ChúngTôi Đến Để Thờ Lạy Người - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
5 tháng 1, 2013

ChúngTôi Đến Để Thờ Lạy Người

SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV C 9); (06.01.2012); (Mt 2, 1-12)
LỄ BA VUA, NĂM C

TNCG - Cuộc kính viếng Chúa Hài Nhi của Ba Vua trong đoạn Phúc Âm Thánh Matthêu hôm nay (Mt

2, 1-12) được cấu trúc bằng bốn đoạn văn:

- câu văn khởi đầu để xác định vị trí và thời điểm: “Khi Chúa Giêsu ra đời tại Bethlem, miền Giudea, thời vua Erode trị vì, có mấy nhà chiêm tinh phương Đông đến Giêrusalem” (Mt 2, 1).

- cuộc hành trình dừng lại ở Giêrusalem để hỏi thêm tin tức (Mt 2, 2-8),

- tiếp tục cuộc hành trình đến Bethlem và được diện kiến Chúa Hài Nhi (Mt 2, 9-11)

- và câu văn kết thúc: “Sau đó các ông được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Erode nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2, 12).

Trong cả hai đoạn văn tường thuật lại cuộc hành trình đến Giêrusalem và tiếp tục từ Giêrusalem đến Bethlem, chúng ta có hai yếu tố đáng chú ý và suy ngẫm: ngôi sao và cuộc bái lạy:

- “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện, bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”(Mt 2, 2).

- “Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2, 10-11).

Dựa vào hai yếu tố nổi bậc đó của hai đoạn văn, chúng ta có thể suy niệm ý nghĩa của biến cố ba Nhà Chiêm Tinh (hay Ba Vua) đến thờ lạy Chúa Hài Nhi.

a) “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện”.

Theo các xác tín từ ngàn xưa, mỗi người chúng ta đều có số mệnh hay có vì sao hộ mệnh. Khi mỗi người sinh ra có một vì sao mọc lên và lặn đi, khi chúng ta mất.

Trong văn chương thời cỗ, nhứt là Cựu Ước, các biến cố vừa kể trên không gian có liên hệ đến lúc một vị vua hay một vị hoàng đế sinh ra.

Có lẽ khi viết những dòng Phúc Âm vừa kể, Thánh Matthêu liên tưởng đến những gì được báo trong Cựu Ước, liên quan đến dân Do Thái:

- “Tôi thấy nó (ngôi sao), nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên;một vì sao xuất hiện từ Giacob, một vương trượng nổi dậy từ Israel, sẽ đập vào màng tang Moab, đánh vở sọ tất cả con cái Set và chiếm Edom, cả Syria cũng bị chiếm nữa, Israel sẽ biểu dương sức mạnh” (Num 24, 17-18).

Đó là lời của nhà tướng số Balaam, một người ngoại đạo, được vua Moab mời đến xem vận mạng và chúc dữ cho Israel, nhưng thay vì chúc dữ, nhà tướng số lại thốt lên những lời chúc phúc của Thiên Chúa, tiên báo tương lai huy hoàng cho Israel.

Những lời tuyên bố vừa kể của Balaam, thời Thánh Matthêu được dân chúng lưu truyền, chuyền miệng nhau như là những lời tiên báo Đáng Cứu Thế mà Israel đang mong đợi sẽ đến.

Hiểu như vậy, ngôi sao được Thánh Matthêu đề cập là dấu hiệu tuyên bố cho dân chúng biết Hài Nhi mới sinh ở Bethlem là Đấng Cứu Thế của Israel.

Và cũng chính vì đó mà ba Nhà Chiêm Tinh xác tín rằng Hài Nhi mới sinh là “Đức Vua dân Do Thái”:

- “Đức Vua dân Do Thái mới sinh , hiện ở đâu?...” (Mt 2, 2).

Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến để đem lại hoà bình và giải thoát, mà thế lực của cường quyền không thể kềm kẹp nổi.

Nhưng rồi dù có điềm lạ trên trời tiên báo và hướng dẫn, các Nhà Chiêm Tinh cũng chưa đến được với Chúa Hài Nhi.

Thánh Matthêu không cho chúng ta biết các Nhà Chiêm Tinh đến Giêrusalem là do ánh sao hướng dẫn hay do sự chỉ dẫn và mời mọc của vua Erode.

Điều đó cho thấy Thánh Matthêu viết Phúc Âm nhằm phổ biến sứ điệp tôn giáo và thần học hơn là liệt kê chi tiết lịch sử chính xác của đoạn văn tường thuật.

Mục đích của Thánh Matthêu là nói cho chúng ta biết các Nhà Chiêm Tinh là những vị thông thái, biết giải thích các hiện tượng trên trời, biết cắt nghĩa ý nghĩa trong tạo vật, cho chúng ta thấy sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Nói cách khác, các Vị có hiểu biết và sống theo đạo tự nhiên:

- “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2, 2),

Nhưng mặc dầu hiểu biết, tin và theo đạo tự nhiên, các Vị chỉ có thể đến được gần Chúa Hài Nhi, nhưng chưa đến được tận nơi Ngài.

Để biết tường tận nơi Chúa Hài Nhi, để biết tường tận Thiên Chúa, chúng ta phải nhờ chính sự mạc khải của Người, mạc khải qua Thánh Kinh, qua các ngôn sứ và nhứt là chính Ngài mạc khải Ngài cho chúng ta, chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa, mạc khải chính Thiên Chúa cho chúng ta.

Đó là ý nghĩa tại sao Thánh Matthêu kể lại các Nhà Chiêm Tinh phải dừng lại ở Giêrusalem hỏi thêm tin tức và được các kinh sư và thượng tế nhờ Thánh Kinh giải thích cho:

- “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki Tô sinh ra ở đâu. Họ trả lời: Tại Bethlem, miền Giudea, vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi hởi Bethlem, miền đất Giudea, ngươi đâu phải là thành phố nhỏ nhứt của Giudea, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 3-6).

Theo cách suy nghĩ đó, chúng ta có thể nghĩ rằng Thánh Matthêu dựa theo truyền thống biết được Chúa Giêsu sinh ra tại Bethlem và từ đó Ngài sắp đặt lại tường thuật thành cuộc hành trình của các Nhà Chiêm Tinh, có đặc tính thần học của bài tường thuật.

Bài đọc sách tiên tri Isaia cho thấy vương quyền của Thiên Chúa trên nhân loại được thể hiện trên thành phố (Giêrusalem) và trên dân chúng:

- “Chư dân sẽ kéo về ánh sáng của ngươi (của thành Giêrusalem), vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập họp kéo đến với ngươi… Vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, Của cải muôn dân sẽ tràn đến với ngươi” (Is 60, 3-5).

Trong khi đó thì Thánh Vịnh 72 không chú ý đến quyền năng của Thiên Chúa thể hiện trên thành phố (Giêrusalem) cho bằng qua vai trò của vị vua dân Do Thái:

- “Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho Tân Vương, trao công lý Ngài vào tay Thái Tử, để Tân Vương xét dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn. Núi đem lại cảnh hòa bình trăm họ, đồi rước về nền công lý vạn dân” (Tv 72, 1-3).

Và vị Tân Vương đó là vua Do Thái, trước nhan Người mọi vua dân nước phủ phục:

- “Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự” (Ps 72, 11).

Khi viết đoạn Phúc Âm hôm nay, tường thuật lại việc các Nhà Chiêm Tinh đến bái lạy Chúa Hài Nhi, một người Do Thái có nhiều kinh nghiệm về Thánh Kinh như Thánh Matthêu, chắc chắn phải có liên tưởng đến hai đoạn sách tiên tri Isaia và Thánh Vịnh vừa kể.

Các Nhà Chiêm Tinh là những nhà thông thái đến từ dân ngoại. Việc nhận biết và thờ lạy Hài Nhi Giêsu, “Yhwh” (Yahvé) “Chúa của dân Do Thái ”, cho thấy uy quyền của Chúa đã được cả nhân loại chấp nhận, Do Thái hay dân ngoại cũng vậy:

- “Đức vua Do Thái mới sinh ở đâu? Chúng tôi thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người…Họ vào nhà thấy Hài Nhi và thân mẫu là bà Maria, liền sắp mình thờ lạy Người” (Mt 2, 2.11).

“Đức vua Do Thái” được các Nhà Chiêm Tinh, đến từ các dân ngoại nhận biết và thờ lạy, còn dân Do Thái thì không.

Đó là những gì Thánh Matthêu kể tiếp trong Phúc Âm Ngài:

- “Nghe tin ấy vua Erode bối rối và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao…” (Mt 2,3).

“Bối rối và xôn xao” bởi vì cả vua và dân chúng không muốn tiếp nhận Hài Nhi Giêsu là vua họ. Vua Erode tìm cách để giết Người, đó là những gì thiên sứ báo cho các Nhà Chiêm Tinh:

- “Sau đó họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Erode nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2, 12).

Cũng như sẽ báo cho Thánh Giuse phải đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập:

- “Nầy ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Erode sắp tìm giết Hài Nhi đó” (Mt 2, 13).

Chúng ta không biết tình trạng lúc đó căng thẳng như thế nào, giữa thái độ bất thân thiện hay thù địch của Erode và dân chúng Do Thái đối với Chúa Giêsu và giáo lý của Ngài:

- “Nghe tin ấy vua Erode bối rối và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao”,

và cử chỉ thân thiện tiếp nhận đối với Ki Tô giáo của dân ngoại, được biểu hiệu bởi ba Nhà Chiêm Tinh.

Nói cách khác, viết lên những dòng trên, Thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta thái độ không chấp nhận của dân Do Thái và cử chỉ tiếp đón “…liền sắp mình thờ lạy Người”, của Cộng Đoàn Ki Tô hữu lúc đó, được diễn tả qua hình ảnh ba Nhà Chiêm Tinh.

Chắc chắn những dòng Phúc Âm vừa kể, Thánh Matthêu viết cho người Do Thái, bởi vì Ngài cũng là người Do Thái, để nói lên cho họ gương nhận biết “liền sắp mình thờ lạy Người” của dân ngoại “mới trở lại” hay của các Cộng Đồng Ki Tô Hữu tiên khởi.

Thái độ bất thân thiện và không chấp nhận Ki Tô giáo của người Do Thái lúc đó cũng được Thánh Phaolồ đề cập đến trong thư gởi các tín hữu Ephesini, nói đến việc tham dự của dân ngoại vào lời hứa và gia tài của dân được chọn:

- “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Giêsu Ki Tô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Eph 3,6).

Qua những điều vừa suy niệm, chúng ta thấy chương trình cứu rỗi của Chúa không ai có thể tiên đoán được và được thực hiện vượt lên trên những gì các ngôn sứ đã tiên báo: dân Do Thái là trung gian cần thiết để hướng dẫn và chuyển đạt thánh ý Chúa, nhưng vai trò đó của dân được chọn đã được biến cố Nhập Thể của Chúa Giêsu thay thế:

- “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân chúng lại, hỏi cho biết Đấng Ki Tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: Tại Bethlem, vì trong sách các ngôn sứ có chép rằng: Phần ngươi, hởi Bethlem, miền đất Giudea, ngươi đâu phải là thành phố nhỏ nhứt của Giudea, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân ta sẽ ra đời” (Mt 2, 4-6).

Thái độ từ chối của những người Do Thái , nhứt là các kinh sư và phái Pharisêu và thái độ mở rộng cửa lòng đón rước Chúa của những người nghèo khỗ, “quân tội lỗi” và “bọn thu thuế”, chúng ta sẽ còn gặp lại trong Phúc Âm Thánh Matthêu ở những chương tới:

- “Bỏ nơi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở trạm: Người bảo ông: " Anh hãy theo Ta! Ông đứng dậy và đi theo Người” (Mt 9, 9).

- “Khi Chúa Giêsu dùng bửa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tôi lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗ như vậy?...Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 10-11.13b)

Viết những dòng của Phúc Âm hôm nay, thuật lại chuyến đi tìm Chúa Hài Nhi của ba Nhà Chiêm Tinh, chắc chắn Thánh Matthêu đang chứng kiến những hiện trạng trước mắt, hiện tượng của nhiều người Do Thái không chấp nhận Chúa Giêsu và những người từ dân ngoại đến tìm kíếm Người, như đã nói.

Hình ảnh của ba Nhà Chiêm Tinh từ phương Đông là hình ảnh của những ai tìm kiếm Chúa, nhận thức được giới hạn của khả năng con người, bản tính hèn mọn và thấp hèn của con người, nhu cầu con người phải có được Thiên Chúa để lấp đầy khát vọng hạnh phúc của mình, khát vọng, mà Chúa đặt vào tâm khảm mỗi người, khi Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài:

- “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam, có nữ” (St 1, 27).

“…sáng tạo con người theo hình ảnh mình”, Thiên Chúa đã đặt trong tâm khảm con người, bất cứ ai, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, cũng có trí khôn ngoan và lòng ao ước tự do, hạnh phúc vô hạn, mà chỉ có Chúa mới thoả mãn được nỗi khao khát đó, bởi vì Người đã tiền định cho con người phải “tham dự vào chính bản tính thần linh của Thiên Chúa”, mới thoả mãn được các khát

vọng hướng về tuyệt đối của mình:
- “Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy (của Chúa Giêsu), Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta những gì rất qúy báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” (2 Pt 1, 4).

* Cử chỉ của ba Nhà Chiêm Tinh khiêm nhường, biết được giới hạn bản tính con người của mình và nhìn nhận Hài Nhi mới sinh là “vua dân Do Thái”, đến để bái lạy Người,

* khác với thái độ mù quáng của những ai tự mãn, bất cần thần thánh, xem mình trưởng thượng và khinh khi người khác như người Pharisêu:

- “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: không tham lam, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 11-12).

Hay vì sợ nếu chấp nhận tôn giáo, đón tiếp Thiên Chúa và giáo lý của Ngài sẽ bị mất đi ảnh hưởng và quyền lực, lợi lộc như vua Erode:

- “Nghe tin ấy vua Erode bối rối và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao” (Mt 2, 3).

Hình ảnh ba Nhà Chiêm Tinh lên đường đi tìm Chúa Hài Nhi, theo ánh sao chỉ đường là hình ảnh ngoạn mục của những ai nghe theo tiếng gọi và sự chỉ dẫn của con người thoát ra khỏi khuôn thước hạn hẹp của quan niệm loài người, ra đi theo tiếng gọi của lương tâm đi tìm Đấng Tối Cao.

Ra đi để tìm kiếm, chứng tỏ con người đó ý thức được những bất toàn, giới hạn của mình, đi tìm những gì mình chưa có, ý thức được những thiếu thốn, giới hạn và bất hạnh của mình trong cuộc sống, để tìm đến hạnh phúc đích thực và bất diệt, đi tìm chính Thiên Chúa nguồn gốc phát xuất của chính mình và nguồn hạnh phúc bất diệt mà mình khao khát đạt đến.

Ý thức được bản thể giới hạn, thấp hèn và bất hạnh của mình, nếu không có Thiên Chúa, là khởi đầu cho con đường đi đến hạnh phúc viên mãn, mà Chúa Giêsu đã dạy trong Tám Mối Phước Thật:

- “Phước cho ai có tâm hồn khó nghèo, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).

Nói cách khác, con người tự mãn, từ chối Thiên Chúa, sống bất cần thần thánh, mù quáng tự mãn với quyền lực, sắc đẹp, tiền tài của trần gian, là con người tự trấn áp bản tính ước ao tôn giáo trong lương tâm của mình, phủi tai để ra bên ngoài câu hỏi ngàn đời mà hể ai là người, con nguời sống theo ảnh hưởng của ý thức hệ vô thần, nói một cách ngắn gọn, một lúc nào đó trong cuộc sống cũng sẽ tự hỏi:

- “Tôi từ đâu đến, tại sao tôi đang sống và rồi sẽ đi đâu sau cái chết ? ”.

Con người trấn áp tiếng gọi tôn giáo của mình, tiếng gọi mà Thiên Chúa đã đặt trong mỗi tâm hồn khi chúng ta sinh ra(St 1, 27), là con người

- đê tiện hoá phẩm giá cao cả con người của mình,
- biến cuộc sống của con người ngang hàng với cuộc sống của thú vật, lối sống của bọn vô thần, coi mình và anh em đồng bào mình ngang hàng với súc vật, chỉ biết tìm kiếm đồ vật và điều kiện vật chất để thoả mãn cuộc sống vật lý và sinh lý bẩm sinh của mình.

Không ai là người, sống thành thật với lương tâm con người của mình, có thể che giấu được nỗi khát vọng hạnh phúc vô tận của mình, bởi lẽ đó là khát vọng tự bản tính mà Thiên Chúa đã đặt vào tâm khảm chúng ta (St 1, 27).

Nguyễn Học Tập
ChúngTôi Đến Để Thờ Lạy Người Reviewed by Unknown on 1/05/2013 Rating: 5 SUY NIỆM PHÚC ÂM (IV C 9); (06.01.2012); (Mt 2, 1-12) LỄ BA VUA, NĂM C TNCG   - Cuộc kính viếng Chúa Hài Nhi của Ba Vua trong đoạ...

Không có nhận xét nào: