Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần IV - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
2 tháng 7, 2015

Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần IV

J.B Nguyễn Hữu Vinh: Trên con đường dẫn vào Giáo xứ Đông Yên một thời sầm uất, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ lấm lem quẩn quanh chui trong những căn nhà đổ nát tránh nắng, những em bé ngồi thẩn thơ vô hồn bên các vệ đường. Hỏi về hiện tượng này, người dân ở đây cho biết: 155 học sinh của bà con giáo dân ở đây, đã bị buộc không cho đi học cả năm trời nay. Năm học vừa qua khi học sinh cả nước đến trường, thì những học sinh ở đây chỉ biết hàng ngày chui vào các ngôi nhà hoang chơi trò trốn tìm hoặc lang thang đâu đó vô cùng nguy hiểm trong đống đổ nát, hoang tàn.

Và câu chuyện của người dân nơi đây, đặt ra cho chúng tôi câu hỏi: 158 hộ dân với 155 đứa trẻ trong độ tuổi đến trường họ có còn là công dân Việt Nam? Các cháu bé có tội tình gì và luật pháp có còn ảnh hưởng đến vùng đất này không?

Bởi dù sao thì vùng đất này vẫn đang nằm ngoài khu vực bán cho Tàu - Đài Loan.

Những trò đểu cáng, tàn độc với trẻ thơ

 
Trước hết, để làm áp lực buộc người dân nơi đây, ngoài các biện pháp như đã nói ở trên, buộc các giáo dân vâng lời ngoan ngoãn ngậm ngùi chùi nước mắt ra đi, thì đối với những hộ dân không chấp nhận đền bù và di chuyển, họ phải trải qua muôn cay, nghìn đắng. Trong khi, ước nguyện của họ chỉ là được ở lại mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình mà hiện chưa biết dùng làm gì.

Trong tổng số giáo dân Đông Yên, có 158 hộ dân với khoảng 800 người không di chuyển.

Những hộ dân đang canh tác, gieo cấy lúa trên đồng ruộng, chợt một ngày có người xịt thuốc chết sạch.

Những hộ dân chấp nhận di dời, dù xen kẽ trong hoặc giữa xóm, thì đầu tiên là nhà cửa phải đập bỏ. Những ngôi nhà còn lại nhỏ nhoi, trơ trọi trong đống đổ nát hoang tàn, chịu cái nắng nóng như đốt của miền Trung về mùa hè và cái lạnh cắt da về mùa đông.

Điện thì có hay không tùy thích, đời sống muôn vàn cực khổ cộng thêm sự thù địch và phân biệt, chia rẽ tạo cho họ những áp lực tinh thần ghê gớm.

Nhưng, đểu nhất, thất nhân tâm nhất là người ta đã dùng chính trẻ con, con cháu họ để làm con tin buộc họ khuất phục rời bỏ mảnh đất cha ông.

 
Ngay từ khi nói đến chuyện di dời, các hộ dân bận rộn lo lắng, thì nhà nước tổ chức đập phá ngay ngôi trường của các cháu nhỏ. Hệ thống nhà trường, thầy cô giáo rút hết ra khỏi khu vực, biến một khu vực với hơn 800 con người trắng về cả y tế lẫn giáo dục.

Vùng Đông Yên biệt lập với những vùng khác, bên cạnh là vùng đất Formosa rộng lớn và rào kín, các cháu như kiến giữa bãi cát không thể đi lại. Kể từ đó, các cháu thất học và bơ vơ.

Người dân Đông Yên đã kêu cứu khắp nơi, lo lắng cho con cái mình, họ chạy đến từ Tỉnh ra Trung Ương, rồi Thanh tra Chính phủ... Đơn đi, thư lại chạy tít vòng quanh. Nhưng, một năm qua, khi trẻ thơ cả nước cắp sách đến trường, thì 155 cháu học sinh, con cái của những người dân Đông Yên còn lại nơi đây không hề được đến lớp.

Hành động của nhà cầm quyền tại đây tước bỏ quyền được học hành của các cháu, là hành động vi phạm pháp luật rõ ràng. Luật Giáo dục duy định:

"Điều 10. Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân
Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân.
Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng.
Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số, con em gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, người tàn tật, khuyết tật và đối tượng được hưởng chính sách xã hội khác thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của mình.

Điều 11. Phổ cập giáo dục
1. Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước."

Luật ghi rõ ràng là vậy, nhưng cách thực hiện của nhà cầm quyền Hà Tĩnh như chúng tôi đã nói ở trên. Đã một năm học qua đi, 155 học sinh tại Đông Yên không được đến trường. Năm học mới sắp đến, các cháu vẫn đang chưa biết có cơ hội nào để được học tiếp.

Nhà cầm quyền Hà Tĩnh hành xử với trẻ em ở Đông Yên, có phải là sự chà đạp pháp luật một cách trắng trợn không chỉ Luật giáo dục, mà còn hàng loạt các văn bản luật pháp khác, trong đó, có Luật trẻ em. Ở đó ghi rõ:

"Điều 4. Không phân biệt đối xử với trẻ em

Trẻ em, ...không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

1. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu.

Điều 6. Thực hiện quyền của trẻ em

1. Các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện.

2. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật."

Có thể nói rằng, với người lớn khi có những mâu thuẫn, họ tranh cãi, chém giết lẫn nhau là chuyện vẫn có thể. Nhưng, dùng con trẻ làm con tin, thì xưa nay chưa có nước nào, nơi nào trên thế giới có thể làm được như vậy ngoại trừ bọn khủng bố và côn đồ. Nhất là với tư cách nhà cầm quyền, nhà nước "của dân, do dân và vì dân" mà lại dùng những ngón đòn hèn hạ này, thì đó gọi là nhà nước gì?

 
Bởi trẻ thơ tội tình gì mà nên nỗi. Nhìn các cháu bơ vơ bên vệ đường, trong các ngôi nhà sập đổ, tôi thấy như văng vẳng bên tai câu thơ của Hồ Chí Minh: "Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Mới năm ngoái đây thôi, ở ngôi trường này, các cháu còn buộc phải thuộc lòng bài hát: "Ai yêu các em nhi đồng bằng bác Hồ Chí Minh".

Vậy mà chỉ vì bố mẹ không chịu chấp nhận bị đuổi đi khỏi nơi chôn rau cắt rốn, mà các cháu đã bị biến thành con tin của nhà nước luôn hô hào "lấy giáo dục làm quốc sách"!

Báo chí, kể cả báo chí nhà nước lên tiếng về những trẻ em đã bị biến thành con tin này, nhưng tất cả như đá ném ao bèo. Khi nói đến điều này, một người dân nói với tôi: "Ở đây họ sợ gì, Thanh tra chính phủ công bố việc cho Tàu thuê 70 năm là trái luật, thì lập tức đã có Thủ tướng đỡ lưng cho họ. Mấy quan huyện và xã câu kết với nhau chiếm đoạt tham nhũng hàng chục tỷ đồng rồi vẫn cứ làm ngơ. Vậy thì chuyện trẻ con không được đi học vì bố mẹ không vâng lời nhà nước là chuyện cỏn con. Ở vùng này, bây giờ họ làm gì chẳng được".

Di chuyển cơ sở tôn giáo - đòn quyết định hạ gục

Khi trên mạng Internet xuất hiện nhiều hình ảnh, video được cho là Công an đập phá cơ sở tôn giáo của Giáo xứ Đông Yên đã gây nên một sự xúc động mạnh mẽ và một làn sóng dư luận phản đối dữ dội trên mạng. Ngay lập tức, một số kẻ đã đưa những hình ảnh Lễ đặt viên đá Nhà thờ xứ Đông Yên mới do ĐGM Giáo phận chủ trì có mặt của TGM đại diện không thường trực Tòa Thánh và các cán bộ Tỉnh Hà Tĩnh. Hẳn nhiên, ai cũng biết người nào đưa lên những hình ảnh đó nhằm mục đích gì.

Điều đó đã gây nên hiện tượng nhiễu loạn thông tin.

Tìm hiểu về vấn đề này các giáo dân ở đây cho chúng tôi biết như sau:

 
Kể từ hàng trăm năm trước, khi đến lập làng ở đây, người giáo dân Đông Yên đã chăm chút và cần mẫn lao động, bỏ biết bao công sức, mồ hôi, xương máu để xây dựng nên Thánh đường, các công trình thuộc nhà xứ, tượng đài... ngày càng sầm uất làm nơi hội họp và thờ phượng. Những đồng tiền từ mồ hôi nước mắt và cả mạng sống của họ trên biển đã xây dựng lên một cơ ngơi đồ sộ và là niềm tự hào của Giáo dân Đông Yên.

Thế rồi, khi việc di dời Giáo xứ chưa ngã ngũ chuyện ở hay đi, thì Giáo phận nhận số tiền đền bù của nhà nước để đi xây cơ sở mới.

Và chính vì thế, nhà cầm quyền đã huy động đủ loại cảnh sát và các thiết bị đến đập phá nhà xứ Đông Yên. Bởi đó là cơ hội ngàn vàng cho nhà cầm quyền Cộng sản. Thậm chí ở nhiều nơi không cần đền bù, không cần một ý kiến, giáo dân và giáo hội có phản đối, thì nhà cầm quyền Cộng sản còn xông vào cướp không, đập phá như chỗ không người còn được cơ mà. Huống chi, ở đây Giáo phận đã nhận tiền đền bù. Khi đã có súng đạn trong tay, thì việc "đền bù" được coi như một ân sủng mà nhà cầm quyền ban phát.

 
Hẳn nhiên, theo Giáo luật thì mọi cơ sở của Giáo xứ, giáo hội thuộc quyền quyết định của Giám mục. Giáo dân Đông Yên biết điều đó. Thế nhưng, ngoài những người chấp nhận bỏ làng ra đi, vẫn còn 158 hộ dân với hơn 800 nhân danh kiên quyết ở lại họ sẽ lấy nơi nào để thờ phượng? và quyền lợi của họ được sự chăm sóc sẽ là nơi đâu? Khi Giáo quyền nhận sự "đền bù" để phục vụ những giáo dân ngoan ngoãn di chuyển đến nơi mới, thì có tính đến quyền lợi của những người quyết ở lại nơi này hay không? Sự chăm sóc cho họ như thế nào? Hay họ lại trở lại giai đoạn ban đầu cha ông họ khi đến đây lập nghiệp? Hiện nay, duy nhất ngôi nhà thờ còn chưa bị đập, và mỗi tuần có 2 Thánh lễ.

Nhưng, tương lai sẽ ra sao? Đó là những điều giáo dân nơi này trăn trở và mới đây, họ đã kéo nhau đến Tòa giám mục để hỏi về chuyện này.

Phải chăng, phía giáo quyền cũng đinh ninh rằng: Với súng đạn, chó và cảnh sát với những thiết bị hiện đại được sắm bằng tiền của dân nhằm đàn áp nhân dân, thì những người dân nơi đây không thể nào trụ lại được với bạo quyền và súng đạn mà buộc phải ra đi?

Suy nghĩ này liệu có tương tự như Phó CT cái gọi là Quốc hội của CSVN, ông Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn giải thích thái độ ươn hèn của nhà nước trước Tàu Cộng rằng: "Ta như thế này thì bà con thấy ta có ăn thua với họ được không"? Và rồi cứ để mất nước để rồi "Chờ đến đời con cháu ta đòi lại". Chính cái tư duy cá lớn nuốt cá bé của cộng sản đã được thực hiện trọn vẹn qua câu nói dân gian "Hèn với giặc, ác với dân", tạo ra nỗi khiếp sợ và nâng cao sự hèn đớn, an phận.

Và mọi sự đã diễn ra một thực tế hôm nay?

Cũng hẳn nhiên là người giáo dân, khi đã phó thác và tin vào Thiên Chúa, những vấn đề vật chất và cuộc sống vất vả chẳng là gì với họ. Họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh nhiều hơn nữa cũng chẳng từ nan. Thế nhưng, nhiều khi trong cuộc sống, nhiều vấn đề đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống vật chất và tinh thần mà lỗi không phải là của họ. Trước hết là tan nát sự đoàn kết, nhất trí một lòng để tạo nên một Đông Yên kiên cường, vững chắc ngày nào.

Có thể nói rằng: Ở Đông Yên, nhà cầm quyền CS đã thực hiện một cách xuất sắc mục đích của họ: Một Đông Yên tan nát và huyền thoại Đông Yên bị dập tắt. Chính những âm mưu, những mưu đồ của nhà cầm quyền là nguyên nhân mọi nỗi bất hạnh của người dân Đông Yên hôm nay và còn dai dẳng đến mai sau.

Còn tất cả, chỉ là những nạn nhân như mọi nạn nhân của thời Cộng sản.

Hà Tĩnh, Hà Nội, ngày 1/4/2015
J.B Nguyễn Hữu Vinh
----------

Bài liên quan: Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần I
Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần II 
Thăm Lại Đông Yên: Thảm Cảnh Của Nhiều Thế Hệ - Phần IV Reviewed by Unknown on 7/02/2015 Rating: 5 J.B Nguyễn Hữu Vinh: Trên con đường dẫn vào Giáo xứ Đông Yên một thời sầm uất, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ lấm lem quẩn quanh chui t...

Không có nhận xét nào: