Phỏng Vấn LM Phan Văn Lợi: Tôn Giáo Ở VN Đang "Tự Do" Như Thế Nào? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 6, 2015

Phỏng Vấn LM Phan Văn Lợi: Tôn Giáo Ở VN Đang "Tự Do" Như Thế Nào?

Phóng viên Kiều Phong đến từ Việt Nam Thời Báo xin kính chào linh mục Phan Văn Lợi. Thưa Cha Lợi, trong giai đoạn 4 năm trở lại đây, từ năm 2011 đến năm 2015, tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam đã biến chuyển như thế nào, thưa cha?

Khống chế, lũng đoạn và xâm nhập


Linh mục Phan Văn Lợi:
Vâng trước hết tôi xin được kính chào anh phóng viên và tất cả quý vị thính giả đang nghe chương trình này. Kính thưa quý vị, trong cái 4 năm trở lại đây,tình hình tôn giáo ở VN chẳng có gì tiến triển cả, các tôn giáo vẫn tiếp tục bị khống chế, lũng đoạn và xâm nhập. Nhà nước vẫn tiếp tục cho các quyền tự do tôn giáo thứ yếu mà với điều kiện, và cái thứ ba là nhà nước tiếp tục cấm cản các quyền tự do tôn giáo chủ yếu.

PV Kiều Phong:
Sự lũng đoạn, khống chế các giáo hội và ngăn cản các quyền tự do tôn giáo chủ yếu đó thể hiện như thế nào thưa cha?

Linh mục Phan Văn Lợi:
Điểm thứ nhất, các tôn giáo vẫn tiếp tục bị khống chế, lũng đoạn và xâm nhập thì người ta nhận thấy là tuy rằng các tôn giáo là các tổ chức xã hội đúng nghĩa, có ích lợi cho xã hội nhưng mà cho tới nay nhà nước không công nhận cho các tôn giáo có cái gọi là pháp nhân, tức là không công nhận chính thức các tôn giáo trên phương diện pháp luật. Và chính việc không được coi là các pháp nhân nên các tôn giáo gặp rất nhiều khó khăn ở trên phương diện luật pháp và trong giao dịch xã hội. Các tôn giáo muốn tiếp tục hoạt động thì phải đăng ký, phải xin phép và tuân thủ rất nhiều điều kiện khắt khe, rồi phải chờ sự cho phép tùy tiện của nhà cầm quyền. Tôi lấy ví dụ những hội thánh Tin Lành tại gia bây giờ họ muốn sinh hoạt thì họ phải tìm mọi cách để mà xin xỏ nhà nước, phải chờ rất lâu mà nhiều khi không được nữa. Rồi vì muốn kiểm soát các tôn giáo, nhất là muốn biết tôn giáo thành công cụ thì nhà nước đã lập ra những cái gọi là tôn giáo quốc doanh, bên cạnh các tôn giáo chính truyền, chẳng hạn bên cạnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thì có Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước điều khiển, bên cạnh Cao Đài thì người ta thấy có cái gọi là Hội đồng Chưởng Quản cũng là thứ quốc doanh do nhà nước thành lập, nhiều hội thánh Tin Lành do người của nhà nước ở trong đó diều khiển. Riêng Công Giáo thì không có cái giáo hội quốc doanh nhưng lại có Uỷ Ban Đoàn Kết để mà lũng đoạn Công Giáo.

Linh mục Phan Văn Lợi

Điểm thứ hai, nhà nước cho các quyền tự do tôn giáo thứ yếu nhưng với điều kiện. Có ba quyền tự do tôn giáo thứ yếu: một là, được xây dựng các nơi thờ phượng; hai là tổ chức các lễ hội, ba là các chức sắc hoặc là tín đồ được đi ra nước ngoài để lo việc tôn giáo. Nhưng mà không phải tất cả mọi tôn giáo và mọi chức sắc đều được cái quyền này. Ba cái thứ gọi là quyền tự do tôn giáo thứ yếu đó, phụ tùy đó, chỉ được ban cho các cái người ta gọi là giáo hội quốc doanh là một, thứ hai là cho những ai im lặng trước tội ác và sự sai lầm của nhà cầm quyền, còn tất cả những ai mà lên tiếng để chống lại sự bất công ở trong xã hội thì ngay cả những điều này cũng không được. Tôi lấy ví dụ như là linh mục Lê Ngọc Thanh, linh mục Đinh Hữu Thoại từng bị cấm đi ra nước ngoài bởi vì hai vị này đã đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền. Cái thứ ba là nhà nước tiếp tục không cho những quyền tự do tôn giáo chủ yếu.

PV Kiều Phong:
Xin linh mục cho khán thính giả Việt Nam Thời Báo hiểu rõ hơn về những quyền tự do tôn giáo chính yếu, và cách mà nhà cầm quyền đã xâm phạm các quyền đó.

Linh mục Phan Văn Lợi
: Trong những quyền tự do tôn giáo chủ yếu trong đó có độc lập trong việc tổ chức nội bộ, thứ hai là quyền tự do trong sinh hoạt phụng thờ, thứ ba là quyền truyền bá giáo lý ở bên ngoài, thứ tư là quyền góp phần giáo dục giới trẻ. Thứ năm là quyền của các thành viên ở trong tôn giáo được tham gia vào xã hội,vào bộ máy cầm quyền; và thứ sáu là quyền được sở hữu các cái phương tiện vật chất, sở hữu đất đai;và quyền thứ bảy đó là có thể tự do để mà liên lạc với nước ngoài hoặc gởi người đi ra nước ngoài. Bảy quyền tự do tôn giáo này cho tới nay nhà nước vẫn không cho.

Các tôn giáo vẫn không được quyền gọi là độc lập trong tổ chức nội bộ, nhà nước kiểm soát việc chiêu sinh, huấn luyện các tu sĩ. Nhà nước kiểm soát việc chiêu sinh, huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm các chức sắc. Rồi, các tôn giáo không được quyền tự do trong sinh hoạt và phụng thờ.

Tất cả mọi sinh hoạt, phụng thờ của tôn giáo đều phải báo cáo, xin phép mỗi năm vào ngày 15 tháng 10, trong năm tới có những lễ nghi gì, tổ chức gì, lễ hội gì, định lượng bao nhiêu người đều bắt buộc phải xin phép cả. Mọi lễ nghi đều phải làm ở trong những nơi thờ phượng mà được nhà nước công nhận thôi, những nơi mà họ không công nhận thì không được. Rồi những cái lễ nghi thờ phượng ở bên ngoài thì phải xin phép, ai không xin phép thì phải bị dẹp bỏ.

Rồi thứ ba là cái quyền được truyền bá giáo lý bên ngoài các cơ sở tôn giáo thì mọi giáo hội đều đâu có được. Mọi giáo hội đâu có thể đi rao giảng ở trong đường phố những giáo lý của mình qua các phương tiện thông tin truyền thông. Những tôn giáo nào có những trang mạng đề cập các vấn đề đất nước và xã hội đều bị dựng tường lửa cả. Trong thực tế là giáo hội cũng không được thành lập các nhà xuất bản, không có đài phát thanh riêng, không có đài truyền hình riêng, không có tiếng nói trên hệ thống truyền thông quốc gia, mặc dù hệ thống truyền thông quốc gia này có tiền thuế của những người theo tôn giáo đóng góp.

Quyền tự do tôn giáo chính yếu thứ tư, đó là giáo dục giới trẻ, thì trước năm 1975, thì mọi tôn giáo đều có thể mở trường, tiểu học, trung học và đại học. Nhưng mà sau năm 75, tất cả đều không còn nữa. Hiện giờ nhà nước chỉ cho các tôn giáo dạy mẫu giáo mà thôi, nhưng đó chẳng phải tốt đẹp gì, người ta cố ý dùng các ni cô, các nữ tu dạy mẫu giáo là để giáo dục ngay từ nhỏ cho các tâm hồn thơ bé lòng yêu mến ông Hồ Chí Minh, coi ông Hồ Chí Minh là một người tài đức hay là vị thánh gì đó.

Quyền tự do chính yếu thứ năm, người ta biết rằng trong bộ máy cầm quyền này, từ trong các bộ, các ngành trong quân đội, trong công an, không hề có những người theo tín ngưỡng đích thực làm ở cấp bậc cao cả. Theo như tôi biết là trong quân đội, người có tín ngưỡng cao nhất lên cấp đại tá mà thôi. Tất cả mọi hiệu trưởng phải là vô thần cả, phải là đảng viên hết, không có những ai mà gọi là người trong tôn giáo. Ở trong quốc hội thì có một vài thành viên là linh mục hay là tăng sĩ nhưng đó là những người đã hoàn toàn thuộc về nhà nước rồi, chứ không phải là những người thuần thành phục vụ cho tôn giáo ở trong đó. Và chúng ta biết rồi, trong các bộ ngành không có một người theo tôn giáo nào mà làm các chức lớn như là bộ trưởng hoặc làm tỉnh trưởng, tỉnh ủy cả, không bao giờ có.

Quyền tự do tôn giáo chính yếu thứ sáu, đó là các tôn giáo không được quyền sở hữu đất đai y như mọi người dân. Thậm chí muốn mở rộng hay thu hẹp lại một cơ sở thì phải xin phép, thậm chí là có những tín đồ muốn biếu lô đất đai, nhà cửa cho tôn giáo thì không thể biếu trực tiếp được mà nhiều khi phải qua trung gian của nhà nước.

Quyền tự do tôn giáo chính yếu thứ bảy, đó là được đi ra ngoại quốc để mà lo vấn đề tôn giáo hoặc mời người ngoại quốc đi vào thì tất cả đều phải xin phép. Một ví dụ rất cụ thể là các vị giám mục công giáo, ở Việt Nam, muốn được làm giám mục Tòa Thánh “chọn không đủ”, nhà nước phải can thiệp vào, phải có sự đồng ý của thủ tướng thì một linh mục nào đó mới được trở thành giám mục. Đây là một sự can thiệp vào mối liên hệ giữa Công giáo trong nước với thẩm quyền ở bên nước ngoài.

Không tự do tôn giáo – và tiếp tục bị siết chặt


PV Kiều Phong:
Thưa Cha Lợi, trong thời gian sắp tới, theo Cha liệu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có thúc đẩy tự do tôn giáo hay không?

Linh mục Phan Văn Lợi:
Thưa quý vị, tôi thiết nghĩ là không. Có nhiều lí do trong đó để nói rằng là không.

Thứ nhất, chúng ta biết rằng từ tháng 2 năm 2012, thì ông tân trưởng ban tôn giáo là một ông trung tướng công an. Các trưởng ban tôn giáo chính phủ trước đây đều là những người dân sự cả nhưng từ 2012 thì là một trung tướng công an, là ông Phạm Dũng làm trưởng ban tôn giáo. Như thế, một ông công an mà làm trưởng ban tôn giáo thì chứng tỏ nhà nước coi tôn giáo là một đối tượng về an ninh, gắn liền tôn giáo với vấn đề an ninh, trật tự, xã hội, gia tăng sự cảnh giác đối với các tôn giáo. Nhiều người phụ trách tôn giáo tại các địa phương cũng nằm trong ngành công an cả.


Dự thảo 4 được cho là một bước thụt lùi so với pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004.

Lí do thứ hai khiến tôi không tin có sự thúc đẩy tự do tôn giáo, đó là nhà nước đã chuyển từ pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo sang luật tín ngưỡng tôn giáo. Vừa rồi họ đã đưa ra một dự thảo gọi là Dự thảo thứ IV, họ đã soạn với nhau mà không cho ai biết cả. Tới lúc đưa ra cho các tôn giáo mà chỉ cho biết trong vòng có 15 ngày thôi, thì dự luật tín ngưỡng tôn giáo này còn khắt khe hơn pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004. Vì pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 có 6 chương và 41 điều, còn dự luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2015 có 12 chương và 71 điều, gần như gấp đôi, nghĩa là tinh vi hơn và siết chặt hơn. Trong cái bản luật tôn giáo này cũng không cho các tôn giáo có các quy chế pháp nhân, trong 72 điều của dự luật tín ngưỡng này không hề có một chữ pháp nhân nào cả. Dự luật tôn giáo này tiếp tục cơ chế xin-cho với đủ mọi loại giấy phép thể hiện qua câu nói đăng ký. Đăng ký trong xã hội này có nghĩa là xin phép. Chúng tôi đếm được trong đó 23 từ “đăng ký”, 7 từ “chấp thuận”, 10 từ “nhà nước và cơ quan nhà nước công nhận”, có 36 từ là “quy định”, không có chuyện nào trong tôn giáo mà giáo hội không phải xin phép, nhưng nhà nước được quyền cho hay không cho, nhằm mục đích giới hạn tự do tôn giáo nghiêm ngặt hơn, khống chế lũng đoạn các giáo hội cách thâm độc hơn. Nghĩa là, ra cái luật này sẽ khiến các tôn giáo sẽ yên tiếng trước tội ác của nhà cầm quyền, bởi vì họ thấy rằng từ mấy năm nay, các tôn giáo đã ý thức được quyền tự do của mình, lên tiếng cách này cách nọ, để mà góp ý về hiến pháp, mới đây là góp ý về luật tín ngưỡng hoặc có những tổ chức tôn giáo hoặc các chức sắc tôn giáo đứng lên để lên tiếng, để phản bác những bất công ở trong xã hội này.

PV Kiều Phong:
Xin cha lấy một ví dụ cụ thể cho thấy vì sao nhà cầm quyền lại muốn siết chặt kiểm soát tôn giáo đến như vậy !

Linh mục Phan Văn Lợi
: Tôi lấy ví dụ như Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam gồm đại diện của năm tôn giáo, thì những tiếng nói càng ngày càng mạnh trong tôn giáo cất lên như thế làm cho nhà nước sợ hãi. Vì vậy họ phải tìm cách để bịt miệng lại, trước hết họ bịt miệng bằng luật pháp, tức là họ đưa ra một cái luật để hình sự hóa tất cả mọi quyền tự do tôn giáo, để làm cho các tôn giáo không còn có thể bày tỏ bản chất của mình, vai trò của mình trong xã hội, đó là phát ngôn nhân cho sự thật, chiến sĩ cho lẽ phải và chứng nhân cho tình thương. Cho nên chúng tôi không nghĩ rằng là nhà nước sẽ hỗ trợ cho tự do tôn giáo. Mà gần đây có một sự kiện, chỉ cách đây một vài hôm thôi, Uỷ hội tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ dự định sang Việt Nam để thị sát tình hình tôn giáo thì đã không được nhà nước (Việt Nam) cho nhập cảnh. Cách đây hơn một tháng, nhà nước cũng đã phản bác lại báo cáo về tự do tôn giáo của ông đặc phái viên Liên Hợp Quốc, Heiner Bielefeldt, đã hoàn toàn phản bác những nhật xét rất xác đáng của ông. Những điều đó cho chúng tôi thấy rằng không hi vọng gì vào nhà nước sẽ mở rộng quyền tự do tôn giáo ở tại Việt Nam.

Công giáo với vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam


PV Kiều Phong
: Một câu hỏi nữa, thưa linh mục Phan Văn Lợi, theo cha, Tòa Thánh Vatican có hiểu rõ tình hình tôn giáo nói chung và Công Giáo nói riêng đang bị áp bức tại Việt Nam hay không, và nhận xét của cha về cách ứng xử của Vatican và đương kim Giáo Hoàng Francis đối với giới cầm quyền Cộng Sản Việt Nam hiện tại?

Linh mục Phan Văn Lợi:
Về việc Vatican có hiểu rõ tình hình tôn giáo bị áp bức ở tại Việt Nam thì cũng tùy nhiều điều kiện. Thứ nhất, chúng ta biết rằng, Tòa Thánh có những tai mắt ở tại Việt Nam. Trước hết đó là vị đại diện không thường trực của Tòa Thánh, đức tổng giám mục Leopoldo Girelli, thứ hai là các vị giám mục đang cai quản các giáo phận mà mỗi năm phải báo cáo về tòa thánh những tình hình tôn giáo và Giáo Hội (Công giáo) tại Việt Nam. Nhưng mà, báo cáo của vị đại diện của Tòa Thánh, của giám mục có đầy đủ và có trung thực không lại còn là một chuyện. Chúng tôi nhận thấy rằng trong mấy năm gần đây, khi mà vị đại diện của Tòa Thánh, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli đi thăm các giáo phận thì nhà nước để cho tự do, hết sức thoải mái, thậm chí còn thúc giục các giáo phận phải tìm cách đón tiếp linh đình. Cái đó dễ gây ảo tưởng cho cái vị đó, là ở Việt Nam có tự do tôn giáo và mọi sự đều tốt đẹp, mà cái đó nằm trong âm mưu của nhà nước.

Giáo phận Bắc Ninh trong góp ý dự Luật tín ngưỡng, tôn giáo đã cho rằng: "Quyền bính chính trị được nhân dân trao cho nhà cầm quyền là để tạo điều kiện pháp lý và môi trường thuận lợi cho việc thực thi quyền con người, chứ không phải để ban phát cách tùy tiện." Ảnh: Thanh niên Công giáo

Cái thứ hai là đối với các vị giám mục cũng vậy, nhà nước tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhiều vị giám mục được xây cất, được tổ chức lễ hội hoặc được đi ra ngoại quốc. Chính vì những ưu đãi như vậy mà có thể có những vị sẽ báo cáo mà quên đi những mặt đen tối của vấn đề tôn giáo, quên đi việc nhà nước đang đàn áp tôn giáo của mình và tôn giáo bạn. Trong khi đó chúng ta biết rằng những vị Giám mục đã lên tiếng thẳng thắn thì luôn luôn gặp khó khăn, ví dụ như Đức giám mục Hoàng Đức Oanh của giáo phận Kontum. Ngài là một trong những tiếng nói ngôn sứ mạnh mẽ, nhưng ngài gặp rất nhiều chuyện khó khăn trong giáo phận của ngài. Linh mục của ngài thậm chí bị hành hung, bị đánh đập, bị đuổi khỏi nhiệm sở của mình nữa. Có thể báo cáo của ngài chính xác và đầy đủ, nhưng ngài lại là một trong những trường hợp ít ỏi, hiếm hoi, cho nên việc Vatican có hiểu rõ tình hình tôn giáo tại Việt Nam hay không, thì cái đó còn tùy những điều kiện như tôi vừa trình bày ở trên.

Về cách ứng xử của Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đương nhiệm như thế nào, theo như tôi nhận thấy, trước hết vị Giáo Hoàng này là người Argentina, từ bên thế giới Mĩ châu Latinh và về làm Giáo Hoàng, bên vùng đất đó từ lâu nay đã nổi lên cái gọi là phong trào Thần học giải phóng, tức là một phong trào ở trong tôn giáo, trong Công giáo mà chủ trương là cải tạo xã hội theo nguyên tắc Marxist, nhưng phong trào Thần học giải phóng này bị các vị giám mục ở bên Nam Mỹ phản bác vì không đúng với tinh thần của Ki-tô giáo, nên Đức Giáo Hoàng Francis một người từ Argentina biết rõ Thần học giải phóng này cho nên chắc chắn Ngài sẽ có một cái nhìn cảnh giác đối với các chế độ theo Marxist, trong đó có chế độ Cộng Sản Việt Nam và ở Trung Quốc.

Thứ ba, tuy rằng, Đức giáo hoàng Francis không có chủ trương lật đổ chế độ Cộng Sản như vị tiền nhiệm của ngài là Đức Gio-an Phao-lô đệ nhị, chúng ta biết rằng Đức Gio-an Phao-lô đệ nhị người gốc Ba-lan đã từng hợp tác với tổng thống Mỹ RonaldReagan, cũng như tổng bí thư của Liên-xô Mikhail Gorbachev để xóa sổ chế độ cộng sản ở bên Đông Âu. Nhưng riêng vị Giáo Hoàng đương thời này tuy rằng ngài không theo đường lối của Đức Gio-an Phao-lô đệ nhị. Thực ra Đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô đệ nhị đã hoàn thành một công việc rất lớn rồi. Tuy rằng không theo nhưng Ngài luôn luôn nhắc tới bổn phận làm chính trị cho mọi người Công giáo. Thời gian gần đây, ngài luôn luôn nói rằng người công giáo phải làm chính trị, các vị lãnh đạo tinh thần phải làm những cố vấn hỗ trợ về kiến thức chính trị cho những giáo dân. Còn những giáo dân phải nhảy vào chính trường để mà cải tạo xã hội này, nói chung lại ngài nói rằng đạo Công giáo phải tìm cách để mà chiến đấu cho công lý. Và dĩ nhiên ngài cũng biết rằng ở tại xã hội Việt Nam này không hề có công lý đúng nghĩa, không hề có sự tôn trọng nhân quyền và dân quyền như ở tại các nước khác. Cho nên qua đó cũng là một cái thái độ của Đức giáo hoàng Francis đối với Việt Nam.

Vấn đề là những người ở tại Việt Nam là các quý vị lãnh đạo tinh thần cũng như các giáo dân có hiểu được ý của Đức giáo hoàng để thi hành vai trò của mình là đòi công lý, thực hiện công lý trong xã hội này không. Có nhiều tiếng nói ở tại Việt Nam cho rằng Hội đồng giám mục Việt Nam, các dòng tu Việt Nam, các linh mục, các tu sĩ Việt Nam phải nên bắt chước các giáo hội ở bên Đông Âu, là phải dấn thân hơn nữa để làm cho đất nước này không có chủ nghĩa cộng sản là cái chủ nghĩa mà đầu độc tâm trí con người, không còn chế độ cộng sản là chế độ mà tàn hại xã hội về mọi phương diện; và trên ghế quyền lực không còn có đảng Cộng Sản mà bao nhiêu năm nay đã tỏ ra bất nhân, bất lực, bất tài, đã không đem lại được gì, không mang lại được gì, không ích lợi gì cho đất nước cả.

PV Kiều Phong:
Vâng, sau đây là câu hỏi cuối cùng Kiều Phong muốn nêu ra cho cha. Đó là, chúng ta có quyền hi vọng gì ở ý thức công dân của người giáo dân Công giáo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Linh mục Phan Văn Lợi:
Vâng, kính thưa quý vị. Người công giáo Việt Nam giống như mọi người dân khác đều đã hiểu rõ chế độ cộng sản, bốn mươi năm là quá đủ rồi, như là mấy câu khẩu hiệu mà mới đây chúng ta thấy nhân cái dịp kỷ niệm 30/04, người giáo dân đã hiểu rõ cái bản chất của chế độ này, những gì mà chế độ này đã làm trên đất nước, cho nên chắc chắn là ý thức của họ về xã hội, về chế độ càng ngày càng rõ ràng và càng ngày càng dâng cao. Đồng thời chắc chắn trong lòng họ cũng sôi sục ước muốn là phải tìm cách dân chủ hóa đất nước. Nhưng mà ở trong Công giáo thì lại có một cái sự kiện, đó là những người giáo dân ý thức như vậy, nhưng để ý thức của họ mà bừng dậy thành hành động, để họ có thể liên kết với nhau được, thì cái đó cũng có sự tác động của hàng lãnh đạo. Giáo hội Công giáo là một tổ chức rất chặt chẽ, có kỷ luật, thì nếu mà ở bên dưới là khởi xướng nhưng mà trên không đồng ý, trên vẫn im lặng thì vẫn không làm được gì. Còn ngược lại nếu ở trên mà khởi xướng, nêu ra vấn đề, đưa ra chỉ thị thì ở dưới sẵn sàng để mà đi theo. Cái này chúng ta thấy kinh nghiệm bên Đông Âu rồi.

Ở bên Đông Âu trước đây và cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90, chính các hàng lãnh đạo, các vị hồng y giám mục ở bên đó đã là những con người mở đường cho phong trào dân chủ hóa đất nước. Người ta còn thấy những tên tuổi như vị rất nổi tiếng, Đức hồng y Woityla mà sau này trở thành Giáo hoàng Gio-an Phao-lô đệ nhị, rồi Đức hồng y Stepinac, đức hồng y Tomko, và nhiều vị khác nữa. Chính các ngài là đầu tàu và biến quần chúng thành sức mạnh ở đấy. Cái ý thức và cái đòi hỏi về dân chủ của người Công giáo, người giáo dân ngày càng lớn vì họ thấm thía chế độ lắm, thấm thía hơn tất cả những người trong hàng ngũ tu sĩ, linh mục, và giám mục, nhưng mà cần phải có một sự đồng hành, cần có một sự hướng dẫn, cần có một sự thúc đẩy của hàng lãnh đạo ở bên trên.Chính khi mà hàng lãnh đạo Giáo Hội đã từ bỏ cái mặc cảm là làm chính trị, thật sự ra là hàng lãnh đạo phải làm chính trị trên phương diện không phải đảng phái, không phải tham gia chính trường, nhưng mà như là những người lãnh đạo tinh thần,như là những người cố vấn cho các giáo dân và biết hướng dẫn các giáo dân đòi hỏi công lý, đòi hỏi tự do, dân chủ thì lúc đó cái ý thức công dân của người giáo dân mới có thể đạt tới những thành tựu cho quê hương đất nước Việt Nam.

PV Kiều Phong:
Vâng, Kiều Phong xin được cám ơn Cha vì cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Linh mục Phan Văn Lợi:
Xin cám ơn anh và xin cám ơn Việt Nam Thời Báo đã có cuộc phỏng vấn này để cho chúng tôi được lên tiếng với đồng bào, không những đồng bào công giáo mà tất cả mọi đồng bào Việt Nam, xin cám ơn. 
Phỏng Vấn LM Phan Văn Lợi: Tôn Giáo Ở VN Đang "Tự Do" Như Thế Nào? Reviewed by Unknown on 6/11/2015 Rating: 5 Phóng viên Kiều Phong đến từ Việt Nam Thời Báo xin kính chào linh mục Phan Văn Lợi. Thưa Cha Lợi, trong giai đoạn 4 năm trở lại đây, từ n...

Không có nhận xét nào: