Nguyễn Tường Thụy: Ngày 22/3/2015, Nhà văn Phạm Viết Đào hoàn thiện đơn lần cuối, chính thức khởi kiện vụ án hành chính, kiện Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội vì đã ký Quyết định số 1454/BHXH-ĐC ngày 24/9/2014, theo đó, cắt lương hưu của ông trong khoảng thời gian ông bị tù từ ngày 13/6/2013 tới 30/9/2014. Ông cho rằng, việc Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội ban hành quyết định 1454 là trái Hiến pháp 2013, trái Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội và trái Nghị định 152/NĐ-CP/2006.
Theo ông thì Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 33, Nghị định 152/NĐ-CP/2006 chỉ quy định: “Tạm DỪNG hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với người chấp hành hình phạt tù” chứ không quy định CẮT. Điều 2, Nghị định 152 qui định tiếp “Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được tiếp tục thực hiện khi người bị phạt tù đã chấp hành xong hình phạt tù...”
Ông kết luận: Việc Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội ban hành Quyết định 1454 cắt lương hưu của tôi từ tháng 7/2013 tới tháng 9/2014 là hành vi trái Hiến pháp 2013, trái với Bộ Luật tố tụng hình sự; Trái với Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 152/NĐ-CP/2006.
Vì vậy, ông yêu cầu: huỷ Quyết định 1454/BHXH-ĐC ngày 24/9/2014 của Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội do ban hành trái pháp luật; Buộc Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội khôi phục, hoàn trả lương hưu của tôi do Bảo hiểm Xã hội Hà Nội đã dừng trả từ tháng 7/2013 tới tháng 9/2014.
Ngày 16/6/2015, Tòa án Hà Nội có giấy báo cho ông đến ngày 23/6/23015 đến để “giải quyết theo trình tự sơ thẩm vụ kiện hành chính giữa ông đối với Giám đốc bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.
Buổi làm việc sáng nay diễn ra chừng 15 phút. Nội dung làm việc khá đơn giản: Phía Tòa án bảo Nv. Phạm Viết Đào về củng cố thêm hồ sơ, còn về phía họ sẽ làm việc với bên bị đơn. Họ cho rằng, có thể hai bên tự giải quyết với nhau cho thỏa đáng chứ không nhất thiết phải mở phiên tòa. Như vậy, có thể hiểu là tòa án sẽ đảm nhiệm vai trò hòa giải (điều này có trong luật định).
Nv Phạm Viết Đào cũng cho biết, ông chỉ cần đòi quyền lợi của ông, tức là họ phải hoàn trả khoản lương hưu đã cắt của ông, chứ khởi kiện cũng chỉ là việc cực chẳng đã.
Có một điều khó hiểu là về phía Nv Phạm Viết Đào, chỉ cần lá đơn và quyết định cắt lương hưu của ông là đủ chứ có gì phức tạp mà phải củng cố, bổ sung hồ sơ? Mặt khác, ông đã 3 lần gửi đơn khởi kiện vào các ngày 23/12/2014, 25/2/2015 và 22/3/2015 (những lần gửi sau là sửa theo hướng dẫn của tòa án). Cho đến nay, mới gọi ông đến để có một ý kiến đơn giản như thế,
Được biết, Luật bảo hiểm xã hội 2014 có một số thay đổi, trong đó, điều 64 đã loại những người chấp hành án phạt tù ra khỏi đối tượng tạm dừng hưởng lương hưu. Tuy nhiên đến ngày 1/1/ 2016 mới có hiệu lực.
Nhà văn Phạm Viết Đào bị bắt ngày 13/6/2013, sau đó bị truy tố theo điều 258 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân). Ngày 19/3/2014, ông bị Tòa án Hà Nội kết án 15 tháng tù giam. Phiên tòa phúc thẩm ngày 12/6 đã xử kín và y án sơ thẩm.
Không có nhận xét nào: