Những năm 50, ở Thái Bình tôi có may mắn gặp đức giám mục
người Tây Ban Nha coi sóc địa phận, cha Chính, cha Trụ ở thị xã, rồi các cha ở
Sa Cát, Phương Xá, Bái Bồ Trung, Phù Lưu (ngã ba Ðọ) Cao Mái. Tôi hành quân giải
vây cho các nhà thờ bị vây hãm.
Tóm lại tôi có nhiều kỷ niệm đẹp về các xứ đạo ở đó lắm.
Thấy tôi kêu la nhiều. Có một hôm, tu sĩ Chính ốm, ốm ở đây
ít ai bỏ ăn. Ở Cổng Trời, ốm phải không? Tốt. Tốt lắm! Nếu ốm chết thì hay quá:
Khỏi phải giết! Ðỡ mệt hơn.
Hôm ấy tu sĩ Chính bỏ ăn. Ông rất ít khi ốm, từ Bất Bạt tôi
thấy ông không ốm bao giờ tuy rằng ông rất gầy và xanh. Nhưng sự chịu đựng gian
khổ, đầy đọa của ông thì tôi phải ngả mũ kính cẩn vái chào.
Lúc nào cũng ôn tồn, nhỏ nhẹ, điềm tĩnh cười nói như không
cho dù có điều gì xảy ra.
Tôi còn mấy viên thuốc cảm, đưa ông dùng ông bảo không sao
đâu. Chỉ có miệng ông đắng và bụng ông nó không ổn, thế thôi. Buổi chiều qua đi
ông cũng bỏ cơm. Chúng tôi thường ăn vào độ ba, bốn giờ chiều. Cấm mọi hình thức
nấu nước đun lại. Với chúng tôi chín giờ đêm là khuya rồi. Tu sĩ Chính lay tôi
dậy và bảo:
“Vĩnh ăn hộ tôi đi, chứ để mai thiu, bỏ đi. Phí của lắm.”
Tại sao tôi lại có thể ăn suất cơm của tu sĩ Chính như thế
được chứ. Tôi từ chối: Tu sĩ cố ăn đi chứ?
“Thật tình tôi đắng miệng lắm, và bụng tôi nó nóng như lửa,
quặn đau lắm, không thể ăn được. Vĩnh ăn hộ tôi đi.”
Không để đến mai thì phải đổ đi mất! Họ có cho đun đâu mà bảo
nấu lại được.
“Ăn đi. Ăn hộ tôi, khỏi phí. Vĩnh ạ.”
“Nếu Vĩnh không ăn, sáng mai nhà bếp nó lên nó lấy đồ cho lợn
thì uổng lắm Vĩnh ạ.”
Tôi nghĩ thấy đúng như ông nói. Ở các trại dưới, cơm có thể
phơi khô để dành. Chứ còn ở đây, thì chỉ còn có đổ xuống nhà bếp cho lợn ăn mà
thôi.
Thế thì tại sao lại cho lợn ăn nhỉ? Trong khi ấy tôi đói,
tôi đói lắm, tôi thèm lắm. Tôi thấy thế và nghĩ đúng như thế.
Lúc đó đã là 10 giờ đêm rồi.
Thế là tôi ăn hai suất cơm đó, các vị đọc tới đây, tất có vị
sẽ chửi rủa tôi. Xin các vị cố hiểu mà đánh chữ đại xá cho.
Tôi ăn, ăn cả hai suất cơm canh trong nháy mắt và nằm ngủ.
Ngủ yên và say cho đến sáng. Lâu lắm tôi mới được “sínđề” và
được một bữa tương đối.
Cám ơn tu sĩ Chính tức Nhẫn. Cám ơn nhiều.
Sáng hôm sau, như thường lệ, mọi người và cả tu sĩ Chính dậy
sớm cầu kinh và ông bảo tôi ông thấy đỡ nhiều. Chỉ đến chiều hôm ấy, tôi đã hiểu
ra là tu sĩ đã nhịn cho tôi ăn.
Cám ơn ông. Cho đến tận hôm nay ba mươi năm trôi qua tôi vẫn
còn món nợ đối với ông mà không thể nào trả được.
Chỉ còn biết cầu Chúa, để Chúa biết đến sự hy sinh cao cả của
ông, đến sự vất vả nhọc nhằn của ông khi ông vác cây thánh giá của Chúa theo
Chúa đến chết.
Cầu sao cho linh hồn ông được tới thiên đàng.
Sáng hôm thứ hai của sự tuyệt thực, tù lại khênh cơm lên.
Quản giáo lại đứng đấy để giám sát. Không ai nhúc nhích gì.
Không ai ăn cả, kể cả tôi. Lúc ấy tu sĩ Chính đứng dậy cầm bát chia cơm canh của
tôi ra cái thùng gỗ của nhóm năm người, tôi vẫn ăn cùng với tu sĩ. Tu sĩ Chính
xúc vào bát của tôi, cơm canh đầy đặn và lặng lẽ bê đến trước mặt tôi.
“Ðây phần của anh, anh ăn đi và về ngồi lại ở chỗ mình.”
Một lần nữa tôi lại xin các vị cố hiểu cho tôi và bỏ qua cho
tôi.
Tôi không theo đạo Thiên Chúa và không làm dấu thánh bao giờ.
Tôi ăn. Hà tất gì tôi lại nhịn không ăn. Không có điều gì
thúc đẩy buộc tôi bắt tôi không ăn cả.
Tôi nghĩ đúng như vậy.
Nhân cơ hội ấy. Quản Giáo bèn lên tiếng:
“Ðấy các anh thấy không? Anh Vĩnh, anh ấy ăn cơm không cần
làm dấu thánh. Có sao đâu nào. Anh ấy vẫn ăn được một cách ngon lành, thế thì tại
sao các anh lại không ăn?
Các anh là đồ ngu dốt, cuồng trí, dại dột dám chống lại đảng
và chính phủ.
Rồi các anh sẽ biết.”
Không một tu sĩ nào trả lời đáp lại.
Có tôi lên tiếng:
“Xin lỗi ông, chắc ông đọc lý lịch của tôi thì ông đã rõ,
tôi không theo đạo nào cả? Phật không, Chúa cũng không, mà lệnh của các ông thì
chỉ có cấm làm dấu thánh trước khi ăn mà thôi. Tôi, tôi từ thuở cha sinh mẹ đẻ
chưa làm dấu thánh bao giờ. Vì vậy tôi ăn có thế thôi.”
Ðứng cho đến lúc tôi ăn xong. Quản giáo thấy trơ trẽn quá,
quay gót khóa cửa ra về.
Ðến buổi chiều không thấy mặt ai cả. Cả giám thị, cả quản
giáo cả lính coi tù.
Tu sĩ Chính đứng dậy chia cơm cho một mình tôi. Tôi ăn.
Các đấng bậc và kể cả T.H Liệu cũng không ăn.
Hai ngày trôi qua.
Sáng hôm thứ ba tù khênh các thùng cơm canh nguội lạnh còn
nguyên xuống nhà bếp và rồi lại khênh lên với cơm canh mới hãy còn nóng.
Không có ai đi kèm.
Ban giám thị không.
Quản giáo không.
Khênh cơm canh vào buồng. Khóa cửa lại.
Chia đều.
Và các đấng bậc tu sĩ lại làm dấu thánh trước khi ăn.
Chẳng ai cười cợt, nói năng, hát hò, reo vui gì trước cuộc đấu
tranh đã dành được thắng lợi lẫy lừng và vang dội đó (như các bài báo của Cộng
Sản mà tôi đã đọc riết về các cuộc tuyệt thực của họ cả).
Và cuộc sống của chúng tôi lại lặng lẽ trôi như thế cho đến
khi tôi được về và các vị còn lại chết hết.
Nguồn: Người Việt online
Không có nhận xét nào: