'Cần Hòa Giải Với Người Chết' - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
16 tháng 7, 2015

'Cần Hòa Giải Với Người Chết'

GS Lê Xuân Khoa: Chính sách đối xử kỳ thị rõ rệt nhất, trái ngược với hòa giải thật sự, là trường hợp Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa (NTBH), nơi chôn cất trên 16,000 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã bỏ mình trong cuộc nội chiến vì mâu thuẫn ý thức hệ.

Ngay sau khi đất nước thống nhất, nghĩa trang này được Bộ Quốc phòng giao cho Quân khu 7 quản lý. Bức tượng “Thương Tiếc” cao 5m khắc họa một quân nhân ngồi tưởng niệm tử sĩ đặt trên bệ ở ngoài cổng nghỉa trang bị hạ xuống và đem đi mất tích. Nghĩa trang bị thâu hẹp diện tích và rào kín thành cấm địa, dân chúng không được vào thăm viếng. Một số bia mộ bị quân đội nhân dân dùng làm bia tập bắn. Sau nhiều năm, hàng ngàn ngôi mộ bị sụp lở, đất đai bỏ hoang cho cây cỏ và dây leo mọc bừa bãi, cảnh tượng trông rất thê lương.

Năm 2003, nhân dịp phái đoàn ngoại giao do Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin cầm đầu sang Mỹ công tác, một buổi tiếp xúc giữa phái đoàn với một số trí thức người Mỹ gốc Việt thuộc cả hai thế hệ đã diễn ra tại trường Cao học Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins, Washington DC, để trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm.

Buổi họp do khoa học gia NASA Trương Hồng Sơn làm điều hợp viên. Khi những trở ngại cho vấn đề hòa giải được đề cập thì Phạm Đức Trung Kiên, một trí thức trẻ khi đó là Giám đốc Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation) do Quốc Hội Mỹ thành lập, nêu ý kiến là chuyện hòa giải giữa những người sống vẫn còn quá nhạy cảm, vậy hãy nên bắt đầu bằng hòa giải với những người đã khuất. Anh Kiên nảy ra ý kiến này vì chợt nghĩ đến kinh nghiệm bản thân trong chuyến đi Việt Nam công tác mới về. Anh cùng một người bà con ở Saigon thuê xe đi thăm mộ một người thân ở Nghĩa trang Biên Hòa.

Tới nơi, thấy nghĩa trang bị rào kín nhưng có một chỗ hổng đủ rộng cho hai người chui vào. Trong lúc đang tìm kiếm vị trí ngôi mộ thì bỗng nghe tiếng quát tháo của lính canh. Hai người hoảng hốt chui ra và lên xe chạy mất. Cuộc thảo luận sau đó dẫn đến đề nghị cụ thể của đa số là chính phủ đứng ra trùng tu hay cho phép tư nhân trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa, hay tối thiểu cũng mở Nghĩa trang cho thân nhân tử sĩ được vào thăm, sửa sang hay xây cất lại mộ phần. Thứ trưởng Nguyễn Đình Bin cho biết đây là khu quân sự đang được đặt dưới quyền cai quản của Quân khu 7. Ông ghi nhận đề nghị của anh Kiên và hứa sẽ đạo đạt nguyện vọng của hội nghị tới các cơ quan có thẩm quyền.

Trên đường về nước sau buổi họp này, ông Nguyễn Đình Bin đã ghé California gặp cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ, và ông Kỳ cũng nêu lên vấn đề NTBH với ông Bin. Như đã thấy, thiện chí hòa giải của ông Kỳ qua việc xây cất lại tượng đài và làm lễ cầu siêu chung cho tử sĩ cả hai bên đã không được chính phủ Việt Nam chấp thuận.

Đề nghị thực tế và khiêm tốn hơn của nhóm trí thức ở Washington DC cũng phải đợi đến năm 2007, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định 1568/QĐ-TTg ngày 27.11.2006 “dân sự hóa” NTBH, mới được chính quyền địa phương giải quyết một cách hạn chế và tùy tiện. Sau khi Quân khu 7 trao quyền quản lý NTBH cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, nghĩa trang này được đổi tên thành “Nghĩa trang Nhân dân Bình An”.

Đến đây, cần phải nhắc đến sự giúp đỡ thầm lặng nhưng rất quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong dịp găp ông Kiệt lần đầu tiên vào tháng Ba 2007 để thảo luận khả năng thành lập một “think tank” độc lập ở Việt Nam với sự hợp tác của một số trí thức ở trong và ngoài nước, tôi đã nhắc đến đề nghị “hòa giải với người chết” do Phạm Đức Trung Kiên nêu lên với phái đoàn Nguyễn Đình Bin từ gần bốn năm trước. Tôi nhấn mạnh rằng đề nghị này có được thi hành thì trí thức, chuyên gia người Việt ở nước ngoài mới sẵn sàng đóng góp tài năng vào các dự án phát triển đất nước.

Ông Kiệt hoàn toàn tán thành ý kiến của tôi. Ông cũng cho tôi hay là có một nhóm cựu quân nhân VNCH vừa tìm đến ông xin giúp họ được phép tìm mộ những tù cải tạo đã chết trong các trại giam để bốc mộ và trao trả hài cốt cho thân nhân đưa về cải táng ở quê quán hay đưa vào yên nghỉ trong Nghĩa trang Biên Hòa. Ông đã nhận lời giới thiệu nhóm này với những địa phương có trại tù cải tạo để có thể thực hiện công tác thuần túy nhân đạo này.

Về vấn đề trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa, ông Kiệt sẽ quan hệ với chính quyền tỉnh Bình Dương để lấy them thông tin và tìm cách giải quyết trong tinh thần hòa giải. Khi thấy tôi lo ngại về mục đích dân sự hóa Nghĩa trang Biên Hòa, theo quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “để phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bình Dương” thì ông Kiệt quả quyết với tôi là phần đất của nghĩa trang sẽ được giữ nguyên vẹn. Tuy nhiên, ông đồng ý khi tôi phát biểu là nếu Nghĩa trang Biên Hòa không được sửa sang và duy trì như một di tích lịch sử ở miền Nam thì dự án “think tank” khó có thể được trí thức ở nước ngoài tham gia như mong đợi.

Ông sẽ thu xếp cho tôi đi gặp lãnh đạo tỉnh Bình Dương để có thông tin đầy đủ và xác định những trở ngại cần phải vượt qua. Với những kết quả đã đạt được khi ông còn sống, tôi có thể khẳng định rằng nhờ có sự can thiệp âm thầm nhưng mạnh mẽ ban đầu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà NTBH, ít nhất là diện tích có mộ phần các tử sĩ, đã không bị sử dụng vào mục đích “phát triển kinh tế, xã hội.” Thật đáng tiếc là ông đã vĩnh viễn ra đi trước khi hai chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa đạt được mục tiêu mong muốn.

Tìm mộ tù cải tạo hay 'Tử sĩ trở về'


Sau cuộc họp tại Đại học Johns Hopkins năm 2003, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Đình Bin có thể đã chuyển đề nghị “hòa giải với người chết” của nhóm trí thức Mỹ gốc Việt đến các cơ quan có thẩm quyền, nhưng không có kết quả, chắc hẳn đã gặp phải những phản ứng tiêu cực, nhất là từ hai Bộ Công an và Quốc phòng.

Như vậy, cho đến khi có sự can thiệp của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 2007, NTBH đã bị bỏ hoang 32 năm cho thiên nhiên tàn phá và đã có những hành động xúc phạm đến người chết như dùng một số bia mộ làm đích tập bắn, xây cất chuồng bò trong nghĩa trang, thậm chí có một cầu tiêu đã được xây ngay bên trong Nghĩa Dũng Đài.
 
Hai ông Nguyễn Cao Kỳ và Võ Văn Kiệt lúc sinh thời

Trên đây có nói đến một nhóm cựu tù cải tạo tìm đến cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào đầu năm 2007 xin giúp đỡ cho dự án tìm mộ và cải táng hài cốt những người đã chết trong các trại cải tạo. Đây là nhóm Tổng Hội H.O. ở Houston, Texas, mà chủ tịch là cựu Thiếu tá Nguyễn Đạc Thành, cựu tù cải tạo hơn 9 năm trong nhiều trại từ Nam ra Bắc, được thả năm 1984 và sang Mỹ định cư theo diện H.O. năm 1990. Khi ở trong tù phải chứng kiến những cái chết đau thương của bạn đồng tù và biết rằng thân xác của họ bị chôn cất qua loa ở trong rừng, thiếu tá Thành đã có lời nguyện với linh hồn người quá cố là nếu sống sót đến ngày được thả về, ông sẽ làm mọi cách tìm mộ và giúp thân nhân bốc mộ đưa hài cốt về cải táng ở nghĩa địa gia đình hay quân đội.

Phải hơn 20 năm sau Thiếu tá Thành mới có cơ hội thực hiện lời nguyện này. Qua sự vận động của Luật sư Robin Mitchell với các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đầu năm 2007 ông Thành và một thành viên ban chấp hành Tổng Hội H.O. đã về nước gặp ông Trần Quang Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở Nước ngoài, sau đó đến gặp cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và được ông Kiệt nhận can thiệp với Bộ Ngoại giao giúp thực hiện dự án tìm mộ tù cải tạo. Do sự giới thiệu của ông Kiệt, khi trở về Mỹ, Thiếu tá Thành liên lạc với tôi và mời tôi làm cố vấn cho dự án được ông đặt tên là “Tử sĩ Trở về” (The Returning Casualty).

Từ đó, tôi có dịp góp ý với ông Thành về kế hoạch vận động cả trong và ngoài nước, vì ngoài sự chấp thuận và hợp tác của chính phủ Việt Nam, dự án cũng cần có sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ, quốc hội và cộng đồng người Việt hải ngoại. Vào lúc đó, Tổng Hội H.O. cũng có thêm sự giúp đỡ của Luật sư Wesley Coddou về các giấy tờ pháp lý và đối ngoại.

Qua nhiều lần tiếp xúc với các đại diện Sứ quán và lãnh sự Việt Nam ở Hoa Kỳ để giải đáp các nghi vấn về hoạt động của Tổng Hội H.O., đầu tháng Mười 2007, ông Nguyễn Đạc Thành về Việt Nam gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình. Sau khi tìm hiểu thêm, ông Bình cho phép VAF thực hiện chương trình “Tử sĩ Trở về”. Khi ấy tất cả các trại đều đã đóng cửa vì tù cải tạo đã được thả hết. Những địa điểm đầu tiên ông Thành đi thăm là Đồi Cây Khế ở Yên Bái, sau đó là Mường Côi, Bản Bò, Khe Nước và Bản Nà, tất cà đều ở tỉnh Sơn La, tìm được tổng cộng 87 ngôi mộ. Riêng Đồi Cây Khế đã có 57 mộ.

Những cuộc tìm mộ sau đó đều tiến hành rất chậm vì có nhiều đia phương không chịu hợp tác dù đã có lời yêu cầu của Bộ Ngoại Giao hay thư giới thiệu của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Để tránh sự nhạy cảm của các viên chức chính phủ, Tổng Hội H.O. được đổi tên là Vietnamese American Foundation (VAF) đăng ký chính thức tại tiểu bang Texas dưới qui chế của một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, nhưng kết quả đối xử của Việt Nam vẫn không khá hơn.

Mặc dù VAF được dân chúng địa phương thông cảm và giúp đỡ, việc tìm kiếm mộ rất khó khăn vì hầu hết tù cải tạo khi chết đều được chôn ở trong rừng, được các bạn tù đánh dấu vội vã bằng cách ghi tên người chết trên những mảnh ván hay hòn đá thay cho bia mộ. Những nấm mồ nông cạn bằng đất nay đã tan vào lòng cây cỏ và những bia mộ tạm thời cũng không còn nữa. Chỉ khi nào chính quyền địa phương, thực tế là công an, cung cấp bản đồ chôn cất thì mới biết đích xác vị trí các ngôi mộ. Một số dân lớn tuổi ở địa phương có thiện chí giúp đỡ VAF nhưng trí nhớ không rõ rệt, vì thế số ngôi mộ tìm được ở những nơi không được chính quyền chỉ dẫn chắc chắn còn thiếu sót.

Điển hình nhất là vụ chính quyền tỉnh Phú Yên, vào tháng 10, 2012 hủy bỏ vào giờ chót quyết định cho phép VAF bốc mộ tù cải tạo khi phái đoàn VAF đã về tới Saigon với một đoàn y sĩ tình nguyện để chữa bệnh phát thuốc sức khỏe cho dân nghèo ở Phú Yên, chi phí rất tốn kém. Sau sự cố này, VAF phải tạm ngưng chương trình “Tử sĩ Trở về”.

Tính đến tháng 10, 2012, đúng 5 năm sau ngày khởi sự tìm mộ ở Yên Bái và Sơn La, VAF đã tìm được 500 mộ tù cải tạo trong đó có 225 bộ hài cốt được trao cho thân nhân đem về quê cải táng. Một số hài cốt không có người nhận được gửi ở chùa hay nhà thờ chờ ngày được phép đưa vào NTBH. Số mộ còn lại chưa tìm được thân nhân, VAF xin bốc mộ đưa hài cốt vào chôn ở NTBH nhưng chính quyền không chấp thuận.

Con số 500 mộ đã tìm được chắc chắn là quá ít so với tổng số tù cải tạo bị chết trong các trại. Chính phủ Việt Nam còn giữ kín các con số liên quan đến các trại tù cải tạo, nhưng ngày 29 tháng Tư, 2001, báo Orange Countty Register công bố kết quả nghiên cứu tài liệu về các trại tù cải tạo và phỏng vấn các nhân chứng, cho thấy có khoảng 1 triệu người bị bắt giam không được xét xử, 165 nghìn người chết trong thời gian bị giam giữ, và ít nhất có 150 trại tù cải tạo được dựng lên sau khi Sài gòn thất thủ.

Một sự kiện quan trọng cần được nhắc đến là VAF, nhờ quan hệ của luật sư Wesley Coddou, đã được Trung tâm Nhận Dạng, Đại học Bắc Texas (Center for Human Identification, Department of Forensic and Investigative Genetics, University of North Texas Health Science Center) nhận thử nghiệm miễn phí DNA từ các mẫu hài cốt tù cải tạo và thân nhân của họ. Việc thử nghiệm DNA đem lại niềm an ủi vô cùng lớn lao cho những gia đình tù cải tạo đã chết trong tù mà mộ đã mất bia và không có di vật gì bên cạnh hài cốt khiến thân nhân có thể xác nhận là của người quá cố.

Chuyên gia khảo cổ Julie Martin, người tham gia đoàn VAF về Việt Nam lấy mẫu hài cốt tù cải tạo tại Làng Đá, Yên Bái, tháng Bảy 2010, đã viết bài tường trình về chuyến đi trong một cuốn sách viết với nhiều tác giả về kinh nghiệm khảo cổ pháp y vừa được xuất bàn (Forensic Archeology: A Global Experience, John Wiley and Sons, Ltd., 2015).
Nghị sỹ Lowenthal thăm và thắp hương tại Nghĩa trang Biên Hòa

Tác giả ghi nhận, ngoài việc giúp thân nhân nhận được hài cốt người chết do thử nghiệm DNA, VAF còn có mục đich “đưa hài cốt tù cải tạo không thân nhân hay không thể nhận dạng vào cải táng trong Nghĩa trang Biên Hòa, và trùng tu nghĩa trang này thành một nơi tưởng niệm lâu dài dành cho những người đã bỏ mình trong một cuộc chiến chia rẽ đất nước và dân tộc của họ.” Đặc biệt trong chuyến đi này, đại diện gia đình tử sĩ đã quay được một cuốn video về cuộc đào mộ lấy hài cốt tù cải tạo với những hình ảnh rất “sốc” khiến người xem không cầm được xúc động.

Cuốn video này chắc chắn không làm hài lòng các viên chức chính quyền và có lẽ vì thế mà công tác bốc mộ của VAF ở đồi Cù Lao, Phú Yên, đã bị ngăn chặn khiến cho VAF phải tạm ngưng chương trình tìm mộ tù cải tạo từ năm 2012.

Trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa

Chính phủ CHXHCNVN đã chứng tỏ thiện chí hòa giải với chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ trong chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tich (POW/MIA) nhưng lại không muốn hòa giải với chính đồng bào của mình còn ở lại miền Nam hoặc đã ra đi tị nạn ở nước ngoài.

Tám năm sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ bình thường, đề nghị “hòa giải với người chết” được trí thức Mỹ gốc Việt nêu lên trong cuộc gặp gỡ phái đoàn Nguyễn Đình Bin ở Đại học Johns Hopkins năm 2003 vẫn không được chính phủ Việt Nam đáp ứng. Phải mất thêm bốn năm nữa, nhờ sự giúp đỡ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tổ chức VAF mới được phép thực hiện chương trình tìm mộ tù cải tạo.

Đáng chú ý nhất là sau khi ông Thành và LS Coddou lên Washington, DC được thêm sự ủng hộ của Giám đốc Vụ Châu Á-Thái Bình Dương tại Bộ Ngoại giao Matthew Palmer và Thượng Nghị sĩ Jim Webb năm 2009 thì VAF thực hiện thành công vụ bốc mộ ở Làng Đá năm 2010 với sự hợp tác của cơ quan thử nghiệm DNA tại Houston. Kết quả thử nghiệm DNA đã giúp một số gia đình tù cải tạo nhận đúng hài cốt của người thân lấy từ những ngôi mộ vô danh ở trong rừng.

Nhưng có thể sự tham gia bất ngờ của chuyên gia DNA và kết quả thử nghiệm đã khiến cho VAF lại gặp trở ngại trong nỗ lực tìm và bốc mộ tù cải tạo. Như đã thấy trong trường hợp tỉnh Phú Yên, chính quyền địa phương không cho phép chuyên gia DNA lấy mẫu hài cốt mà chỉ cho VAF bốc những ngôi mộ còn bia, nhưng ngay cả việc cho phép hạn chế này cũng bị hủy bỏ vào giờ chót. VAF phải quyết định (tạm) ngưng chương trình này vì nếu không có thử nghiệm DNA thì những nấm mộ không có bia sẽ vĩnh viễn bị vô danh, vô thừa nhận.

Tại sao chính quyền không cho thử nghiệm DNA? Phải chăng vì kết quả thử nghiệm khoa học này không chỉ giúp nhận dạng người chết mà còn có thể biết được nguyên nhân của cái chết?

Cũng như đối với chương trình tìm và bốc mộ tù cải tạo, chính phủ Việt Nam chưa khi nào chính thức cho phép VAF trùng tu NTBH. Mọi công tác bốc mộ hay xây mộ chỉ được chấp thuận bằng miệng, trừ một lần VAF nhận được văn thư địa phương cho phép nhưng lại thu hồi ngay. Đó là trường hợp ngôi mộ tập thể gồm hơn 200 thi hài binh sĩ VNCH còn để trong nhà quàn của nghĩa trang ngày 30.4.1975 nhưng bị quân đội nhân dân đào hố chôn chung ở ngoài vòng nghĩa trang.

Tháng Ba năm 2011, VAF xin bốc ngôi mộ tập thể này để đưa hài cốt vào bên trong nghĩa trang. Một tháng sau, nhờ sự can thiệp của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Dương mời ông Nguyễn Đạc Thành về nhận văn thư chấp thuận và thảo luận chi tiết chương trình tổ chức bốc mộ của VAF. Ông Thành được Sở Ngoại vụ trao tận tay văn thư này, nhưng khi về đến Mỹ thì ông nhận được quyết định thu hồi giấy phép.

Những quyết định bất nhất trên đây cho thấy thế lực địa phương còn mạnh và ý định thật sự của họ chỉ có thể được hiểu là họ muốn giải tỏa NTBH, vừa xóa sạch di tích của VNCH, vừa trở nên giàu có hơn vì có thêm đất cho ngoại quốc đầu tư (chủ yếu là Trung Quốc). Thâm ý đó được thấy rõ trong việc đổi tên Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa thành Nghĩa trang Nhân dân Bình An.

Thâm ý đó cũng được thấy trong việc chính quyền thúc giục thân nhân tử sĩ đưa hài cốt trong NTBH về cải táng ở quê nhà; như vậy nghĩa trang quân đội miền Nam sẽ biến thành một nghĩa trang thuần túy dân sự để có thể giải tỏa dễ dàng. Vì VAF được sự ủng hộ của ông Võ Văn Kiệt và Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội, chính quyền phải trì hoãn kế hoạch giải tỏa NTBH. Sau cái chết của ông Kiệt năm 2008, chương trình trùng tu NTBH của VAF bị ngưng trệ cho tới năm 2012 mới được khởi động lại.
 
TBT Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến thăm Hoa Kỳ

Trong chính quyền có một xu hướng cởi mở theo chủ trương hòa giải của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phần lớn từ Bộ Ngoại giao, nhưng họ còn phải dè dặt không chỉ vì sự chống đối của phe bảo thủ mà còn vì một số vấn đề chưa được giải quyết, chẳng hạn miền Bắc và Mặt trận Giải phóng Miền Nam còn có khoảng 300,000 binh sĩ và cán bộ đã bỏ mình trong cuộc chiến chưa tìm được xác.

Giả thử sau khi thống nhất, “bên thắng cuộc” (mượn từ của Huy Đức) thực hiện hòa giài hòa hợp dân tộc, không đầy đọa trên dưới một triệu người miền Nam trong các trại tù khổ sai được gọi là “cải tạo” thì đôi bên thắng và thua đã có thể ngồi lại với nhau cùng giải quyết những vấn đề quá khứ của mỗi bên.

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài có khả năng đóng góp tài chính và kỹ thuật, đồng thời có lợi thế vận động các chính phủ và tổ chức tư nhân quốc tế hỗ trợ cho chương trình MIA của Việt Nam bên cạnh những chương trình phát triển kinh tế xã hội...

Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã không ngớt kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc (về sau chỉ nói đến “hòa hợp”) và dành nhiều sự dễ dãi cho người Việt hải ngoại trở về thăm quê hương, làm việc từ thiện, nghiên cứu, giảng dạy, hay đầu tư, kinh doanh.

Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ thể hiện chính sách hòa giải một chiều có lợi ích cho chế độ, không phải là hòa giải hai chiều dẫn đến đối xử bình đẳng và hợp tác có lợi ích cho đất nước.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam nói lên những lời chính đáng trước chính phủ và nhân dân hai nước.

Chính phủ Hoa Kỳ và mọi người Việt Nam, trong và ngoài nước, đều trông đợi những hành động cụ thể của chính phủ Việt Nam, tốt nhất là bắt đầu bằng sự chấp thuận dứt khoát và toàn bộ chương trình “hòa giải với người chết” như đề nghị của VAF.

Tôi tin rằng lần này các chính quyền địa phương, đặc biệt là tỉnh Bình Dương, sẽ tuân theo chỉ thị của trung ương để hợp tác và giúp đỡ VAF hoàn tất chương trình tìm mộ tù cải tạo và trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa.
GS Lê Xuân Khoa/ BBC
'Cần Hòa Giải Với Người Chết' Reviewed by Unknown on 7/16/2015 Rating: 5 GS Lê Xuân Khoa: Chính sách đối xử kỳ thị rõ rệt nhất, trái ngược với hòa giải thật sự, là trường hợp Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa (NTBH...

Không có nhận xét nào: