ trừ những kẻ quyền thế ăn trên ngồi trước. Còn lại thường dân đều bị những nỗi sợ hữu hình lẫn vô hình khống chế mọi suy nghĩ, hành động của mình. Người ít học đã thế nhưng kẻ học cao hiểu rộng cũng chẳng khá hơn là bao. Sợ cọp đến cứt cọp cũng sợ nốt. Tôi dám nói không ngoa rằng không ít kẻ nhờ ca ngợi cứt cọp thơm mà nên danh nên phận.
Những trái ngang, bẩn thỉu đó vẫn tồn tại nhiều đời nay. Nhưng tôi đã không có sự liên tưởng chúng đến quyền con người. Nhân quyền lâu nay bị hiểu như những vấn đề chính trị cấm kị mà nên tránh xa. Đến khi có ý thức tìm hiểu thì tôi mới nhận ra rằng những tệ nạn đó đều từ sự thiếu vắng quyền con người mà ra cả. Không nói đâu xa, câu chuyện về anh và chị gái anh đều quanh quẩn từ quyền con người. Khiếu kiện đất đai vì sao? Vì quyền được sở hữu tài sản và không bị tùy tiện tước đoạt, bị xâm phạm. Nghe lén điện thoại ư? Quyền riêng tư, không bị xâm hại bí mật cá nhân. Còn anh ấy thì phải nhận tội xin khoan hồng là bởi vì sự an nguy của gia đình mình bị đem ra thách thức. Đó chính là hình thức truy bức. Quyền con người không cho phép như vậy. Luật pháp cũng cấm triệt việc truy bức, nhục hình nhưng nó tồn tại càng tinh vi hơn. Còn nhiều lắm, cứ chịu khó nghĩ thì thấy tất cả đều từ sự thiếu tôn trọng hoặc chà đạp quyền con người mà ra.
Tôi càng hiểu thì thấy mình có phần tự tin hơn khi nói đến những đề tài cấm kỵ. Tôi cũng bắt đầu thay đổi lối nghĩ và hành động của mình. Nhưng để làm sao để có được quyền con người cho mình nhiều hơn là điều tôi còn đang cố gắng tìm tòi. Trải nghiệm của tôi mới đến đây. Tôi muốn chia sẻ nó cho các bạn. Mong những người khác đã có những trải nghiệm thành công hơn cùng chia sẻ cho tôi và mọi người.
Cảm ơn Con đường Việt Nam đã cho tôi cơ hội để bày tỏ và chia sẻ. Sự quan tâm của tôi đến quyền làm người cho mình đã tăng lên nhiều hơn sau khi Phong trào này ra đời./.
New
Trả lờiXóatochuc4t.blogspot.com