Tiền Đi Đâu Về Đâu? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
26 tháng 12, 2013

Tiền Đi Đâu Về Đâu?

Đinh Tấn Lực: Xa thật là xa… Xưa thật là xưa… Chuyện kể rằng
Có một bộ lạc sợ lạc đến nỗi cóp luôn cả một cái định hướng dài như đuôi khủng long đỏ vào tập Sử Yếu Chính Trị Tân Biên. Rốt cục, nhờ vào đoạn biên giới coi như đã xóa với các bộ lạc lân cận: “Bên đây biên giới là nhà / Bên kia biên giới cũng là quê hương”, thì, ai cũng rõ làm thế quái nào mà bộ (chính trị) này lạc được?

Đó cũng là bộ lạc có nhiều tù trưởng nhất thế giới, bởi mỗi người dân đều có quyền thay phiên nhau vào tù và có thể được chỉ định làm tù trưởng (dự khuyết hoặc chính thức) vài ba nhiệm kỳ, gọi là vé, mỗi vé được định sẵn bình quân khoảng ba năm, có thể được tái bản bất kỳ lúc nào, kêu bằng “vé chồng vé”, miễn từ và miễn phí.

Giai cấp lãnh đạo xứ này vẫn luôn tự hào rằng đây là xứ thiên đường, chỉ cần thêm nửa gang tay nữa là ngang bằng khúc trên thằng Cao Ly. Trước khi ghé chân vào Hội đồng Làm người của Liên hiệp Bộ lạc, xứ thiên đường này lại được xếp hàng hạnh phúc thứ nhì trên thế giới, vì vậy, nick mới của bộ lạc này là …Nhị Thiên Đường.

Bộ quân sử cận đại thế giới chép rằng: Đứng đầu thế giới về tài nghệ “thí quân làm thí điểm”,
đến mức quốc ca có ghi là “Đường vinh quang xây xác dân mình”… thì chỉ duy nhất một bộ lạc
(bìa sách Tỉnh Mộng – Hồ Biểu Chánh
– nxb Nhị Thiên Đường 1938)

ở bán đảo Ấn-Trung, có tên La-tinh là Hungano. Phiên âm ra tiếng bản địa là Hung Nô, bởi đậm đà bản sắc vừa hung vừa nô.

Phần “Hung” thì cả loài người đều phải khấu đầu tán thán: Không ở đâu có Điện Biên dưới đất, Điện Biên trên không, và cả Điện Biên trên mạng. Phần “Nô” cũng không kém: Chưa có xứ nào có nhiều loại giai cấp quang vinh trộn lẫn Nông nô, Lao nô, Văn nô, Ca nô, Ma kê nô, Gia nô,… được cai quản tài tình bởi giai cấp Nặc nô.

Trong đó, giai cấp Gia nô lại được chia làm nhiều hạng mục: Lý luận gia, sử gia, chính trị gia, tư tưởng gia, kinh tế gia, chiến lược gia, đại gia, phê bình gia, chuyên gia, thiếu gia, tiểu thuyết gia, thể tháo gia, vật lý gia, hóa học gia, phi hành gia, bình luận gia, nhiếp ảnh gia, doanh gia, luật gia, nhạc gia, thông gia… (chỉ mỗi quốc gia là không đáng kể).

Vẫn thuộc giai cấp Gia nô, nhưng dưới trình gia, thì gọi là nhà: Nhà kách mệnh, nhà quân sự, nhà cầm quyền, nhà giáo dục, nhà toán học, nhà thông thái, nhà công thương, nhà ngoại cảm, nhà đại biểu, nhà văn hóa, nhà hùng biện, nhà biên kịch, nhà ngoại giao, nhà sản xuất, nhà tiên tri, nhà tu, nhà giáo, nhà thơ, nhà báo, nhà đài…

Tất nhiên, trên hết của mọi thứ nhà hoặc gia, và đứng riêng một cõi, là Hoàng Gia, nền tảng cơ bản của giai cấp Nặc nô, từng có công hãn mã là đã sánh vai tiền nhân anh hùng dựng nước, chấm dứt giai đoạn Phong Kiến truyền thống, kết thúc thời địa chủ bóc lột bần nông, và thống nhất lãnh thổ bản địa, để nâng cấp và hệ thống hóa dân tộc từ hàng Gia nô nửa nước lên hàng Quốc nô…

Bằng cách nào? Bằng cách phóng tay thiết lập một đế chế hoàn toàn mới, với chủ thuyết mới và con người mới. Bằng cách chận đứng mọi toan tính riêng lẻ trong tư duy và sáng tác. Bằng cách tuyên bố đất đai cha ông nghìn đời để lại có ghi tên lãnh đạo trên bằng khoán. Bằng cách cơ cấu tài nguyên cả nước vào những cơ quan cực giỏi quyền Anh, kêu bằng những quả đấm thép.
“Không thủy điện nào không có quy hoạch” (Hoàng Trung Hải).
Bằng cách thay đổi định hướng phân bố đặc lợi sang đặc quyền. Theo đó, hệ tem phiếu đã trở thành lịch sử. Nhà nước không ban ơn suông một cách ngu muội như thời còn nhận quà của bầu bạn quốc tế. Nay, nhà nước chỉ đấu thầu việc ban ơn thông qua lãnh địa giao khoán và thu ngược tiền tô về trung ương. Còn quy trình thu vốn lấy lời cấp thấp là khả năng sáng tạo của địa phương.

Nạn nhân đầu tiên và sau cùng, muôn đời và không đáng kể, chỉ là nhân dân. Đó là nhiệm vụ cao cả của nhân dân đối với một tập thể đã có công hãn mã nói trên. Đó là nghĩa vụ! Nhân dân hoàn toàn có mọi vinh dự nuôi đảng và nhà nước. Mà đã có gì gọi là nhiều, một khi công sức làm ra của cải của mỗi tá dân là đủ vỗ béo một cán bộ chăn dân bằng khẩu hiệu?

Ở chiều ngược lại, cán bộ mọi cấp cũng hoàn toàn có vinh dự được tùy thích tiêu tiền dân. Bởi nhân dân đã chẳng bầu ra QH, rồi QH chỉ định những thành viên thích hợp nhất của đảng vào các vị trí tiêu tiền dân đó sao? Ý niệm “tiêu tiền dân như tiêu bạc giả” của một nhà thơ chân thật không còn chỗ đứng thời này. Ý niệm mới cần phải quán triệt là của một phó thừa tướng trẻ nhất nội các:

“Các anh phải coi tiền của nhà nước như tiền của nhà mình…” (Vũ Đức Đam).

Thế thì, ngoài lương, ngoài bổng, ngoài “thu nhập sáng tạo”, ngoài “bồi dưỡng”… mọi cán bộ đều có nghĩa vụ tương ứng và xứng đáng với tiền thuế của dân là đẻ ra dự án, đẻ ra hội nghị, đẻ ra ban bệ xét duyệt, đẻ ra công du, đẻ ra quy hoạch, đẻ ra bằng cấp, đẻ ra quy chế thăng thưởng và trừng phạt… đẻ ra cả cách PR cho lãnh đạo bằng bóng đá:

Với kinh nghiệm đẻ đái đầy đường đó, phải ghi nhận tính chất thần kỳ hơn cả của trung ương là phương pháp giao phối hữu hiệu tiền thuế toàn dân với các món tiền viện trợ. Sao cho nợ công ngày càng mắn/sòn ra nhiều lứa. Sao cho nhà nước độc quyền mua bán vàng. Sao cho ngân hàng trở thành xưởng đẻ. Sao cho nợ xấu trở thành vũ khí. Sao cho lãnh đạo ngày càng tâm trạng:
(Một khi phó thừa tướng bao sân, ngay cả tay danh thủ Đà Nẵng cũng co vòi…)
Còn, ngư dân thì đánh cá ở ao hồ sông lạch cũng chẳng sao. Nông dân có thất thu thì có phải là do lãnh đạo muốn thế đâu? Công nhân có bị ức hiếp là do lỗi của họ không bầu đúng người vào công đoàn!… Nhà nước chỉ lo thu thuế vượt chỉ tiêu ngân sách. Mà vẫn được tiếng thương dân chưa được no ấm/vui khỏe/tiến bộ như nhân dân lân quốc, chỉ vì họ không còn đủ tiền…

“Bệnh nhân nào cũng là bệnh nhân, không có bệnh nhân thì không có bác sỹ. Bệnh nhân bảo hiểm y tế càng
phải thương họ hơn vì họ không có tiền” (Nguyễn Thị Kim Tiến).
Tóm lại là mọi sự đều đúng quy trình: Nhân dân đóng tiền cho đảng và nhà nước tiêu tiền. Tất nhiên, ngân sách càng to thì guồng máy càngtrơn. Bởi thế, một phần không nhỏ ngân sách sẽ được sử dụng hiệu quả để củng cố cái cơ chế chủ hụi giao phó nhiệm vụ cho mọi cán bộ trung thành. Ngày nào cơ chế đó còn vững mạnh, ngày đó mọi hiện tượng tan chảy của các quả đấm thép đều là bình thường…
“Cầm vốn nhà nước tâm trạng lắm!”
(Vũ Văn Ninh)

“Gần suốt cuộc đời tôi theo đảng, tôi không chạy, xin hay thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì
đảng giao” (Nguyễn Tấn Dũng).
Kết luận chính thức, công khai và sau cùng: Tiền chẳng mất đi đâu. Nó đã được chi trả sòng phẳng cho các hãng rác quốc tế đăng bài ca tụng tay chủ xị bộ lạc. Nó đã được đánh đổi xứng đáng bằng những đồ biểu thống kê, và những món nợ còng lưng nhân dân xuyên thế hệ.

26-12-2013 – Kỷ niệm tròn 22 năm Đoàn Chủ Tịch Xô Viết Tối Cao nhómhọp và tuyên bố khai tử Liên Bang Xô Viết.

Blogger Đinh Tấn Lực
Tiền Đi Đâu Về Đâu? Reviewed by Unknown on 12/26/2013 Rating: 5 Đinh Tấn Lực: Xa thật là xa… Xưa thật là xưa… Chuyện kể rằng Có một bộ lạc sợ lạc đến nỗi cóp luôn cả một cái định hướng dài như đuôi kh...

Không có nhận xét nào: