Ông Đặng Tiểu Bình và ông Jimmy Carter trong một buổi lễ vào tháng 01/1979 |
BBC - 15.2.2014: Nhân tròn 35 năm cuộc chiến Biên giới Việt - Trung năm 1979, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1987) nhìn lại sự kiện từ góc độ một nhà ngoại giao khi đó đang có mặt ở Bắc Kinh.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 15/2, ông cho biết chi tiết những gì đã xảy ra với Tòa đại sứ Việt Nam và các nhân viên vào thời điểm xảy ra cuộc chiến hôm 17/2/1979.
"Lúc bấy giờ thì mọi hoạt động ngoại giao đều bị đình chỉ, dù chưa tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao," ông nói.
"Khi đó sứ quán chúng tôi bị họ vây, cán bộ đi ra ngoài thì bị theo dõi."
Vì sao không truy kích quân TQ năm 1979?
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh giải thích lý do Việt Nam không truy kích khi quân Trung Quốc rút lui vào tháng Ba năm 1979
"Nhiều khi họ gây trở ngại, nói xe chúng tôi là đi trái pháp luật, nhưng thật ra thì không phải là trái pháp luật mà là họ cố ý làm chậm trễ việc tôi đi tiếp xúc với các đoàn ngoại giao khác."
Tuyên truyền cho chiến tranh
Ông cho biết trước khi cuộc chiến xảy ra, Việt Nam và Trung Quốc đã có mâu thuẫn xung quanh vấn đề người Hoa và phía Trung Quốc đã tuyên truyền là "Việt Nam xua đuổi người Hoa".
"Họ nói họ phải đưa hai tàu vào TP.HCM và Hải Phòng để đón cái gọi là 'nạn kiều' của họ," ông nói.
"Khi Campuchia đánh phía Tây Nam Việt Nam, chúng tôi đánh lại, thì họ tuyên truyền là chúng tôi xâm lược Campuchia."
Tuy nhiên ông Vĩnh cũng nói khi đó, báo chí Trung Quốc không hề đả động đến hành động diệt chủng của chính quyền Khmer Đỏ.
"Lúc bấy giờ mấy sư đoàn của Pol Pot là do Trung Quốc trang bị. Họ trang bị cho đồng minh của họ để xúi Pol Pot đưa quân đánh phía Tây Nam Việt Nam".
Ông Vĩnh cũng nói nội bộ lãnh đạo Việt Nam lúc đó đã nhất trí hoàn toàn về việc tiến công qua biên giới Campuchia.
'Không chuẩn bị'
Thiếu tướng Vĩnh cho hay "khi biết được Trung Quốc đang làm một số đường dẫn ra biên giới thì tôi hiểu là họ đang có ý đồ muốn tạo thành một gọng kìm từ phía Bắc với đồng minh Campuchia của họ ở phía Nam."
"Thế nhưng tôi không biết chính xác khi nào là họ sẽ đánh."
Ông cũng cho biết phía Việt Nam "thực sự đã không chuẩn bị gì" cho cuộc tấn công của Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi của BBC về sự hỗ trợ của Liên Xô thời bấy giờ đối với Việt Nam trong chiến tranh biên giới với Trung Quốc, ông Vĩnh cho biết:
"Mặc dù trước đó đồng chí Lê Duẩn có ký một hiệp ước tương trợ với Liên Xô rồi, nhưng khi Trung Quốc đánh thì không có sự tương trợ nào từ Liên Xô cả."
"Khi đó chủ lực của chúng tôi chủ yếu ở phía Nam, phía Bắc thì chỉ có hai sư đoàn địa phương ghép lại để đánh lại với 60 vạn quân Trung Quốc thôi."
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định "phía chúng tôi thì cũng không có bất mãn nào" đối với Liên Xô.
"Lúc bấy giờ chỉ có bộ đội biên giới chúng tôi đánh lại với Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại gặp bất lợi về chiến trường vì địa hình rừng núi, tiếp tế cũng khó, hành quân cũng khó. Nên họ thương vong rất nhiều."
Vì sao không truy kích?
Tù binh Trung Quốc trong cuộc chiến năm 1979 |
Trả lời câu hỏi của BBC về việc Việt Nam quyết định không truy kích sau khi quân Trung Quốc rút lui vào tháng Ba năm 1979, ông Vĩnh nói:
"Bởi vì chúng tôi không có chủ trương gây chiến tranh, sự thật thì họ xâm lược chúng tôi thì chúng tôi phải đánh, họ rút lui rồi thì thôi, chúng tôi cũng chẳng thấy phải đuổi theo để tiêu diệt thêm quân Trung Quốc làm gì."
"Miễn là họ phải rút lui khỏi biên giới chúng tôi là được."
Ông Vĩnh cũng cho rằng cuộc chiến biên giới năm 1979 là do Trung Quốc muốn tạo thiện chí với Mỹ.
"Một là họ đánh Việt Nam là để đỡ đòn cho đồng minh Pol Pot ở Campuchia," ông nói.
"Một mặt khác, họ đánh với chúng tôi để gửi đi thông điệp là không phải vì cùng là cộng sản mà Việt Nam và Trung Quốc lại thân nhau."
"Họ muốn đánh chúng tôi vì họ muốn làm ăn với Mỹ."
Không có nhận xét nào: