VRNs (28.12.2014) -Sài Gòn- Tin Mừng trong lễ Thánh Gia hôm nay được trích từ Tin Mừng theo thánh Luca 2, 22-40
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”.
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Thánh Gia nhằm tôn vinh đời sống hôn nhân gia đình Ki-tô giáo. Hôn nhân Ki-tô giáo vượt lên trên một tập tục, nghi lễ, văn hóa truyền thống xã hội vì đó là một quà tặng của Thiên Chúa ban cho nhân loại. Chính Thiên Chúa muốn con người sống đời hôn nhân và Chúa chúc phúc cho việc này. Tuy nhiên, ít nhiều vẻ đẹp của đời sống hôn nhân Ki-tô giáo ngày nay đã bị phai mờ do ảnh hưởng từ xã hội tục hóa.
Ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục
Gia đình Ki-tô giáo ngày nay đang phải đối đầu với những thách đố của chủ nghĩa tục hóa. Chủ nghĩa này đánh giá nhân vị con người trên những gì họ sở hữu. Đồng thời ảnh hưởng bởi nền kinh tế loại trừ dẫn đến việc đề cao tiền bạc và xem nó là thước đo giá trị sự thành công trong xã hội. Một gia đình nghèo bị xem là thất bại, thiếu hạnh phúc; ngược lại một gia đình giàu có được coi là hạnh phúc, thành công. “Một túp lều tranh hai trái tim vàng” chỉ còn trong hoài niệm của thời quá khư xa xưa, tách rời đời sống thực. Khi chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, người nam và người nữ cũng đánh giá sự thành công của người bạn mình dựa trên tiêu chuẩn kinh tế tài chánh. Thánh lễ Thánh Gia hôm nay nhằm tôn vinh một gia đình thánh lại cho chúng ta nhìn thấy hình ảnh của một gia đình nghèo: Gia đình của Giuse – Maria- Giêsu.
Theo tập tục của người Do Thái buộc mọi phụ nữ sau khi sinh con 40 ngày phải “đem đến trước cửa Trướng Tao Phùng dâng một con chiên 1 tuổi để cho vị tư tế làm lễ Thượng tiến và một bồ câu non hay chim gáy để làm lễ Tạ tội” (x. Lv 12,6). Nếu gia đình nào nghèo quá “không mua được 1 con chiên thì sẽ lấy 2 chim gáy hay 2 bồ câu non” (x. Lv 12,8). Trường hợp này rơi vào gia đình nghèo Thánh Gia mà ta nghe thánh sử Luca tường thuật lại trong Tin Mừng (2,24). Gia đình Thánh chỉ có thể thượng tiến một đôi chim bồ câu non mà thôi!
Chúng ta đọc ra được điều gì nơi cái nghèo của gia đình này? Nghèo nhưng không hèn! Thánh Giuse là một anh thợ chăm chỉ làm việc để nuôi sống gia đình mình. Nghề thợ mộc thời bấy giờ là nghề của mọi thứ lao động chân tay. Ai thuê gì, anh Giuse làm đó miễn sao công việc lương thiện và kiếm sống qua ngày. Maria cũng vậy, một phụ nữ nội trợ đảm đang. Mọi thành viên đều chăm chỉ làm việc và luôn hành động theo ý Chúa qua việc tuân giữ lề luật. Nghèo nhưng tràn đầy niềm vui! Gia đình nghèo này luôn tràn đầy niềm vui. Niềm vui của những người có Chúa. Niềm vui này không ai có thể cướp mất được. Dù trong mọi gian lao vất vả, gia đình Thánh luôn có Chúa ở cùng. Vất vả khi phải sinh con nơi hang bò lừa. Vất vả khi nửa đêm mang con trốn sang đất Ai Cập. Vất vả khi lao đao tìm con lạc mất giữa đền thờ. Nhưng không bao giờ gia đình đánh mất niềm vui vì luôn có Chúa.
Ảnh hưởng của nền văn hóa loại trừ
Do đề cao giá trị kinh tế và đồng tiền nên kéo theo một tế phũ phàng của nền văn hóa loại trừ trong xã hội. Ngày nay mọi thứ đều theo luật cạnh tranh và sinh tồn, ở đó những kẻ quyền lực chèn ép những người yếu. Hậu quả là vô số những người bị loại trừ và bị gạt ra bên lề: không việc làm, không phương tiện hoặc không có bất kỳ lối thoát nào. Con người bị coi như một món hàng tiêu thụ sử dụng xong thì vứt bỏ. Nền văn hóa loại trừ như thế ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối tương quan trong đời sống gia đình. Những người già bị coi như là thành phần “ăn bám”, sẽ bị loại trừ. Áp lực của đời sống kinh tế khiến nhiều gia đình không muốn có thêm con. Thậm chí mạng sống của các thai nhi bị tước đoạt, loại trừ luôn mần sống nếu chúng ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và sự nghiệp của cha mẹ.
Tin mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy hai khuôn mặt già nua là ông Simêon và bà Anan. Tin Mừng kể lại rằng: Ông Simêon là người công chính và sùng đạo. Bà Anna không rời bỏ đền thờ, những ăn chay và cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Việc tôn vinh 2 khuôn mặt gia nua có ý nghĩa gì trong ngày lễ Thánh Gia hôm nay?
Có thể nói gia đình Ki-tô giáo đang đứng trước cơn khủng hoảng về đời sống đức tin vì ảnh hưởng của nền văn hóa loại trừ. Chính những người già trong gia đình là những người bảo tồn và truyền thụ đức tin cho con cái. Như đời sống công chính và sùng đạo nơi ông Simêon; đời sống ăn chay, cầu nguyện nơi bà Anna, người già sẽ giúp cho con cháu bước theo nẻo chính đường ngay của Thiên Chúa. Làm sao có thể có đức tin nếu như không có người truyền thụ? Bằng đời sống sùng đào, người già sẽ giữ vững đức tin cho con cháu giữa cơn khủng hoảng này. Một gia đình bị suy yếu đức tin sớm muộn gì cũng đưa đến gãy đổ.
Đứng trước những thách đố ấy, lễ Thánh Gia mời gọi mọi gia đình Ki-tô giáo thể hiện vẻ đẹp của đời sống gia đình trong xã hội ngày nay. Thể hiện vẻ đẹp gia đình qua đời sống chung thủy để chống lại khuynh hướng coi hôn nhân như hình thức thỏa mãn tình cảm đơn thuần và có thể thay đổi tùy ý; thể hiện vẻ đẹp hôn nhân qua việc đón nhận con cái Chúa ban như là những quà tặng cao quý của sự sống; trân trọng và chăm sóc người già như di sản của đức tin và được thụ hưởng đức tin từ những chứng nhân sống động ấy; đón nhận và thăng hoa đời sống nghèo trong gia đình bằng việc tuân giữ và thi hành thánh ý Chúa. Sống được tất cả điều này chính là chúng ta tôn vinh ngày lễ Thánh Gia hôm nay.
Lm. Giuse Trương Hoàng Vũ, DCCT
Không có nhận xét nào: