Giáo Sư Allen Weiner: Nhà Nước Việt Nam Vi Phạm Buyền Bày Tỏ Chính Kiến - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
19 tháng 6, 2015

Giáo Sư Allen Weiner: Nhà Nước Việt Nam Vi Phạm Buyền Bày Tỏ Chính Kiến

Trong thời gian qua, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đã được thế giới đặc biệt quan tâm, được thể hiện qua buổi điều trần tại Quốc Hội Canada vào ngày 28/05/2015. Hoặc buổi tường trình về tình hình tù nhân lương tâm tại Việt Nam đã diễn ra tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 11/06/2015, hai dân biểu Zoe Lofgren và Loretta Sanchez thuộc Nhóm Dân Biểu Việt Nam Caucus, Hạ Viện Hoa Kỳ tổ chức.

Được biết trong buổi tường tình này ngoài phần tham dự của thân nhân các tù nhân lương tâm, còn có sự tham dự đặc biệt của Giáo sư Allen Weiner, Giám đốc Chương trình Luật Quốc tế và Đối chiếu của Đại Học Luật Stanford (Hoa Kỳ), người từng đệ nạp kiến nghị lên Ủy ban Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên hiệp quốc vào năm 2013 để yêu cầu can thiệp về việc 17 thanh niên yêu nước bị CSVN bắt giữ phi pháp từ năm 2011.

Mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn giáo sư Allen Weiner về sự vi phạm quyền bày tỏ chính kiến của nhà cầm quyền Việt Nam.
***


RadioCTM:
Xin ông cho biết tên và chức nghiệp của ông.

Allen Weiner: Tên tôi là Allen Weiner, hiện là giáo sư giảng dạy tại trường Luật Stanford.

RadioCTM: Cám ơn GS Weiner đã đến với chúng tôi hôm nay. Trong vai trò luật sư đệ nạp kiến nghị cho Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện của Liên Hiệp Quốc về trường hợp 17 nhà hoạt động nhân quyền, mà một số trường hợp của những người này được tường trình hôm nay trước quốc hội, trong phần tường trình của ông thì thông điệp nhắn gửi là gì?

Allen Weiner: Có 2 điều trong thông điệp. Điều thứ nhất là, ai cũng thấy rõ và không chút mơ hồ gì cả về việc nhà cầm quyền VN đã không làm tròn nghĩa vụ với Công Ước Quốc Tế về những quyền Dân Sự và Chính Trị và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Xin nói rõ là đây không phải những gì mà thế giới bên ngoài, Tây Phương áp đặt lên Việt Nam, mà đây là những điều mà Việt Nam tự nguyện cam kết. Nhưng sau đó, khi đối xử với chính công dân của họ thì nhà cầm quyền VN lại chẳng đếm xỉa gì đến những điều họ đã tự nguyện cam kết đó. Thành ra, điểm thứ nhất tôi muốn nhấn mạnh rất rõ ràng là, đối với phán quyết của Ủy Ban Điều Tra, VN đã không tôn trọng nghĩa vụ của họ, mặc dầu VN có biện bạch như thế nào đi nữa.

Điều thứ nhì tôi muốn truyền đạt tới các dân biểu Quốc Hội và những người quan tâm là, cần phải áp lực VN, vì họ không tôn trọng những gì đã cam kết về nhân quyền. Hoa Kỳ và các quốc gia khác tôn trọng luật pháp và nhân quyền cần làm áp lực với VN để họ hiểu rõ là chúng ta muốn họ tuân thủ những điều đó, nếu họ muốn có các mối quan hệ đem lại lợi ích cho họ.

RadioCTM : Đã gần 3 năm kể từ khi ông đệ nạp kiến nghị với Ủy Ban Điều Tra vào tháng 7/2012. Sau khi Ủy Ban Điều Tra lên án đảng cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền. Nhà cầm quyền Hà Nội phản bác và cho rằng, những người có tên trong danh sách đệ nạp đã vi phạm luật pháp Việt Nam khi đi tham dự một khóa huấn luyện. Xin ông cho biết thêm về việc này.

Allen Weiner: Ủy Ban cho rằng VN không thể dựa vào luật riêng của quốc gia để bỏ tù người dân nếu điều đó đi ngược lại với các hiệp ước quốc tế như Công Ước Quốc Tế về những quyền Dân sự và Chính Trị. Hay nói cách khác người ta không thể dùng hệ thống tư pháp quốc gia để biện minh cho sự vi phạm các cam kết quốc tế. Ai cũng thấy rõ là Ủy Ban Điều Tra đã nhấn mạnh là không thấy chứng cớ, hay lời buộc tội nào của nhà cầm quyền VN, là những người đó có liên hệ đến Việt Tân, đã có những việc làm hay dự tính thực hiện các hành vi mang tính chất bạo động. Họ chỉ đơn thuần có ý kiến hay bày tỏ ý kiến khác biệt với nhà cầm quyền, rồi nhà cầm quyền xem đó làm lý cớ để bắt giữ, thì đó không phải là lý do chính đáng để tước đoạt quyền tự do của họ.

RadioCTM : Nếu thông điệp nhắn gửi hôm nay là cho các dân biểu quốc hội, các cộng đồng người Việt Hải ngoại và giới hoạt động dân chủ tại Việt Nam, ông nghĩ là người Việt trong và ngoài nước có thể làm gì? cũng như các tổ chức NGO hoạt động về luật pháp có thể làm gì để áp lực nhà cầm quyền VN về những vi phạm nhân quyền của họ.

Allen Weiner: Đã có những kiến nghị khác tương tự như kiến nghị mà tôi đệ nạp lên Ủy Ban Điều Tra về Bắt Giữ Tùy Tiện. Người ta hy vọng là Việt Nam sẽ tuân thủ nghĩa vụ quốc tế, nhưng cho đến nay điều này vẫn không xảy ra. Thành ra câu hỏi được đặt ra là, làm sao quốc tế giúp buộc VN phải tôn trọng nghĩa vụ khi mà chính VN không chịu làm. Ở đây, căn bản là chúng ta kỳ vọng vào khả năng của các chính phủ để giúp Hà Nội tuân thủ theo luật pháp. Có nghĩa là phải cho VN biết rõ có cái giá họ phải trả nếu tiếp tục vi phạm. Hoa Kỳ và các quốc gia đồng quan điểm phải nói rõ là, cho đến khi nào VN chưa tôn trọng luật pháp, chưa tuân thủ các cam kết quốc tế để tôn trọng nhân quyền, thì VN không thể hưởng những lợi ích khi tham gia vào các hiệp ước giao thương. Về phương diện cá nhân, quý vị có thể bày tỏ với các vị dân cử bản xứ rằng đây là mối quan tâm của mình, để chính phủ đó buộc VN phải tôn trọng. Giới hoạt động khắp nơi trên thế giới tiếp tục truyền đạt thông điệp này. Đối với người dân VN và giới hoạt động tại VN tôi không biết nói gì hơn, vì đây là câu hỏi khó, nó đòi hỏi sự dũng cảm cao độ khi tham gia vào những hoạt động mà họ có thể bị bắt giữ. Tôi không muốn xúi giục một cách mù quáng nhưng tôi hy vọng là họ biết là thế giới bên ngoài quan tâm, hỗ trợ và cùng với họ đấu tranh.

RadioCTM : Hôm nay có một số người từ VN có mặt nơi đây trong buổi tường trình, bất chấp những rủi ro có thể xảy ra đến cho họ và gia đình. Ông nghĩ sao về việc này? Liệu như vậy có ích lợi gì không?

Allen Weiner: Tôi nghĩ có ích lợi. Tôi ngưỡng mộ lòng dũng cảm của họ ,vì nó đòi hỏi sự can đảm của cá nhân chấp nhận rủi ro. Chúng ta không biết Việt Nam sẽ làm gì với họ, tuy rằng không có lý cớ pháp luật gì để làm khó dễ họ. Nghe bản tường trình với những ngôn từ khô khan từ một luật sư như tôi là một chuyện, nhưng nghe được các câu chuyện của những người phải gánh chịu sự đàn áp của một nhà cầm quyền hà khắc là một điều rất lôi cuốn. Đây là những lời nhắn gửi có thể làm đổi ý của giới dân cử và hành pháp.

RadioCTM : Câu hỏi chót của tôi là, tại sao ông dính líu đến sự việc này. Có phải vì ông là luật sư nhân quyền, và đó là sở thích của ông?

Allen Weiner: Đây là câu hỏi lý thú. Tôi là một giáo sư về luật quốc tế. Tôi dạy về luật quốc tế, có viết sách giáo khoa về luật quốc tế, trong đó có vấn đề nhân quyền. Nhưng sở trường nghiên cứu của tôi không phải là nhân quyền, mà về vấn đề an ninh. Tôi khá là thận trọng khi diễn giải về nghĩa vụ của một quốc gia đối với luật pháp quốc tế. Hồ sơ vụ này là do một số bạn hữu từ các NGO quốc tế giới thiệu. Lúc đầu tôi rất ngần ngại vì không biết hết các dữ kiện. Có thể nhà cầm quyền VN có lý do của họ mà tôi chưa hiểu hết. Nhưng càng tìm hiểu sự việc tôi càng thấy rõ ràng đây là một thí dụ tiêu biểu về vi phạm quyền bày tỏ chính kiến. Là một người tôn trọng luật pháp, tôi thấy có bổn phận phải giúp họ, và đó cũng là làm nghĩa vụ của tôi. Tôi rất hài lòng với phán quyết của Ủy Ban Điều Tra, khi Uỷ Ban nhìn nhận những điều tôi trình bày trong kiến nghị. Điều thất vọng là Việt Nam đã không tuân thủ theo lời kêu gọi của Ủy Ban để thả những người bị bắt giữ.

RadioCTM : Cám ơn GS Weiner rất nhiều.

Allen Weiner: Xin cám ơn cô có cuộc trò chuyện này.
Giáo Sư Allen Weiner: Nhà Nước Việt Nam Vi Phạm Buyền Bày Tỏ Chính Kiến Reviewed by Unknown on 6/19/2015 Rating: 5 Trong thời gian qua, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đã được thế giới đặc biệt quan tâm, được thể hiện qua buổi điều trần tại Quốc Hội...

Không có nhận xét nào: