Gia Đình Dưới Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 6, 2015

Gia Đình Dưới Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo

GNsP (24.06.2015) - Có được phép phá thai?

Có một câu chuyện hay được đăng tải trên mạng xã hội như sau: “Một người phụ nữ lo lắng bế con đến gặp bác sĩ phụ khoa và nói: "Bác sĩ, tôi có một vấn đề nghiêm trọng và rất cần sự giúp đỡ của ông! Ông thấy đấy, con tôi còn chưa đến 1 tuổi và tôi lại đang mang thai một lần nữa. Tôi không muốn những đứa trẻ sinh ra quá gần nhau.

"Ồ vậy thì" - bác sĩ hỏi - "cô muốn tôi làm gì?"

Người phụ nữ nói: "Tôi muốn ông giúp tôi ngừng mang thai, tất cả là nhờ ông".

Vị bác sĩ suy nghĩ một lúc, rồi ông nói với người phụ nữ: "Tôi nghĩ rằng tôi có một giải pháp tốt hơn cho vấn đề của cô. Và còn bớt nguy hiểm cho cô...." Cô gái mỉm cười, tin tưởng nghĩ rằng bác sĩ sẽ đáp ứng được yêu cầu của cô.

Nhưng ông lại tiếp tục: "Cô thấy đấy, để cô không phải chăm sóc 2 đứa trẻ cùng một lúc, thì hãy giết chết đứa trẻ cô đang bế trên tay. Bằng cách này, cô có thể nghỉ ngơi một thời gian trước khi đứa còn lại được sinh ra. Nếu chúng ta giết một trong hai đứa bé, thì không quan trọng là đứa nào phải không? Sẽ không có một mối nguy hiểm đe doạ nào cho cô nếu cô chọn đứa bé cô đang bế."

Người phụ nữ kinh hoàng, mặt biến sắc: "Không thể được thưa bác sĩ! Làm vậy thực sự là quá khủng khiếp! Thật dã man khi giết một đứa trẻ..."

"Tôi đồng ý" - bác sĩ trả lời. "Nhưng mà khi đến đây và nhờ tôi thì có vẻ như cô chấp nhận được điều đó mà, vì vậy tôi nghĩ đó là giải pháp tốt nhất."

Cô gái ôm chặt đứa bé trên tay, chào từ biệt bác sĩ ra về, và không mảy may nghĩ đến việc thực hiện điều mà cô vừa định làm cách đó ít phút...

Bác sĩ mỉm cười, nhận ra rằng ông đã giữ vững quan điểm của mình. Ông đã thuyết phục được người mẹ rằng không có sự khác biệt nào trong việc giết chết một đứa trẻ đã được sinh ra và một đứa trẻ vẫn còn trong bụng mẹ. Tội ác là như nhau!”

Phá thai là giết người, là phạm Điều răn thứ 5, trong 10 Điều răn Đức Chúa.

Bài trước có nhắc tới Điều 10 của Pháp lệnh Dân số (2003): “Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền: a) Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh…”. Điều này phù hợp Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công Giáo: “Quyết định về thời gian cách quãng giữa các lần sinh con và về số con muốn có là quyền riêng của hai vợ chồng. Đây là một trong những quyền không thể chuyển nhượng, sẽ được thi hành trước mặt Chúa sau khi suy xét đủ về những bổn phận đối với bản thân, đối với con cái đã sinh ra, đối với gia đình và xã hội. Chính quyền muốn can thiệp trong phạm vi chuyên môn của mình là cung cấp thông tin và đưa ra những biện pháp thích hợp trong lĩnh vực dân số thì phải làm sao cho mọi người và sự tự do của vợ chồng vẫn được tôn trọng đầy đủ. Không bao giờ được phép lấy sự can thiệp ấy thay cho quyết định của hai vợ chồng. Mọi tổ chức khác hoạt động trong lĩnh vực này càng phải tránh làm điều như vậy.

Tất cả mọi chương trình trợ giúp kinh tế nhằm tài trợ các chiến dịch triệt sản và ngừa thai, cũng như việc bắt các chương trình trợ giúp kinh tế lệ thuộc các chiến dịch này, cần phải bị lên án về mặt luân lý vì xâm phạm tới phẩm giá của con người và gia đình. Thay vào đó, chúng ta nên tìm lời giải đáp cho những vấn đề liên quan tới sự gia tăng dân số bằng cách vừa tôn trọng luân lý tính dục vừa bảo đảm nền đạo đức xã hội, đẩy mạnh sự công lý và liên đới nhiều hơn nữa, để sự sống luôn có được phẩm giá trong bất cứ hoàn cảnh nào, bắt đầu với những điều kiện kinh tế, xã hội và văn hoá” (số 234). 

Đáng tiếc là sau đó, Điều 10 được sửa đổi vào năm 2008 (có hiệu lực 1/1/2009) thành: “Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản: 1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; 2. Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định…”. 

Phá thai được công khai, trở thành nghĩa vụ của vợ- chồng dưới chiêu bài hoa mỹ “kế hoạch hóa gia đình”, được định nghĩa là “ biện pháp chủ yếu để điều chỉnh mức sinh góp phần bảo đảm cuộc sống no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. “Cản trở kế hoạch hóa gia đình” là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 1 Điều 7 Pháp lệnh Dân số.

Điều này đi ngược lại Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công Giáo: “phá thai là một tội ác đáng ghê tởm và là một sự phá hoại trật tự luân lý một cách đặc biệt nghiêm trọng; thay vì là quyền lợi, phá thai chính là một hiện tượng đáng buồn góp phần đáng kể vào việc phổ biến não trạng chống lại sự sống, là một sự đe doạ nguy hiểm cho việc chung sống trong xã hội một cách công bằng và dân chủ.
Cũng cần loại bỏ những phương pháp ngừa thai dưới nhiều hình thức khác nhau: việc loại bỏ ấy dựa trên một sự hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về con người và tính dục của con người, cũng như tượng trưng cho lời kêu gọi luân lý muốn mọi người bảo vệ sự phát triển chân chính của các dân tộc. Mặt khác, cũng dựa vào những lý do vừa kể của trật tự nhân học, người ta được phép vận dụng sự tiết dục định kỳ trong thời gian có thể mang thai của người phụ nữ. Loại bỏ việc ngừa thai và sử dụng các phương pháp tự nhiên để điều hoà sinh sản chính là quyết định xây dựng những quan hệ liên vị giữa hai vợ chồng dựa trên sự tôn trọng và chấp nhận nhau toàn diện, đưa tới những hiệu quả tích cực là tạo ra một trật tự xã hội nhân bản hơn” (Số 233). 

Giáo hội Công Giáo kêu gọi: “dựa vào bí tích đã lãnh nhận, các gia đình Kitô giáo có một sứ mạng đặc biệt là làm chứng nhân và làm người loan báo Tin Mừng sự sống. Đây là một sự dấn thân, mà trong xã hội hôm nay, có giá trị như một lời tiên tri đích thực và can đảm. Chính vì lý do đó, “phục vụ Tin Mừng sự sống… có nghĩa là các gia đình, thông qua việc tham gia vào các hiệp hội gia đình, ra sức làm việc thế nào để bảo đảm cho luật lệ và định chế của quốc gia chẳng những không xâm phạm quyền sống, từ khi thụ thai cho tới khi chết cách tự nhiên, mà còn bảo vệ và phát triển quyền sống đó” (số 231).

Điều đáng nói là do hạn chế hiểu biết, hay cố tình đi ngược lại Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công Giáo, cái Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam đã phát động cái gọi là “tham gia các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, nhất là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…Để từ đó “hãnh diện” tổng kết, chỉ riêng Cần Thơ: “Phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, "sống tốt đời đẹp đạo” có 100% gia đình Công giáo đăng ký. Qua bình xét, hàng năm có từ 92-98% gia đình Công giáo được công nhận gia đình văn hóa; 39/39 khu dân cư đồng bào Công giáo được công nhận là khu vực văn hóa; 39/39 khu dân cư được công nhận là khu dân cư "3 không” (http://ubdkcgvn.org.vn/…/dai-hoi-dai-bieu-nguoi-cong-giao-…/). Họ có biết “tiêu chuẩn để đạt được danh hiệu Gia đình văn hóa phải có: vợ chồng thực hiện sinh con đúng quy định”. Và để đạt danh hiệu Khu phố văn hóa, phải “Thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hoá gia đình” (Thông tư số 12/2011/TT-BVH-TTDL) (http://www.moj.gov.vn/…/Vn%20bn%20php%20l…/View_Detail.aspx…).

Xã hội phục vụ Gia đình 

“Xã hội không bao giờ được bê trễ nhiệm vụ căn bản là tôn trọng và hỗ trợ các gia đình”. Xã hội, nhất là các tổ chức quốc gia, muốn tôn trọng thế ưu tiên và thế “thượng phong” của gia đình, cần phải bảo đảm và phát huy bản sắc đích thực của đời sống gia đình, đồng thời phải tránh và chống lại tất cả những gì có thể làm biến chất hay phương hại tới gia đình. Muốn thế, cần có những hoạt động chính trị và pháp luật để bảo vệ các giá trị gia đình, từ việc cổ vũ sự thân mật và hài hoà trong chính gia đình cho đến việc tôn trọng các thai nhi, cũng như quyền tự do lựa chọn cách giáo dục con cái. Vì thế, cả xã hội lẫn Nhà Nước đều không được lấy đi, thay thế hay rút gọn chiều hướng xã hội của gia đình, mà phải tôn trọng, nhìn nhận và phát huy chiều hướng ấy theo đúng nguyên tắc bổ trợ.

Sự phục vụ mà xã hội dành cho gia đình sẽ trở nên cụ thể khi xã hội nhìn nhận, tôn trọng và phát huy các quyền lợi của gia đình. Nói thế có nghĩa là xã hội phải đưa ra các chính sách gia đình vừa hữu hiệu vừa chân chính, với những sự can thiệp khả dĩ đáp ứng các nhu cầu nảy sinh từ quyền lợi của gia đình. Theo chiều hướng đó, có một đòi hỏi vừa thiết yếu vừa hết sức cần thiết là: phải công nhận – kèm theo đó là phải bảo vệ, trân trọng và phát huy – bản sắc của gia đình là xã hội tự nhiên được xây dựng trên hôn nhân. Sự công nhận ấy là một cách cho thấy có một sự phân biệt rạch ròi giữa gia đình, được hiểu một cách đúng đắn, với tất cả những hình thức sống chung khác mà theo bản chất không xứng đáng gọi là gia đình và không xứng đáng hưởng danh nghĩa cũng như quy chế của gia đình” (Số 252 và 253).

Để có hành động thiết thực, nhân ngày Gia đình Việt Nam, mỗi người trong chúng ta có quyền đòi hỏi, giám sát – ít là những gì CSVN chỉ thị cho cấp ủy của họ - đã sau 15 năm là: “thực hiện tốt những việc sau đây: 

1- Tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy đảng ở cơ sở về tính cấp bách cũng như tầm quan trọng của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới…; bồi dưỡng, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cho cộng đồng và gia đình. 

2- Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em 5 năm và hàng năm của địa phương, chăm lo phát triển toàn diện cho trẻ em về sức khoẻ, trí tuệ, đạo đức, văn hoá tinh thần, để trở thành những công dân xã hội chủ nghĩa nhỏ tuổi, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất sự xâm hại đối với trẻ em. Có biện pháp giải quyết tốt một số mục tiêu quan trọng như: giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, giúp đỡ để mọi trẻ em được phổ cập giáo dục theo quy định, giảm trẻ em thất học, bỏ học, lưu ban, thu hút trẻ em quá độ tuổi vào các lớp học, tích cực phòng chống tình trạng dụ dỗ trẻ em tham gia buôn bán và nghiện hút ma tuý, trẻ em bị xâm hại, trẻ em làm trái pháp luật, trẻ em đi lang thang kiếm sống; đầu tư và huy động các nguồn lực để phát triển nhà trẻ, lớp mẫu giáo, điểm văn hoá, vui chơi cho trẻ em. Đưa các mục tiêu vì trẻ em, lồng ghép và ưu tiên giải quyết các vấn đề có liên quan đến trẻ em trong kế hoạch và các chương trình phát triển kinh tế xã hội. Phân công đảng viên thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đi sâu đến từng hộ gia đình nắm chắc tình hình trẻ em... 

3- Xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc là một mục tiêu quan trọng. Đề cao vai trò và trách nhiệm của gia đình, giúp đỡ và tạo điều kiện cần thiết để các gia đình thực hiện trách nhiệm đối với thế hệ trẻ, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển của trẻ em. Tôn trọng và bảo đảm cho trẻ em được thực hiện các quyền và bổn phận của mình trước gia đình và xã hội. Xây dựng tình làng, nghĩa xóm, khuyến khích các gia đình giúp đỡ lẫn nhau trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cháu, đỡ đầu trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Giúp đỡ tạo việc làm cho các gia đình có trẻ em khó khăn. Đảng viên phải gương mẫu xây dựng gia đình hoà thuận, nuôi dạy con tốt. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và các ngành, đoàn thể để giáo dục trẻ em, nhất là đối với những trường hợp cá biệt; chú trọng giáo dục cho trẻ em tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, …” (Chỉ thị số 55/CT-TW).
Nguyễn Anh
Gia Đình Dưới Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo Reviewed by Unknown on 6/24/2015 Rating: 5 GNsP (24.06.2015) - Có được phép phá thai? Có một câu chuyện hay được đăng tải trên mạng xã hội như sau: “Một người phụ nữ lo lắng b...

Không có nhận xét nào: